Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Văn Cao trong cách nhìn của tôi

Kim Thanh
Thứ bẩy ngày 23 tháng 11 năm 2013 6:13 PM


      Ngày ấy, cách đây 32 năm, tôi mới ra trường, nhận công tác ở một cơ quan đúng với chuyên ngành mình học, phơi phới niềm tin yêu cuộc đời. Bỗng  một ngày, cái loa công cộng của khu tập thể  phát  thanh vang vác những bài hát  cho thính giả nghe để chọn trong đợt“ thi sáng tác quốc ca”. Tôi lạ  lùng hỏi mẹ: sao lại có thi sáng tác Quốc ca ạ? Mẹ tôi ầm ừ “ Làm sao mẹ biết được”. Tối tối, tôi xếp hàng để hứng nước từ cái vòi máy nước công cộng, gánh về cho mẹ, nghe các bài hát ấy, thấy ấm ách trong lòng . “Giờ đây người biết yêu người/ giờ đây người biết thương người”. Ông viết những lời chân tình ấy mùa xuân năm 1975, khi đất nước hòa bình thống nhất, trong niềm vui lâng lâng khôn tả. Còn ông lại chính là người  chịu đựng âm thầm, nghe  bạn đồng nghiệp thi nhau sáng tác quốc ca mới. Có trớ trêu không? Ngậm ngùi không? Điều giản dị và chân thành trong tình cảm của con người, tưởng như thật hiển nhiên, nhưng lại thật khó biết bao nhiêu trong cõi người. Và ông đã từng im lặng đằng đẵng bao năm trường, chính vào lúc đang ở độ chín  của  đời người; từng chôn chặt mọi nỗi niềm bằng rượu, bằng thơ “ Thời gian qua kẽ tay/ làm khô những chiếc lá/ kỷ niệm trong tôi/ rơi/những tiếng sỏi / trong lòng giếng cạn/riêng những câu thơ / còn xanh/ riêng những bài hát/ còn xanh / và đôi mắt em/như hai giếng nước” . Suốt đời, ông tin vào cái ĐẸP vĩnh hằng của nghệ thuật như thế.
 Rồi nữa, cơ quan tôi vốn tĩnh lặng bởi chuyên ngâm cứu  chuyện xửa xưa, bỗng một hôm náo động vì có một ông vác đơn đến, đòi  là đồng tác giả với Văn Cao bài “ Tiến quân ca”. Chúng tôi còn trẻ, nhưng bằng linh giác, tôi không thể tin được. Quả  thật,sau này, khi cái duyên nợ nghề nghiệp bắt tôi phải trở lại sự thật lịch sử, thì câu chuyện kia tôi gọi là do cái bệnh tham cố hữu, khiến cho lòng đen tối đi, mắt mờ đi thôi. Thế nhưng  ở tuổi cổ lại hy, lại phải chịu cảnh người ta đâm đơn đòi là đồng tác giả sáng tác quốc ca. Nếu là bất cứ nhạc sĩ nào, chứ không phải Văn Cao chịu đựng cơ khổ, giữ bản lĩnh của người tôn trọng sự thật,  họ sẽ làm gì?  
     Cái thời gạo châu củi quế thập kỷ 80 của thế kỷ XX qua đi. Câu chuyện buồn về người đến đòi quyền đồng tác giả  cũng trôi vèo, và lại càng không ai nhớ,không ai nhắc bất kỳ một bài hát nào trong cái đợt thi sáng tác quốc ca ấy nữa. Ngọn gió đổi mới đã thay đổi cả cách nhìn,cách cảm, làm sống lại giá trị chân chính của người nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ Văn Cao, và ông đã thật sự hạnh phúc trong niềm vui của người nghệ sĩ đã sống, đồng hành cùng dân tộc khi Tiến quân ca trở thành ước vọng của muôn triệu con tim mùa thu năm 1945- mùa thu đứng lên đòi quyền sống trong tự do, độc lập: đòan quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc
 Cảm ơn nhạc sĩ, thi sĩ,họa sĩ Văn Cao, và chính cuộc đời ông dâng hiến cho Tổ quốc là một bài ca bất tử.