Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ LÊ ĐẠI THANH - NGƯỜI GIÀ THƠ KHÔNG GIÀ

Cao Năm
Thứ năm ngày 16 tháng 7 năm 2009 5:07 PM

 
                     
Nhà thơ Lê Đại Thanh (1907-1996)
 
       Nhà thơ Lê Đại Thanh còn sống năm nay 102 tuổi (ông sinh ngày 8/5/1907 mất 17/ 7/1996). Trong số văn nghệ sĩ nổi tiếng ở đất Cảng từ)
trước Cách mạng tháng Tám, như Văn Cao, Nguyên Hồng, Hoàng Quý, Vi Huyền Đắc..., chỉ có Lê Đại Thanh là người cả đời sống và làm việc ở Hải Phòng. Ông cũng là một trong số ít trí thức đất Cảng đi theo Cách mạng từng sống qua hai chế độ, nên hiểu rất rõ cái giá của Độc lập, Tự do. Điều đó đã đi vào thơ ông từ giữa những năm 60, thế kỷ 20, một cách tự nhiên:
 Tôi bước vào đời đã ngả theo Cách mạng
 Như hoa hướng dương quay theo ánh Mặt trời
Đảng là đại dương. Tôi là con cá hồng tươi
Đảng là núi. Tôi là con chim ngực đỏ.
             Những câu thơ trong bài Di chúc của ông như tóm lược cuộc đời một trí thức đến với Cách mạng bất chấp hiểm nguy, và cả gian nan, thử thách với chính bản thân ông.
Sau 18 năm làm giáo viên, hết dạy học ở thành phố Nam Định (1927-1932), thị xã Hoà Bình (1933), lại lên thị trấn Nước Hai, Cao Bằng ( 1933-1935), quay về dạy ở Hàng Kênh (1935-1941), rồi trường Bonnal, nay là trường trung học phổ thông Ngô Quyền (1941-1945). Ông tham gia cách mạng từ trước Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, với lòng nhiệt tình của tuổi trẻ, không từ lan bất cứ việc gì tổ chức giao phó, khi hoạt động tuyên truyền trong giới trí thức, học sinh, khi quyên góp tiền mua vũ khí cho cách mạng. Là người nhiệt tình hoạt động văn hoá, văn nghệ và có uy tín trong giới trí thức, ngay khi cách mạng thành công, ông được cử làm phó chủ tịch uỷ ban cách mạng lâm thời thành phố Hải Phòng, phụ trách tuyên truyền. Khi thực dân Pháp trở lại gây hấn Hải Phòng (20/11/1946), ông tổ chức đội kịch tuyên truyên đi các khu phố vận động nhân dân thực hiện vườn không, nhà trống ngăn chặn bước tiến của giặc. Kháng chiến bùng nổ, ông được điều lên Liên khu ba, đảm nhiệm chức phó giám đốc sở thông tin. Năm 1950, ông được điều sang quân đội, cùng tiểu đoàn 124, trung đoàn 42 với Nguyễn Khải (nhà văn), rồi làm báo Bạch Đằng của Bộ tư lệnh Liên khu ba. Hoà bình lập lại (1954), ông được điều về báo Văn nghệ, cùng tổ thơ với Hữu Loan, Quang Dũng, Trần Lê Văn, Huy Phương. Những bài thơ trữ tình mang đậm chất dân gian của Lê Đại Thanh, như Tôi yêu chuyện cổ tích nước tôi, Hát chèo, Đám cưới chuột đỏ xanh đều được viết trong giai đoạn ông ở báo Văn nghệ (1954-1959). Ông cũng là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam (1957). Sau chuyến đi thực tế (năm 1959) về nhà máy điện Cửa Cấm và cảng Hải Phòng, ông xin trở lại Hải Phòng công tác ở sở văn hoá thành phố; đến năm 1965, ông xin về hưu trước tuổi, với đồng lương còm, tính thời điểm giữa những năm 90 là 150 nghìn đồng một tháng. Vậy nhưng sinh thời, chưa một lần nghe ông ca cẩm chuyện tiền nong, lương lậu; ngay cả cuộc đời hoạt động cách mạng của ông trải dài mấy chục năm, làm đến chức phó chủ tịch uỷ ban thành phố, rồi phó giám đốc sở thông tin Liên khu ba, nhưng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay ông cũng không được nhìn thấy tấm huy chương, huân chương ghi công trạng mình, dẫu rằng đã có tới hai vị tướng, là Trung tướng Lê Hai, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN và Trung tướng Đặng Kinh, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN ghi xác nhận về những lần giao nhiệm vụ cho Lê Đại Thanh và ông đều hoàn thành tốt. Hiện người viết dòng này có trong tay bản hồi ký viết tay của nhà thơ Lê đại Thanh ghi lại cảm xúc của ông khi nhận được tờ giấy xác nhận của hai vị tướng: Tôi vui quá. Hai giấy nhận thực là hai huân chương đến với tôi. Dẫu vậy, người đời vẫn ghi nhận Lê Đại Thanh là một trí thức sớm giác ngộ cách mạng và nhiệt tình hoạt động vì lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Nhưng trước hết, Lê Đại Thanh là một nghệ sĩ tài hoa. Ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực văn hoá, văn nghệ: dạy học, viết báo, viết văn, làm thơ, viết kịch, diễn kịch, dịch thuật. Ở lĩnh vực nào ông cũng tỏ ra là một cây bút uyên thâm, sắc sảo với một phong cách rất Lê Đại Thanh. Nhưng, như chính ông bộc bạch trong Nhà văn Việt Nam-Chân dung tự hoạ (NXB Văn học-1995): Tôi hình như sinh ra để làm thơ và viết kịch bản. Bài thơ đầu tiên của ông do Thế Lữ đưa đi đăng ở báo Ngày nay (1935) là bài Hoàng hôn với những câu:
Im lặng chìm sau núi
                             Vương lại không trung một nét buồn
Mấy giải mây vàng như rắc bụi
Trên đầu suối tóc của hoàng hôn.
Được ít lâu (1936), báo Ngày nay (Tự lực Văn đoàn) mở cuộc thi sáng tác văn chương, lại chính tác giả Nhớ rừng khích lệ Lê Đại Thanh viết kịch: Viết đi. Nguyên Hồng đang viết Bỉ vỏ, Vi Huyền Đắc viết Kim tiền. Thế là Lê Đại Thanh hào hứng viết vở hài kịch Hai người trọ học. Cuộc thi văn chương của báo Ngày nay kết thúc, vở Hai người trọ học của Lê Đại Thanh đoạt giải nhì (giải nhất thuộc về Nguyên Hồng với tiểu thuyết Bỉ vỏ và Vi Huyền Đắc với vở kịch Kim tiền). Từ đấy, Lê Đại Thanh hầu như  song hành với thơ và kịch. Và ở hai lĩnh vực này, ông có hai người bạn thân đến mức cùng chung vai gây dựng cơ đồ, đó là nhà thơ Lan Sơn (Nguyễn Đức Phòng), người sau này cùng Lê Đại Thanh lập đoàn kịch mang tên Đại Thanh- Lan Sơn; còn người thứ hai là kịch tác gia Vi Huyền Đắc, tác giả vở Kim tiền.
Khi Đoàn kịch Thế Lữ đưa vở Kim tiền của Vi Huyền Đắc lên sân khấu, Lê Đại Thanh thủ vai chính Trần Thiết Chung, và chính vai diễn này đã đưa Lê Đại Thanh trở thành nổi tiếng trên sân khấu đất Cảng. Ngoài vở Kim tiền, Lê Đại Thanh còn có mặt trên sân khấu Hải Phòng trong bốn vở diễn khác, có vở khá nổi như Ghen của Đoàn Phú Tứ. Khi Đoàn kịch Thế Lữ chuyển về Hà Nội, Lê Đại Thanh cùng với Lan Sơn tự đứng ra xây dựng đoàn kịch, lấy tên Đoàn kịch Đại Thanh - Lan Sơn, vở diễn đầu tiên lẽ tất nhiên là vở hài kịch Hai người trọ học của Lê Đại Thanh, từng đoạt giải nhì cuộc thi văn chương báo Ngày nay. Là một trong hai người sáng lập Đoàn kịch Đại Thanh - Lan Sơn, ông là người viết kịch, đạo diễn, diễn viên, đồng thời là người tổ chức đêm diễn, với tất cả là bảy vở kịch do ông sáng tác và dàn dựng. Viết kịch và diễn kịch với Lê Đại Thanh có lẽ cũng say như say văn chương; chẳng thế, sau Cách mạng tháng Tám ít lâu, Pháp trở lại gây hấn Nam bộ, ông đã cùng con trai lớn là Lê Minh Châu dàn dựng và đưa lên Hà Nội công diễn vở kịch thơ Nam tiến. Đi kháng chiến ông vẫn viết kịch, chủ yếu là vở ngắn, phục vụ kịp thời, như: Những cái chết anh hùng, Người mẹ tiễn con ra trận, Hố chông địch hậu, ấn tượng hơn cả là vở kịch thơ Chiến thắng Đông Đô (năm 1954). Trên lĩnh vực báo chí, văn xuôi, dẫu ông chưa kịp in tập sách nào, nhưng theo chỗ tôi biết, ông có hàng chục truyện ngắn, bút ký khá độc đáo mà có lẽ chỉ có Lê Đại Thanh mới có lối viết văn, dẫn chuyện như thế. Ông cũng là người giỏi tiếng Pháp, đọc tác phẩm văn học Pháp từ nguyên bản, chuyển ngữ sang tiếng Việt cũng nhiều, nhưng chưa đưa in tác phẩm dịch nào, chỉ dịch để học, để rèn luyện và thỉnh thoảng cho bạn bè đọc cho vui.
Có thể nói Lê Đại Thanh là một người đa tài, hoạt động trên nhiều lĩnh vực văn hoá, văn nghệ; nhưng nói tới Lê Đại Thanh trước hết và bao giờ người ta cũng nói ông là một nhà thơ. Bởi, theo chỗ tôi biết, dù ông viết báo, viết văn, viết kịch, diễn kịch, nhưng trong tâm khảm ông bao giờ cũng dành một khoang đầy ắp cho thơ. Chính ông hầu như cả đời cũng chỉ ước mong: Hạnh phúc sao được sống mãi làm thơ (Di chúc). Với ông, thơ là đời, là cuộc đời con người gửi gắm, kết tinh ở đó; chứ không thể là chuyện ngày một ngày hai, hứng lên thì làm, một lúc vài ba bài, không hứng lên lại bỏ đó, quên ngay. Ông sống hầu như chỉ để cho thơ ca chứ không vì cái gì khác, kể cả danh vọng, tiền tài. Ông đi nhiều, đi để tìm cảm xúc, đi để mở rộng hiểu biết, và đi còn là để tư duy thơ. Có lẽ từ những lần đi lang thang, mà phần nhiều là ông ra ngoại ô, đến những nơi vắng vẻ, sang Trại Chuối, xuống Quán Mau, Dư Hàng Kênh, nên đã nhìn ra lắm kiểu màu sắc này chăng:
                             Tôi vui ngắm nắng chiều hôm
                             Tìm ra ngôn ngữ cái buồn không gian
                             Cái buồn xanh của Ngưu Lang
                             Cái buồn vàng của trăng vàng lưỡi trai
                             Cái buồn trắng của ban mai
                             Hoa mơ, hoa mận, hoa nhài, ngọc lan
                             Cái buồn tím ngát hoa xoan
                             Buồn mai cua chín một giàn đăng tiêu
                             Cái buồn đỏ của Tình yêu
                             Mặt trời lửa đốt cháy thiêu tâm hồn.
Đấy là đoạn thơ trong bài Màu sắc của cái buồn, Lê Đại Thanh viết năm 1991, nếu không biết ông, chỉ đọc thơ, không ai dám bảo là thơ của ông già năm ấy đã 85 tuổi. Còn đây là mấy câu trong khổ đầu một bài thơ tình Con chim và cái lưới, mà có lẽ nhà thơ trẻ ở độ tuổi đang yêu cũng còn khướt mới theo được nhà thơ già Lê Đại Thanh:
 
                             Đời là sa mạc lửa thiêu
                             Tôi khao khát một tình yêu cháy lòng
                             Em
                                      con chim nhỏ lượn vòng
                             Tôi quây lưới nhốt
                                                          giữa
                                                                   lòng
                                                                             tim
                                                                                      tôi.
 
 Có lẽ vì đi nhiều, quan sát nhiều mà ông có được những câu thơ trẻ trung như thế. Dường như không đi, ông không viết ra được cái gì hay sao ấy. Làm thơ hơn nửa thế kỷ, nhưng ông chưa bao giờ tỏ ra hài lòng với thơ mình, mà luôn tìm tòi cách biểu đạt ngôn ngữ, tư duy thơ theo cách của riêng ông. Trong bài Thi sĩ và thơ ông viết 1968-1970, được coi như tuyên ngôn thơ, ông mở đầu và kết thúc đều bằng câu: Những thi sĩ tồn tại bằng hình tượng Ngôn ngữ, đủ biết ông coi trọng chữ nghĩa, hình tượng đến mức nào. Có lẽ vì thế, cả cuộc đời làm thơ, ông chỉ duy nhất có một tập của riêng mình: Những ngôi sao biển, với 33 bài thơ do ông chọn, in ở một nhà xuất bản địa phương, nhân ông thượng thọ 80 (năm 1987). Dù thế, trong làng văn nghệ Hải Phòng, nhà thơ Lê Đại Thanh vẫn là cây đại thụ, và trong nền văn học Việt Nam hiện đại, ông vẫn xứng đáng là một nhà thơ có đóng góp đáng kể. Dẫu suốt đời gắn bó với văn chương, đi theo cách mạng từ ngày đầu khởi nghĩa, nhưng khi qua đời cũng chỉ là một nhân viên Nhà nước về hưu, không có lấy một tấm huân, huy chương để lại. Nhưng cái mà ông để lại mãi mãi cho người đời, ấy là những thi phẩm rất Lê Đại Thanh, như sinh thời ông hằng ao ước:
                   Một người sinh ra không chết bao giờ
                   Khi giữa thời gian để lại một bài thơ./.
 
                                                Hải Phòng, 13/7/2009
                Nhớ ngày giỗ nhà thơ Lê Đại Thanh (17/7/1996- 17/7/2009)

Nguồn: tongocthach.vn