Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Những người muôn năm cũ, chạy tả tơi cả rồi!

Phạm Mỹ
Chủ nhật ngày 2 tháng 2 năm 2014 6:22 AM

NVTPHCM- Hình ảnh ông đồ ôm giấy đỏ lom khom chạy lực lượng an ninh phường ở Văn Miếu vừa qua khiến công chúng xem mà đau. Không đau sao được khi thấy những chữ “Tâm”, chữ “Phúc”, chữ “Hiếu” rơi la liệt ở vỉa hè...

1. Nguyên do của sự việc đáng buồn trên là quy định mới về quy hoạch khu vực hoạt động của các ông đồ do Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội ban hành. Theo đó, lần đầu tiên, Sở sẽ tổ chức “Phố ông đồ” cùng CLB Thư pháp UNESCO Việt Nam từ ngày 15/1 tới 15/2/2014 tại Hồ Văn, Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Để thực hiện hoạt động trên, sở đã bố trí 36 ki ốt khung sắt, mái vải. Theo tìm hiểu, mỗi căn ki ốt được cho thuê với giá 5 triệu đồng. Và mỗi ki ốt chỉ cho phép 2 ông đồ viết chữ. Bên cạnh đó, chỉ 72 ông đồ này được cấp thẻ hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ 72 ông đồ này mới được phép hoạt động hợp pháp ở khu vực Văn Miếu. Những ông đồ không có thẻ sẽ bị cưỡng chế, dừng hoạt động do “kinh doanh trên vỉa hè”, “ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị”...

Trong khi đó, mỗi năm, trung bình có tới hàng trăm ông đồ tới “đất thánh” Nho học để viết chữ. Nên hệ lụy tất yếu là nếu có được thuê hết, chỗ ngồi trong Văn Miếu không đủ cho các ông đồ. Và nữa, giá thuê ki ốt cao, lại không được người dân hưởng ứng nên nhiều ông đồ không vào trong Hồ Văn. Cũng vì thế, cho tới lúc này, "Phố ông đồ" chẳng tấp nập như mong đợi.

Nhưng năm hết Tết đến, ngoài chuyện thu nhập, các ông không đành ngồi nhà. Vậy là bất chấp lệnh cấm, giấy đỏ, mực tàu vẫn được bày bên những con đường dọc Văn Miếu. Tiếp theo là điều gì chắc ai cũng hiểu.

 

2. Vào đầu thế kỷ XX, “Âu học chưa vin được ngọn ngành mà Hán học đã đứt cội rễ”. Khoa thi cuối cùng của triều đình phong kiến khiến những người theo Nho học chỉ biết kiếm sống bằng việc bán chữ Thánh hiền. Đó là khoảng thời gian khủng hoảng của những ông đồ.  

Và cuộc biến thiên khủng khiếp ấy của những đệ tử cửa Khổng sân Trình dường như đã “chạm đáy” khi việc bán chữ cũng chẳng ai mua. Trong hoàn cảnh ấy, nhà thơ Vũ Đình Liên viết bài thơ “Ông đồ” nổi tiếng. Và ông cũng bình luận thêm về các “ông đồ già” như “di tích tiều tuỵ, đáng thương của một thời tàn”.

Thời mạt qua, giờ hàng trăm ông đồ đã trở lại “bày mực tàu giấy đỏ, trên phố đông người qua”. Trong đó, có ông đồ già, thầy đồ trẻ, thậm chí, những “cô đồ” vừa ra trường phơi phới xuân xanh cũng xuống đường.

Người Hà Nội lại náo nức xin chữ mỗi độ Xuân về. Con xin chữ mong cha mẹ mạnh khỏe, cha mẹ xin chữ mong con cái đỗ đạt thành tài, đôi lứa xin chữ nguyện cầu hạnh phúc... Xin chữ đầu năm ở Văn Miếu dần lại trở thành thói quen của người Tràng An. Cả một nếp văn hóa đẹp đã phục hưng. Vậy mà...

 

3. “Ông đồ vẫn ngồi đấy” nghĩa là ông vẫn đến theo tín hiệu của hoa đào, vẫn “bày mực tàu giấy đỏ” trên con phố dông người lại qua sắm tết. Ông chờ đợi cái xúm xít, tấm tắc của người đời nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ đến đáng sợ. Nghệ thuật đảo ngữ cùng kết hợp phủ định “không ai” thể hiện rõ nét cái lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm đến đáng sợ của người đời. Họ cứ đi lại, vui vẻ nói cười mà không có chút ý thức nào về sự tồn tại của ông đồ. Ông đã bị họ lãng quên, bị đẩy ra bên lề cuộc sống”.

Những câu văn trong bài văn mẫu nổi tiếng này chắc nhiều người biết. Và nhiều cô giáo cũng đã coi đó như một công cụ để bình giảng bài thơ “Ông đồ” với các em học sinh khi đứng trên bục giảng.

Song, với hình ảnh ông đồ “chẳng ngồi đấy”, ki ốt bán chữ trong Văn Miếu cũng heo hút người xem, chúng ta biết nói gì đây với những ánh mắt long lanh dưới bục giảng?

PHẠM MỸ/TTVH