Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà bảo tàng văn học

Slawomir Mrozek - Lê Bá Thự dịch
Thứ ba ngày 13 tháng 1 năm 2015 8:04 PM

Nhà tôi bị mất con cún, con tôi buồn như chấu cắn, vì cháu rất yêu chó. Tôi bèn cho con đi thăm bảo tàng một nhà thơ nổi tiếng. Để cháu nó khuây khỏa và nhân tiện bồi bổ kiến thức.

Tôi mua vé vào cửa, hai cha con đợi cho đến khi đủ một nhóm người xem, sau đó người hướng dẫn của nhà bảo tàng mới dẫn chúng tôi vào thăm các căn phòng của nhà thơ. Nhà thơ mất cách đây đã trăm năm, bảo tàng này chính là nhà ở của ông được biến thành nhà bảo tàng. Bên cạnh quầy bán vé có một quầy sách gồm các tác phẩm do nhà thơ viết. Sách thì vẫn là sách, chẳng có gì hay ho.

Nhóm người đã đủ con số, người hướng dẫn đưa chúng tôi vào tiền sảnh.

- Bên trái các vị là nhà tắm của thi hào, - người hướng dẫn thuyết minh. Chúng tôi thò đầu vào xem, vì cửa mở, có điều bước vào trong thì không được, một sợi dây gấm màu đỏ thắm chăng ngang chắn lối vào. Trên chậu rửa có một hộp đựng xà phòng. Trên miếng xà phòng có biển đề: “Bánh xà phòng nhà thơ ưa chuộng”.

- Có được ngửi không ạ? - một chị hỏi.

- Cấm ngửi, - người hướng dẫn nói. - Nhưng các nhà nghiên cứu khẳng định, hàng ngày nhà thơ vẫn rửa bằng bánh xà phòng này.

- Rửa cả tai nữa hả chú? - con tôi ái ngại hỏi.

- Im mồm, - tôi chặn họng thằng bé. - Đừng có mà quấy rầy người lớn khi họ đang thưởng lãm. Đương nhiên là cả tai nữa. Con mà chịu khó rửa tai thì mai kia con cũng sẽ trở thành nhà thơ nổi tiếng.

Tiếp nữa là phòng khách và phòng ngủ của nhà thơ. Bàn ghế làm bằng gỗ bồ đào, khá đẹp, nhưng chẳng có gì hấp dẫn. Một chị toan sờ tay vào đệm, song cũng bị cấm, kể cả trả thêm tiền.

- Thưa các quý vị, đây là phòng làm việc của nhà thơ, - người hướng dẫn thuyết minh, đoạn mời chúng tôi bước vào.

Một bức tượng nhà thơ to bằng kích thước thực ngồi bên bàn làm việc. Tái dựng y như còn sống, có lẽ bằng sáp. Ông vận áo choàng. Tay cầm bút máy, trên bàn thấy có một tờ giấy có chữ viết.

- Đây là bản thảo, vì chép tay, - người hướng dẫn giải thích. - Các nhà nghiên cứu qủa quyết như vậy. Chỗ này chúng tôi muốn giới thiệu, nhà thơ đã viết bài thơ nổi tiếng của mình như thế nào. Các vị còn nhớ bài thơ này hay không? Bài thơ có đoạn:

Tổ quốc ơi,

con trong cánh tay Người,

như đứa trẻ Người ru,

cho bú sữa hồn Người...

- Bố ơi, nhìn kìa! - con tôi thét lớn, - nom y hệt như ở nhà ta!

Tôi nhìn. Qủa nhiên tôi thấy dưới gầm bàn làm việc của nhà thơ có một cái vỏ chai nằm lăn quay, đã hết nhẵn rượu.

- Mấy ông họa sĩ vứt lại hôm đến đây tu sửa, - người hướng dẫn giải thích. - Cái chai này không phải là hiện vật của nhà bảo tàng.

Lúc này tôi phát hiện thấy trên cái đầu hói của nhà thơ có dòng chữ: “Tôi đã tới đây. Kazik”.

Chắc là nhà thơ ghi chép ngay cả khi không có mảnh giấy nào trong tay, - tôi nghĩ bụng. - Đúng là một thi hào. Nhưng cái gì ở bên dưới thế này?

Ngay dưới dòng chữ nói trên, một dòng chữ thứ hai:

Mày giở trò gì vậy, đồ đểu?”. Và chữ kí: “Người bạn của Văn học”.

Đây có lẽ không phải chữ của nhà thơ, - tôi nghĩ bụng. - Nét chữ hoàn toàn khác.

Tôi quan sát chung quanh. Con tôi định lôi ngăn kéo ra, song người hướng dẫn không cho. Trong khi đó một chị chụp ảnh, những người khác tranh cãi với nhau, đây là nhà sở hữu hay nhà thuê. Người hướng dẫn không thể giải thích được điều gì vì bận đuổi theo đứa bé đang trượt trên nền nhà được đánh xi bóng nhoáng như ở mọi nhà bảo tàng khác.

Tôi rút bút bi và viết dưới dòng chữ: “Người bạn của Văn học”: “Nhà tôi bị mất con cún. Ai dắt đến giùm xin hậu tạ...”.

Hàng ngày có khá đông khách đến thăm nhà bảo tàng và rồi ai cũng sẽ đọc dòng chữ này. Biết đâu tôi lại tìm được con cún.

Người gác chiếc bình cổ Trung Hoa

Tại thủ đô của một cường quốc nọ có một viện bảo tàng, trong đó có khu trưng bày về nền nghệ thuật phuơng Đông. Trong vô số các hiện vật trưng bày tại khu này có nhiều báu vật cực hiếm, giá trị văn hoá và giá trị bằng tiền của chúng vô cùng lớn. Trong số các vật hiếm này có một báu vật đầu bảng, bởi đó là bản duy nhất thuộc loại đó và cũng là bản duy nhất trên toàn cầu. Vì là hiện vật cực hiếm nên giá trị văn hoá của nó là độc nhất vô nhị, còn giá trị bằng tiền thời không tính xuể.

Chiếc bình cổ Trung Hoa chính là vật hiếm này. Nó lại càng là của hiếm do người ta phát hiện được khi nó chẳng còn nguyên xi, mà ở dạng một ngàn chín trăm tám mươi hai mảnh vỏ, tức thị mảnh vỡ. Người ta lần lượt tìm thấy những mảnh vỡ đó trong vòng mười lăm năm đãi đất phù sa múc từ đáy của một con sông lớn ở Trung Quốc. Phù sa được sấy khô bằng phương pháp đặc biệt, rồi sau đó được sàng lọc bằng loại sàng khảo cổ đặc biệt. Từ những mảnh vụn được khai quật theo phương pháp đó người ta đoán định toàn bộ chiếc bình. Dĩ nhiên không thể làm xong ngay, mà từ từ, mất độ bẩy năm sau đó. Và tiếp đó lại mất bẩy năm nữa người ta mới có được chiếc bình mà cách dây năm ngàn năm bị vỡ thành một ngàn chín trăm tám mươi hai mảnh, nằm rải rác dưới lòng một con sông cái, vì người ta phải gắn chúng lại, tức thị tái tạo chiếc bình như nó vốn có ngày xưa.

Bởi giá trị của hiện vật này là vô song, cho nên người ta đặt nó ở một vị trí đặc biệt trong bảo tàng và dành riêng cho chiếc bình này một người gác đặc biệt. Thường thường những người canh gác trong bảo tàng họ canh giữ nhiều hiện vật cùng một lúc. Nhưng riêng trường hợp này nhiệm vụ của người gác chỉ là trông nom một chiếc bình cổ Trung Hoa duy nhất. Xem ra nhiệm vụ của người bảo vệ này có vẻ ngon lành hơn nhiệm vụ của các bạn đồng nghiệp của anh ta, nhưng trách nhiệm thì hết sức nặng nề.

Ấy chính vì trách nhiệm nặng nề như vậy cho nên người ta tìm kiếm mãi mới tuyển được một người vừa ý. Đó là một gã đàn ông ở độ tuổi chín chắn, không nghiện ngập thứ gì, là một người chồng, một người cha mẫu mực và mắn phúc, là một con người thực thà, luôn luôn biết lo toan bổn phận. Một chiếc ghế đẩu được đặt ngay bên cạnh chiếc bình cổ Trung Hoa và từ nay gã có bổn phận ngồi ở đó tám tiếng mỗi ngày, sáu ngày mỗi tuần và mười một tháng mỗi năm - mười một, tại vì mỗi năm gã được nghỉ phép một tháng. Tháng đó bảo tàng đóng cửa để sửa sang, tu chỉnh.

Báu vật được canh giữ cẩn thận đến nỗi người gác không lúc nào rời mắt khỏi nó, đó chính là nhiệm vụ của anh ta. Bằng cách như vậy hiện vật này được bảo vệ chu đáo trước mọi hiểm nguy vốn thường đe doạ các hiện vật trưng bày trong bảo tàng này. Lũ cướp hoặc quân phá hoại đội lốt người xem lẫn trong đám đông hễ lảng vảng tới gần chiếc bình là bụng bảo dạ, ở chỗ này thì đừng hòng xơ múi gì. Sự hiện diện liên tục và hết mực cảnh giác của người canh gác ắt tóm cổ ngay tức khắc bất kỳ tên trộm hoặc kẻ coi trời bằng vung nào. Cho nên bọn chúng đành bỏ sang khu khác kiếm ăn. Trong những năm qua cũng đã từng xẩy ra những vụ trộm và phá hoại trong bảo tàng này, tuy vậy đối với chiếc bình cổ Trung Hoa thì tuyệt nhiên không, mà ngay cả những hiện vật khác ở khu vực gần đó cũng vậy. Chính là nhờ có sự cảnh giác cao độ mà khu vực quanh chiếc bình cổ lúc nào cũng hết mực yên ổn, không hề bị quấy nhiễu.

Tuy nhiên, cái yên ổn đó chẳng thể ru ngủ được sự tỉnh táo của người bảo vệ. Mà trái lại. Thâm niên làm người canh gác càng nhiều gã càng trông nom chu đáo vật báu được giao, càng cảnh giác với người xem. Bởi kinh nghiệm dạy rằng, hễ cái gì lâu lắm không xẩy ra thì sác xuất nó sẽ xẩy ra càng lớn. Nhưng đồng thời giá trị bất biến của chiếc bình vẫn không ngừng bất biến theo năm tháng, những năm tháng không kẻ nào dám đụng tới chiếc bình. Tuy nhiên - cũng trái lại - nó có tăng, nhưng không phải về số lượng, bởi sự vô song và vô biên đâu có tăng được, mà là sức huyền bí và huyền thoại. Bởi lẽ, cái huyền bí càng lâu bị đụng đến thì nó càng tăng huyền bí lên gấp bội và chỉ có nghịch thần mơí chặn được sự gia tăng này.

Thế rồi dần dà, song liên tục, người gác chiếc bình cổ vô giá nhích dần đến tuổi nghỉ hưu. Gã vẫn tiếp tục có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, lại được đề bạt, vì ngần ấy năm gã phục vụ không chê vào đâu được và nhờ tằn tiện - vì như ta đã biết, gã chẳng nghiện ngập thứ gì, gã đã trở thành chủ nhân của một ngôi nhà nho nhỏ, có vườn tược hẳn hoi.

Rốt cuộc, ngày làm việc cuối cùng đã đến, chỉ hôm sau là gã bàn giao vị trí của mình cho thế hệ kế tiếp và về nghỉ hưu. Trong hội trường người ta đang khẩn trương chuẩn bị cho buổi lễ. Tối nay sẽ có cuộc chia tay với một nhân viên có nhiều cống hiến, có trao huân chương và bằng khen, sau đó là cuộc chiêu đãi với sự có mặt của Ban giám đốc, đại diện của Bộ và các bạn đồng nghiệp. Gã thực thi bổn phận như mọi ngày, tuy nhiên lần đầu tiên gã có linh cảm, một chuyện gì đó bất thường rồi sẽ phải xẩy ra. Bởi giác quan thứ sáu của người canh gác, được phát triển thêm qua suốt ba mươi năm ròng công tác, mách cho gã hay rằng hôm nay sẽ xẩy ra một vụ việc mà lâu nay chưa bao giờ xẩy ra cả. Nỗi lo lắng của gã là dễ hiểu. Gã ngại, đúng vào hôm nay - ngày cuối cùng gã làm nhiêm vụ, cái nhiệm vụ suốt ba mươi năm qua gã đã làm tròn không chê vào đâu được - có kẻ đột nhập vào chốn có vật thiêng mà gã đang canh giữ và làm đổ bể toàn bộ công danh của gã, nếu gã không ngăn chặn kịp thời hành vi phạm thánh.

Rồi gã mài sắc tới cùng tinh thần cảnh giác vốn được thử thách và nâng cao suốt mấy chục năm qua. Gã căng mắt quan sát kỹ từng người đi lại gần “thánh địa”, lường trước mỗi bước đi, mỗi cử chỉ, canh chừng từng tiếng sột soạt và từng hơi thở. Gã luôn luôn giữ tư thế sẵn sàng, chỉ cần nhận thấy một chút dấu hiệu nguy hiểm là nhẩy vào chặn đứng và tóm cổ. Thế rồi hàng giây, hàng giờ chậm rãi trôi qua. Nhưng thói thường, hễ đợi mãi mà không thấy chuyện gì xẩy ra thì người ta lại càng đinh ninh là rồi nhất định nó phải xẩy ra.

Lúc đó trời đã về chiều, đã hoàng hôn, gần kết thúc cái giờ khổ sở. Có điều, lúc này sự linh cảm của gã là sẽ xẩy ra chuyện bất thường đã biến thành điều chắc chắn và khi tiếng chuông nổi lên báo cho dân chúng hay, đã đến giờ họ phải ra khỏi bảo tàng, thì gã không thể tin nổi là một ngày đã qua mà chẳng hề xẩy ra chuyện gì cả. Cả ngày hôm nay, cả ba mươi năm qua là vậy.

Gã không dám tin cho tới tận phút chót, thậm chí cả khi người xem cuối cùng đã khuất khỏi cánh cửa đàng kia và sau đó nữa, khi trong nhà bảo tàng chỉ còn lại độc một mình gã, một mình gã bên chiếc bình cổ Trung Hoa, chiếc bình vẫn tiếp tục không bị đụng tới, không hề suy suyển. Và vẫn vô giá.

Đập tan chiếc bình dễ như bỡn. Gã làm chuyện đó một cách dễ dàng trong vòng mấy giây nhờ có chiếc can. Chả là, từ dạo bị thấp khớp gã phải chống chiếc can cỡ bự. Rồi gã tăng gấp ba con số một ngàn chín trăm tám mươi hai mảnh vỡ của báu vật - dùng gót giầy nghiền từng mảnh vỡ. Sau đó gã mới qua cổng hậu ra khỏi bảo tàng, chẳng ai nom thấy.

Gã ra về với cảm giác cuộc đời gã đã không trôi qua một cách vô nghĩa. Bởi lẽ, hoá ra ba mươi năm cảnh giác của gã là hoàn toàn có cơ sở. Cái nguy cơ mà gã có bổn phận phải chống trả hoá ra là có thực. Thêm nữa, gã thấy khoan khoái trong người, tựa hồ trẻ lại. Chẳng phải trẻ lại ba mươi năm, mà là năm ngàn năm.

Rút từ tập truyện „Con voi