Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tinh thần đạo Phật trong tiểu thuyết "Cát nơi đảo xa"

Thích Tiểu Thanh
Thứ ba ngày 13 tháng 1 năm 2015 7:02 AM


Cơ duyên đưa tôi đến với cuốn tiểu thuyết - CÁT NƠI ĐẢO XA - của tác giả Trần Ngọc Dương vào một ngày gần rằm tháng bảy năm Giáp Ngọ. Khuya hôm đó, sau khi xem lại bài thuyết giảng cho lớp Tập tu vào buổi sớm mai, tôi tản bộ tới vườn cây yên tĩnh cạnh chùa. Khi đi ngang qua khu nhà nghỉ của các Tập sinh tôi thấy có ánh đèn lóe lên qua ô cửa sổ. Không an tâm về sự việc bất thường đó, tôi tới hành lang của khu nhà, lặng lẽ quan sát gian phòng các Tập sinh đang nằm nghỉ. Trong ánh sáng xanh nhạt dịu êm của ngọn đèn ngủ, tôi nhìn thấy có một cậu bé ngồi trong góc nhà, cúi đầu chăm chú đọc một cuốn sách qua ánh sáng của cây đèn pin. Không muốn làm hỏng giấc ngủ của những Tập sinh khác, tôi lặng lẽ mở cửa đến bên cậu bé. Phát hiện ra sự có mặt của tôi, cậu bé sững người rồi im lặng cầm tang vật, rời căn phòng đi theo sự hướng dẫn của tôi. Tại phòng tĩnh tâm của chùa, tôi yêu cầu cậu bé cho biết lý do vi phạm nội qui đã được phổ biến. Bởi vì, lúc nhập lớp mọi người đều được nghiên cứu kỹ về các qui định, bắt buộc phải tuân theo trong suốt quá trình theo học. Trong đó có một số điều khoản như: “...Không được mang theo người tiền, các đồ trang sức bằng kim loại quí, những phương tiện nghe nhìn cũng như mọi văn hóa phẩm nằm ngoài chương trình học tập tại chùa...v.v”
Các Tập sinh trong khóa học này đều nằm trong lứa tuổi từ 12 đến 14, được gia đình các đệ tử trong vùng tin cậy gửi lên chùa theo học lớp Tập tu trong dịp nghỉ hè. Việc quản lý, chăm sóc, dạy dỗ số Tập sinh này đối với các Thày trong chùa vô cùng phức tạp! Khi biết nguyên do câu chuyện, tôi đã nói với cậu bé: “Con hãy để cuốn sách này tại đây. Khi kết thúc khóa học, Thày hứa sẽ trả lại cho con. Rồi tôi dẫn cậu bé trở lại phòng ngủ của các Tập sinh!”
Lúc trở về căn phòng riêng của mình, tôi cầm “tang vật vi phạm” và lần tìm tới trang sách cậu bé đọc giở đã được đánh giấu, để xem xét điều làm Tập sinh này si mê. Thật bất ngờ khi tôi được đọc những dòng như kinh Phât:
“...Chẳng phiền trách ai!
Chẳng giận hờn ai!
Chẳng làm hại ai!
Chỉ biết lắng nghe!
Chỉ biết sẻ chia!
Chỉ biết tình người!”
Khi đọc được những dòng trên, tôi đã tự hỏi: “Tại sao tác giả lại viết những câu như vậy trong một tác phẩm văn học? Những trang tiếp theo liệu còn có điều gì liên quan đến Đạo Phật???” Không sao thoát khỏi sự tò mò, tôi đã đọc một mạch và suy nghĩ tới tận ban mai mà không hề hay biết trời đã sáng từ lâu. Tôi tìm cách lý giải những điều tác giả đã đề cập tới tinh thần của Đạo Phật. Đức Phật ra đời vì muôn loài, trong đó chủ yếu là loài người. Cho nên mọi hành động của Ngài đều nhắm đến con người. Ở đâu có đạo Phật, ở đó có tình thương, ở đó hận thù được hóa giải. Bởi lẽ phương châm Tu tập của Phật giáo là từ, bi, hỷ, xả, còn gọi là Tứ vô lượng tâm. Người Phật tử lấy từ, bi, hỷ, xả làm nền tảng cho sự phát triển thánh hạnh; tâm từ bi được coi là tâm Phật.
Ta hãy cùng lắng nghe cuộc trao đổi của hai người đàn ông sống cách thời đại chúng ta gần 800 năm. (Một người dân Đại Việt – Có Đạo Phật là Quốc đạo. Còn người kia là Thày cúng, sống ở đất Chiêm Thành – Theo một tôn giáo hoàn toàn khác!)
“...Lý Sơn chắp tay:
- Lúc chúng tôi tới đây, dân làng đang gặp khó khăn! Nếu chúng tôi bỏ đi, sẽ không đúng với đạo làm người.
Ông thầy cúng thốt lên:
- Giờ đây, tôi cũng có suy nghĩ giống như các hạ! Trong cuộc đời này, sẽ chẳng có đạo nào bằng Đạo Làm Người cả...”
Bởi Đạo Phật là đạo của con người!
Nên việc thương yêu đồng loại và vạn loại chúng sanh là chất liệu sống của Đạo Phật. Đạo Phật cho rằng phần lớn những nỗi khổ của con người do họ không sống thật với hiện tại, họ thường nuối tiếc quá khứ, mơ tưởng tới tương lai hão huyền; do đó, ý nghĩa của cuộc đời bị đánh mất.
Từ khi có mặt trên cõi đời này cho đến nay, Đạo Phật đã trải qua nhiều thử thách, nhưng giá trị, tác dụng tinh thần của Đạo Phật vẫn không hề thay đổi. Ngày nay, chiến tranh vẫn diễn ra khốc liệt trên thế giới. Vấn nạn khủng bố không từ một quốc gia nào. Nền văn minh vật chất đã xô đẩy con người vào trong những hố sâu tham vọng, hận thù. Nghèo đói, bệnh tật, thiên tai vẫn đe dọa đến đời sống của toàn nhân loại. Thì chúng ta càng cảm nhận được ý nghĩa lớn lao lời Đức Phật đã dạy: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng giác ngộ, có khả năng thực hiện niềm hạnh phúc chân thật.
Lúc hòn đảo nơi đoàn người của Lý Sơn chọn làm quê hương mới đã có cuộc sống yên ổn, thì Lão Tăng – Một Phật tử bị bỏ rơi trước đó lại ngỏ lời:
“... Ta lên hang đây.
- Sao thầy lại phải trở lên trên đó?
- Nơi đấy phù hợp với cuộc sống của ta hơn.
- Hay ở đây còn có điều làm thầy chưa được hài lòng?
Lão Tăng lắc đầu:
- Cuộc sống ở đây rất tốt!
- Chẳng nhẽ thầy cho rằng, sống một mình ở trên hang sẽ còn tốt hơn.
Lão tăng nhẹ nhàng:
- Không phải vậy! Nhưng hang là nơi ta tu hành. Ở trên đó, ta còn đang khắc dở một bức tượng Phật bằng gỗ quí. Ta cũng biết, quãng thời gian còn lại của cuộc đời mình không đáng là bao. Đã đến lúc ta phải tập trung tiếp tục các công việc còn đang làm dang dở rồi.
- Nếu vì thiếu nơi tu hành, đệ tử sẽ cho dựng ở đây một ngôi chùa!
- Phật đã về ngự nơi am động. Còn tại đây, cơ duyên chưa thuận.
Lý Sơn ái ngại bày tỏ:
- Đệ tử sợ thầy về trên đó, một mình vắng vẻ.
- Sao lại vắng vẻ, khi trong tâm ta còn có đức Phật...
...Rồi Lý Sơn cho người làm đường từ làng lên hang. Mặt bằng nơi túp lều cỏ được mở rộng, thay vào đó là một căn nhà bằng gỗ quí vững chắc. Mọi người gọi nơi lão tăng tu hành là Chùa Hang...”
Chùa Hang ở huyện Lý Sơn ngày nay cũng nằm ở vị trí chẳng gần với khu dân cư trên đảo. Chùa Hang ngày đó chắc chắn phải hoang vắng lắm! Vậy mà Lão Tăng vẫn chọn chốn đó làm nơi tu hành. Rồi ở thương cảng Vân Đồn, khi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thắng lợi. Người ta thấy: “...Vân Hoa cho dựng một cái am nhỏ lợp cỏ trên đảo Cái Bầu, và lấy đó làm nơi tu hành. Người dân trong vùng thường nghe thấy tiếng chuông ngân nga vào những quãng thời gian nhất định trong ngày. Và người ta đã gọi nó bằng cái tên thân mật là: Am Thảo Vân...”
Ngày nay có nhiều người khi đến chùa vẫn nêu câu hỏi: “Không hiểu tại sao người xưa lại chọn những nơi hoang vắng để dựng chùa, đi tu...”
Muốn hiểu được điều này, chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu thật kỹ lời Đức Phật dạy người Phật tử, khi Tu tập Tứ vô lượng tâm: "Vị ấy tâm an trú biến mãn một phương cho đến mười phương với tâm từ, bi, hỷ, xả quảng đại vô biên, không hận, không sân... đối với mọi hình thức của sự sống, không bỏ qua và bỏ sót một ai mà không biến mãn với tâm giải thoát cùng với từ, bi, hỷ, xả. Tâm từ là khả năng hiến tặng niềm vui cho tha nhân. Tâm bi là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt. Tâm hỷ là niềm vui, lòng thanh thản do từ bi đem tới. Tâm xả là thư thái nhẹ nhàng, tự do, không kỳ thị."
Còn nhiều người thời nay quan niệm rất đơn giản, tu cho có phúc. Muốn hết tai nạn nên tới chùa Tập tu để cầu phúc. Nếu lỡ gặp tai nạn thì trách Phật chẳng linh thiêng, không tu nữa và cũng chẳng cần đi chùa.
Chúng ta phải hiểu Tập tu là chấp nhận mọi khó khăn, mọi nguy hiểm. Để vươn lên trước những thử thách cay đắng mới là người có lập trường, có ý chí, như vậy mới mong đạt được sở nguyện. Hiểu thế, giả sử chúng ta có gặp khó khăn đến mấy, ta vẫn cười: “Đây là cơ hội để mình tu, chớ không phải cầu xin ai”. Hơn nữa, tu là nguyện sửa chữa những tật xấu như tham, sân, si. Nếu vào đạo muốn gì được nấy thì tham chẳng những không giảm chút nào mà còn tăng trưởng thêm, càng tu càng tham. Người biết tu khi gặp cảnh vui hợp ý thì hoan hỷ tu, nhưng gặp những lúc khó khăn trái ý cũng mỉm cười mà tu. Muốn được là tham, không được vẫn không buồn là thắng cái tham, thắng một thứ. Trong quá trình truyền giáo, Đạo Phật chưa bao giờ chủ trương dùng bạo lực. Thông điệp tình thương cứu khổ, giúp đời đã được Đức Phật tuyên thuyết ngay từ thời kỳ sơ khai thành lập.
Cuốn tiểu thuyết CÁT NƠI ĐẢO XA gắn với thời kỳ chuyển giao lịch sử của hai triều Lý - Trần. Trên phương diện tư tưởng, Phật giáo Lý - Trần rất được đề cao, coi trọng. Từ Lý Công Uẩn đến các ông vua cuối triều Trần đều coi Phật giáo là nền tảng tinh thần của xã hội. Nên ta cũng thấy tinh thần của Đạo Phật, được đề cao làm kim chỉ nam cho mọi hành động của từng con người trong cuốn tiểu thuyết, dù ở triều đại nào. Còn tôi cho rằng: Tinh thần của người dân Việt trong mọi triều đại, luôn hòa nhập với tinh thần của Đạo Phật, tạo ra tinh thần của từng thời đại, mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Ngày nay tuy được sống trong xã hội văn minh, song con người càng có nhiều nỗi lo lắng, sợ hãi mới: nạn nhân mãn, ô nhiễm môi trường, hủy diệt sinh thái, áp lực kinh tế xã hội đè nặng lên trên tâm trí của con người tạo nên ức chế tâm lý. băng hoại về đạo đức làm mất thăng bằng giữa đạo đức và hưởng thụ. Thì Đạo Phật với con đường thoát khổ thiết thực, nhân bản, với phương châm từ bi hỷ xả, xóa bỏ chấp thủ, hận thù sẽ tiếp tục sứ mệnh hóa giải khổ đau cho nhân loại.
Tôi đã lồng những suy nghĩ trên vào bài thuyết giảng cho lớp Tập tu vào buổi sáng hôm đó. Khi giảng bài tôi nói rất ít về ý nghĩa của Bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan. Nhưng lại nhắc nhiều đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về những vấn đề, đến cội nguồn mà cuốn tiểu thuyết CÁT NƠI ĐẢO XA đã đề cập tới. Tôi cũng nói rất nhiều về những thế hệ đã và đang đấu tranh bảo vệ biển, đảo của đất mẹ Việt Nam thân yêu. Thay vì giữ lại quyển sách cho đến ngày kêt thúc khóa Tập tu, tôi lại đọc cho các Tập sinh nghe và chúng tôi đã cùng bàn luận theo quan điểm của từng người.