(GDVN) - PGS Trần Xuân Nhĩ nói: “Cơ chế tuyển dụng hiện nay có thể dẫn tới việc nhiều người sử dụng bằng giả để đạt được mục đích của mình”.
"Vấn nạn" bằng giảHàng loạt các vụ mua bán, sử dụng bằng giả vừa được cơ quan chức năng phát giác. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm chính là chất lượng phía sau những tấm bằng "không chính chủ" ấy? trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tuyển dụng?
Mới đây, hôm 14/1/2015 phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM vừa phá một đường dây sản xuất bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ quy mô lớn .Theo đó, giá của mỗi tấm bằng cao đẳng, đại học, các đối tượng bán 5 – 7 triệu đồng/bằng; bằng thạc sĩ giá 7 triệu, bằng tiến sĩ giá 9 triệu đồng. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, các đối tượng trên đã tuồn ra thị trường số lượng từ 500 – 600 tấm bằng giả.
Số bằng ấy được “cấp” cho những ai? Được dùng để nộp vào những cơ quan nhà nước, đơn vị doanh nghiệp nào, thì vẫn chưa được kiểm chứng cụ thể? Ai dám đảm bảo khi những tấm bằng giả ấy “lọt cửa”, sẽ không gây hậu họa?
Cơ chế tuyển dụng nặng về hình thức, sinh ra hiện tượng bằng thật, học giả (ảnh minh họa: nguồn Intenet)
Nguy hại hơn, ở những ngành, nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn cao (Y tế...), liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người, thì bằng giả vẫn có đất sống.
Cũng mới đây (13/1/2015) Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa phát hiện 20 trường hợp là các cán bộ nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh sử dụng bằng giả trong quá trình công tác. Trong đó có 18 trường hợp dùng bằng chuyên môn giả và 2 trường hợp sửa chữa bằng Y sỹ.
Sự việc nếu không có sự dung dưỡng từ phía lãnh từ phía các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm, liệu bằng giả có thể “lọt cửa” và tồn tại? Lương tâm, đạo đức của những “cán bộ” này đặt ở đâu khi họ cố tình sử dụng bằng giả, gắn “mác” ngành y để chữa trị cho dân? Tính mạng của người dân sẽ ra sao khi rơi vào tay những người không đủ trình độ chuyên môn?
Thực tế trên, và những thắc mắc chưa có lời giải khiến người dân khó mà đặt niềm tin trọn vẹn vào trình độ của các Y , bác sĩ, đặc biệt là đội ngũ tuyến cơ sở, khi lương y không còn như từ mẫu…
Cũng có thể hiểu từ "bằng giả" theo nghĩa học giả mà cấp bằng thật. Trong trường hợp này, không loại trừ việc người ta sử dụng “bằng giả” để phục vụ cho mục đích cá nhân (tăng lương, thăng tiến).
Chúng ta có quyền tự hào khi số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Khoa học và Công nghệ (tính đến năm 2014) cho thấy, cả nước có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. Tuy nhiên, sự thất vọng cũng được tạo nên từ những con số ấy.
Trong cuộc họp báo hồi cuối năm 2014 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân tỏ vẻ “cay đắng” khi đưa ra nhận định, có đến 76% tiến sĩ thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản trị doanh nghiệp… không thể có sáng chế khoa học. Vậy, trong số hàng trăm nghìn ông tiến sĩ, thạc sĩ kia, ai dám chắc không có tiến sĩ, thạc sĩ giấy?
Năm ngoái, Thanh Hóa cũng từng gây "chấn động" dư luận về vụ 40 học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh Hóa nộp cả tỷ đồng để chống trượt, trong kỳ thi cao học lớp Quản lý kinh tế (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội). Trong số các học viên bỏ tiền mua đầu vào cao học, họ hầu hết đều là cán bộ công chức “xịn”.
Nếu sự việc được thực hiện trót lọt, những tấm bằng được cấp sau đó, liệu có thể coi là thật khi nó được mua bằng cả đống tiền? trong khi đó chất lượng thì chẳng ai dám đảm bảo.
Lỗi do cơ chế tuyển dụng?
Một số ý kiến chuyên gia nhận định, cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt theo kiểu xét duyệt và tâm lý “sính” bằng cấp của một bộ phận không nhỏ, vô hình chung trở thành “chất xúc tác” quan trọng để người ta tìm mọi cách đạt được điều mong muốn kể cả phải sử dụng đến “thủ đoạn” dùng bằng giả.
Đồng quan điểm với nhận định trên, trong bài bình luận được đăng tải trên Báo Giáo dục Việt Nam trước đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cơ chế tuyển dụng là nguyên nhân gây ra "vấn nạn" bằng giả.
“Chính các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng cũng đề cao bằng cấp chứ không mấy khi đề cao thực hành. Đây là nguyên nhân khó kiểm soát chất lượng của các loại bằng cấp. hệ lụy của có thể dẫn tới nhiều người sẽ sử dụng bằng giả để đạt được mục đích của mình” PGS Trần Xuân Nhĩ nói.
“Tại các cơ quan nhà nước thì cứ phải bằng đẹp mới lọt cửa, đó chính là vì nhiều lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước cũng leo lên từ bằng cấp chứ họ không có thực chất nên chính họ không đánh giá được người thực sự có khả năng và người chỉ có cái bằng”, PGS Trần Xuân Nhĩ đánh giá.
PGS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, để thay đổi thực trạng này không khó: “Thứ nhất, các cơ quan nhà nước phải thay đổi tâm lý tuyển dụng. Thứ hai là nhà nước cần phải có một cuộc tổng kiểm tra lại bằng cấp, ai không đạt thì loại bỏ và phải nghiêm khắc xử lý cả người học và đơn vị cấp bằng. Người ta sẵn sàng làm bậy là vì bấy lâu nay chúng ta không có chế tài đủ mạnh để xử phạt”.
Tuy nhiên, trước khi áp dụng những chế tài xử phạt về việc mua bán, sử dụng bằng giả, cán bộ vi phạm nên tự biết xấu hổ cho mình trước.
Nguồn tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/76-tien-si-lam-viec-o-cac-linh-vuc-khong-the-co-sang-che-post153219.gd
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chay-dua-lay-bang-Thac-si-Co-che-xin-cho-de-ra-sinh-bang-cap-post130182.gd
http://danviet.vn/xa-hoi/dieu-kien-thi-cong-chuc-ha-noi-qua-chu-trong-bang-cap-532487.html