Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tản văn của Từ Năng Tĩnh

Trần Năng Tĩnh
Thứ bẩy ngày 23 tháng 11 năm 2013 5:32 PM

HƯƠNG NGOC LAN


Con cứ nhớ mãi lần gặp thầy ở nơi sơ tán. Ấy là khoảng năm 1968. Chiều rồi.Con mải đạp xe về nhà mình. Một thoáng ngỡ ngàng...ai như thầy giáo của con thưở cấp một. Như có linh tính mách bảo, con vội vã quay xe trở lại.Một cụ già chống chiếc ba-toong đang bước đi chậm chạp. Con đỗ xe bên thầy. Một cái giật mình của thầy trước sự đường đột khi có người áp xe vào tận nơi giữa một con đường quê lúc chiều tối.Cái giật mình ấy làm con nhớ mãi và ân hận nữa. Con hỏi :"Thưa thầy, thầy còn nhớ con không ạ?".Thầy ngước nhìn con với cặp mắt đục và buồn buồn của người già :"Xin lỗi! Anh thông cảm.Mấy năm vừa rồi, tôi gặp nhiều chuyện buồn.Hơn nữa căn bệnh người già, nên dạo này trí nhớ của tôi đã kém đi nhiều...".
  Con thật là người vô tâm và vô lí phải không thầy.Sao con lại dám đòi hỏi thầy phải nhớ cậu học trò của thầy, đã hơn chục năm qua.Con nắm chặt tay thầy và hối hả trong niềm xúc động :"Thưa thầy! Con là Trần Quốc Trung, là học trò của thầy hồi lớp 1C trường Trần Quốc Toản đây ạ!".Thầy lặng đi một chút rồi bỗng như reo lên"Thầy nhớ rồi! Thầy nhớ ra rối! Anh đã đến nhà thầy để nhận giấy khen của nhà trường phải không?".
  Con nhắc lại kỉ niệm từ cái thưở còn là chú nhóc.Nhà thầy ở phố Hàng Song.Thầy hẹn con đến nhà thầy để lấy giấy khen vì hồi ấy con được là "Cán bộ lớp".Vào nhà thầy, qua một khoảng sân rộng và con nhớ mãi mùi hương thoang thoảng của cây ngọc lan...

                                                                                       ***
Cho mãi đến bốn năm sau, khi cuộc chiến tranh chống Mĩ tạm ngưng, mọi người lần lượt kéo nhau về Thành phố.Một dịp gần Tết,tôi mới trở lại thăm thầy. Tôi mang theo chục bánh cốm Hàng Than từ Hà Nội về. Tôi thầm nhủ: gọi là chút quà đặc sản Hà Nội biếu thầy.
  Tôi bấm chuông căn nhà số... phố Hàng Song năm nào mà nhớ mãi hồi ấy,thầy ra tận cửa đón tôi.Thầy lại cho tôi ăn chuối Ngự- món đặc sản Quê tôi,thời xa xưa để tiến Vua.
  "Cậu tìm ai?".Tôi chợt giật mình Một bà già mở cửa và hỏi tôi. Tôi hỏi lại:"Bà làm ơn cho hỏi thầy giáo Cương có nhà không a?" Bà lão nhìn tôi như ngơ ngác:"Thế cậu không biết gì à? Cụ giáo Cương đã mất từ hai năm nay rồi.Nhà này các con cụ giáo đã bán cho con trai tôi rồi.Sau khi bán nhà,họ đã chuyển lên Hà Nội từ năm ngoái".
  Tôi đứng lặng.Cũng chẳng cất nổi mồm miệng mà chào và cảm ơn bà lão. Chục đồng bánh cốm bỗng bẽ bàng trên tay.Tôi chợt thoảng nghe trong gió mùi hương ngọc lan. Chao ôi! Hương lan tỏa lan dịu nhẹ giữa khoảng sân vườn thoáng rộng nhà thầy.
Tôi cất tiếng gọi thầm giữa dòng người qua lại, chuẩn bị đón xuân: Thầy ơi!...



TÌM


1. Giờ này, chẳng biết đã khuya chưa, hay là gần về sáng, anh đặt bút viết những dòng này… chẳng biết là truyện hay hồi ký, tạp cảm…
Có phải người ta sinh ra từ tiếng khóc trẻ thơ, để rồi cứ suốt đời đi kiếm tìm với khát khao và đau đớn – Mong tìm cố nhân!
Anh viết những dòng này cho Em hoặc cho Ai? Anh cũng chẳng biết nữa. Nghĩ thế nào thì cứ giãi bày lòng mình – thế thôi.
Ngày mai, đã sang một ngày mới. Đã sang một năm mới – Tết Tây, năm 2013…
Lúc chập tối nay, anh lang thang một mình quanh khu vực Hồ Gươm. Lang thang kiếm tìm gì ư? Mà, cũng có thể, anh thả bộ chi mong tìm khoảnh khắc thư thái, giữa ngày đông đất Bắc – đất Thăng Long Kinh Kỳ. Đi mà nghĩ. Mà cảm. Mà hít sâu vào lồng ngực đầy cái cảm giác lành lạnh mà trong lành, thanh khiết của xứ sở này…
Lại sắp một mùa xuân đến. Lại khát khao trong ước muốn sinh thành, chuyển dạ của Đất – Giời. Mong mỏi điều lành tốt cho tất thẩy: thiên nhiên – tạo hóa và con người. Hình như, đã thành quy luật: đời người, kiếp người, kiếp nhân sinh… là một cuộc kiếm tìm không ngừng nghỉ. Kiếm tìm tình yêu. Kiếm tìm no đủ. Kiếm tìm hạnh phúc. Kiếm tìm và kiếm tìm mãi…
Áp tết rồi. Hẳn đất trời phương Nam tràn nắng ấm cho mai vàng cùng bao sắc hoa Ta hoa Tây bừng nở, khoe sắc, đua hương. Và, ắt hẳn xứ Đà Lạt mộng, đẹp và buồn càng nhiều, càng lắm hoa tươi – rực rỡ như nụ cười đáng yêu của em thuở nào – nụ cười đã ám ảnh yêu thương trong anh. Nụ cười không bao giờ có tuổi. Anh nhớ về em. Anh nghĩ về em. Mà, thương quá! Bởi vì, giờ này em ở đâu? Em ở đâu?...
*
*                          *
- Ông đánh cho con đôi giầy ông ơi!
Người đàn ông bừng tỉnh, trên ghế đá công viên, dù ông vẫn ngồi và nhắm mắt lại; trên tay, ông cầm một bông hồng bạch, ngỡ như còn rưng rưng sương sớm.
Thằng bé đánh giầy, vẫn đứng bên, mắt hướng tới ông, chờ đợi…
Người đàn ông đứng dậy, ân cần:
- Con quê ở đâu? Mặc thế có lạnh không con?
Không đợi bé đánh giầy trả lời, ông lấy nhanh trong túi mấy tờ tiền và đưa tận tay cho thằng bé. Lại nói: Bác cho con! Bác không đánh giầy đâu con ạ!
Chú bé đánh giầy lí nhí lời cảm ơn cùng cái cúi đầu lặng lẽ.
Người đàn ông vẫn đứng nhìn theo mãi cho tới lúc bé con khuất trong những người bộ hành đang mải miết lại qua trên hè phố. Thế rồi, ông tự nhủ thầm: Thằng bé đang đi kiếm ăn. Rõ là nói nói giọng Thanh Hóa. Còn mình, mình đi tìm gì đây?
Rồi ông lại ngồi xuống ghế đá bên hồ, bỏ chiếc mũ be – rê và vuốt tóc. Mái tóc đã đậm muối sương. Một sợi tóc bạc rụng vào lòng tay, mỏng manh, cong cong như hình dấu hỏi (?). Mắt ông lại dõi ra xa… dõi về đâu? Trên đường, trên hè, dòng người – xe vẫn lại, qua khôn dứt – và, còi xe inh ỏi…
*
*                       *
2. Ông già vẫn lặng lẽ ngồi đó – trên ghế đá. Trước mặt ông là Hồ Hoàn Kiếm. Một chút xao động từ gió, từ lá cây bên hồ. Ông lại đắm mình vào suy tư trong Cõi – Đi – Về giữa quá khứ và hiện tại. Hình như, Hà Nội của hôm nay sao mà bộn bề, ngổn ngang. Và, nhất là: làm sao mà đất này, xứ này lắm người đi đến thế! Họ đi đâu, trong lộ trình mưu sinh – miết mải và ráo riết. Cái thanh lịch, thanh sơ, thanh đạm … mà hào hoa của Hà Nội hôm nay đâu rồi? Đã đành, mỗi thời mỗi khác. Mỗi thời có cuộc sống, nhịp sống riêng. Thế mà, sao vẫn nhớ thương. Vẫn tiếc nuối?
Ông già nọ vẫn ngồi đó và dõi mắt ra xa. Như nhung nhớ. Như day dứt điều gì. Lại như kiếm tìm điều gì. Chẳng biết nữa.
Vẫn trên ghế đá. Vẫn chiếc ba – toong trên tay chống. Vẫn chiếc mũ bê – rê trên mái đầu tóc bạc… Ông già đất Hà Thành lặng lẽ và trầm tư trong thế giới: của ông…
3. Bất chợt, ông lão như bừng tỉnh bởi cái đập tay dập dồn vào vai ông. Một giọng còn trẻ, hơi xấc nhưng rành mạch: Bố già ơi! Bố đứng dậy cho con nhờ đi.
Trước mặt ông là tay thợ chụp ảnh vừa nói lại vừa cười nhăn nhở! Ông lão cũng bất chợt như bừng tỉnh mà nhận ra một nốt “nhặng” (nốt ruổi) to như hạt đậu đen bên khóe miệng tay phó nháy. Và đứng cạnh y là đôi thanh niên nam nữ đang cắn hạt dưa và nhổ phì phì.
Chẳng buồn đáp lại, ông lão chống ba – toong đứng dậy. Ông bước đi thong dong, thanh thản. Mấy chiếc lá rơi trong gió như quấn theo chân người già. Tháp rùa Hồ Gươm vẫn đứng đó rêu phong, thanh thản và trầm mặc như Hà Nội của ngày chưa xa…
Hà Nội, tháng Giêng 2013