Người xưa quan niệm hết sức rõ ràng những gì thuộc về Trời và Đất (ở dạng phi vật thể) như Thánh và Hiền, Quỷ và Thần, đó là cả thảy thuộc về Trời, và cả thảy thuộc về Đất.
Như sau: Thánh và Hiền có hai cấp. Quỷ và Thần có hai loại. Chúng ta cũng đều hiểu rằng cấp: Có khi là đồng dạng nhưng có thứ bậc. Còn loại, đích thị là dị biệt nhưng lại là số đông, và có thể là cùng một vòm, một vùng. Người ta cũng gọi bậc Thánh và bậc Hiền.
Vậy, cấp của bậc Thánh là gì? Đó là: Sinh nhi tri chi. Sinh ra đã biết. Và An nhi hành chi. Thong dong mà hành đạo, không phải cố gắng, không phải dụng công.
Còn cấp và bậc Hiền là gì? Đó là Học nhi tri chi: Học thì mới biết Lợi nhi hành chi: Hành động một cách mau lẹ.
Ngoài hai cấp của bậc Thánh và bậc Hiền, người phương Đông xưa cũng còn liệt kê thêm một cấp nữa. Cấp này không thể xếp là thứ ba, mà được biệt riêng ra để nhìn nhận cho thấu lý. Đó là: Khốn nhi tri chi: Phải vất vả khó khăn thì mới biết. Và: Miễn cưỡng nhi hành chi. Khi hành động phải nỗ lực cố gắng lắm mới có kết quả. Người xưa coi cấp này thuộc về số đông (nhân quần).
Đã là bậc Thánh khi cầm đến bút, thì trước tác đó là Kinh. Vậy Kinh là gì? Là đạo lý hằng thường bất biến làm nên điển phép cho muôn đời thì được gọi là Kinh.
Đến bậc Hiền, khi cầm đến bút thì trước tác là Truyện. Đến đây, chúng ta sẽ thấy cái công việc của nhà văn nhà thơ là thế nào?
Vì thế chỉ có sự nghiệp của các nhà văn, nhà thơ mới được gọi là thiên chức (cái sự nghiệp đó được cấu thành bằng tài năng; tài năng chứ không phải là khả năng). Và cái tài là thuộc thiên bẩm.
Người xưa luôn luôn nói đến chữ Tu, và thực hành Tu như hằng thường. Vậy Tu là gì? Và ra sao? Trước hết Tu theo tầng bậc. Đây cũng là một quy luật trong cái hằng thường.Bẩm nghĩa là trời phú cho. Vậy là trước tác của bậc Hiền là Truyện. Vậy Truyện là để giải thích phát huy, làm sáng tỏ ra ý nghĩa sâu sa của Kinh. Bởi vậy, từ đây có hai cặp chữ nữa mà người xưa hay dùng: Thánh – Kinh; Hiền – Truyện. Nhà bác học Chu Đôn Di (đời Tống) nói như sau: Sĩ hy Hiền; Hiền hy Thánh; Thánh hy Thiên (hy: nghĩa là sự mong). Kẻ sĩ mong sao đạt đến bậc Hiền. (người xưa thường nghĩ: Nhà văn là kẻ sĩ đấy. Nhưng nhà văn nhà thơ mà đạt được đến bậc Hiền thì hiếm). Người Hiền mong sao đạt được đến bậc Thánh nhân. Và, bậc Thánh thì sẽ hợp làm một thể với Trời. Vậy Thánh tức Thiên.
Hãy xem xét đến Ngũ kinh. Đó là một hệ thống Đạo lý hằng thường mẫu mực. Bởi, trong con người ta ai cũng có tố chất Thánh. Và, Tính của con người là Bẩm thụ từ Trời và hoàn toàn là như nhau, không khác nhau. Nhưng có thể và đương nhiên là có những Bẩm thụ khác nhau (thời gian, nơi chốn) khi ấy sự khác nhau này mới chia ra: Thánh, Hiền, Ngu (dốt), Tri (trí tuệ) và sự chia khác này che lấp, thành ra Tính khác nhau.
Vậy, Tu là phục hồi lại cho Tính. Khi một người nào có trọn vẹn một cái Tính thì người ấy đạt bậc Thánh. Và quá trình Tu là một sự vươn lên tầng bậc. Ông Nhan Hồi đạt bậc Hiền và gần với Thánh, chỉ còn một tầng hoá nữa là thành Thánh. Tại sao người xưa chưa coi Nhan Hồi là bậc Thánh, vì người xưa thấy ông vẫn còn cái dụng công (cố gắng) vì thế ông chưa thể là Thánh được. Bao giờ ông hoá, mà vẫn thong dong thì bấy giờ người xưa mới cho ông là Thánh.
Quỷ, Thần, người xưa chia ra làm ba loại: 1. Thiên Thần. 2. Địa kỳ. 3. Nhân quỷ. Những Thần thuộc về Đất thì gọi là Địa kỳ. Và Linh hồn của người thì gọi là Nhân quỷ. (Quỷ đây, không phải là ma quỷ). Tướng nhà Trần là Trần Bình Trọng khi bị quân Nguyên bắt đã nói: “Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn là làm Vua đất Bắc” thì có nghĩa là” “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”, là vậy!
Và Quỷ thần đã chia ra làm 2 loại: 1. Thần thuộc về Trời. 2. Quỷ thuộc về Người. Loại thứ ba thì sau này nó còn mang ý nghĩa triết học.
Kinh dịch có câu: “Tinh khí vi vật, du hồn vi biến, thị cố tri quỷ thần chi tình trạng”. Đó là khi trang khí tụ lại thì là Thần và khí mà tán ra thì được gọi là Quỷ. Chính vì vậy ông Trình Tử (còn gọi là Trình Di) đời Tống mới nói: “Quỷ thần là hình tích của Tạo hoá”. Ông Trương Tái (đời Tống). Còn nói: “Quỷ thần là lương năng của nhị khí. Khi mà nhị khí tụ, sinh ra vạn vật thì đấy là Thần. Và, khi mà nhị khí tán, vạn vật biến hoá, thì là Quỷ. Và, cái năng lực tụ tán là hoàn toàn do tự thân vận hành cho nên gọi nó là Lương năng. Nhị khí là khí Âm và khí Dương. Do đó khi Âm Dương mà tụ lại thì xuất hiện Thần. Và, Âm Dương mà tản ra, tán ra thì xuất hiện Quỷ. Cũng có thể được hiểu như sau: Khi Âm Dương duỗi ra thì thể hiện Quỷ và khi co lại thì thể hiện Thần.
Và, Quỷ thần là thể vật bất di. Nó làm thực thể cho muôn vật mà không sót vật nào. Vì vật nào cũng phải có Nhị khí tụ tán; khuất (co) thân (duỗi) mà nên. Cái lá xanh thì là thần vì nó khuất (co). Cái lá vàng là quỷ vì nó thân (duỗi). Từ sáng đến trưa là Thần, từ trưa đến tối là Quỷ.
Ông Chu Tử nhắc lại lời Khổng Tử, ông nói: “Quỷ thần với nghĩa nguyên thuỷ. Thiên thần địa kỳ là nhân quỷ. Kính quỷ thần nhi viễn chi”. Đối với quỷ thần nên kính nhưng nên xa, nên tránh. Vì nó huyễn hư, không cụ thể, không thiết thực. Nhưng phá quỷ thần thì không dám. Mà phải kính quỷ thần. Nhưng xa và tránh thì tốt hơn”.
Trước thời Khổng Tử và đến thời Khổng Tử, người ta làm cái gì cũng phải cúng. Và dưới đây là câu chuyện ngắn giữa Khổng Tử và Tử Lộ. Tử Lộ hỏi Khổng Tử: “Đối với quỷ thần thì thế nào là trí”? Khổng Tử nói “Nên tránh là trí” Rồi Tử Lộ còn hỏi tiếp: “Thế còn về thờ quỷ thần?”, Khổng trả lời: “Vị tri sinh, yên tri tử”, nghĩa là: Chưa biết sống, sao biết chết” Khổng Tử thường tránh bàn đến quỷ thần. Khổng Tử còn nói: “Tế thần như thần tại” Nghĩa là: “Tế thần như có thần ở đấy”. Nhưng ông cũng nói, chỉ nên như vậy thôi.
Ông tiếp: “Phi kỳ quỷ như tế chi viễn dã”, nghĩa là: Không phải quỷ thần ở trách nhiệm mình phải tế, mà mình cứ tế là xiểm nịnh vậy. Sau đó thì Khổng Tử thường bàn với các học trò của ông về những nhật dụng thường hành và nhân luân đạo đức với chính trị xã hội.
Địa kỳ: Thần cai quản đất. Thổ công thổ địa, sơn xuyên (núi, sông, gò, đồi, đồng, bãi). Đứng đầu là Hậu thổ hoàng địa kỳ. Tế Nam Giao là hợp tế trời đất. Đặt bài vị Hạo thiên thượng đế với Hậu thổ hoàng địa kỳ (Đàn thứ nhất là Hợp tế trời đất). Trong Ngũ kinh, Thổ là thứ nhất. Không xếp Thổ ngang hàng với Ngũ hành, bởi Thổ là nền tảng.
Áo vua màu vàng là thổ (cổn là áo thời cổ). Áo cổn của Thiên tử trang trí các hoa văn như sau: Thiên huyền (đen). Dưới là vàng là địa hoàng). Và sau đó hai vạt áo dài vẽ thêm vào 12 vẻ: Nhật, Nguyệt, Tinh (sao) Thần, Sơn, Long, Hoa trùng (lông con trĩ) Hoả, Tảo, Phấn mễ, Phủ Phất, Tông, Di. (Hoả: Văn tinh; Tảo: rong biển chỉ về vẻ đẹp phong nhã của văn chương; Phấn mễ: Bột gạo, tượng trưng cho sự no đủ; Phủ: cái búa, tượng trưng cho võ công và sức mạnh; Phất: Một hình vẽ theo qui phạm tượng trưng cho sự cân đối; Tông di: Đôi chén đựng rượu tế: Tượng trưng cho sự thiêng liêng). Còn Nhật, Nguyệt, Tinh Thần, là Tam quang. Ba ánh sáng từ trời. Sơn: núi, tượng trưng cho sự bền vững; Long: Rồng, tượng trưng cho sự biến hoá; Hoa trùng: Con chim trĩ, tượng trưng cho vẻ đẹp. (Người Trung Hoa cổ xưa làm gì cũng hay tìm đến các biểu tượng.
Và tư tưởng cao nhất của nhà Nho là: Nội Thánh ngoại Vương: Có Đức của Thánh nhân rồi mới thi hành chính trị của Vương giả. (hành theo Vương đạo) Cho nên người xưa quan niệm hằng thường đạo đức bao giờ cũng gắn chặt với chính trị. Tu Đức để làm chính trị, và làm chính trị thì trước tiên phải tu Đức đã. Người xưa nói: Muốn chính nhân thì phải chính kỷ: Là muốn làm cho người chính thì mình phải chính cái đã.
Xin trở lại một số ý ban đầu. Người xưa tự biết rằng có muốn khám phá và chinh phục tự nhiên là rất khó và sẽ thất bại. Từ đó họ cho rằng thiên nhiên như một thế lực tột bậc chi phối lớn lao. Thiên nhiên cho thì được, không cho thì không được. Trong U linh chi phối con người. Do vậy linh hồn người chết cần được nhìn nhận, vì nó chi phối tinh thần đối với con người. Thế rồi khi trí tuệ ngày càng phát triển thì con người từ chỗ bất khả tri đến chỗ có thể hiểu được bản chất là mãi sau này, thì trong quá khứ dằng dặc đó, con người định làm gì cũng phải tế lễ, cúng bái và bói toán, bốc phệ.
Trong Tả truyện còn nói đến xuất quân cũng phải bói quẻ. Rồi bất cứ việc gì cũng đều cậy đến bói. Họ đinh ninh trong sự chi phối con người này, đều có thế lực của quỷ thần. Và, nhờ thế họ chia thế lực quỷ thần ra làm hai: Một làQuỷ, linh hồn người chết. Hai là Thần (thiên thần); kỳ là thần đất. Do vậy mới có việc hợp ba loại vào là: Thiên, Thần, Địa kỳ, Nhân quỷ. Và thời cổ mới có Tam lễ, là lễ cả ba Đấng này (trong Kinh thư đã có nói đến chức quan Tam lễ và có từ thời Nghiêu Thuấn).
Ánh sáng văn minh rọi vào U linh. Khổng Tư nói: “Kính quỷ thần nhi viễn chi”. Lời cụ Khổng Tử là một tiến bộ lớn. Vậy là, từ chỗ cái gì cũng phải cậy đến cúng tế rồi mới dám hành động, đến chỗ: “Kính quỷ thần thì nên nhưng cần xa ra”. Rồi Khổng Tử nói tiếp: “Vụ dân chi nghĩa. Kính quỷ thần nhi viễn chi. Khả vị trí hĩ”. Nghĩa là: “Hãy tập trung vào những việc lớn nên làm của dân, còn quỷ thần thì kính đấy nhưng nên xa, có như thế mới gọi là trí được”.
Cũng có thể nói thêm thế này vào ý hiểu câu của cụ Khổng Tử: “Người có trí tuệ thì nên tập trung vào việc của người. Và cũng không nên cãi vã nhau về quỷ thần”. Còn nữa, học trò hỏi thầy Khổng Tử rằng: “Thầy định nghĩa cho thế nào là quỷ thần”. Thầy Khổng mới bảo: “Các trò hãy cứ hiểu cho tường tận việc của người nhà các trò trước đi đã, nói gì đến quỷ bây giờ”.
Tuy vậy, bàn đến Thánh, Hiền, Quỷ, Thần, sau những trăm năm dằng dặc, Kinh Lễ đã cô đọng như sau: Con người ta, chính là chỗ hội tụ của quỷ thần, và sự cô đọng này được hiểu trong 17 chữ: “Thiên, Địa chi Đức/ Âm, Dương chi Giáo/ Quỷ thần chi Hội/ Ngũ Hành chi Tú khí” (Tú là đẹp). Và đến Thánh, Hiền là 10 chữ: “Đấng trên là Thánh nhân. Đấng dưới là Hiền nhân”.
Chữ Thánh, trong cổ thư trình bày như sau: Người nào có trí tuệ và năng lực xuất chúng thì được gọi là Thánh. (Vậy là định nghĩa đã thực thể và hiện đại dần rồi) Sau đó là các thức giả của Trung Hoa trong thời Khổng Tử đã giải thích thêm như sau và do chính Khổng Tử chủ xướng, đó là: Có nhân cách tối thượng, mẫu mực; là một loại người có cái thật tốt đẹp về đạo đức và trí tuệ, luân lý.
Ở đây Khổng Tử đề cao Nhân (chữ Nhân), cụ coi nhân là Đức tột bậc, và bao trong nó cả thảy các Đức khác, cũng là sự tột bậc của đạo đức. Khổng Tử cấm không cho học trò của cụ nói cụ có Nhân. Vì cụ cho rằng nhân chỉ có những người, và các vị thánh thời cổ, thượng cổ. Khổng Tử còn coi một Đấng Thánh cao hơn cả nhân. Theo Khổng Tử người nào làm được 4 chữ: “Bác khí tế chúng” thì sẽ được mọi người tôn là Thánh (Tế: là giúp đỡ, cứu giúp rộng khắp tất cả mọi người).
Vậy Thánh nhân là người đã hoàn thiện tột bậc về đạo đức nhân cách rồi sau đó phải làm được ơn huệ giúp cứu thiên hạ, an định bách tính (trăm họ).
Hiền nhân: Bậc thứ của Thánh, người tu thân tốt trở thành đấng có đạo đức. Thực hiện được sự hoàn thiện nhân cách, là sự dụng công năng một cách gắng gỏi cực lớn với việc thiện của đời. Đến đây là sự khép kín lý lẽ của ChuĐôn Di như đã nêu ở đầu bài này.
Trời là Lý, phú cho người, người bẩm thụ. Vậy cái Lý của Trời là Tính và Tính tức là Lý của Trời và cái Lý của Trời ở trong con người, mà bậc Thánh nhân lại trọn vẹn cái Tính. Vậy Thánh nhân hợp một thể với Trời.
Và con người cần phải cố gắng để vươn tới cái chỗ đó. Vì cái Tính của Trời là Bình đẳng. Do vậy về lý thuyết thì ai ai cũng sẵn có tố chất Thánh nhân. Vì thế, tự mỗi con người có biết làm cho tố chất đó phát lộ ra không mà thôi
Bùi Bình Thi
Nguồn: cand