Vũ Quốc Túy
Quê tôi, làng La Vân, xã Quỳnh Hồng Quỳnh Phụ, Thái Bình có một tục lệ đã được lưu truyền từ lâu là cứ vào mồng bốn Tết nguyên đán hằng năm làng lại mở hội xuống đồng. Từ lúc trời còn rất sớm tiếng trống mõ đã khua vang trên sân đình sân miếu, nơi diễn ra hội thi. Người dân nô nức rủ nhau đổ ra sân đình đông nghịt. Hội thi chỉ bắt đầu sau khi đã cúng tế thành hoàng làng và “thần nông”. Người diễn trò tất cả đều là đàn ông khoẻ mạnh, được chọn từ những nông dân giàu kinh nghiệm sản xuất, gương mẫu về mọi mặt, lại có khả năng làm trò như thật. Có nhiều đội cùng dự thi, mỗi đội gồm gần chục người, một sắm vai thợ cày, một thợ cấy và một người sắm vai con trâu. Người sắm vai ông đồ cắp tráp, tai gài cây bút. Người trên vai quảy gánh hàng là dân buôn bán. Người đội nón dấu là vai người lính. Anh nào tay cầm rìu, vai vác cây gỗ (tượng trương là khúc cây chuối) đích thị là vai bác thợ mộc. Thế là đủ các thành phần sĩ, nông, công, thương, binh. Tất cả những người làm trò đều là đàn ông. Đội nào làm trò xuất sắc sẽ có thưởng. Dẫu trời rét cắt thịt, thợ cày vẫn phải cởi trần, chỉ được đóng mỗi cái khố, đầu đội nón mê. Thợ cấy đóng giả gái, đầu chít khăn mỏ quạ, cũng cởi trần, chỉ có yếm che ngực, váy xắn quai cồng. Còn trâu mặc bộ đồ đen, đeo mặt nạ hình đầu trâu có hai sừng nhọn hoắt, vai đeo cái khoẳm (vai cày) hình chữ V buộc một sợi dây thừng ròng ra cho thợ cày nắm. Đi theo đoàn diễu hành mở màn “giáo đầu” có ông thầy đồ cắp tráp nghiên bút đại diện cho tầng lớp “sỹ” đi trước, người cầm gươm đầu đội nón dấu là “binh”, người vác theo cây rìu là đại diện cho tầng lớp “công”. Người gánh đôi quang thúng trên đậy cái mẹt, đó chính là “thương”.
Khi trống nổi liên hồi, trò diễn bắt đầu. Một già làng thường là chủ tế (mạnh bái) mặc áo the, đầu đội khăn xếp đi trước phất cờ lệnh truyền thống to gần bằng cái chiếu có thêu hoa văn, miệng liên tục hô to: “Chiềng trò mồng bốn í a a a a!”. Các “diễn viên” xếp hàng một đi vòng tròn quanh sân. Thợ cày thì một tay cầm cày (hoặc bừa) làm bằng dọc dừa, một tay cầm dây thừng, miệng luôn hô “vắt, vắt, đi, đi, họ,họ”. Con trâu cứ theo lệnh ấy mà đi cho đúng đường. Mọi người phải hành động nhất nhất theo cờ lệnh .Con trâu đi trước, đến thợ cày và cuối cùng là thợ cấy trên vai có đôi quang gánh, một tay xách dảnh mạ. Khi người ngoài hô “cấy” thì phải bỏ quang gánh, cúi xuống, vừa hai tay thoăn thoắt làm động tác cắm cây mạ xuống ruộng, vừa phải bước đi sao cho kịp thợ cày, bừa. Trống càng đánh dồn dập, cờ phất càng nhanh thì người diễn trò càng phải đẩy nhanh tốc độ “vắt, diệt, đi, họ, cấy, chạy…” Cho nên dẫu cởi trần đóng khố khi trời rét, người diễn trò vẫn cứ mồ hôi nhễ nhại! Vừa tăng nhịp độ cuộc chơi, người chơi vừa pha trò cho không khí ngày hội thêm vui nhộn. ấy là khi thợ cày trêu ghẹo thợ cấy, thì bên ngoài liền có tiếng hô “ Ông cày tòm tem bà cấy ấy a a a a!” Tiếng cười rộ lên, cả người diễn và người xem càng thêm phấn khích!
Lễ hội chỉ diễn ra khoảng ngót một giờ cho tới lúc trời tang tảng sáng. Mọi người về nhà để rồi bước vào một ngày đầu năm mới làm lụng trên cánh đồng mưa xuân đang lất phất bay và cái rét cóng vẫn chưa dứt. Dư âm lễ hội đọng lại trong mỗi người quê tôi khát vọng mùa màng bội thu bởi những con người cần cù lăn lộn cùng hòn đất làm ra hạt lúa củ khoai trong khung cảnh làng quê thanh bình, gia đình ấm êm, no đủ, hạnh phúc. Để tranh thủ cho kịp thời vụ, dân làng có thể xuống đồng từ chiều mồng hai Tết, nhưng vẫn coi ngày hội là ngày chính thức xuống đồng, nên không bao giờ vắng mặt trong lễ hội.
Ngày 4 tháng giêng Giáp Ngọ