Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẦN MẪN NGƯỜI SỬA MO-RÁT

Vũ Từ Trang
Thứ ba ngày 14 tháng 7 năm 2009 5:03 PM
Vũ Từ Trang
           
            Bình tâm ngồi ngắm nhìn chữ Nhẫn ông tặng tôi, tôi thêm bùi ngùi nhớ về ông. Đó là bức thư pháp được viết từ mấy năm trước, màu mực nho vẫn tươi nét  trên nền lụa bạch vân  trắng ngà  hoa văn chìm. Tôi rất quý bức thư pháp này. Không chỉ quý vì  nghĩa của nó, hoặc nét chữ của người viết ra, mà còn bởi tấm lòng tri kỷ của ông với tôi. Ông có viết được chữ nho, với nét chữ chuông chắn mực thước. Nhưng bức thư pháp này  ông  lại nhờ nhà thư pháp nổi tiếng viết dùm. Ấy là cụ Bách, một lương y túc nho và là nhà thư pháp danh tiếng nhất Hà Nội.
             Ông kể rằng, ông được làm quen cụ Bách đã mấy chục năm. Ngay từ thưở cụ Bách còn chưa được đánh giá cao tài thư pháp với nét chữ có thần, thì ông đã coi cụ là người  thầy về chữ nghĩa và nghiệp dĩ lương y của mình. Chữ nghĩa, cũng như nghiệp kê đơn bốc thuốc, nó cao hay thấp còn là   ở đức người. Biết nhau đã lâu, vậy mà mãi rồi ông mới đem giấy lụa đến xin chữ của người thầy, người bạn vong niên ấy. Bức thư pháp với khuôn thước khiêm nhường , ông  quý hóa treo bên bàn viết bao năm. Rồi một hôm, ông đem ra tặng lại tôi, với nhã ý,  thôi thì cùng lấy chữ nhẫn làm đầu. Về tuổi tác, về gia cảnh giữa ông và tôi có phần khác nhau, nhưng ông và tôi vẫn cùng phải tựa lên chữ nhẫn mà sống, mà tồn tại.
               Đúng là con người ai cũng cần lấy bản tính Nhẫn làm đầu. Càng ngắm bức thư pháp, tôi càng thêm thấm thía ý nghĩa. Chả thế, ngay hình tượng của nó đã thấy ghê rồi. Cái đao đâm vào con tim, mà cốt cách vẫn vững vàng. Nhẫn là như vậy đấy !
               Ông sinh ra ở một làng quê Hải Dương. Rồi ông đi thanh niên xung phong từ thời còn trẻ. Mấy năm lăn lộn bao ngả đường, rồi ông được điều về làm hộ lý ở Quân y viện 108. Cũng bởi thành phần gia đình, nên bao năm ông vẫn chỉ đươc đảm nhiệm  công việc đổ bô cho bệnh nhân. Lòng khát thèm đọc sách báo từ thưở thiếu thời, những trang sách văn học cổ điển luôn ám ảnh ông. Thế rồi ông  được cử đi học đại học tại chức. Rồi được chuyển về làm việc ở Nhà xuất bản Thanh Niên. Cuộc đời ông sang khúc ngoặt  từ đó.
              
                Tiếng là làm việc tại nhà xuất bản danh tiếng, nhưng ông lại chỉ làm công việc khiêm nhường, là mang bài vở từ nhà xuất bản sang nhà in, rồi đem bản in thử về đọc lại. Thời trước, kỹ thuật in còn lạc hậu,  việc chăm lo để có trang sách  thật vô cùng vất vả. Thoạt đầu,  người công nhân nhà in nhặt từng con chữ chì  xếp thành bát chữ cho đủ trang sách. Rồi đem in thử, gọi là bông một. Việc xếp từng con chữ chì lẩn mẩn như thế, không tránh khỏi nhầm  chữ. Phần việc của người đọc và sửa bản in thử đó, gọi là sửa mo-rát. Sửa bông một xong, lại  in thử và sửa lại, gọi là sửa bông hai. Công việc  người sửa mo-rát đòi hỏi tính kiên trì, cẩn thận và cần cả sự tinh thông. Ông Cung  là một trong mấy người sửa mo-zat cần mẫn của Nhà xuất bản Thanh Niên dạo ấy.
                 Cái dáng người nhỏ nhỏ, trán hói cao, đạp chiếc xe đạp mà ghi đông luôn treo chiếc túi xách vải bạt chứa đầy bản thảo, đã quá quen thuộc với anh em nhà xuất bản và nhà in. Ông  là  con thoi nối liền nhà in với nhà xuất bản. Đôi lúc, ông còn mang bông in thử đến gặp trực tiếp tác giả để nhờ đọc lại, cho thêm phần kỹ lưỡng.  Ông vốn là người có trách nhiệm, nên hầu hết các sách do ông sửa mo-rát, khi in ra, không  sai và không phải làm đính chính. Khác với người làm mo-rát khác, ông làm  việc thầm lặng  và say mê. Ngoài tinh thần trách nhiệm, ông còn làm với lòng ngưỡng mộ và tôn kính  các con chữ do các nhà văn nhà thơ viết ra. Thế rồi từ công việc hành chính ấy, qua bao năm tháng, ông thành người bạn thân tình của bao nhà văn nhà thơ, nhà dịch giả.
                Nhà xuất bản Thanh Niên dạo đó, cũng có mấy nhà văn làm công việc biên tập. Ấy là nhà thơ Phan Xuân Hạt, nhà thơ Võ Văn Trực, nhà văn Cao Tiến Lê, nhà thơ Phạm Đức… Sau những giờ phút cần mẫn của người mo-rát, thỉnh thoảng, ông lại được các nhà văn nhà thơ ấy đọc cho ông nghe đôi dòng   họ mới viết ra, hoặc tác phẩm nào họ tâm đắc. Trong mỗi trang viết, ông như cảm nhận được những tâm tình, những ước vọng của người viết ra nó. Những trang sách  đã mở niềm khao khát, rằng một ngày  nào đó, ông sẽ viết được đôi dòng về nỗi thẳm sâu trong trái tim mình.
               Sao nghĩ về ông, tôi lại nhớ đến hình ảnh ông già Menđen, người bán sách cũ, trong  trang viết của Xtêfan Xvaig, nhà văn Áo danh tiếng. Tuy chỉ là người làm công việc khiêm nhường và có phần buồn tẻ là mua bán sách cũ, nhưng cái ông già Menđen ấy, mê sách quý sách đến mức lạ kỳ. Ông săn đuổi, giành giật mua bằng được những cuốn sách đáng mua. Rồi ông nâng niu,  chăm sóc những cuốn sách cũ  như chăm sóc  đứa con tinh thần của mình. Buôn bán là tính đến lỗ lãi và hiệu quả kinh tế. Vậy mà với  ông già bán sách này, sự lỗ lãi lại không phải là quan trọng nhất. Cái quan trọng và vui thú nhất của ông, là mua được những cuốn sách quý và đem đến tận tay cho những người cần đọc và biết quý trọng nó. Chính cái công việc lọ mọ mua bán sách cũ,  ông già Menđen đã trở thành bạn thân của bao nhà văn đương thời. Cái thị trấn nhỏ bé và buồn tẻ bên nước Áo dạo đó, nhờ có quán sách cũ  của ông,  thành địa chỉ văn hóa cho nhiều du khách.
                Ông Menđen và ông Cung, tuy chỉ làm công việc đường viền của chữ nghĩa, vậy mà họ lại thật cần thiết, thật gần gũi với cuộc sống. Thì ra, công việc nào cũng vậy. Sự sang trọng không  đơn thuần bởi đặc thù công việc, mà điểm chính, lại là thái độ  văn hóa của con người  với công việc đó. Nghề sửa mo-rát ngày nay đã khác rồi. Công nghệ in ấn đã phát triển vượt bậc. Các nhà máy in đã bỏ đi các con chữ chì độc hại. Ông  không còn phải sửa những con chữ in sai từ những bát chữ chì kia nữa. Công nghệ vi tính phát triển, tự thấy mình  không còn theo kịp, ông xin nghỉ hưu, về  bốc thuốc tại gia. Vốn là người trung thực, thật thà với bạn, khi quay về bốc thuốc, ông được những danh y tận tình giúp đỡ. Cụ Bách truyền ông cái thần bắt mạch. Cụ Tiến truyền ông cái tài châm cứu. Con đường từ nhà xuất bản đến nhà in đã vắng bóng ông già khiêm nhường và lặng lẽ đạp xe đạp có treo túi sách vải bạt bên ghi đông. Thi thoảng nhớ công việc cũ, ông lại đạp xe lên nhà xuất bản chơi, cốt để được gần chữ nghĩa và gần những người tạo ra những con chữ. Nhà ông trong ngõ nhỏ làng Quỳnh. Đấy là  gian nhà cấp bốn còn sót lại của ngôi nhà nhiều hộ, mà các hộ khác đã dỡ xây  mới hai ba tầng. Trong gian nhà nhỏ ấy, ông lụi cụi đọc sách thuốc, pha chế, sao tẩm và bốc những thang thuốc đông y. Cửa hàng không có, khách hàng của ông đa phần là người quen, hoặc mấy ông nhà văn nhà báo thân thuộc từ thưở ông còn làm mo-rát ở nhà xuất bản. Có hôm, tôi thấy ông xách thang thuốc chữa thấp khớp vào làng Hoàng Mai cho vợ nhà thơ Tạ Vũ. Khi thì thang thuốc đau đầu chóng mặt cho nhà thơ Tạ Hữu Yên, nhà thơ Phan Xuân Hạt. Công xá xem ra cũng chẳng được là bao. Ông bốc thuốc, cốt tạo niềm vui để nối lại nghề xưa của người cha  và cũng là lấy cớ để được gần gũi  mọi người.
                 Thỉnh thoảng, ông lại đạp xe lên thăm cụ Bách, hỏi cụ một chữ trong sách thuốc mà ông không luận ra, hoặc xem cụ Bách múa bút xuất thần  thư pháp. Ấy rồi ông quay ra viết văn làm thơ. Ông lặng lẽ viết và dấu mọi người. Cho tới một buổi, ông cầm hai tập bản thảo, tập thơ “ Chiều” và tập truyện ngắn “ Cánh rừng Thùy dương ” lên xin giấy phép của nhà xuất bản, nơi ông từng làm việc. Mấy bà ở phòng hành chính tài vụ trợn tròn mắt nhìn ông và kêu lên, ông đốc chứng dở người hay sao? Ông lặng  cười. Đương nhiên,  cơ chế thị trường  bây giờ, đa phần các tác giả muốn in sách  phải  bỏ tiền túi ra in. Có lẽ, mấy người cơ quan cũ quá hiểu gia cảnh của ông, nên họ  thật lòng khuyên can như vậy. Nhà xuất bản đọc bản thảo của ông, thấy đạt chất lượng, cấp giấy phép xuất bản. Thế là,  số tiền bao năm ông dành dụm, định để sửa lại mái nhà mưa dột, ông bỏ ra in sách cho chính mình. Ông không ảo tưởng danh vọng gì, nhưng ông muốn in những trang tâm tư  của mình cho người thân quen đọc. Nhu cầu giãi bày nỗi niềm, giản dị và chính đáng của ông đã được thực hiện. Mấy nhà sách, mấy thư viện mua dùm ông một số sách  gần đủ cho chi phí in ấn. Thế là ông có niềm vui lắm rồi. Ngày trước, khi đi sửa mo-rát, dù muốn hay không, trang cuối mỗi cuốn sách đều có ghi tên người biên tập, người sửa mo-rát. Tên ông được ghi vào đó, như  để  cột trách nhiệm trước công việc. Nay tên ông đã được ghi trên  bìa sách, như cho ông niềm vui nhỏ nhoi mà thiêng liêng . Ông luôn tự thấy mình chỉ là người viết  nghiệp dư. Bao năm làm việc ở nhà xuất bản, ông đã thấm thía, nghiệp viết lách nó cao sang và xa thăm thẳm làm sao. Bao nhiêu nhà văn nhà thơ danh tiếng, vậy mà bao trang sách, bao cuốn sách của họ đều chấp nhận sự lãng quên của thời gian. Đôi khi còn mang họa vào thân nữa. Nhưng ông nhận rõ, nghiệp viết lách, sướng nhất là viết thật được lòng mình, giãi bày thật được lòng mình. Vì thế, sau phút bận rộn với việc bốc thuốc, ông lại lụi cụi đọc và hý hoáy viết .
              Số phận như luôn giáng những đòn chí mạng vào cuộc đời ông. Mà sao người tốt lại thường phải chịu những số phận cay nghiệt như thế? Đầu vụ hè năm nay, ông thấy người khó chịu. Tự mình cắt thuốc, sắc thuốc, nhưng  sự ậm ạch trong cơ thể  không chuyển. Đến khi buộc phải vào viện, thì buồn thay, ông vướng phải căn bệnh ung thư rồi. Căn bệnh  đã vào giai đoạn cuối. Một ngày sau khi mổ, tôi vào viện thăm ông, thần sắc  ông như tan nát. Bác sỹ mổ ra, rồi buộc phải khâu khép lại ngay, vì di căn đã lan khắp ổ bụng của ông. 
               Tôi nhớ hôm nào, cùng ông lên đỉnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn )  ngắm mây trắng  ngang người. Nhớ hôm  cùng  về Gia Lộc ( Hải Dương ), qua biển  lúa chín vàng, thăm người bạn có số phận cô đơn. Lại nhớ bữa về Cẩm Giàng ngẩn ngơ giữa dấu tích trại văn của gia đình nhà văn Thạch Lam. Tiếng còi tàu  ga xép chiều ấy mới trống vắng làm sao. Bao miền đất hò hẹn, có lẽ đã lỡ dở với  ông. Cụ Bách nghe tin ông trọng bệnh, sáng sớm  bắt con trai chở  xuống thăm người bạn vong niên. Sau phút cầm tay  bắt mạch, cụ khuyên ông  vững tâm chiến đấu con bệnh. Ôi trời, thương bạn, cụ Bách khuyên vậy thôi. Kiếp người,  chiến thắng được cơn bệnh, chứ  làm sao  chiến thắng được mệnh trời !
                 Chả biết có phải linh tính gì không, mấy tuần trước, ông dỡ tủ sách của mình ra, chọn và bó làm mấy bó, nhờ người đem về tặng thư viện quê nội quê ngoại mỗi nơi  vài trăm cuốn. Ông nói. tài sản tôi chả có gì, ngoài  tủ sách cũ này. Tôi mong chuyển  cho người khác  đọc tiếp.  Thì ra, người  chữa mo-rát già  của tôi,  vẫn lo lắng nghĩ về người khác, mong tạo niềm vui nhỏ nhoi cho người khác.
                “ Đời sống ôi buồn như cỏ khô
                   Này anh, em cũng tựa sương mờ
                   Ra về tay nhỏ che trời rét
                   Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ ”
                   Câu thơ của Nhã Ca mà tôi tâm đắc, thi thoảng tôi vẫn đọc lại cho ông nghe, nhưng bây giờ thì tôi đành đọc cho tôi nghe rồi. Tôi còn nhớ truyện ngắn có tên “ Giông” của ông. Câu chuyện xảy ra vào đêm ba mươi tết. Khi mọi gia đình đang bận rộn với việc chuẩn bị đón giao thừa, thì ở nhà kia, người chồng nóng lòng đợi người vợ ra ngoài phố  chưa về. Chị tranh thủ đi mua sắm thêm bánh kẹo tết ư? Chờ mãi, cho tới quá giao thừa, người vợ mới hớt hải cầm cành đào chạy vào nhà. Chị chữa ngượng và nói là chọn hoa mất thời gian quá. Anh chồng ra đón vợ, người vợ xà vào vòng tay của người chồng. Người chồng vuốt mái tóc rối bời của người vợ. Thuận tay, anh âu yếm vuốt dọc tấm thân người vợ. Bất chợt, tay anh thấy vết bẩn ướt nhầy trên quần vợ. Người vợ nhanh trí bao biện, rằng nhựa cây dính  vào đấy mà. Người chồng bảo người vợ đi tắm và thay quần áo để đón năm mới. Người vợ vào trong buồng tắm, cười khinh người chồng: Đồ ngốc, không phân biệt được nhựa cây hay nhựa người !  Nhưng  người vợ kia có hay đâu, người chồng đã thừa biết vợ mình vừa đi tằng tịu mây mưa với người tình về, vội   để quên cả dấu vết tình ái nhầy nhụa trên quần. Anh cố nhịn, tránh căng thẳng, sợ giông cho gia đình cả năm.
              Câu chuyện về cái hạnh phúc giả tạo, đọc xong, làm tôi buồn vô chừng. Tôi muốn hỏi  ông, chả nhẽ, lòng tốt để  mãi bị người ta lừa nhựa cây  với nhựa người hay sao?
Tháng 5 năm 2009