Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

90 triệu, 9.000 cán bộ và những con số khác

Nguyễn Khắc Phê
Thứ hai ngày 2 tháng 12 năm 2013 3:10 PM

Trong ngày thứ 6 (2/11), các phương tiện truyền thông đồng loạt hân hoan loan tin một con số rất dễ kích động lòng tự hào dân tộc: Từ ngày 1/11, dân số Việt Nam tròn 90 triệu! Có cả một chương trình truyền hình hoành tráng, trong đó một ông diễn giả hùng hồn đại ý rằng: Trong quá khứ, 30 triệu dân Việt đều là 30 triệu dũng sĩ, đã đánh bại hai đế quốc sừng sỏ, thì nay với 90 triệu, nếu có kẻ nào dám xâm phạm bờ cõi thì 90 triệu dũng sĩ Việt Nam sẽ cho chúng bài học nhớ đời! Nói hay đến thế thì tất nhiên là người nghe vỗ tay rần rần. Tuy vậy, cũng là tất nhiên, không ai muốn có chiến tranh để trở thành “Dũng sĩ” mà đều ao ước đất nước cường thịnh để không một kẻ nào dám xâm phạm bờ cõi thiêng liêng mà cha ông ta đã đổ bao xương máu mới xây dựng và gìn giữ được như hôm nay.
Nói đến xương máu nhân dân ta đã đổ ra thì cũng nên cũng nhắc lại con số   9.000 cán bộ nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội đã “góp tiền” giúp “thầy Thủy” bày trò kiếm tiền trong việc tìm hài cốt liệt sĩ ở Quảng Trị, Đắc Lắc, Bình Dương, như chính một vị lãnh đạo Ngân hàng này đã nói. Chỉ một Ngân hàng “Chính sách” mà phải “nuôi” đến 9.000 cán bộ, nhân viên! Với bộ máy nặng nề như thế, hèn chi chúng ta không “cất cánh” theo kịp bạn bè.
Việc thua kém các nước láng giềng, thì cũng trong ngày vui thứ 6 nói trên, ông Ngô Đức Mạnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tại diễn đàn Quốc hội đang họp đã nói: “Cần phải tiếp tục xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, chúng ta không thể tự hào vì nhân công giá rẻ ở Việt Nam. Hiện nay, năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/10 của Indonesia, 1/20 của Thái Lan, 1/135 của Nhật Bản! (Báo "Tuổi trẻ" ngày 2/11/2013)
 Có thể những con số này bị “chìm” giữa trang báo, giữa nhiều ý kiến khá gay gắt của các vị đại biểu khác và bị ánh “hào quang” 90 triệu che lấp nên không ai chủ ý. Riêng tôi, phải đọc lại mấy lần với nỗi băn khoăn: “Không biết vị đại biểu có nhầm lẫn gì không? Chúng ta thua kém đến như vậy sao?...” Thôi, cứ cho là có nhầm lẫn và có nhiều cách tính “năng suất lao động”, nhưng cứ giả thử sai số cực lớn là 50% thì các con số trên sẽ là 1/5, rồi 1/10 và 1/67! Nghĩa là 67 người Việt Nam làm chỉ bằng 1 người Nhật! Như thế cũng có thể hiểu dân số 90 triệu của chúng ta bỗng dưng “mất tiêu” 4/5, tức chỉ còn 18 triệu! (nếu dùng chỉ số năng suất lao động của Indonesia) Thôi, đừng tính “anh Nhật” hiện đại nhất nhì thế giới, chỉ so với hai người bạn láng giềng là Thái Lan và Indonesia, sự thua kém của Việt Nam là quá xa! Về điều này, chắc là không ai còn lên giọng “tự hào” nữa. Và đành trích lại một đoạn trong bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong dịp kỷ niệm Cách mạng Thường Tám & Quốc khánh 2/9 năm ngoái đã đăng trên nhiều tờ báo lớn: “…chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém,khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc…” ("Tuổi trẻ" ngày 23/8/2012)
Nói một cách khác, sự tụt hậu đáng xấu hổ so với bạn bè trong khu vực (chứ chưa nói đến các nước tiên tiến trên thế giới) chúng ta và nhất là những người nắm trọng trách trước nhân dân đều biết rõ. Đảng, Nhà nước và trên nhiều diễn đàn quan trọng, cũng đã nhiều lần phê phán bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả. Vấn đề đặt ra là: vì sao tình trạng đó không được giải quyết, sự trì trệ và nhiều mặt tiêu cực, đến kỳ họp nào của Quốc hội cũng phải nhắc lại?
Gần đây, nhiều vị đã và đang nắm những trọng trách trước dân và nước đã phải nêu vấn đề “Đổi Mới lần 2”, đòi hỏi phải “thay đổi cơ chế”…, nhưng ít người dám nói thẳng là cần phải Đổi mới như thế nào, thay bằng “cơ chế” nào, khi các văn kiện quan trọng nhất đều nhấn mạnh “kiên định đường lối...”, nói năng không khéo rất bị quy chụp là “lập trường tư tưởng suy thoái”! Ở đây, tưởng cũng nên nhắc lại một câu nói của Lê Nin hồi đầu Cách mạng tháng Mười, đại ý: “…Suy cho cùng, thì năng suất lao động là cái bảo đảm chắc chắn nhất cho chế độ này chiến thắng chế độ xã hội khác.” Như vậy, khi năng suất lao động của chúng ta thua xa bạn bè, có thể nói: Lập trường Đảng kiên định, đúng đắn nhất là phải tìm một “cơ chế” mới để thoát khỏi sự trì trệ, tạo nên hiệu quả lớn hơn trước. Nói đến “lập trường Đảng” vì như đại biểu Dương Trung Quốc, trong lời phát biểu tại diễn đàn Quốc hội kỳ trước, đã nói đại ý: “Dưới gầm  trời Việt Nam này, mọi việc đều do Đảng quyết định.”
Cũng chính vì vậy, trong bài trả lời phỏng vấn báo "Tuổi trẻ" ngày 4/11/2013 của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội” với nhan đề “Đổi mới là mệnh lệnh của thời đại” - bài viết nêu vấn đề một cách mạnh dạn nhất trên hệ thống báo chí Nhà nước quản lý về “đổi mới có chế” – ông đã “cẩn thận” nói rằng: Ý kiến ông nêu ra “cũng là chủ trương đã được Đảng ta đề ra, chứ không phải là điều gì mới mẻ.” Đó là ý kiến ông từng trao đổi với cố thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng “cần phải hết sức tránh việc hình thành hai nhà nước trong một đất nước …có thể nghiên cứu nhất thể hóa sâu rộng hơn, tương tự như Singapore….” Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu “đổi mới tư duy” và nói “làm sao có thể đổi mới tư duy bằng cách xào nấu lại các giáo điều xưa cũ?!”…
Thiết nghĩ, đó chưa phải là tất cả, và chưa hẳn là “mô hình” hay nhất, nhưng giả như chỉ thực hiện điều đó - tránh tình trạng “hai nhà nước trong một đất nước” - thì trong rất nhiều công việc, cũng gần như là chúng ta đã tăng năng suất lên gấp đôi!
Hy vọng như báo "Tuổi trẻ" đã trích dẫn Văn kiện Đại hội XI, nếu Đảng thật sự “tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận” thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm được “mô hình” thích hợp để thay đổi những con số tỷ lệ rất đáng xấu hổ nêu trên, để 90 triệu người dân Việt Nam giành lại được quyền tự hào chính đáng trước bạn bè thế giới, nhất là khi ngày 12/11 vừa qua, Việt Nam lần đầu tiên giành ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc với kết quả 184 trên 192 phiếu bầu, xếp cao nhất về số phiếu trong số 14 thành viên mới. Cũng cần nói thêm, đây là niềm tự hào, nhưng đồng thời là sự đòi hỏi Việt Nam phải Đổi Mới mạnh mẽ hơn nữa, vì một thành viên của Hội đồng Nhân quyền không thể để đất nước mình cứ mãi tụt hậu, năng suất lao động thua kém các nước bạn bè cùng “trang lứa”. Ở đây, nếu “mượn” hình thức câu nói của Lê Nin đã trích dẫn, chúng ta có thể viết như sau: “Suy cho cùng, một chế độ bảo đảm nhân quyền tốt nhất chắc chắn sẽ đưa đến năng suất lao động cao nhất.” 
./.