Tự truyện của Lê Bá Hạnh (trích)
Lê Bá Hạnh
Thứ hai ngày 19 tháng 1 năm 2015 3:14 PM
LÁ ĐƠN XIN VỀ QUÊ
Ngày đó bút viết chủ yếu mang nhãn hiệu Trường Sơn và duy nhất một loại mực màu xanh Cửu Long, phải qua hai ba lần lọc bông mới hết cặn, đâu có các loại bút bi, bút kim, bút dạ... Riêng tôi vẫn giữ được cây bút máy mạ vàng Kim Tinh, đầu viết hạt gạo nhỏ xíu màu vàng sáng rực.
Chuẩn bị viết lá đơn xin về quê, tôi ngồi cả buổi tháo chiếc bút viết rửa xà phòng, kì cọ rất kĩ. Công việc có lẽ chỉ mười lăm phút là xong, nhưng tôi đang cân nhắc sự việc này sẽ dẫn đến đâu? Tôi có đủ sức làm lại từ đầu mọi việc? Cả gia đình sẽ chịu đựng một thay đổi lớn có gánh vác được không?... Tôi hình dung ra vô vàn khó khăn nhưng nỗi nhớ quê làm tôi quên đi hết cả!
Một lá đơn viết nắn nót, mấy chữ dòng đầu: “Việt Nam dân chủ...” y như bản đánh máy ! Nội dung miêu tả thống thiết hoàn cảnh gia đình: Chị gái lấy chồng xa, em trai đang tại ngũ QDNDVN, bố mẹ già yếu đến tuổi xưa nay hiếm… đã có đơn địa phương xác nhận…
Điều day dứt không được nói ra, không được viết vào đơn sự nhớ quê: những con sóng gầm gào cuồn cuộn đập vào kè đá tung tóe, những lúc nước ròng lùi xa, sóng nhẹ nhàng dìu dặt như vỗ về, như nựng ru…
Thời kì này đã giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, không còn khu quân sự bí mật như xưa; những vùng đất cỏ dại đã cho người dân vào vỡ hoang trồng rau muống, trồng dưa đỏ… Những lần nghỉ phép, nghỉ lễ liền chủ nhật, tôi cùng anh hàng xóm cầm đồ đi dọc bãi đá bắt cua. Ăn con cua chắc gạch béo ngậy đã đành, cái sung sướng thú vị nhất là niềm vui khi bắt cua cho vào túi với không khí trong lành buổi sớm nhẹ tênh dịu mát…Niềm vui ấy lâu lắm mới bắt gặp…
Suy nghĩ nhiều lắm nhưng viết ra chỉ ngắn gọn, chiếm nửa trang giấy “vê đúp”, Trưởng phòng Tổ chức nhà máy cho qua cửa nhanh chóng. Tôi trực tiếp cầm đơn lên phòng Tổ chức Công Ty trình bầy, trưởng phòng lắng nghe nhưng sắc mặt không hề biến đổi, tôi tranh thủ giải bầy tâm huyết nói về quê hương về cha mẹ, điều lá đơn chưa diễn đạt hết. Như mong đợi một tình thương, một đồng cảm… Tôi nói liên tục như súng máy nhả đạn… Khi nòng súng đã nóng bỏng, chờ lắp băng mới, trưởng phòng ngắt lời:
- Về làm việc – Việc này để nghiên cứu (?)
Tôi thấy tắt hết hi vọng ngao ngán trở về, đầu nghĩ lung tung tìm cách phá vỡ cái boong ke bảo thủ này. Tôi tìm đến nhà riêng, chị vợ đang nhóm lò khói than nồng nặc ho sặc sụa. Tôi làm quen nói qua sự việc, chị bỏ việc đó vào nhà pha nước uống, mặc tôi cố ngăn cản, chị bảo nhà tôi tốt tính lắm, rất thương người đã giúp đỡ bao nhiêu người được đến làm việc và rất nhiều người được chuyển về thành phố lớn. Tôi thấy chị hiền hiền chân thật.
Chị súc ấm pha trà khá thành thạo, pha cái thứ trà vụn vẫn được bán tự do giá rẻ. Uống hết ấm trà vẫn chưa thấy chồng về, chị như sực nhớ: “À! Anh ấy lại họp thường vụ tối nay rồi!”
Cũng giờ đấy lần thứ hai tôi đến, chiếc quạt điện “con cóc” được phân phối thưởng theo tổ đội XHCN thời đó. Tôi lúng túng mãi mới nói được: “Tặng anh chị cái quạt này, quạt bếp lò khỏi khói, nhà em đã có lại được phân thêm chẳng dùng đến” Chị suýt soa vui mừng ra mặt… nói thầm vào tai tôi: “Ngày mai đến sớm hơn nửa tiếng mới gặp”
Ngày hôm sau tôi đến đúng giờ hẹn, trưởng phòng đang pha trà như chờ đợi, thứ trà ngon tôi chưa được uống bao giờ.
Không để tôi mở mồm, trưởng phòng nói liên tục nêu ra hàng loạt những khó khăn của đất nước, khó khăn của gia đình… trước tình hình thế giới … chúng ta phải ổn định tư tưởng, ổn định công việc để xây dựng đất nước…
Cả buổi tôi chỉ biết lắng nghe, không nói chen được câu nào, rồi trưởng phòng hối hả xách cặp đi họp.
Thấy tôi ngồi tần ngần, vợ trưởng phòng an ủi: “anh nói thế thôi chứ hiểu khó khăn của cậu lắm”…
Tôi nhìn căn nhà sơ sài chợt nhận ra phải làm gì.
Lần sau tôi mang đến cái vỏ chăn vải hoa “Con Công” và chiếc màn trắng tinh. Cũng là thứ đắt vẫn chưa lay chuyển có tác dụng…
Lần sau nữa tôi đến ôm theo chiếc ti vi hộp hai cánh cửa, bốn chân, thợ đã chỉnh tiếng và hình chuẩn xác – loại ti vi từ miền Nam chở ra - quý tộc nhất thời đó mới có…
Vợ trưởng phòng tổ chức mừng rơn lộ ra mặt: “Xem bóng đá anh ấy không phải sang hàng xóm xem nhờ” Hôm sau, tôi như vô tình ghé qua chị an ủi: “Anh chưa tìm được người thay chân chú, phải kiên nhẫn chờ đợi”
Tôi đã nản chí, không biết họ ngứa chỗ nào để gãi, đổ vào cái thùng không đáy biết bao giờ cho đầy. Tôi đã nghĩ đến xin ra ngoài biên chế, vứt quách công sức hai mươi năm công tác liên tục.
Một tối tôi chọn đúng giờ ăn cơm, nhất định trưởng phòng phải có mặt, kí được hay không chỉ lần này. Tôi nhập vai, coi như một chuyện tình cờ ghé qua.
- Xin phép anh chị cứ ăn cơm tự nhiên. Tôi tự súc ấn pha nước uống, chén trà chưa kịp nguội. Bỗng nhiên cả khu mất điện – điện quá tải giờ này là bình thường nhưng mọi người lúng túng, ngoài trời không trăng sao, trong nhà tối đen như mực.
Tôi sờ túi, bao diêm chỉ còn mấy que và đồng năm xu bằng kim loại, đồng tiền này chỉ mua được nửa chén nước trà ngoài quán; mấy que diêm quẹt mấy cái là hết. Chợt nhớ ra, dưới gầm tủ có lọ mực cũ vất lăn lóc, tôi xuống bếp lấy chai dầu ga doan rót vào già nửa lọ mực, lấy dao cắt một doạn dây màn làm bấc, luồn vào đồng xu đặt lên miệng lọ mực, thế là thành cái đèn tự tạo trong chốc lát, có ánh sáng ngay tức thì cho bữa ăn đang dang dở…
Sau bữa tối mất điện ấy, tôi được báo mời lên phòng Tổ Chức làm thủ tục chuyển về quê.
Khi “sếp” đã tra chìa khóa vào ổ, mọi công việc trôi nhanh tuồn tuột chỉ một buổi là đầy đủ hồ sơ cần thiết, lúc này tôi mới thấy các nhân viên chuyên nghiệp đến hoàn hảo.
Về Sở công nghiệp thành phố, coi như được về nhà mọi việc trôi chảy, nhanh chóng. Tôi sung sướng đến ngây ngất khi cầm sổ hộ khẩu, bìa mua thịt, mua cá, sổ mua lương thực… Tôi mỉm cười nhớ đến chuyện Từ Điển tiếng Việt phải bổ xung cụm từ “bộ mặt mất sổ gạo”
Đó cũng là thời kì khó khăn nhất, nhà nước bị cấm vận, mọi quan hệ với nước ngoài bị cắt hết. Ngay cả thành trì Xã Hội chủ nghĩa Xô Viết cũng sụp đổ. Tất cả vật tư nguyên liệu cạn kiệt. Nhiều nhà máy tháo dỡ nhà xưởng “bán ăn dần, bán ăn sạch” Công nhân cho nghỉ không lương, và cho hưởng chế độ về “một cục”, về mất sức…
Tôi cũng không thoát khỏi dòng xoáy cả nước đi buôn. Tôi mở quán: Cho thuê truyện - bán sách báo” Chỉ cứu đói thời gian đầu, sau đó các đại gia đầu nậu nhúng tay vào thao túng từ nhà xuất bản, cùng đường tôi lại phải viết đơn xin chuyển hộ khẩu về quê, đúng nơi chôn rau cắt rốn ở đấy.
Lá đơn xin chuyển hộ khẩu về quê lần này quá dễ dàng, Chú em trai đã xuất ngũ, mới được cơ cấu chủ tịch phường, đưa cho mẫu đơn, tôi chỉ việc điền đầy các nội dung của mình là xong.
- Bác viết sẵn một lá đơn xin cấp đất ở, em sẽ đưa vào danh sách đợt này, khu đất gần nhà cũ của ông bà…
Sự kiện quá hấp dẫn, tôi viết liến láu theo nội dung chú em đã thuộc sẵn. Chú quá cẩn thận nhắc tôi dùng bút viết màu mực khác và đề ngày tháng viết đơn xa ngày xin nhập hộ khẩu. Những chuyện tưởng như nhỏ nhặt ấy, sau này tôi mới thấy nó vô cùng quan trọng…
Ông bạn cùng tôi đi học thời còn để chỏm, trưởng thành đi thanh niên xung phong, làm kĩ sư xây dựng công trình ở mọi miền đất nước, cũng hoàn cảnh như tôi, nay tìm về quê hương, viết đơn năm lần bảy lượt vẫn chưa được. Vì nguyên tắc nhà nước đã ban hành: “Muốn chuyển hộ khẩu đến phải có nhà ở và muốn mua được nhà ở phải có hộ khẩu…”
Ông bạn tôi đã chạy như con thoi cũng không lách được khe nhỏ nào về quê khi tuổi già, cùng nỗi nhớ nơi chôn rau cắt rốn…
Năm 1990, quê tôi bắt đầu mở du lịch. Gia đình tôi cũng đăng kí một gian quán, dựng gianh tre nứa lá bán giải khát.
Ba tháng hè kinh doanh, gia đình không có kinh nghiệm buôn bán chỉ đủ ăn, tiền làm quán đi vay, hết tháng kinh doanh phải bán quán trả nợ. Ông bạn tôi đến mua như giá thị trường nhưng cơ quan ngăn cấm bán cho người không có hộ khẩu, cố liều - chắc sẽ bị tháo dỡ… Tôi như kẻ nhẫn tâm nhìn bạn bơ vơ, đành cay đắng bán cho người bên cạnh mất đi một nửa tiền.
Tôi lâu lắm không gặp lại, nghe đâu vợ bỏ, con từ cha, anh ta lang thang chết đường, chết chợ nơi nào không ai biết…
Đơn xin cấp đất ở của tôi được xét duyệt, nộp tiền thủ tục, tiền san gạt mặt bằng, tiền ủng hộ cứu đói, bão lụt, hộ đê… kéo dài 3 năm cộng lại tương đương như mua đất mới cùng thời điểm… Như thế cũng là may mắn lắm. Có người nói: “Sao không ở đất ông bà, giữa làng, gần chợ tôt hơn không.
MỘT LẦN NỮA RỜI QUÊ
Loa đài không đưa tin “bão từ” trên mặt trời, thời tiết không thay đổi, chẳng hiểu sao trong người tôi lại thấy mệt mỏi buồn bực. Chẳng phải vì việc riêng trong nhà, ngoài đường tự nhiên rơi xuống hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, cái nhà nếu như con thuyền, chắc chắn tôi đã chống sào đẩy đi nơi khác…
- Đến giờ rồi! Đi tập thể dục! (Một tiếng gọi quen thuộc…)
Tôi nhớ ra, hàng ngày vẫn hẹn ông bạn thời thơ ấu cùng đạp xe đi vòng quanh bờ biển hóng gió, thể dục. Tôi mặc vội quần áo nhảy lên xe ra đường
Ngày như đã ngắn lại, cái nắng quái xiên khoai trong thoáng chốc đẹp đến lạ lùng. Chúng tôi đạp xe đi một vòng, đứng vẫy tay, vặn mình như thường lệ, ông bạn vừa về đến nhà đã cầm bút ghi mấy câu đã nhẩm đọc trên đường: “…Xồ đông, thổi tắt nắng chiều/ Đường viền chân núi đổ xiêu dáng dừa”…
Câu thơ quá hay, nhờ tổng kết nhiều lần gặp cái nắng chiều hiếm hoi như vậy.. Tôi không phải nhà thơ, mà nghe mấy câu đã gợi lên một cảnh chiều rất đẹp như một bức tranh…
Tự nhiên hai cánh cổng bị hất vào thô bạo, ông nhà thơ đã luống tuổi trợn trừng đôi mắt vứt toẹt tập thơ, quát nạt giọng phều phào, vì răng gỉa nhiều hơn răng thật, chỉ tay vào mặt bạn tôi:
- Mày chỉ là thằng lớp bốn mà dám sửa thơ tao thế này à?
Chúng tôi nhìn kĩ mới nhận ra tập thơ thuê gõ trên máy vi tính ngoài chợ, photo ra mấy chục bản lưu hành trong câu lạc bộ, ban chủ nhiệm, biên tập đã sửa lỗi chính tả, hoặc đảo từ để đúng luật “bằng trắc” nâng cao chất lượng tập thơ.
Tình cờ tôi được chứng kiến cảnh tượng như thế này mới thấy run sợ, vì tôi cũng có hoàn cảng tương tự, nếu làm điều gì không vừa ý các cụ chắc cũng bị họ chửi vuốt mặt không kịp. Đã có nhiều chuyện thật như đùa: Chủ tịch quận mấy khóa trước có dư luận xì xèo, tự nhiên sa vào bẫy uống rượu bia đàn em kích lên nhảy vào lái xe, gây tai nạn, trong tay không bằng lái, mất chức; chủ tịch khóa sau cũng bị quay camera trong nhà nghỉ tươi mát với em nhỏ, mất chức… Khóa sau nữa, bộ máy chính quyền Quận đoàn kết làm việc siêng năng muốn xây dựng tiến nhanh tiến mạnh. Các cụ đã tìm ra những nghị quyết sai trái, kiến nghị mồm, kiến nghị đơn vượt cấp, thanh tra nhà nước phải vào cuộc để cả bộ tứ ra hầu tòa, vào nhà đá bóc lịch…ngày cha, mẹ chết không thấy bóng dáng về đội khăn tang. Thơ ca hò vè kể tội tham nhũng ăn đất của cán bộ công quyền bay đi như bươm bướm, cảnh sát phải khuyến cáo các cửa hàng chế bản phô tô không được tiếp tay những sai phạm…
Các nhà thơ nổi lên như nấm gặp trời mưa, phong trào phát triển thơ ca nhiều hơn bao giờ hết…nhưng bây giờ cũng tranh giành ảnh hưởng, kèn cựa, xúc phạm nhau như người thường, muốn giữ mãi lối thơ luật cũ kĩ…
Chủ tịch phường, được hội đồng nhân dân bàu, đang giữa khóa chi bộ bàu lại cấp ủy không trúng, thế chức chủ tịch sang tay người khác… Một tiền lệ chưa hề có…
Mấy đời chủ tịch Quận không thay đổi mới được khu du lịch. Trên thành phố phải điều chủ tịch nơi khác về mới phá bỏ được mấy biệt thự có từ thời Pháp nằm chềnh hềnh làm bẩn mắt du khách, vì cái nếp cũ đã ràng buộc, không con cháu ông này thì con cháu ông kia, không thể từ bỏ lợi ích nhóm cỏn con để thực hiện được cái lớn hơn.
Nhìn lại cả làng cả tổng, Ngoài các biệt thự quan chức đương quyền ra, là những tòa nhà to “phạc” là nhà của cha mẹ gặp được môi giới gả con sang Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc; hoặc có con là “người rơm” trồng cỏ ở Anh, ở Úc hoặc mở hang động chăn dắt nuôi “ca ve” để thu tô.
Quê tôi là như thế, mấy năm xưa mảnh đất nhỏ hẹp chạy nhô ra biển, nếu không có công việc gì chẳng ai đi tới con đường cụt.
Ngày nay mọi nơi như thiếu gió, thiếu bóng mát. Hai ngày cuối tuần nhà nước cho nghỉ không có việc gì để làm, đua nhau ra đây tắm biển và ăn nghỉ thành phong trào du lịch mới nhộn nhạo xô bồ chen chúc, nhờ mấy bãi tắm và rừng cây thông mấy chục năm xưa là khu quân sự hẻo lánh. Trong xóm nhà này cách nhà kia một khoảng dài, hiểu biết họ hàng tông tích nhau năm ba đời là thường và cháu nội cháu ngoại lấy nhau, họ hàng chằng chịt “Phi nội tắc ngoại” Họ tự hào về điều ấy. Bênh vực nhau và xỉ nhục nhau cũng dễ dàng, nếu cần họ bới móc tông ti ba đời ba họ để chứng minh cái lí sự cùn, thắng bằng được mới hả dạ…
Có đám cưới khá to, một ông lão ngồi vào mâm khoe khoang: “Bố con kia còn phải gọi tôi là ông đấy” Một người khác chẳng để yên vặn lại: “Ông có biết vợ ông gọi thằng nhỏ kia là cụ không?” Khi ấy ông ta mới cứng họng… Một ông lão khác ăn mặc sạch sẽ đi ăn cỗ cưới, gia chủ xếp vào mâm, bốn người khác nháy mắt đứng lên bỏ đi ngồi vào mâm khác, vì bố anh này ngày xưa có thân phận thấp kém hay có can án nào đấy… cái tính dòng tộc, a dua nó ngự trị lâu lắm ở đây!
Nhà nào có “cha già mẹ héo” ai cũng muốn làm ma chay linh đình thuê đội kèn đồng của xứ đạo trên huyện rất đắt tiền cùng đội kèn trống cổ truyền “tò tí toe”… con gần cháu xa ai cũng muốn cho thêm tiền để thợ kèn khóc thay bằng câu vè quen thuộc như mọi đám khác nay được âm li loa đài hiện đại phóng to ầm ĩ làm khổ cả phố phường sớm tối… Những anh thợ kèn này tuổi khá trẻ, thu nhập sung túc sống khá phong lưu. Nhưng người gốc quê tôi không ai chịu làm nghề ấy. Có giai thoại nói người con bất kính, bất hiếu với cha mẹ, giời đày xuống trần gian nghèo khổ phải làm nghề ấy sinh sống bù lại tội lỗi đã gây ra… Người quê tôi chỉ muốn đi thuê những người nơi khác về, sẵn sàng khúm núm nhờ người ta cầu khấn mong người thân của gia đình siêu thoát về nơi suối vàng. Vì họ có năng khiếu làm nghề “chỉ trỏ” giúp khách du lịch tìm đường đến nơi họ cần đến là có tiền “hoa hồng” nhàn nhã thả sức rượu chè cờ bạc thú vị hơn nhiều…Nhiều nhà “nuôi bé bán dâm” càng phất lên nhanh chóng, tiền đổ vào nhà như nước chảy, nhưng cũng gây ra tai họa khôn lường. Con trai nghiện tiêm trích ma túy đã mấy đợt “si đa” cướp đi hàng loạt. Thế hệ mới lớn nổi lên chẳng bình thường, nhiều gia đình bà vợ ngăn chồng không được, ốm còm cõi chết sớm; con gái phát hiện ra chồng mình kém xa người khác; con trai li thân với vợ để thoải mái. Tệ nạn xã hội đã ăn mòn đạo đức làm người nhiều gia đình quê tôi như thế…
Nhiều người đã nhận ra, nhưng đồng tiền đã buộc chặt họ, rời nghề đó chỉ có chết đói, thế là nhắm mắt đưa chân…Không nghề gì nhàn nhã, ăn ngon mặc đẹp lại kiếm được nhiều tiền như nghề này
Vì thế họ tiêu tiền như rác và cũng dễ kiếm tiền như nhặt rác thải… Ba đồng lương hưu của tôi vào nhà hàng gọi vài món là nhẵn túi, đôi khi trở thành lố bịch khi “mằng cả” mua con cá, đã bị người khác trả đủ tiền lấy đi, hụt hẫng như vừa mất cắp… Đồng lương của mình là mồ hôi nước mắt mấy chục năm mới có để tiêu dùng đủ sống, mua tranh với kẻ “ma cô” buôn gian bán lậu sao được!
Nghịch cảnh như thế, càng nghĩ càng thấy xót xa. Càng thấy nhân cách con người đã xuống dốc tồi tệ. Nếu tôi không về quê, có lẽ nhiều chuyện tồi tệ kia không biết lại giữ tình cảm tốt đẹp về quê hương …
Tôi vô cùng yêu quý mảnh đất này: có sóng biển, bãi cát, bãi đá và rừng thông, gió hào phóng mát hơn bất cứ phòng điều hòa nhiệt độ nào… Như thế tôi vẫn phải tính đến chuyện rời bỏ quê hương về nơi nào đó, giá gạo, giá rau rẻ nhất mới được sống yên tĩnh tuổi già… và không nghe thêm lời ong tiếng ve nào…Tự nhiên tôi nhớ đến câu thơ của người bạn: “Vào rừng ôm cây thẳng/ Mới biết là mình cong!” …
Tiếng họa mi nhà bên hót “líu lo” làm tôi tỉnh ngủ…
Thì ra đó là một giấc mơ…
1926) RỜI QUÊ LẦN CUỐI
Đã nhiều năm, tôi khao khát được sống ở quê hương và đã trả với giá khá đắt – nay về ở chưa được bao lâu lại phải rời quê ra đi mãi mãi… không nuối tiếc thế mới là chuyện lạ!
Ngẫm lại không còn gì ân hận - Có chăng chỉ nuối tiếc.
Con người tôi sinh ra quá sớm quá chăng? Hay công nghệ tin học phổ cập đến đất nước này muộn quá chăng? Nay tôi mới mon men đến rìa thế giới mông mênh ấy nhìn thấy nhiều hoa thơm cỏ lạ muốn ngắm nhìn nâng niu thì sức lực đã cùng kiệt.
Chục năm trước nói ra ai cũng cho là huyền thoại, ma quái. Thế mà bây giờ có thật, trên mạng Intenet: Vào Google – tìm kiếm – nhấn chuột – sẽ có ngay hàng trăm hàng ngàn dữ liệu đáp ứng… Vào: VN thuquan.net sẽ có vài vạn trang sách kim cổ Đông Tây thả sức tìm đọc. Đâu có cần căng mắt ra đọc chữ chì in trên giấy rơm vàng sẫm mà tôi nâng niu cất giữ… Cờ vua, cờ tướng tìm mãi mới gặp được đối thủ, bây giờ vào mạng chơi “onlnai” giao giưu với mọi cao thủ nào muốn.
Trên mạng Intenet, bất cứ ai cũng có thể lập cho mình một trang blogs chứa đựng tất cả mọi suy nghĩ, tranh vẽ, đến bức ảnh mình yêu thích để các bạn xa gần chia sẻ, khen chê… Đến như tôi cũng có một trang riêng. Đưa lên một ảnh chân dung. Có mục: Nói về bản thân. Tôi đã chia viết về mình thế này:
Mẹ khều hàu kiếm ăn từng bữa
Đẻ rơi tôi bãi đá Mái Nhà
Biển gầm gào đến trước lời ru
(sự dối lừa dịu êm – đi vào giấc ngủ)
Tập lẫy – cũi tre thành gông cùm cạm bẫy…
Chập chững tập đi cày nát sóng Bãi Bồi
Sống trôi dạt khắp nơi khi chưa khôn lớn:
Nhặt than trôi; gõ búa nổi hơi xe lửa…
Tự lấy vợ sinh con lớn lên tại đó
Học nhiều nghề, miếng ăn không dư dật
Bầu bạn và thiên nhiên – người thầy gần nhất
Trả giá đắt
Đến bạc đầu mới tìm được quê hương!
Khi tôi đã nằm xuống trở về với cát bụi, cứ để nguyên như thế cho mọi người đọc khen chê – Hay đưa ra bản tin Cáo phó – Chụp hình nguyên vẹn tờ Cáo phó đã dán từ đường lớn vào đến cửa nhà – như thế tôi phải trao bí mật “Mật mã” để người đó lên bài cuối cùng…
Ước gì trước khi tôi méo miệng tay run gặp được ai đáng tin cậy nói được Mật Mã số bí mật ấy để lên bài cuối cùng… sau đấy không thêm không bớt điều gì gây phiền toái…
Như bạn tôi cách đây không lâu khi nằm xuống, bất ngờ lại sẩy ra bao nhiêu chuyện hệ lụy. Ông từng là bác sĩ dày dạn trong quân đội, cứu giúp được rất nhiều người khỏi thần chết mà không cứu được chính mình: Bệnh “gút” tai ác làm tan nát hết gan thận, con cháu quá thương yêu: “còn nước còn tát” đưa đến khắp bệnh viện gần đến bệnh viện xa, nghe bác sĩ tư vấn dùng đủ loại biệt dược của cường quốc y học thế giới – đương nhiên giá tiền không hề rẻ - rồi lọc máu chạy thận lần thứ hai, thứ ba chỉ kéo dài sự đau đớn thể xác và tinh thần. Nắm đất đặt lên mồ chưa mọc cỏ đã phải rao bán một nửa thửa nhà đất lấy tiền trả nợ.
Người bạn khác nằm xuống, nắm xương còn gói trong giấy vàng mã, hai anh em đã cãi nhau đặt mộ bố chỗ này hay chỗ khác, tay “long” tay “hổ” không đều người anh giàu nứt đố đổ vách, để cho đứa em nghèo xác nghèo xơ… Chuyện dẫn đến mất mặn mất nhạt…
Sướng nhất bà chị họ xa, mới đi đưa tiễn người bạn cùng phường, về hắt hơi sổ mũi mấy ngày rồi ra đi hẳn, người sạch sẽ thơm tho ai cũng thương nhớ. Nói dại ai cũng mong được như vậy.
Tôi chợt nghĩ lại, khi đã nằm xuống đâu có ngóc đầu dậy đòi dạy bảo chúng nó phải làm thế này thế kia mới đúng, hay chúng nó tự ý bó chặt lại ướp đá công nghiệp để cả tuần kèn trống “tò tí toe” làm nao lòng khó chịu cả phường cả xóm, gợi ý cháu chắt họ xa mấy tầm đại cũng đến góp nhặt mấy đồng lẻ cho vào phong bì đặt lên bàn phúng viếng…Rối chúng chôn xuống đào lên, xoay đi, xoay lại cho kì được, vừa lòng các thầy địa lí kinh dịch và tướng số, phá mộ cũ xây mộ mới hoành tráng đua đòi như lăng tẩm vua chúa, cho thiên hạ kiếm cớ cười chê…
Tôi đã nói trước với ông bạn thời đi học – nay là chủ tịch Hội người cao tuổi phường – người chuyên đọc điếu văn cho nhưng ai rời khỏi thế giới này – Chắc chắn tôi nằm xuống anh ta phải làm nhiệm vụ quen thuộc ấy:
- Tôi xin bạn đừng moi móc những chuyện xưa ta cùng đi học, tôi chưa có gì giúp ích cho cuộc đời này – bạn hãy làm những gì thật cần thiết rồi kết thúc sớm cho mọi người khỏi mỏi chân đứng đợi vì tôi…
Tiếc thay những ngày tháng tươi đẹp như bao nhiêu năm khao khát nay mới có mà tôi không được tận hưởng phải ra đi thế này…
Tôi đã được đến bờ biển Vũng Tàu, Nha Trang, Đà nẵng… nói ra mồm: “Ước gì có được gian nhà nhỏ thôi ở bên bờ biển này đời ta sẽ sung sướng biết chừng nào!”
Quê tôi cũng như thế, là một bán đảo, mùa hè năm nào cũng thế, người các nơi đổ về tắm biển đông đến tắc đường. Mới đây đã mở thêm đường phía tây cho xe đi vào, khi ra đi theo đường phía đông và vô vàn đường xương cá nối tiếp. Để đi bất cứ con đường nào cũng ra biển… Thế mà nhiều lúc người xe cũng chật cứng!
Có con đường rộng cho xe đi lại thuận tiện đương nhiên mất đi nhiều bãi đá đẹp. Bất cứ bãi đá nào tôi cũng mang đầy kỉ niệm.
Cũng may mắn, ngày nay vẫn còn lại bãi đá Mái Nhà, bãi đá Bờ Giữa… Riêng bãi bãi đá Núi Độc đã phá đi già nửa để làm đường vẫn còn đẹp đến mê hồn, nhiều người mẫu và nghệ sĩ đã có những kiệt tác về nơi này… Suốt mùa cưới, ngày nào cũng có vài ba đôi đánh ô tô kéo bầu đàn thê tử đến chụp ảnh, quay camera… Sự nhộn nhịp mất an ninh trật tự đến mức địa phương phải cử tổ bảo vệ chăng dây cho xe máy, ô tô vào nơi quy định đánh số phát “tích kê” thu tiền, được một nguồn thu đáng kể. Chẳng thế bạn tôi Bí thư chi bộ, ba ngày mới được một ngày trông coi xe, đúng vào ngày họp lớp, anh ta phải xin phép nghỉ họp làm việc coi xe để tăng thêm thu nhập cho gia đình mình…
Sóng biển cũng có lúc êm dịu dè dặt, lúc dữ dội gầm thét thất thường như cô gái đỏng đảnh; mùa mưa nước biển ngả sang màu hồng của phù sa, các đại gia khó tính không yêu thích, nhưng chúng tôi lại mừng vui, có thế mới có nhiều phù du để con cua gạch bãi đá, con cá song cá tráp, con hàu có nhiều thức ăn… Các đại gia muốn tắm nước trong xanh xin mời vào “Hon Dau risot” có bể bơi tạo sóng lớn nhất Đông Nam Á… thỏa mãn mọi nhu cầu. nhiều người nơi xa đến cũng phải khâm phục
Gió biển ở đây thì thôi rồi! Sự hào phóng đến tột đỉnh… Thủ đô các nước bắc Âu đưa tin thời tiết quá nóng, nhiều người không chịu nổi mà chết, hàng ngày các con số cứ cao dần, các quảng trường nơi công cộng có vòi phun nước trở thành nơi hội tụ của con người trần như nhộng. Vì thời tiết nóng quá, miếng vải nhỏ nhất trên người lớn bé đều thấy thừa thải…
Những ngày này tôi cùng những ông bạn già ra mấy gốc phi lao trước Chùa Hang, hoặc bãi “Xó Sóng 295” căng võng, mang tin mới nhìn được trên ti vi, tranh luận thời sự quốc tế chẳng ai chịu thua ai điều gì, hết chuyện quay ra đọc báo, đánh cờ… Có ông đứng vặn mình, vẫy tay được vài cái lên võng ngủ ngon lành ngáy to như kéo gỗ… Vì cả đêm ở nhà nóng quá không ngủ được. Cứ như thế, mặt trời lặn khuất xuống đầu núi Hang Dơi, chai nước mang theo ông nào cũng uống gần hết, vỏ chai vất vào giỏ xe đạp để ngày sau lại đi…
Mấy năm trước, ngày mới về quê, đứa cháu mới năm sáu tuổi ngày nào tôi cũng phải thồ ra đây tắm biển, dạy nó biết bơi vượt lên con sóng mới thôi. Mặc đồ tắm ở nhà, phóng xe mấy phút ra biển, tháo quần áo ngoài treo lên gương xe. Nhảy xuống biển nô đùa với sóng, vày nghịch với cát chán đến tắt nắng mới lên bờ, khăn bông lau khô người xỏ chân vào quần cộc, khóac cái áo ngồi lên xe về nhà tráng nước ngọt. Suốt mùa hè như thế không chịu mất một đồng xu cho cửa hàng dịch vụ.
Một mùa hè, ông anh trên Hà Nội đưa các cháu về nghỉ mát, ngoài bãi tắm các nhà nghỉ giá tăng lên gấp hai gấp ba mà không còn phòng để thuê. Mãi sau mới nhớ đến đứa em này, đợt nghỉ ấy ông anh tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ…
Thế mà mà nay bỏ lại tất cả, mọi dự định đã rõ đến mức rành rọt, lúc này tôi mới thấy trong người thư thái nhẹ nhõm: Giác mạc sẽ hiến tặng cho y học, bộ xương tặng cho trường Mỹ Thuật làm giáo cụ trực quan để sinh viên nghiên cứu hoặc đưa vào lò Hóa Thân Hoàn Vũ, tro bụi tung ra biển bãi đá Mái Nhà nơi chính tôi đã được đẻ rơi tại đó. Những tài sản khác đã được luật sư đặt đúng địa chỉ. Thế là thỏa mãn, một tập sáng tác vè ca dao cách mạng đã được in gáy sách khá dày còn thơm mùi mực… Như thế không còn công việc gì dở dang. Có lẽ không còn gì tuyệt vời hơn nữa…
Bãi đá cát bãi bồi và tiếng sóng dìu dặt như nựng ru, rồi gầm gào như giận dữ đến cháy lòng cháy ruột. Gió hào phóng mơn man trên da thịt. Bây giờ tôi đã có tất cả mà bỏ lại ra đi…
Và lần này tôi chắc chắn không bao giờ được nhìn lại.
Tiếc nuối đấy nhưng không thể khác được… Lần này rời khỏi quê hương là mãi mãi.