Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nguyễn Xuân Sơn, người làm thơ trên điện thoại

Quốc Long
Thứ năm ngày 5 tháng 12 năm 2013 4:15 PM


   Tôi có người bạn thơ là anh Nguyễn Xuân Sơn, công tác ở CA tỉnh Thanh Hóa.
Về tuổi tác, anh Sơn hơn tôi chút ít nhưng anh sức vóc trẻ trung phong độ hơn rất nhiều. Đời thường, do môi trường công việc khác nhau nên chúng tôi rất ít gặp nhau nhưng anh em chơi với nhau khá thoải mái. Dịp 19/8 năm ngoái, anh được CA Sầm Sơn (đơn vị cũ) mời về gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày truyền thống của ngành. Khoảng 8h tối, bất ngờ anh đánh xe qua nhà tôi, hai anh em lên một quán cà-phê  của người cháu ở phố Trần Oanh, tp Thanh Hóa nói chuyện thơ. Chung quy, anh chỉ đọc thơ mình, chiếm hết thời gian, hầu như tôi không chen được câu nào.
 
   Nhớ lại lần gặp anh đầu tiên, cách đây khoảng 15 năm, thời anh từ vị trí Trưởng CA huyện Hậu Lộc về làm Giám thị trại tạm giam Cầu Cao. Tôi đi làm báo chưa bao giờ gặp ông Giám thị nào như anh; vì biết tôi có làm thơ, sau khi cung cấp tư liệu cho báo chí xong, anh say sưa đọc thơ mình! Hầu hết là thơ lục bát, và đều là thơ tình. Tôi nhìn  ông này tướng đẹp trai, phong độ thế, thầm nghĩ (nhưng không dám nói ra) chắc nhiều chị em phải chết mê chết mệt nên ông ấy mới có lắm thơ tình !! Sau đó thỉnh thoảng anh cũng có thơ đăng một số báo địa phương. Khoảng một năm nay, anh là thành viên CLB Thi Thanh, có thơ in trên ấn phẩm của CLB.
 
   Cách đây mấy hôm, tôi điện thoại cho anh, hẹn gặp nhau để chọn thơ anh giới thiệu trên một số báo. Thế nhưng sau cuộc hẹn mà chưa gặp ấy, anh liên tục nhắn vào  số máy điện thoại của tôi hàng chục bài thơ, tôi chỉ có việc mở tin nhắn ra đọc mà cũng mệt nhoài! Sực nhớ, cách đây vài năm, một ngày Chủ nhật đi cà-phê với nhau ở tầng 4- Nhà hàng Dạ Lan 1, tôi bảo anh chép cho tôi mấy bài thơ tâm đắc nhất, nhưng anh cáo bận và bảo: thơ tôi, tôi chỉ làm luôn trên máy điện thoại và lưu trong máy. Chứ tôi làm gì có thì giờ chép ra! Thảo nào mà anh nhắn các bài thơ với tốc độ…điện tử! Vì chúng được lưu sẵn trong điện thoại..

  Đọc các bài thơ anh mới gửi, thấy ngoài đề tài tình yêu, thơ anh là những phản ứng trực diện của lương tâm người lính  trước những thói đời tiêu cực, nhố nhăng. Rất nhanh, anh ”chộp” trúng những chi tiết “nhỏ bé”nhưng rất cụ thể, mắt thấy tai nghe đang diễn ra trước mắt, phát hiện những nghịch lý trong bản thân sự vật để tạo ra những tiếng cười khi thoải mái, lúc sâu cay, cũng có lúc cười mà như ứa nước mắt. Bằng cách đó, anh xây dựng những nhân vật phản diện, lôi tuột, bóc trần những cái kệch cỡm, lố bịch, chưa hoàn thiện vốn ẩn sâu bên trong của nó, chỉ bằng ít câu thơ…

  Tuy nhiên, với hàng trăm bài thơ đã sáng tác, không phải bài nào anh cũng thành công. Hơn nữa, với cách làm thơ trên máy điện thoại, không tránh khỏi việc chọn lọc ngôn từ chưa thể kỹ càng như yêu cầu khắt khe vốn có của một thể loại “tinh lọc và tinh nhuệ” như thơ; cũng ít khi có điều kiện xây dựng những tứ thơ “lớn”. Vả chăng, đó cũng không phải ý định của anh. Mà anh chỉ mong những bài thơ ngắn mang phong vị dân gian , phảng phất hơi thơ ngụ ngôn, sẽ đánh thức một cái gì đó nơi con người- vốn luôn có ý thức soi xét lại những việc làm của mình cho xứng với trách nhiệm làm người. Nghe xong, có thể quên câu thơ cụ thể nhưng tác động hướng thiện ít ra một lần đã “đi qua” tâm trí người nghe. Chỉ thế thôi, anh đã mãn nguyện lắm rồi!

   Với tính chiến đấu mạnh mẽ, dường như dấu ấn nghề nghiệp của bạn tôi, anh Nguyễn Xuân Sơn- người chiến sỹ an ninh vì hạnh phúc nhân dân, vì sự vững mạnh của chính quyền cách mạng- còn lưu dấu cả trong những vần thơ anh. Nói đúng hơn, anh truy tìm cái ác, cái xấu vừa bằng nghiệp vụ và chức trách CA của mình (về điều này, anh thực hiện không đến nỗi tồi, nếu không nói là xuất sắc, nghe nói anh là trong số ít cán bộ, chiến sỹ lực lương CA Thanh Hóa được thưởng Huân chương Chiến công năm 2012 do thành tích lãnh đạo Phòng Chống ma túy CA tỉnh phá nhiều chuyên án phức tạp, có nhũng chiến tích đẹp như huyền thoại, hy vọng sẽ có dịp tôi được kể lại những chuyện này); lại vừa bằng những vần thơ có thép- thép vô cùng bén sắc mà vẫn rất tình.  Đúng như trong bài thơ “VỚI THƠ ”, Nguyễn Xuân Sơn đã bộc bạch lòng mình, cũng là “tiếng gọi đàn” tha thiết:

  “Nếu ai hiểu được thơ ta/ Có gai góc, có mượt mà tươi xanh…”

   Vì anh làm thơ với cái tâm trong sáng, cho hồn người và xã hội mỗi ngày tốt đẹp hơn lên.

  Anh không gọi đấy là thơ và biết anh vốn không có tham vọng đăng báo làm gì, nhưng khi tôi gợi ý đăng để chia sẻ, giao lưu thì bất ngờ anh đồng ý.
 
  Và, nhờ cách làm thơ, “gửi” thơ độc đáo-đều qua máy điện thoại di động, nên mặc dù chúng tôi vẫn chưa gặp nhau. Nhưng thay vào đó là những vần thơ có phần mộc mạc nhưng rất tâm huyết và lý thú của anh. Xin được chia sẻ cùng bạn đọc!


QUỲ VÀ ĐỨNG

Người đứng, vẫn có kẻ quỳ
Thế mà quỳ vẫn cứ đi hàng đầu
Đứng – ngồi – quỳ vẫn chen nhau
Đứng cao nên phải đụng đầu máu tuôn!
Kẻ quỳ vẫn cho là hơn
Dẫu đầu gối có chai sờn… sá chi ?!


AI HƠN?

Anh Mắt chê anh Tai:
Mày chỉ là nghe nói
Nhìn rõ chưa ăn ai
Mà người đời vẫn chối!

Anh Tai nghe bối rối
Đỏ mặt rồi tía tai:
Mày chỉ thấy bề ngoài
Tai nghe còn chưa thủng…

Biết Mắt – Tai lủng củng
Anh Mũi mới dí vào:
Ngửi thính như mũi tao
Còn đánh hơi chưa được ?!


CUỘI VÀ BỜM

Cớ sao dại thế Cuội ơi
Bao đời nay vẫn chịu ngồi gốc đa
Dối gian mặc áo cà sa
Thật thà, Cuội vẫn gốc đa mà ngồi!
Cứ như Bờm lại thảnh thơi
Quạt mo Bờm quạt, trâu người người chăn…
Trung thực: thiên hạ gọi thằng
Léo lươn, thiên hạ gọi bằng Phú Ông ?!


BỌT BÓNG XÀ PHÒNG

Trò chơi bong bóng xà phòng
Hà hơi thổi mạnh, bóng phồng càng to
Chẳng may làn gió xa đưa
Bóng vỡ tan, có ăn thua gì nào?
Phùng mang trợn mắt thổi vào
Trẻ con rất thích, đứa nào chẳng chơi!


TRƯỚC EM

Trước em, anh không còn là thánh thiện
Bỗng trở thành “thằng kẻ trộm” ngu ngơ
Không trộm bằng tay, bằng đôi mắt thẫn thờ
Em “bị hại” – đâu ngờ anh “thủ phạm”
Khuôn mặt xinh, ngực căng tròn như đón nhận
Vô hiệu anh – “thằng kẻ trộm” ngu ngơ!


MỪNG !

Nhận tin em đi lấy chồng
Vô tư tôi đến chúc mừng cùng em

Chúc xong, bỗng mặt em buồn
Em quay mặt, nước mắt tuôn ứa tràn!

Nỗi lòng hòa lệ sầu tuôn
Cưới em, chẳng lẽ… chia buồn hay sao?

Nhìn nhau, tiếng nấc nghẹn ngào
Ôm tôi, em gục đầu vào ngực tôi!

Giữa khi phố xá đông người
Tôi như chết đứng giữa trời… “chôn chân”…
 

TẠI EM…

Gần nhà, tôi đứng đợi em
Vẫn đường xưa, vẫn lối quen đứng chờ
Lối quen, lạ những không ngờ
Bóng người ra, bỗng hóa là …không em!

Tưởng chừng bại lộ, chồng ghen
Nào ngờ vui vẻ - chồng em mời vào!
Gặp em, tay bắt miệng chào
Em cười tủm tỉm, anh nao nao long

Gặp em – đâu muốn gặp chồng?
Tại em khéo léo… xui chồng mời anh!