Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hoài Thanh với nghệ thuật

Đường Văn
Thứ ba ngày 3 tháng 12 năm 2013 9:17 PM

BÌNH THƠ TẠO ĐƯỜNG VIỀN
ĐƯỜNG VĂN

    Nếu ví bài thơ như một bức tranh đẹp thì Hoài Thanh là người thợ giỏi làm khung trang trí tôn bức tranh thêm hòan mỹ đặng giới thiệu cùng người xem. Ông viết:
    Người bình thơ chỉ ra được cái hay, cái đẹp trong thơ. Vẽ cho nó một đường viền để nêu bật nó lên thì cũng là có phần đóng góp*.
    Bài viết dưới đây sẽ khảo sát một vài biện pháp tạo đường viền, khắc họa lời bình vừa sâu sắc vừa gợi mở của Hoài Thanh, nhà phê bình thơ Việt Nam tài hoa kiệt xuất, nhà văn giàu kinh nghiệm có cách bình thơ đa dạng, phong phú, cốt nhằm nổi bật cái hay, cái đẹp của bài thơ.

    Lời bình của Hoài Thanh như những đường viền nhẹ, thoáng, gọn.chặt, đặc biệt đầy khêu gợi, kích thích và ám ảnh. Nó viền quanh bức tranh thơ như một cái khung lộng lẫy, mờ ảo, khép mở. Và trong quá trình đi tới người xem (đọc, nghe), tranh và khung luôn song hành, gắn bó cùng nhau, soi ngắm, nâng đỡ nhau, chắp cánh cho nhau du hành trong khoái cảm thẩm mỹ của người tiếp nhận.

    Một trong những cách viền quan trọng của Hoài Thanh là tài bắt trúng, nhận diện chính xác, tinh tế những chữ mắt (nhãn tự), câu thần (thần cú), điểm sáng thẩm mỹ trong thơ. Người đọc lời bình của ông, có khi ngạc nhiên đến sững sờ, vì cũng câu, đoạn, bài thơ ấy, mình đọc đi đọc lại, đọc không biết bao lần đến thuộc lòng mà vẫn không phát hiện ra được điều gì mới, lạ. Chỉ thấy hay là biết hay mà thôi! Có đọc Hoài Thanh, mới nhận ra sự nông cạn, hời hợt của bản thân mình. Dường như ông chỉ động vào một chữ, chạm vào một hình ảnh, một động tác thôi mà tất cả bản chất, thần thái của hình tượng bỗng nẩy bật lên như chiếc lò xo bao lâu bị nén chặt vừa được giải phóng năng lượng.
    Một chữ lẻn với Sở Khanh (Rẽ song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào: Truyện Kiều), chữ ngẩn ngơ (Ngẩn ngơ, đã trở về già, hết duyên), nhờn nhợt (Nhác trông nhờn nhợt màu da/Ăn chi to lớn, đẫy đà làm sao!?) với Tú Bà, chữ ngây với Hồ Tôn Hiến (Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình!), chữ chề bê, sề trong câu thơ dân dã của cụ Đồ Chiểu:
Con người Bùi Kiệm máu dê,
Ngồi chề bê, mặt như sề thịt trâu.
                                                                                     (Lục Vân Tiên)
    Một chữ vùi, một hình ảnh sóng trắng trong thơ Tố Hữu, ánh trăng, ánh lửa trong Đi họp (Sóng Hồng), một thoáng run run, rờn rợn trong thơ Mới của Xuân Diệu… Tất cả vừa quen, vừa lạ, dưới con mắt xanh non Hoài Thanh, bỗng lấp lánh những tia sáng mới, rọi chiếu rực rỡ cả bài thơ.
    Chất thơ có khi nằm trong 1 câu thơ rất bình thường, sau những câu bình thường, thậm chí khô khan như khẩu hiệu:
Đả đảo đế quốc Mỹ!
          Hồ Chí Minh muôn năm!...
… Phút giây thiêng, anh gọi Bác ba lần!
                                                             (Tố Hữu - Hãy nhớ lấy lời tôi! (1964)
    Hoài Thanh bình:
    Chỉ thêm một câu thôi mà tất cả bỗng thành thơ. Người đọc bỗng thấy tác giả đã dành vào đó tất cả tấm lòng kính phục và yêu thương đối với anh Trỗi. *
    Có những bài thơ, tìm mãi từng chữ, từng câu, soi đi xét lại cả trăm lần, chẳng thấy điểm sáng thẩm mỹ nào mà vẫn thấy hay, thậm chí rất hay! Vậy cái hay, cái đẹp nằm ở đâu? Có thật? làm sao tìm thấy? Chính Hoài Thanh đã trả lời giùm ta:
    Rất quan trọng là cái phần ở ngoài lời, phần không thể nói ra bằng lời, cũng không thể nói hết bằng âm thanh, nhịp điệu vì nó bao trùm lên hết thảy và thấm sâu vào hết thảy, choán ngợp cả tâm hồn… Thơ là cáí đó, là sự im lặng giữa các từ. Nếu người ta đã lắng nghe được  cái im lặng đó thì sẽ nghe được cả những tiếng nói rất đa dạng và tinh tế. *
    Bằng trực cảm rất nhạy bén, vận dụng toàn bộ vốn hiểu biết, kinh nghiệm lấy hồn tôi để hiểu hồn người, Hoài Thanh nhiều lần đã lặn sâu vào tận đáy thẳm của hồn thơ, bắt trúng dòng cảm xúc chính, không bị đánh lừa bởi những hình ảnh, chữ nghĩa bên ngoài. Dòng cảm xúc chân thực có khi lẩn chìm xuống dưới đáy hoặc nằm sau dưới lớp chữ nghĩa hình ảnh ấy. *
     Tùy bài thơ, tùy đối tượng, Hoài Thanh khéo dùng một cách hay phối hợp nhiều cách viền khác nhau. Điều đó làm cho lời bình của ông thường nhiều vẻ, linh hoạt và cắt nghĩa vì sao ta có thể đọc một hơi, một lần cả tập Thi nhân Việt Nam mà không thấy chán! Ngay cả khi ông viết đi, viết lại về một đề tài (Truyện Kiều, thơ Hồ Chí Minh, thơ Tố Hữu…) thì mỗi lần đều có thêm ít nhiều cái mới, hoặc về ý tứ, hoặc về cách thức trình bày, thể hiện.
    Có khi lời bình là lời đánh giá trực tiếp nhưng có ý nghĩa khái quát về giá trị của bài thơ. Có khi là một lời khen chê về thái độ, quan điểm của người sáng tác.     
    Khi chúng ta quý câu thơ của Hoàng Trung Thông:
                                               ”Bàn tay ta làm nên tất cả”
     hay câu thơ Chế lan Viên:
     “Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp,
Có hay đâu hang Pắc Bó gió lùa!”
    Thì trước hết là quý những giọng thơ có trách nhiệm… Cái hay ấy, xét đến cùng, chủ yếu chủ yếu cũng là cái hay của những tấm lòng thiết tha hướng về lý tưởng. *
    Đó là biện pháp bình thơ dựa vào nội dung tư tưởng của sáng tác làm cơ sở. Nhưng nếu viết không khéo dễ sa vào xã hội học, thâm chí xã hội học dung tục.
    Sau cách mạng, Hoài Thanh hay viết theo lối này. Có phải vì thế mà có ý kiến cho rằng: Sau 1945, phương pháp phê bình của Hoài Thanh ngả sang phương pháp xã hội học? Có lẽ không hẳn như vậy! Vì bên cạnh lối trên, trong nhiều bài bình thơ có giá trị, ông vẫn  rất chú trọng đến giá trị thẩm mỹ, đã bình kỹ chiều sâu nghệ thuật trong mối quan hệ thống nhất biện chứng với nội dung tư tưởng. Thi pháp bình thơ của Hoài Thanh thể hiện ngay ở nhan đề các bài viết:
    Nguyễn Du: Một trái tim lớn, một nghệ sỹ lớn; Một quyển sách ý sâu, lời dẹp, Đi họp, … một bài thơ…
    Nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật luôn được bình xét trong chỉnh thể cân đối, hài hòa.
    Hoài Thanh nhẹ chê là nói tỷ lệ so với nặng khen. Thật ra, ở không ít trường hợp, ông vẫn chê. Lời phê của ông chính xác nhưng vẫn nhẹ nhàng, dí dỏm. Chẳng hạn, trong Thi nhân Việt Nam, ông chê Nguyễn Bính không nhà quê hẳn, Nguyễn Vỹ khoa trương, xập xoẻng thanh la, não bạt mà vẫn lộ cái sáo rỗng, sống sít. Vũ Đình Liên vụng hơn Huy Cận… Tất cả đều đúng đắn, thẳng thắn, chân thành mà vẫn thể tất nhân tình. Hoài Thanh không thích phê, nhưng đọc Thi nhân Việt Nam, ta thấy ông phê không ít bài thơ, chê không ít nhà thơ. Có điều không ai trong số đó thấy mình bị oan uổng hay bị xúc phạm. Ấy là bởi cách nói thận trọng, tế nhị, hóm hỉnh. Khen, chê đều chính xác, tinh tế. Cách nói có mức độ, đôn hậu. Khi khen, khi chê đều giàu sức thuyết phục khiến các nhà thơ thảy đều tâm phục khẩu phục.

    Một đặc sắc khác trong những biện pháp bình thơ của tác giả Chuyện thơ là nghệ thuật gợi mở khéo léo mà sâu xa. Hoài Thanh rất có ý thức đúc lời, dồn văn, kiệm chữ. Ông cho rằng người bình thơ là người đóng vai trò môi giới, khêu gợi. Chuyện thơ văn không bao giờ nên nói hết nhẽ, cạn lời. Hoài Thanh rất tán đồng ý kiến của Trương Chính:
    Bình thơ cũng như người đánh đàn đệm cho người hát, lên dây chùng hay căng một tí cũng đều lạc điệu. Bình thơ mà nói chưa đến là không đạt; nói quá là tán. Nói nhiều cũng không nên! Phải biết dừng đúng lúc, đúng chỗ để người đọc nghĩ suy, liên tưởng, mở rộng. Cũng có khi không nên nói gì cả, để người đọc tiếp xúc thẳng với câu thơ không môi giới.*
    Hoài Thanh bàn thêm:
    Đúng như thế! Đệm đàn chớ để tiếng đàn lấn át tiếng hát. Bình thơ cũng không được che lấp tiếng thơ. Người đệm đàn, người bình thơ phải biết lùi lại phía sau  để đưa tiếng hát, lời thơ lên trước.
    Lời bình của Hoài Thanh  trong Thi nhân Việt Nam, trong Chuyện thơ  thường ngắn gọn, cô đúc, đầy sức ám gợi.
    PGS Hoàng Tiến Tựu nhận xét:
    Là một người rất sành thơ, Hoài Thanh có lối thẩm thơ kiểu điểm xuyết. Nghĩa là chỉ lẩy ra một vài câu thật hay rồi đưa ra một lời bình độc đáo, tinh tế để khêu gợi.*
    Phải chăng đó là cách ông kích thích sự suy nghĩ, tìm tòi tiếp tục của người đọc? Và phải chăng chính vì thế mà Hoài Thanh sẵn sàng nói lên sự bất lực, bất tri của bản thân trước những bài, những câu thơ hay, rất hay đến mức khó hiểu, hoặc không sao hiểu được, không thể giảng giải được bằng lời.
    Bình bài Đi họp (Sóng Hồng), ông viết:
    Cứ đọc lên là thấy thích. Nhưng hỏi vì sao thích thì không dễ trả lời.*
    Trong bài Một vài suy nghĩ về ca dao, nhà phê bình hơn một lần thú nhận sự bất lực, bất tri của mình:
    Nhiều câu có lối nói tưởng chừng như không biết gì mà vẫn thấy hay! Với bài Khăn thương nhớ ai… thì: Nếu chỉ có hai câu sau cùng thì đã thấy bài thơ hay rồi, Nhưng đó là cái hay có thể hiểu được. Còn hai câu đầu thì hay đến mức cơ hồ không hiểu được. Không rõ hẳn là muốn nói gì mà vẫn thấy hay. Tôi xem đó là một trong những bài ca dao Việt Nam hay nhất.*
    Có lẽ đó chính là một cách gợi nghĩ, gợi cảm của Hoài Thanh chứ hoàn toàn không phải ông bất lực, vô tri thực sự! Phải chăng chính từ những chỗ bế tắc hoặc làm ra vẻ lúng túng một cách chân thành và khôn khéo như thế đã thôi thúc những người nghiên cứu, bình thơ sau này tìm tòi những kiến giải mới cho câu đố mới được Hoài Thanh giải đáp nửa chừng và chung chung.
    
    Có khi Hoài Thanh mượn lời bình của người khác bình giúp một ý, một câu tâm đắc rồi bình lại chính lời bình ấy, tạo nên kiểu lồng ghép lời bình, lối tạo đường viền kép rất công phu và thú vị. Chẳng hạn, ông trích lời Hàn Mặc Tử bình thơ Bích Khê, lời Đặng Thai Mai, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Phương Lựu… bình thơ Nhật Ký trong tù.* Ông mượn lời Lê Trí Viễn bình chữ ngẩn ngơ trong câu Kiều nói về Tú Bà rồi lại bình tiếp:
    Một lời bình như thế có thể giúp cho nhiều sự hiểu biết về cuộc đời, con người, về văn thơ, hiểu biết bằng tri thức và cả tấm lòng của mình nữa.*
    
    Người bình thơ chính là người môi giới, dắt dẫn, một kiểu MC đặc biệt, thường là không cần lên sân khấu. Bởi thế lời dắt dẫn, lời bình càng cần sự khéo léo, biến hóa tài tình để rút ngắn chặng đường tiếp nhận, đưa lời thơ nhanh chóng đến với người đọc (nghe). Phải nói nghệ thuật viền khung tranh của nghệ nhân làm khung Hoài Thanh đã đạt tới mức bàn tay vàng, mức siêu, một phần là nhờ ở nghệ thuật dắt dẫn bậc thầy ấy.
    Bình thơ Trần Đăng Khoa, ông tạo không khí, vẽ đường viền, dựng khung tranh  chủ yếu bằng lời bình dẫn ngắn gọn, tự nhiên:
    Em chuyện trò với cây trầu vườn nhà, với con chó vàng của nhà em. Em nghe(dẫn 3 câu thơ)… Từ góc sân nhà em, em nhìn lên… (dẫn 2 câu). Em còn nhớ một đêm… (dẫn 2 câu)… Em lại thả diều... (dẫn 4 câu). Có lúc em vẫn thấy… (dẫn 4 câu)…Nhớ nhất là em nói…(dẫn 2 câu cuối)…
    Như thế, Hoài Thanh đã đóng rất đạt, rất giỏi vai trò người móc nối, đưa dắt, kết dính, xếp đặt… tài hoa, liền mạch, giản dị lạ lùng. Về sau, ở ta cũng có một vài cây bút bình thơ khổ công học tập biện pháp tưởng như dễ dàng này của Hoài Thanh, nhưng không sao được nuột nà, diệu nghệ như tác giả Thi nhân Việt Nam.

    Xin mượn lời một GS từng công tác nhiều năm với Hoài Thanh ở một cơ quan Văn học lớn, để kết thúc bài viết nhỏ này:
    Anh (Hoài Thanh) bình rất hay. Nhưng nhiều khi chỉ chọn và dẫn chứ không bình. Những bài anh viết ngày càng trần trụi. Có vốn kiến thức sâu rộng, chắc chắn, nhưng anh tuyệt đối không phô trương sự hiểu biết trong các bài viết của mình… Viết những bài trần trụi như thế rất mất công phu, rất khó. Vì nó đòi hỏi từ ý kiến đến câu chữ phải vừa đúng, vừa hay, không để lại một dấu vết gì của sự vội vàng, luộm thuộm, cẩu thả, rườm rà, trùng lặp…
    Đó là một phong cách phê bình văn học cổ điển, mẫu mực của phê bình trong nền văn học hiện đại của chúng ta./.*

•    Hoài Thanh – Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam (bản 1989). NXB Văn học.
•    Hoài Thanh: Chuyện thơ (1978). NXB Tác phẩm mới.
•    Hoài Thanh : Tuyển tập (2 tập). NXB Văn học (1982 – 1983).
•    Trương Chính: Phong cách phê bình của Hoài Thanh. Tạp chí Văn học, số 11 – 1966.
•    Phan Cự Đệ: Nhà văn Việt nam, tập 1(1983). NXB Đại học & THCN
•    Phan Trọng Luận (Chủ biên): Phương pháp dạy học Văn (tập 1, bản 1996); NXB Giáo dục.
•    Hoàng Tiến Tựu: Bình giảng ca dao (1992); NXB Giáo dục.
•    Vũ Đức Phúc: Hoài Thanh (Tạp chí Văn học, số 3 – 1992)
                                                                                                                      
                                                                                       
                                                                             Hà Nội, đầu đông  24 – 11 – 2013. ĐV