Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ba loại phê bình xấu

Đinh Phàm, Trần Đình Sử dịch
Chủ nhật ngày 2 tháng 2 năm 2014 9:53 PM



Hiện nay trong văn học có ba loại phê bình xấu. Một là loại phê bình xu phụ lối diễn ngôn quyền lực dùng để không chế phê bình, hoa tay múa chân làm kẻ nô tài, tiến hành một lối phê bình “chỉ hươu bảo ngựa” đối với văn học. Hai là loại phê bình rập đầu dưới chân đồng tiền, xem phê bình là một thứ mua bán, cam tâm làm tay sai cho nhà tư bản. Ba là loại phê bình vừa mượn thế của diên ngôn quyền lực quan phương, vừa làm người môi giới hai mang của đồng tiền.

    Loại phê bình thứ nhất là trạng thái thường thấy trong lịch sử, chẳng lạ lẫm gì. Phê bình xu phụ giăng đầy bầu trời Trung Quốc thời phong kiến. Nhưng không được xem thường cái thế lực này, “công lao” của nó là đem một thứ tiêu chuẩn để trói buộc văn đàn, kích động đại chúng, thậm chí mê hoặc nhà văn. Anh chẳng thấy, ngay cả trong thời đại tính chủ thể nhà văn được nâng cao như thời đại ngày nay mà vẫn có không ít nhà văn rụp đầu dưới chân anh quyền thế? Bởi vì các nhà phê bình này vung vẫy đủ loại giải thưởng, bày đặt ra rất nhiều quy tắc trò chơi, có thể được gọi là “một lời hứa giá đáng nghìn vàng”
    Loại thứ hai là sản phẩm mới của thời đại văn hóa tiêu dùng. Nếu thay đổi cách tư duy, có thể nói, không có gì là không thể xảy ra. Tiền trao cháo múc, xem số tiền bao nhiêu, sự đánh giá cao thấp, đăng ở tạp chí uy tín nào, giao dịch bình đẳng, không có gì xấu hổ cả, thời đại kinh tế thị trường, được mua bởi đồng tiền không có gì đáng chê trách. Nhưng cái luật chơi này phá vỡ môi trường sinh thái của văn học, làm cho phê bình mất đi nguyên tắc lựa chọn của nó, bất luận tác phẩm như thế nào, thậm chí là tác phẩm chưa sạch nước cản, cũng được liệt vào hàng phê bình văn học. Người ta không biết rằng, phê bình văn học có chức năng chọn lựa sơ bộ cho văn học sử, cái thứ  thượng vàng hạ cám đều khen, hậu quả thế nào thì ai cũng biết..
Loại phê bình thứ ba, kẻ môi giới hai mang, là sản phẩm tạp giao của hai loại trên, nó vừa muốn tiền vừa muốn quyền, được coi là thứ đen tối nhất. So với loại thứ nhất, về đạo đức nó không sạch sẽ bằng, nhất là khi loại thứ nhất chưa rơi vào tình cảnh đạo đức của kẻ nhận hối lộ. So với loại thứ hai, nó con thiếu cái liều lĩnh của đám văn nhân thời tiêu dùng,  do đó thủ đoạn của nó mờ ám, kín kẽ, khó bề chỉ trích. Nhưng suốt ngày ứng phó với đủ loại tác phẩm, phê bình này đến tác phẩm cũng chưa kịp xem, gây ra nhiều chuyện cười. Có nhiều nhà văn vì muốn tuyên truyền tác phẩm của mình đã mua nhà phê bình bằng số tiền lớn, đó là chuyện không nói mà ai cũng biết, mà loại phê bình tứ ba này là đối tượng chủ yếu để nhà văn tranh thủ.  Thực ra, nhà văn cũng không cần tranh thủ, các nhà phê bình loại này chỉ mong có nhà văn hỏi đến. Cho nên quan hệ của loại nhà văn này và nhà phê bình này rất vi diệu. Không biêt là ai nuôi ai, có thể là quan hệ nuôi nấng lẫn nhau.

    Tất nhiên đây chỉ là mặt trái của môi trường sinh thái phê bình, nếu không vạch mặt chỉ tên thì di hại vô cùng.
Báo văn học, 4 – 6 – 2009, đăng lại trên trang Web của Viện văn học thuộc Viện khoa học xã hội TQ.
.........................
Ghi chú: Đinh Phàm, sinh năm 1952, giáo sư Đại học Nam Kinh, phó chủ tịch Hội nghiên cứu văn học Trung Quốc, Phó hội trưởng Hội nghiên cứu văn học đương đại Trung Quốc, Chủ tịch hội phê bình văn học Giang Tô, phó tông biên tập tạp chí Chung Sơn.