Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chùm bài viết của Đường Văn

Đường Văn
Thứ bẩy ngày 23 tháng 11 năm 2013 5:43 PM

LẠI NGHĨ VỀ THẰNG BỜM VỚI  TÂM LÝ BỜM  &  TRIẾT LÝ BỜM


    Trong kho tàng ca dao phong phú của dân tộc ta, Thằng Bờm là một trong những bài phổ biến và nổi tiếng nhất. Ai đọc cũng thấy thú vị, tâm đắc. Đã có bộ phim truyện nhựa mà kịch bản điện ảnh được xây dựng và phát triển từ bài ca dao Thằng Bờm. Nhưng cảm nhận, phân tích, lý giải thì cho đến nay, vẫn chưa thống nhất.
    Có ý kiến hết lời khen Bờm thông tuệ, bình tĩnh, đa mưu, thực tiễn, độc đáo vô song  và tượng trưng cho lẽ phải. Còn Phú ông là tay con buôn lèo lá, ma cô, vốn quen ve vãn lừa người… Ý kiến khác hình dung và chê Bờm tóc tài bờm xờm, quần áo nhếch nhác, nghĩ suy hạn hẹp, tầm nhìn thực dụng, kết quả của lối sống buông tuồng, bất hạnh, khó bó khôn; còn Phú ông là thương lái nhạy bén, kiên nhẫn, nắm vững tâm lý khách hàng nên vào cầu, trúng quả. Phú ông không ngu dốt, ti tiện như Nghị Quế (Tắt Đèn, Ngô Tất Tố), cũng không hách dịch, hiểm ác như Bá Kiến (Chí Phèo, Nam Cao)*.
    Có người cho rằng, sở dĩ có sự bất đồng ấy là bởi sự hiểu khác nhau 2 tiếng Bờm cười. Nụ cười biểu hiện sự đồng ý, đồng tình hay chối từ khinh bỉ? Cuối cùng, Bờm ưng thuận, không giấu diếm, giữ kẽ, bộc lộ bằng nụ cười hồn nhiên, chân thực*. Lại có ý kiến khác: Bờm không đổi vì tuy nghèo đến mức có thể chết vì đói, nhưng để bảo vệ danh dự và phẩm giá của mình, Bờm sẵn sàng chịu đựng tất cả, thậm chí coi thường cả cái chết!* Có tác giả sách Hướng dẫn giáo viên THCS lớp 7, tập 2, nhấn mạnh: Đây là bài ca dao vui. Nhưng nói đến đấu tranh giai cấp. Bờm đại diện cho nông dân. Phú ông đại diện cho địa chủ. Nhà thơ Võ Thanh An suy ngẫm về Thằng Bờm  cũng bằng một bài thơ lục bát sắc sảo:
Sống trong thế thái nhân tình
Con người lạ nhất là anh chàng Bờm!
Gọi thằng , là để yêu hơn,
Chứ con người đó sống ngàn năm nay!
Gia tài mo quạt cầm tay,
Làm nên gió mát xưa nay có Bờm!...
Sống cùng tiếng hát dân gian,
Mặc ai chê dại, trách gàn, chẳng lo!*
    Thật rôm rả! Điều đó càng chứng tỏ sức sống, chiều sâu tư tưởng – nghệ thuật, tính hình tượng đa nghĩa của Thằng Bờm. Đó cũng chính là những tác nhân gây nên bao ý kiến bất đồng trên.
    Bên cạnh một vài cách hiểu cực đoan, hiện đại hóa Thằng Bờm, vẫn có những suy nghĩ nghiêm túc, sâu sắc, gợi mở những phương hướng tiếp cận, phân tích mới. Người viết bài này muốn thử tiếp xúc, tìm hiểu Thằng Bờm từ góc độ tâm lý học lứa tuổi và xã hội, từ triết lý dân gian Việt Nam.
    Trước hết, cần đặt bài ca dao vào thời điểm xuất hiện của nó, đúng với đặc trưng thể loại của nó.
    Đó là một bài đồng dao (ca dao cho nhi đồng, về nhi đồng, thiếu nhi) cổ. Tất nhiên, chỉ có thể, trên nét lớn đoán định được hoàn cảnh ra đời của nó. Nhưng chắc có lẽ không dưới vài trăm, thậm chí cả ngàn năm trước đây. Là một bài ca cho thiếu nhi chăn trâu, nên nó mang cái vui tươi, dí dỏm, hồn nhiên đùa cợt vui nhộn là chủ yếu. Nhưng tất nhiên, người bình dân cũng đồng thời gửi gắm vào đó tâm lý, triết lý nghiêm túc, sâu xa, độc đáo riêng của mình, của thời đại mình.
    Có người kỳ công khảo cứu cái tên riêng Bờm. Từ bờm vốn bắt nguồn từ bần (nghèo) hoặc bờm xơm, bờm bợp mà ra. * Cũng có thể như vậy. Nhưng có lẽ nguồn cội của từ đó dung dị hơn nhiều. Đó là phong tục đặt tên con một cách rất nôm na (cho lành, lấy may) của các gia đình nông dân Việt Nam xưa (và cả nay). Những thằng cu, thàng bòi, cò, còm, cái hĩm, cái tý, thằng sửu (sinh năm tý, năm sửu)… Bờm là cái chỏm tóc, cái cun cút trên đỉnh thóp đầu của đứa trẻ (cả nam cả nữ) để lại tóc, còn tất cả tóc trên đầu đều được cạo sạch cho mát. Để bờm tóc, để tóc cun cút vì chỗ da đầu ấy mỏng hơn, cần được tóc bảo vệ. Từ đó gọi luôn thành tên: gọi thằng Bờm! Vậy thôi!
    10 câu đồng dao, như một cuộc chuyện trò vui vẻ, tào lao, một màn hài kịch nhỏ có nhân vật trung tâm là Bờm, 2 nhân vật chính là Phú ông và cái quạt mo. Thằng Bờm hiện lên như 1 nhi đồng thông minh, ngây thơ và ngộ nghĩnh (quãng từ 6 – 10 tuổi). 5 lần đổi chác lòng vòng chủ yếu diễn ra bằng lời đối thoại và mới chỉ là những điều kiện giả định. Chỉ có cái quạt mo là hoàn toàn có thật khẳng định với sở hữu là của riêng thằng Bờm.
    Bạn hãy thử hình dung một chiều hè oi ả hay mát mẻ nơi làng quê nào đó, dưới gốc đa cổ thụ đầu làng, có một đứa trẻ con nhà ai đó với cái bờm tóc đen nhánh, phất phơ, đang vừa ngắm nghía vừa phe phẩy cái quạt mo cau, chơi tha thẩn một mình. Chợt có Phú ông lững thững đi hóng mát qua, chợt thấy thằng bé hay hay, bỗng nảy ý đùa vui, bèn dừng lại hỏi han, chuyện trò. Và cuộc đối thoại, hỏi đáp, đổi chác, mặc cả, cò kè kì lạ ấy đã diễn ra như một trò đùa của một ông nhà giàu quý trẻ mà thôi! Có lẽ hiểu như vậy mới giải thích được những vật đổi vô lý, lộn xộn mà Phú ông tung ra liên tiếp để trêu, để thử thằng bé bướng bỉnh xem kết cục nó như thế nào? Đúng là tâm lý thích khoe đều có cả ở 2 người. Trẻ con vốn rất thích khoe khoang. Người già cũng vậy. Đó là một trong những đặc tính tâm lý giống nhau của cả 2 lứa tuổi. Nhưng nếu cho rằng Bờm khoe một cách tự nhiên, hồn nhiên, còn Phú ông khoe một cách kệch cỡm, thô bỉ thì e lại đã có phần  thiên nghiêng về tính giai cấp của nhân vật mà coi nhẹ hoặc quên mất tâm lý lứa tuổi ở họ. Ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, bè gỗ lim, chim đồi mồi… chẳng qua chỉ là những hình ảnh sự vật chợt nảy ra trong đầu Phú ông sau mỗi lần từ chối quả quyết (có thể kèm theo cử chỉ lắc đầu, cong môi, vênh mặt phụng phịu kèm theo những tiếng ứ ừ! không! Không đâu! Nũng nịu, ngây thơ của đứa trẻ bị trêu già! Đến khi Phú ông xin đổi đến nắm xôi thì cả 2 ông cháu cùng cười, nụ cười vui vẻ, sảng khoái, kết thúc cuộc gặp gỡ tình cờ, thú vị. Có thể cái cười của Bờm chứng tỏ Bờm bằng lòng đổi hoặc ngược lại: từ chối khéo. Nhưng điều cần lưu ý hơn là nắm xôi  (hoặc hòn xôi) ấy vẫn cũng chỉ là giả định, vẫn nằm trong trò chơi của Phú ông bày ra, nghĩ ra. Nếu câu chuyện còn tiếp, thì có thể sẽ là câu hỏi của Bờm: - Vậy xôi của ông đâu? Phú ông: - Ông để ở nhà. Để ông về lấy nhé, hoặc mai ông mang ra đổi nhé!... Bờm: - A! Phú ông nói dối!.v.v…Chỉ có nụ cười và cái quạt mo là có thật!
    Không nên hiện đại hóa thằng Bờm, người lớn hóa Bờm, cho rằng Bờm thông minh đến mức biết đổi vật ngang giá với tỉ giá thích đáng.* Ngược lại, cho Bờm là đứa trẻ ngu hèn, chỉ tham ăn tục uống, thực dụng, cũng là gọt chân cho vừa giầy nốt!
    Rõ ràng, bài đồng dao ở đây đã thể hiện một cách rất tự nhiên, tinh tế những nét tâm lý tiêu biểu của một nhi đồng nông dân nghèo Việt Nam xưa. Đó là bản tính ngây thơ, hồn nhiên, tự nhiên, nằng nặc, cương quyết khi chưa vừa ý. Nhưng khi trúng ý, hài lòng thì lập tức nở nụ cười rất đỗi trẻ con. Rõ ràng Bờm ta rất quý cái quạt mo be bé xinh xinh, rất chi là tiện dụng (chắc bố mới làm cho!) nên Bờm không màng đánh đổi lấy những vật xa lạ, khó hiểu ngoài tầm nhìn, tầm nghĩ, tầm tưởng tượng của 1 đứa bé nhà quê. Còn ai mà chẳng thích ăn no, ăn ngon. Trẻ con càng như vậy. Nhất (dĩ) thực vi tiên! Vậy, Bờm cười vì ngạc nhiên, thích thú vì vật đổi Phú ông chợt đưa ra  khi chú chàng đang ngót dạ? Hay Bờm chẳng thèm, chẳng để ý vì bụng Bờm vẫn còn no?… thì cũng đều biểu hiện rất đúng, rất phù hợp với tâm lý trẻ con ở lứa tuổi này, trong hoàn  cảnh này. Cũng không nên vì thế mà đánh giá Bờm hèn kém, thực dụng, tham ăn, tầm nhìn không quá nắm xôi! Đó lại là những cách nhìn thiên kiến, định kiến, lối suy diễn máy móc, thô thiển một chiều, quan trọng hóa, phức tạp hóa vấn đề mà thôi!
    Nhưng nếu đúng như vậy thì triết lý Bờm ở đâu?
    Cũng có thể đó là tiếng lòng của những cảm xúc chưa rạch ròi về mình và ước mong sửa sang cho cách sống, cách nghĩ hạn hẹp của đương thời và hậu thế*. Thằng Bờm tỏa ánh sáng hóm hỉnh, thông minh, một phương pháp ứng xử thực tế sắc sảo mà gốc rễ là sự công bằng.* Hoặc nghiêm khắc hơn: Đối với nhân dân lao động nghèo khổ, trong quan hệ với những kẻ quyền thế, giàu có, cần phải cảnh giác, khôn khéo và thông minh.*..
     Riêng tôi, tôi nghiêng về cái triết lý lạc quan, vô tư, hồn hậu, thực tế cứ ảnh tỏa ngời ngợi trên từng câu chữ giản dị của bài đồng dao.
    Trẻ con là trẻ con! Các em hoàn toàn không phải là những phiên bản của người lớn vụng về, gò gượng thu nhỏ lại. Xin hãy tạo những điều kiện tốt đẹp nhất để các em được sống, vui chơi, ăn, ngủ, học hành, lao động và mơ ước một cách hồn nhiên, tự nhiên và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi thần tiên của các em. (Đương nhiên cần phải định hướng giáo dục, tổ chức chu đáo và an toàn). Yêu quý, tôn trọng trẻ em thực sự chứ không phải là giả dối lấy lòng, mua chuộc, ép buộc trẻ theo ý người lớn… Đó mới là phương pháp giáo dục trẻ em khoa học và hiệu quả.

    Từ thằng Bờm có cái quạt mo trong bài đồng dao Việt cổ đến những biến thể của thằng Bờm hiện đại không chỉ phản ánh sức sống bền dai, ý nghĩa triết lý nhân sinh thâm thúy và thời sự mà còn chứng tỏ cái tâm lý Bờm, triết lý Bờm trong phần hạt nhân nhân bản, lạc quan, tươi vui, mạnh khỏe của nó. Đó chính là một trong những đặc trưng cơ bản của trẻ em Việt Nam, con người Việt Nam trong trường kỳ lịch sử, từ quá khứ đến hiện tại và vươn tới tương lai./.

•    Báo Người Hà Nội, ra ngày 27 – 1 và 24 – 3 – 1991.
•    Hoàng Tiến Tựu: Bình giảng ca dao (NXBGD, 1992)
•    Phan Văn Hoàn: Suy nghĩ về nhân vật Bờm qua truyện dân gian (Tạp chí Văn học, số 21, năm 1993).
•    Sách Hướng dẫn giáo viên môn Văn học lớp 7, năm 1987.
•    Báo Văn Nghệ, ra ngày 7 – 5 – 1988.
•    Đã in tập san Tài hoa trẻ, số 12, tháng 12 – 1996; (tr. 22, 23, 24) và Thông báo Khoa học của ĐHQG Hà Nội, số 2- 1997.

Đọc lại, có sửa chữa, bổ sung, 7 – 11 – 2013. ĐV






ĐÂY TÂM HỒN NGA,

THƠM PHỨC HƯƠNG VỊ NGA!*

(Qua bài thơ Con đường mùa đông của A. Pu skin)
 
    Trong 4 mùa, Puskin yêu nhất mùa đông. Ông không thích mùa xuân. Vì đó là mùa tuyết tan, vội vàng hoa nở, hoa tàn; cũng không thích mùa hè, bởi nắng chói chang và mưa ào ạt, khắc nghiệt, thất thường. Mùa thu: Biệt ly vàng rơi từng chiếc lá, trời xanh màu đắm đuối vừa quyến rũ vừa e ngại! Nhà thơ từng cắt nghĩa ý thích riêng này với người yêu:
          Anh sẽ qua đi cái quyến rũ của mùa xuân,
Cái bừng cháy của mùa hạ,
       Cái xôn xao của mùa thu rất lạ,
           Để cầm tay em – se giá mùa đông.
    Ai đã từng sống ở nước Nga, hoặc đã từng đi qua nước Nga vào những ngày mùa đông tuyết phủ trắng đất, trắng trời, những đêm tuyết bay khắp đất trời như hoa, như sương trắng mênh mang, mịt mờ  một màu trắng thiếc, mới thấy được phần nào bức tranh tuyệt vời của phong cảnh mùa đông xứ này, mới đồng cảm được với xảm xúc và xúc động của nhà thơ Nga đến tận xương tủy, qua khúc ca dịu buồn mê đắm: Con đường mùa đông.
    Cảm hứng thơ bắt nguồn từ một chuyến đi từ làng Mikhailôpxcoe sang Pơxcôp năm 1826, một năm trước khi Puskin mãn hạn lưu đày ở miền Bắc Nga. Con đường mùa đông là 1 trong bộ ba chùm thơ mùa đông của Mặt trời thi ca Nga (Lermôntốp nói về Puskin). 2 bài kia là Buổi sáng mùa đông và Buổi tối mùa đông.
    Một trong những vẻ đẹp hàng đầu của bài thơ là vẻ đẹp không gian, thời gian hòa hợp, tương giao thống nhất tới mức gần như lý tưởng. Không gian thiên nhiên thành không gian nghệ thuật là bầu trời bát ngát, rừng sâu bao la, cánh đồng hút mắt, dải đường thiên lý thăm thẳm. Một không gian hết sức vắng lặng, cô đơn muốn vươn tới cõi vô tận, vô cùng. Đặt trong thời điểm đêm mùa đông dằng dặc, lạnh buốt, chậm chạp, uể oải trôi: Càng khuya càng chậm, càng lạnh, có lúc dường như ngưng đọng lại. Chính cái thời gian - không gian tương hợp độc đáo ấy đã mang chở và chắp cánh tâm trạng buồn rầu cao khiết trong sáng của thi nhân – người đi đày -  song hành với cỗ xe tam mã (t’rôica) đang băng băng trên con đường vạn dặm.
    Âm thanh và màu sắc trong bài thơ cùng ánh lên vẻ đẹp tài hoa cổ điển của một nghệ sỹ ngôn từ bậc thầy. Có thẻ nói, Puskin đã thếp lên thơ mình một màu vàng khó nói: màu vàng của ánh trăng mơ buồn hòa lẫn sắc tuyết trắng tinh khôi, trinh bạch hóa thành màu vàng điệp sứ nửa dịu lạnh sáng mờ, nửa mong manh sang trọng mà lại có phần dân dã. Giữa sắc vàng nguyệt bạch mê hồn của đêm đông trường Bắc Nga, mà ai từng chứng kiến một lần đều không thể nào quên ấy, chợt hồng lên rực rỡ một ngọn lửa tưởng tượng mơ màng về hạnh phúc ngày mai rất gần bên một cô gái Nhina xinh tươi nào đó. Nhưng chỉ trong thoáng chốc, đốm lửa tình yêu hi vọng duy nhất ấy cũng lại tắt lịm trong săc vàng đêm sâu nhòa nhạt, nghiêng từng vòng bánh xe quay đều.
    Tiếng lục lạc đồng thau ngân nga buồn tẻ, mệt mỏi trước cỗ xe ngựa vun vút trên đường hòa với tiếng hát ê a của người xà ích, lúc nhanh gấp rộn ràng, phấn chấn, khi lại chùng xuống nỉ non, tâm sự rồi dần dần lặng bặt. Chỉ còn nghe tiếng vó ngựa đạp tuyết, tiếng bánh xe lăn lạo xạo, tiếng lạc ngựa leng reng điểm nhịp cho giấc ngủ thiu thiu, chập chờn của người đánh xe và nối dài nỗi buồn nhớ của vị khách đêm – nhà thơ.
    Phong cảnh đêm đông cô vắng, lạnh lẽo càng làm tăng cảm giác cô đơn, đau khổ, nhàm chán của hồn người.
Ôi buồn đau! Ôi cô lẻ!
    Tiếng thơ – tiếng lòng buột cất lên não nề, thống thiết nhưng không hề tuyệt vọng. Mộng ước ngày mai về với em - Nhina bên lò lửa đỏ giúp nhà thơ đủ kiên nhẫn đi hết chặng đường xa, thức suốt đêm dài, vượt qua nỗi buồn của mình đang tràn ngập trái tim trong những năm tháng lưu đày đằng đẵng. Phải hơn 1 năm nữa, theo lệnh ân xá của Nga hoàng, Puskin mới được trở lại 2 kinh đô, dạo bước trên các đại lộ Xanh Pêtecbua hay Matxcơva. Và cũng phải 5 năm nữa ông mới hoàn thành kiệt tác  tiểu thuyết thơ Epghênhi Ônhêghin bất hủ. Nhưng trong và sau một đêm trăng tái tê, lê thê trên đường đông ấy, tác giả của trường ca Rutxlan và Lutmi -la tuyệt diệu  đã có thể chưng cất cảm xúc làm nên khúc balat Con đường mùa đông lặng lẽ mà nồng nàn như cốc rượu Vốtca nguyên chất. Có điều, ở đây hương vị thiên nhiên đất nước Nga, vẻ đẹp tâm hồn Nga không bộc lộ riêng lẻ: từ ánh trăng, làn sương, con đường, cánh đồng, rừng tuyết, cột cây số, bếp lò, cỗ xe ngựa, bài dân ca, cô bé Nhina má hồng đáng yêu, hoặc không từ tâm trạng buồn đau trong sáng của thi sỹ mà là tổng hợp từ tất cả những cái đó. Màu sắc, âm thanh, không gian, thời gian, nhịp điệu, vần điệu, cấu tứ, hình ảnh, cảm xúc… hợp lực tạo thành ấn tượng chung rất mạnh, rất sâu, giản dị đến ngạc nhiên.
    Và cũng chỉ có A. Puskin thần thánh mới đủ tầm, đủ tài, đủ tâm để làm nên Con đường muà đông, kết hợp với những Buổi sáng muà đông, Buổi tối mùa đông, Tuyết nhấp nhô… làm thành bộ tứ tấu đàn Balalaica chủ điểm mùa đông Nga âm ba vang ròn qua ba thế kỷ./.

•    Lời văn hào Nga Gô gôn ca ngợi thơ Puskin (1799 – 1837) – Nhà thơ Nga vĩ đại.
•    Đã in trên báo Giáo dục và thời đại, 30 – 5 – 1997.

Đọc, chỉnh sửa và vi tính lại, 9 – 11 – 2013. ĐV







NHỮNG VÒNG SÓNG TỎA LAN
TỪ  TRÁI TIM ĐAN KÔ

(Đọc Trái tim Đankô
(trích truyện ngắn Bà lão Idecghin (1894)
của M. Gorki (1868 – 1936)


    Trong bài Trái tim Đankô, (Sách giáo khoa Văn 6, CCGD, 1986) lược trích từ truyện ngắn Bà lão Idecghin (1994) của M. Gorki (1868 – 1936) có một chi tiết nhỏ, dường như ít người để ý. Song, chính vì vậy nên nó khá bất ngờ và thường khiến các thầy cô giáo trẻ ở trường THCS lúng túng, khó xử. Chi tiết ấy nằm trong đoạn:
    … Chàng Đankô can trường và kiêu hãnh đưa mắt nhìn thảo nguyên bao la trước mặt, sung sướng nhìn khoảng đất tự do và bật lên tiếng cười tự hào. Rồi anh gục xuống chết.
    Đoàn người vui sướng và trần đầy hi vọng, không để ý rằng Đankô đã chết  và không thấy trái tim can đảm của anh vẫn cứ cháy bừng bừng bên cạnh xác anh. Chỉ có một người vốn tính cẩn thận nhận thấy điều đó, sợ xảy ra chuyện gì không hay, liền giẫm lên trái tim kiêu hãnh ấy. Trái tim lóe ra một tia sáng rồi tắt ngấm…
-    Đấy, duyên cớ của những ánh lửa xanh thường xuất hiện trên thảo nguyên vào trước lúc cơn giông, là như vậy…

    Về chi tiết có vẻ bất thường, bất hợp lý, khó lý giải này, đã có nhiều cách hiểu, cách gợi mở cùng là những thắc mắc khác nhau:
-    Với giáo viên: Một số bỏ qua, vì bản thân cũng lúng túng khi giải thích. Số khác giải thích qua loa, đại khái, như: Chi tiết chứng tỏ Đankô hy sinh anh dũng, thanh thản, không cần trả ơn, hoặc dứt khoát cho rằng đó là một hành động dã man, vô ơn bạc nghĩa…v.v…
-    Với học sinh: khi đọc đến đoan này, thái độ khá đa dạng:
    Có em chỉ ước gặp tên đê tiện dám giẫm lên trái tim người anh hùng để cho nó 1 bài học nhớ đời! Em khác rưng rưng xúc động vì thương anh Đankô chết rồi vẫn chẳng được yên! Có em định mang trái tim cháy ấy đến viện bảo tàng để lưu giữ muôn đời…!
-    Riêng tôi, có lúc muốn bắt chước Kim Thánh Thán xưa, dựng cụ Gorki dậy mà cin hỏi cho ra nhẽ! Rõ ràng, từ cái chi tiết người giẫm trái tim Đankô đã tự nó tỏa ra những vòng sóng khác nhau, truyền lan về những cách cảm nhận, giải thích không giống nhau, tạo nên tính đa nghĩa thú vị của hình tượng nghệ thuật.
    Dưới đây là những vòng sóng – câu trả lời của tôi thu nhận được trong quá trình đi tìm một lời giải tối ưu. Tuy nhiên, chắc chắn nó vẫn mang đậm tính chủ quan và khó tránh khỏi việc suy diễn ít nhiều!

    Trước hết, cần phải xuất phát từ phong cách, bút pháp nghệ thuật của tác giả đã vận dụng để cắt nghĩa. Bà lão Idécghin được sáng tác bằng 2 bút pháp kết hợp: lãng mạn và hiện thực. Tính chất đa phong cách, đa bút pháp  cùng tồn tại trong 1 tác phẩm là một trong những nét độc đáo của phong cách nghệ thuật truyện ngắn  M. Gorki thời trẻ, trong giai đoạn sáng tác đầu tiên. Nhưng trong truyện ngắn này, phong cách chủ yếu bao trùm là phong cách lãng mạn tích cực. Nhà văn thường sử dụng những yếu tố, những môtip, thủ pháp nghệ thuật của chủ nghĩa lãng mạn. Ông thích vận dụng cách mở truyện, kết truyện học tập từ thần thoại, cổ tích và truyền thuyết Nga. Điều đó làm cho một số truyện ngắn thời kỳ đầu của MG. tựa hồ như những truyền thuyết, huyền thoại dân gian: lấp lánh, kỳ ảo những chi tiết, hình ảnh hoang đường vừa gần gũi, chân thực như những truyện hiện thực thời hiện đại. Hiểu như vậy, thì chi tiết người giẫm trái tim Đan kô chẳng qua chỉ là một thủ pháp nghệ thuật, một cái cớ ngẫu nhiên (mà đầy dụng ý của người kể chuyện – bà lão Idecghin) về những ánh lửa xanh thường xuất hiện trên thảo nguyên trước cơn giông. Đó là một dụng ý nghệ thuật của tác giả đã được phục bút ngay từ đoạn mở đầu. Và đây cũng là một biện pháp nghệ thuật khá quen thuộc và phổ biến của truyện cổ dân gian nhiều nước.
    Một trong những biện pháp nghệ thuật quen thuộc và phổ biến của chủ nghĩa lãng mạn là đối lập – tương phản. Để làm nổi bật ý đồ tư tưởng nghệ thuật, các tác giả lãng mạn thường đối lập giữa cái phi  thường với cái tầm thường, giữa cái cao cả và  và cái thấp hèn ti tiện. (Chẳng hạn như Giăng Van giăng và Gia ve,  thằng gù Quadimôđô và Phó giáo chủ, chim ưng và rắn nước, chim báo bão và chim hải âu…). Trong truyện ngắn Bà lão Idecghin, tác giả đã sáng tạo hàng loạt đối lập tương phản giữa các hình tượng với hình tượng Đankô, theo phong cách lãng mạn: Cô gái và Lara, Lara và Đankô, Bà lão với những người yêu của bà; Bà lão với Đan kô, đoàn người với Đankô…Trong đó, người giẫm tim tương phản với Đan kô là đối lập cuối cùng. Đó là chiếc đòn bẩy hạng nặng cuối cùng khiến cho hành động và sự hi sinh cuối cùng của chàng Đankô thêm chói sáng, kỳ vĩ. Nằm dưới bàn chân của người giẫm tim cẩn thận mà tầm thường, chu đáo mà thực dụng, trái tim cháy ngọn lửa tình yêu của Đankô càng thêm cao cả, vĩ đại. Thêm chi tiết tưởng chừng như thừa ấy, nghĩa cử của Đankô nổi bật thêm, vượt lên tầm cao mới: vời vợi mênh mông, thần thánh!
    Tượng trưng, phúng dụ, đa nghĩa cũng là những biện pháp nghệ thuật quan trọng của phương pháp lãng mạn. Chi tiết người giẫm tim và trái tim tóe lửa, tắt ngấm rồi lại bùng lên mỗi lần trước cơn giông phải chăng tượng trưng cho sức sống bất tử của trái tim Đankô. Đó cũng là khao khát cao cả, nhân văn, niềm vui, niềm tự hào, kiêu hãnh của M. Gorki vào Con người?
    Nhưng có lẽ vấn đề không chỉ đơn giản như vậy! Cần phân tích thêm diễn biến tâm trạng của đoàn người trên đường đi: lúc nguy hiểm tuyệt vọng thì điên cuồng sỉ vả, định giết Đan kô; khi thoát hiểm, thành công thì hả hê, sung sướng, tràn đầy hi vọng. Mê mụ vì chiến thắng, họ đã quên bẵng chàng Đankô, người anh hùng cứu tinh của họ. Còn Đankô thì đã chết rồi! Đankô chính là một kiểu anh hùng lý tưởng, toàn tâm toàn ý hy sinh cuộc sống của bản thân mình vì tự do, hạnh phúc của đồng loại một cách hồn nhiên, trong sáng. Thế mà đoàn người lại đối xử với chàng như vậy?! Thật đáng trách, thậm chí đáng lên án về thói vô ơn, bạc bẽo của kẻ qua sông…Nhất là kẻ cẩn thận, lo xa giẫm tim kia! Nhưng đó cũng lại là sự thật cuộc sống, một hiện tượng tâm lý dễ hiểu của những hạng người vô ơn bạc nghĩa, cá nhân, lạnh lùng, tệ hại. Niềm vui điên cuồng vì được sống, được tự do đã khiến đầu óc họ mê lú, đến điên rồ, không còn nghĩ đến ai, biến thành những kẻ vô ơn đáng ghét. Trong số họ có một kẻ cẩn thận thái quá, sợ xảy ra chuyện gì không hay! (cháy đồng cỏ chẳng hạn!) đã làm cái việc báng bổ ấy! Làm như vậy vì ai? Hẳn không phải vì Đankô đã chết, cũng không phải vì cộng đồng, mà trước hết và chủ yếu là vì mình, cá nhân mình, sau đó mới là vì đoàn người, bộ lạc. Con người cẩn thận, tỉ mẩn, lo xa và giỏi tính toán, rất lý trí ấy cũng đồng thời là kẻ thực tế đến thực dụng, lấy hiệu quả làm mục đích tối thượng cho mỗi việc làm. Bằng chi tiết nghệ thuật này, phải chăng M. Gorki muốn thể hiện một mặt của tính cách Nga, một bộ phận trong nhân Nga, có thể là bộ phận dưới đáy xã hội Nga những năm 90 thế kỉ 19, những người mà lao động khổ sai, sự dốt nát vô học, gánh nặng của số phận bi đát đã giết chết hoặc làm thui chột, méo mó những tình cảm trong lành, nhân hậu, bình thường của con người như lòng biết ơn, tình yêu thương đồng loại…
    Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho những người anh hùng mới của thời đại mới – những người như Đankô là có thể và sẵn sàng hi sinh để giác ngộ, giáo dục, nâng cao tâm hồn và trí tuệ cho cộng đồng, cảm hóa nhân dân.
    Nhưng anh hùng, dù vĩ đại, mấy ai đã hoàn thành mỹ mãn sứ mạng và gánh nặng khổng lồ ấy mà thoát nổi bi kịch? Đan kô cũng vậy. Chàng là  một anh hùng bi kịch trong giai đoạn lịch sử mở đường của thời đại mới. Chi tiết người giẫm tim càng khẳng định sâu đậm tính bi kịch của người anh hùng sớm bị lãng quên ngay trong ngày chiến thắng.
    Cố nhiên, còn nhiều vòng sóng khác trong những vòng sóng tỏa lan đến vô cùng, những tầng ý nghĩa tư tưởng - thẩm mỹ cao sâu khác mà tôi chưa phát hiện tới. Còn việc chuyển những vòng sóng đó từ chi tiết nghệ thuật người giẫm tim đến chuyện học sinh đọc hiểu, cảm nhận cụ thể như thế nào thì lại nằm ngoài phạm vi bài viết này./.
 
•    Đã in báo Giáo dục& Thời đại, tháng 12 – 1991

Đọc lại, sửa chữa, bổ sung, vi tính… 12 – 11 – 2013. ĐV