Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thanh Hóa nơi phát tích người Việt

Hà Văn Thùy
Thứ tư ngày 4 tháng 12 năm 2013 3:07 PM

Trong nhiều năm khảo cứu về cội nguồn người Việt, chúng tôi nhận ra rằng, vùng đất Thanh, Nghệ có vị trí đặc biệt. Theo Ngọc phả Hùng Vương: “Đoàn người từ biển đổ bộ vào đất Nghệ An. Họ rất hiền lành, tốt bụng, đã giúp dân nhiều việc tốt. Dân chọn người tài giỏi nhất trong bọn họ, tôn làm vua, gọi là Hùng Vương. Ban đầu đặt đô tại Rào Rum-Ngàn Hống, sau chuyển tới vùng Ao Việt.”  Kết hợp những dòng trên của Ngọc phả với những tài liệu khảo cổ, cổ nhân chủng học, chúng tôi cho rằng, xứ Nghệ chính là nơi đầu tiên trên đất Việt mà người Mongoloid phương Nam từ Núi Thái-Sông Nguồn di cư tới khoảng 4700 năm trước, hòa huyết với người bản địa sinh ra tổ tiên người Việt Nam hiện nay.
Còn xứ Thanh? Từ thập niên 1960 thế kỷ trước, khi phát hiện di chỉ Núi Đọ với công cụ đá cũ và răng hóa thạch của người cổ 300.000 năm tuổi, nhiều ý kiến cho rằng, Núi Đọ là nơi phát tích của người Việt. Nói như vậy không phải không có lý do,bởi lẽ, suốt thế kỷ trước Thuyết đa vùng của nguồn gốc loài người (Multiregional hypothesis) thống trị khoa học. Thuyết này cho rằng, loài Người vượn Homo erectus được sinh ra từ châu Phi. Khoảng 1,8 tới 2 triệu năm trước họ di cư ra khắp thế giới. Rồi từ người Vượn tiến hóa thành Người Khôn ngoan Homo sapiens là dân cư của thế giới hiện đại: người Neanderthal sinh ra người da trắng ở châu Âu; người Chu Khẩu Điếm sinh ra người Trung Hoa. Từ đó suy luận: người Núi Đọ sinh ra người Việt! Tuy nhiên lý thuyết này khó đứng vững vì người Núi Đọ chỉ tồn tại khoảng 50.000 năm rồi biến mất, để lại khoảng trống hơn 200.000 năm không có con người trên đất Việt. Trên đất Việt Nam, Người Khôn ngoan chỉ xuất hiện khoảng 40-50.000 năm cách nay tại di chỉ hang Con Moong hay di chỉ Sơn Vi. Vậy thì người Sơn Vi và Con Moong từ đâu ra?Đó là câu hỏi không lời đáp suốt thế kỷ XX.
Nhưng sang thế kỷ XXI, nhờ những khám phá di truyền học, ta biết rằng, Người Khôn ngoan Homo sapiens được sinh ra tại châu Phi 180-200.000 năm trước và 70.000 năm trước đã theo bờ biển Ấn Độ di cư tới Việt Nam, đúng hơn là thềm Biển Đông ngày nay, được gọi là đồng bằng Hainanland. Lúc đó đang trong thời kỳ Băng hà, hầu hết nước từ các đại dương đọng thành băng bao phủ Trái đất. Mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 mét. Tại đây, những nhóm nhỏ người tiền sử gặp gỡ, lai giống với nhau, cho ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Khoảng 50.000 năm cách nay, khi nhân số tăng lên, người Việt cổ di cư ra các đảo ngoài khơi Đông Nam Á, đi về phía tây tới Ấn Độ. Sau đó, khi phía bắc thời tiết ấm hơn, họ đã lên khai phá Trung Quốc rồi sang chinh phục châu Mỹ… Trên đường di cư, có những nhóm dừng lại ở Con Moong, Sơn Vi… trở thành dân cư đầu tiên trên đất Việt. Từ những vị trí này, người Việt cổ sáng tạo văn hóa Hòa Bình, Phùng Nguyên, Đông Sơn… Đất lành chim đậu, Núi Đọ cũng là nơi quần tụ của lớp người mới.Bằng chứng là rất nhiều công cụ đá cũ của người Đứng thẳng xen với công cụ đá mới.Việc phát hiện công cụ đá mới Hòa Bình có mặt nhiều nơi trên thế giới, chứng tỏ sự di cư rất rộng của người Hòa Bình.
Có thể phác họa sơ đôi nét về quá trình hình thành dân cư Việt như sau:
Suốt thời đồ đá, dân cư nước ta cũng như Đông Nam Á thuộc loại hình Australoid (Indonesian, Melanesian). Khoảng 4700 năm trước, Lạc Long Quân đưa đoàn quân dân người Việt vùng Núi Thái-Sông Nguồn theo Hoàng Hà ra biển, đổ bộ vào Nghệ An, dựng nước Văn Lang. Người Mongoloid phương Nam trong đoàn di tản hòa huyết với dân bản địa, sinh ra lớp người Mongoloid phương Nam mới, được gọi là người Việt hiện đại, là tổ tiên của người Việt hôm nay. Sau đó người Việt hiện đại tăng nhân số và khoảng 2000 năm TCN, trở thành chủ thể dân cư Việt Nam.

Như vậy là, những chứng cứ khảo cổ học, di truyền học cho thấy, nhiều khả năng, đất Thanh Hóa chung quanh Núi Đọ là nơi đầu tiên trên đất liền Việt Nam mà người Việt cổ, tổ tiên xa xưa của chúng ta đặt chân tới, khoảng 40 – 50.000 năm trước. Vì vậy, nếu nói, thềm Biển Đông là cái nôi của người Việt thì Thanh Hóa chính là đất phát tích của nhiều dân tộc phương Đông.

Nhận định này cũng đúng khi khảo sát ngôn ngữ Việt. Bằng phương pháp ngôn ngữ học so sánh, chúng tôi nhận thấy, trong ngôn ngữ đồng bằng Bắc Bộ có nhiều tiếng cổ hiện ít được dùng, vốn có gốc từ Thanh Nghệ. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Thành, người Việt gốc Triều Châu đang sống tại Sacramanto Hoa Kỳ, thì nhiều âm cổ vùng Quảng Đông, Phúc Kiến vẫn được dùng trong dân gian Thanh Nghệ hôm nay. Từ đó chúng tôi cho rằng, tiếng nói vùng Thanh Nghệ là ngôn ngữ gốc của người Việt. Rất may là, trong lần về thành phố Thanh Hóa mới đây, chúng tôi được nhà nghiên cứu Phan Bảo cung cấp thông tin quý. Ông cho rằng, sở dĩ linh mục A. de Rhode có được cuốn Từ điển Việt-Bồ-La với ký âm chuẩn là vì ông đã sống hai năm tại Ba Làng, là nơi có phát âm tiếng Việt khá chuẩn. Nếu chỉ ở Quảng Ngãi, ông sẽ không có được kết quả như vậy.Điều này cho thấy, ngay về phương diện ngôn ngữ, tiếng xứ Thanh Nghệ cũng là tiếng nói gốc của người Việt. Chúng tôi đoán, khoảng 20 - 30.000 năm trước, đồng bằng Bắc Bộ chưa hình thành, trung tâm dân cư Việt Nam là vùng Thanh Nghệ. Người Việt cổ từ Thanh Nghệ đi lên nam Trung Hoa, trở thành dân cư vùng Lưỡng Quảng và tiếng Việt Thanh Nghệ trở thành ngôn ngữ gốc của người Trung Hoa.

Nhận định này cũng đúng nếu xét theo thành phần cư dân Việt Nam hiện đại. Theo thống kê của nhà phả học Vũ Hiệp, trong tổng số 183 dòng họ Việt Nam thì Thanh Hóa có gần 40 họ, số lượng cao nhất các dòng họ trên địa bàn một tỉnh. Hiện tượng này có nguyên nhân sâu xa trong lịch sử hình thành dân cư Việt.Là đất có người sống sớm nhất, từ những nhóm người tiến tới bộ lạc, thị tộc rồi phát sinh các dòng họ nên những dòng họ trên đất Thanh thuộc loại cổ nhất do đó cũng nhiều nhất. Thời Trung đại, sau chiến thắng của Lê Thái Tổ, nhiều dòng họ từ xứ Thanh theo nhà vua ra đất Tứ Trấn, trở thành tổ của nhiều dòng họ ở đồng bằng Bắc Bộ. Tiếp theo, từ thế kỷ XVI, có cuộc di dân lớn của người xứ Thanh theo Nguyễn Hoàng vào Nam đã sinh ra nhiều dòng họ phương nam gốc Thanh Hóa.

Từ phân tích trên, có thể tin, Thanh Hóa là đất phát tích của người Việt.
Tới đây, một vấn đề nảy sinh: Thanh Hóa nên phát huy vị trí của mình như thế nào để xứng đáng với trách nhiệm cùng vinh dự lớn này?

Có thể có những đề xuất khác nhau, theo thiển ý, chúng tôi thấy rằng, Thanh Hóa nên có ngôi ĐỀN TRĂM HỌ để thờ:
-    Trước hết là Người Núi Đọ, loài người tiền nhiệm của chúng ta, đã tới và khai phá đất này. Dù đã khuất nhưng tin rằng hồn thiêng của họ vẫn lẩn quất đâu đó. Vì nhân vì nghĩa, chúng ta phải tưởng nhớ họ. Và mong rằng, ở chốn linh thiêng nào đó, các vị phù hộ chúng ta hôm nay cùng con cháu mai sau.
-    Thờ tiền nhân đã tới thềm Biển Đông 70.000 năm trước và là viễn tổ của dân Việt.
-    Thờ các vị Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông là những vị tổ huyền thoại của người Việt.
-    Thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương
-    Thờ các vị tổ của những dòng họ lâu đời nhất của xứ Thanh.
-    Thờ các vị là tổ những dòng họ khắp nước có gốc Thanh Hóa.

Có người sẽ hỏi: Khi xây Đền Trăm Họ thì vai trò của Đền Hùng và đất tổ Phú Thọ như thế nào?
Theo chúng tôi, Đền Hùng vẫn giữ nguyên giá trị vì Hùng Vương là tổ cách chúng ta 4700 năm, vị tổ sinh ra NGƯỜI VIỆT HIỆN ĐẠI với bộ gene Mongoloid phương Nam chúng ta mang hôm nay. Trong khi đó, Đền Trăm Họ thờ VIỄN TỔ đặt chân tới đất nước ta 70.000 năm trước, sinh ra NGƯỜI VIỆT CỔ lan ra khắp thế giới. Một ngôi đền như vậy không chỉ quần tụ được tâm linh của dân Việt mà còn là nơi hành hương của người Trung Hoa, người Lào, người Thái, người Dravidian Ân Độ, người các đảo Đông Nam Á… vì rằng Việt Nam là cái nôi của các dân tộc phương Đông.
                                                                                     Tháng 9 năm 2013
                                                                                                 HVT