Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đọc lại Trần Thanh Mại

Lại Nguyên Ân
Thứ bẩy ngày 23 tháng 11 năm 2013 6:26 PM

NHÂN KỶ NIỆM THÀNH LẬP VIỆN VĂN HỌC
ĐỌC LẠI MỘT BÀI VIẾT NĂM 1937 CỦA TRẦN THANH MẠI


    Có thể có bạn hỏi tôi: Viện Văn học thành lập (1953 hay 1960?) và một bài báo ra đời trước đó vài chục năm, có gì liên hệ với nhau?
Ồ, chỉ là do óc liên tưởng.
Thời đầu của Viện văn học sẽ xui ta nghĩ đến nhiều tên tuổi, mà TRẦN THANH MẠI là một.
Nhưng đề tài bài báo này nói đến lại là một trong những đề tài đã từng được bàn tới hồi những năm 1960, thời đầu của Viện văn học trong đời sống văn học ở miền Bắc. Cố nhiên cả trước kia và sau đó, đề tài này vẫn thu hút sự bàn luận, cả giới văn lẫn giới sử. Cùng đọc lại cũng thú vị chứ?
    Xin nói thêm hai việc nhỏ nữa: Thứ nhất: Khi tôi nhờ một bạn trong giới nghiên cứu soát lại và bổ sung giúp các đoạn chữ Hán trong bài này, bạn ấy giúp cho rồi bảo nhỏ với tôi: Thế mà hồi trước ở Viện văn có người nói ông Tr.Th. Mại không biết chữ Hán (!?); nhưng chắc đây là thói quen dèm pha nhau của công chức cùng nhiệm sở mà thôi. Thứ hai: Chắc hẳn bài này và nhiều bài báo khác, không có trong ba tập “Trần Thanh Mại Toàn tập” (Nxb. Văn học, H., 2004) đâu; bởi vậy, có thể đây là lần đầu bạn đọc nó.
    Xin trân trọng giới thiệu.   
LẠI NGUYÊN ÂN


CHIẾC CUNG THẦN CỦA AN DƯƠNG VƯƠNG
Làm sao cắt nghĩa được đôi phần trong sự tích hoang đường ấy?
TRẦN THANH MẠI
    Còn nên kể lại không, sự tích vua An Dương Vương, thần Kim Quy và chiếc cung mầu nhiệm ấy? Còn nên nhắc lại không, cuộc tình duyên giữa cặp tài tử giai nhân Trọng Thủy, Mỵ Châu nó đã cung bao mối cảm hoài cho bao nhà thi sĩ?
    Người học sử, nếu có chút ít trí phán đoán phê bình, hẳn không sao công nhận được những việc hoang đường huyền hoặc của “thời đại nghi sử” mà một việc là sự tích vua Thục An Dương Vương.

    An Dương sau khi đã chinh phục được nước Văn Lang, bèn nghĩ đến việc dựng kinh đô, nhưng thành xây lên chừng nào, đều bị kỳ tinh ác quái đổ sụp đi chừng nấy. Một hôm kia, ưu phiền quá, An Dương Vương ngồi than thở một mình thì có một ông già đến truyền cho một phép mầu để xây thành được kiên cố, lại cho một vút rùa, bảo tra vào cung thì tự khắc cung ấy bắn ra một phát đủ giết chết vạn người. Hỏi tung tích thì ông già xưng mình là Giang sứ, là một con rùa thần trấn ở sông gần đấy.

    Xây được thành Cổ Loa, và nhờ chiếc thần cung ấy, thanh thế của An Dương Vương càng ngày càng thêm mạnh. Triệu Đà, tướng của nhà Tần sai qua đánh Thục, bao phen thất trận đành phải cầu thân. Nhưng chẳng hiểu sự cầu thân của Triệu khôn khéo đến bực nào mà An Dương còn gả con gái mình là Mỵ Châu cho con Triệu Đà là Trọng Thủy nữa, để cho Trọng Thủy có dịp đánh tráo cái móng rùa thần rồi trốn về cất binh mã qua diệt nước Văn Lang. An Dương Vương mất chiếc nỏ thần, đại bại, bỏ kinh đô, mang con gái trên mình ngựa chạy về sông Bích thì gặp thần kim quy ở dưới nước hiện lên, tố cáo tội trạng của Mỵ Châu. An Dương bèn rút gươm giết chết con rồi theo giang sứ đi về thủ phủ. Trọng Thủy làm xong nhiệm vụ tôi trung con thảo của mình, cũng không tiếc gì mà không tự tử để cho được tiếng chồng tình.

    Sự tích là như thế. Nó hay lắm, nó hay quá chừng.

    Nhưng nay ta hãy tự hỏi một vài câu: An Dương Vương được chiếc cung bắn một phát chết vạn người, vì sao An Dương lại chịu lấy mỗi một xứ Văn Lang, không dùng phép mầu nhiệm của mình mà khuếch trương thanh thế, lấy thành thâu lũy, làm bá chủ cả thiên hạ cho sướng thân. Hay là tính vua không tham lam, không tàn bạo, nhân đức từ bi, chỉ hành động vừa đủ phòng bị cho mình mà không muốn hại nhiều sinh mạng? Điều ấy đáng nghi lắm, nếu ta biết cái tính tình con người thượng cổ nó thô lỗ đơn sơ đến chừng nào, gần con thú vật đến chừng nào, nói một cách khác, nó hung tợn, bạo ngược, khát máu, thèm giết chừng nào!

    Đến như Triệu Đà thì tấm lòng tham đã có chứng cứ rõ ràng. Chinh phục được Văn Lang rồi, Triệu trở mặt với Tần Thủy Hoàng ngay. Thế thì vì cớ gì, khi Triệu Đà đã có trong tay chiếc thần nỗ lại không nghĩ đến việc dùng nó để đánh thâu luôn cả đế quốc nhà Tần? Móng chân rùa đã hết thiêng chăng? Nhà chép sử có cái u mê đành bỏ dở nửa chuyện mà không cần đến luận lý.

    Vậy thì nghi chăng? Tin chăng? Cả câu chuyện hoàn toàn hoang đường huyễn hoặc chăng? Hay là vẫn có một phần chân lý, có một phần ít đã quả thực có xảy ra chăng? Vậy thì người học sử bây giờ, người viết sử sau này nên bỏ hẳn đi, hay nên để nguyên vẹn đầu đuôi sự tích?

    Ông Tùy Viên là một nhà trứ tác Trung Hoa về đời nhà Thanh. Ai ngờ trong bản sách của ông, bản Tùy Viên Thi Thoại  mà không mấy nhà nho Việt Nam là không biết, ai ngờ trong bản ấy lại có nhắc đến câu chuyện nó đương làm ta phân vân nghi hoặc. Câu chuyện đành rằng không giống nhau từng chữ một, nhiều tên người tên đất có khác, một đôi đặc điểm cũng không in. Nhưng đọc qua ta cũng biết đó là sự tích An Dương, Triệu Đà, Mỵ Châu, Trọng Thủy, đích xác đi rồi, không còn lầm lộn được.

    Một điều nên ghi nhớ nữa là, câu chuyện ấy, Tùy Viên nhân đọc một quyển sách đời trước, thấy hay hay mà trích lục ra. Tin ở nhà trứ tác ấy, ta biết được rằng quyển sách kia nhan đề “Việt Kiệu Chí” [1] và chỉ biết thế thôi, chứ sách viết từ đời nào, do người nào viết, và có thể tìm ở đâu có, thì Tùy Viên dấu kín. Không hiểu tại vì người Á Đông không biết cách làm việc khảo cứu, hay là vì một cái thâm ý của tác giả. Dẫu sao đoạn văn trong “Việt Kiệu Chí” được Tùy Viên dẫn ra như sau này:
    
南 越 古 蠻 洞 , 秦 辰 最 彊 , 俗 尤 美 , 弩 每  發  銅  箭 , 軍 十 餘 人 , 趙 柁 畏 之 ,  蠻  王 有 女 蘭 珠 ,  美  而  艷 , 製  弩  尤  精 , 柁  乃 遣 子 某 , 贅  其 家 , 不 三 年 盡 得 製  弩  破 弩 之 法 , 遂 起 兵 伐 之,  虜  蠻  王 以 歸

    
(Phiên: Nam Việt cổ man động, Tần thời tối cường, tục vưu mỹ, nỗ mỗi phát đồng tiễn, quân thập dư nhân, Triệu Đà úy chi. Man Vương hữu nữ Lan Châu, mỹ nhi diễm, chế nỗ vưu tinh. Đà nãi khiển tử mỗ, chuế kỳ gia, bất tam niên tận đắc chế nỗ phá nỗ chi pháp, toại khởi binh phạt chi, lỗ Man Vương dĩ quy)
    (Dịch: Về đời nhà Tần, nước Nam Việt có động Cổ Man mạnh lắm, phong tục rất tốt. Có một thứ cung bắn tên đồng, mỗi phát bắn thâu hơn mười người. Triệu Đà sợ lắm. Man Vương có con gái tên là Lan Châu đẹp diệm lắm, lại rất tinh về việc chế cung. Triệu Đà bèn khiến con là mỗ đến làm rể. Không được ba năm, đã học được phép chế cung, phá cung. Rồi khởi binh qua đánh, bắt sống Man Vương đem về)

    Nhân đọc thấy sự tích ấy, Tùy Viên vịnh một bài thơ, mà chính vì bài thơ ấy tác giả mới đem dẫn sự tích vào trong thi thoại.

    Thơ rằng:

    Triệu vương phụ tử khai biên giới            趙  王  父  子  開  邊 界
    Lai chủng Lan Châu nhất đóa hoa            賴 種  蘭  珠  一 朶  花
    Đồng nỗ tam thiên tùy tế khứ                  銅  弩  三  千  隨  壻 去
    Nữ nhi tâm thái vị phu gia                      女  兒  心  太  為 夫  家
    
Dịch:
    Cha con vua Triệu mở non sông
    Một đóa Lan Châu thực khéo trồng
    Ba ngàn cung đồng theo chú rể
             Gớm thay lòng gái vị nhà chồng
    
    
Nếu như phải tin theo Tùy Viên, thì sự tích Trọng Thủy, Mỵ Châu vẫn có thật, nên sách Tàu mới nói. Cái tên đất Văn Lang, đổi làm Cổ Man, những tên người: An Dương hóa ra Man Vương, Mỵ Châu thành Lan Châu, việc ấy không quan trọng. Có điều cái phần dị đoan mầu nhiệm thì ở đây tuyệt nhiên không thấy đả động đến, mà cái cung vút rùa, té ra chỉ là cung bắn tên đồng!
    
    Nếu phải như thế thì có lẽ chúng ta đã đi gần đến sự thực rồi đấy. Sự thực ấy, nó có thể mày mạy như thế này:

    An Dương Vương nhờ có một vị quân sư lão luyện dạy cho cách xây thành Cổ Loa và cái bí mật chế cung đồng mà đánh hơn được giặc. Triệu Đà biết vậy, bèn cầu thân, cho con sang làm rể, nhưng cốt để do thám, ăn trộm cách chế cung. Ta có thể bảo rằng Trọng Thủy là ông tổ thám tử của nước Tàu, có là tên thám tử đầu tiên của thế giới, của lịch sử loài người nữa!

    Bày mưu lập kế để lấy lòng người yêu là Mỵ Châu (hay Lan Châu cũng không hại, nhưng Mỵ Châu thì hơn vì cái tên nầy ta đã quen rồi). Trọng Thủy, một đêm kia, lần mò đến kho trữ cung, ăn trộm hết bao nhiêu chiếc cung đã chế ra được, ước chừng ba ngàn, hay chắc chắn hơn nữa, là phá hoại không còn để một cái nào dùng được. Thế rồi trốn về nước, cùng cha cất quân sang đánh ông gia. An Dương mất nước. Các chuyện sau như lông ngỗng dẫn đường, máu Mỵ Châu hóa thành hạt trai trong miệng hến, tên bạc tình lang tự tử trong giếng sâu, là chuyện thêm thắt, do khối óc đầy thơ mộng của người đời xưa, thêu dệt sao cho nên một thiên diễm tình tiểu thuyết, đủ trung đủ hiếu đủ tình. Về việc tạo tác này thì ta có thể nói rằng tiểu thuyết kia đã là một thiên lâm ly tuyệt diệu trong các thiên khác của óc con người đã kết cấu được. Như trên kia đã nói, câu chuyện đã gợi bao mối cảm hoài ngậm ngùi thương tiếc cho biết bao thi sĩ văn nhân.
    Không tin là cái quyền nơi ta, người học sử, chỉ muốn đánh truồng chân lý và bắt nó quay đủ phía để tìm một cái trẽn trơ thô lỗ chán chường. Nhưng đó không phải là phần việc của thi nhân.

    Một nhà danh nho đời Tự Đức, ông Nguyễn Tư Giản, bán tín bán nghi, nhưng phải cái khiếu thơ của ông nó không cho ông suy nghĩ cho ra lẽ, đã vịnh hai câu đối nơi đền thờ Mỵ Châu ở huyện Đông Thành (Nghệ An):

    千  載 下 是  耶  非 ,  誰  能  辨  之 ,  龜  爪  鵝  毛  傳  舊  史
五 倫 中, 父  與  夫 , 孰  為  親  也 ,  蚌  珠  井 水  獨   深   情

Thiên tải hạ thị da phi, thùy năng biện chi, quy trảo nga mao truyền cựu sử;     
Ngũ luân trung, phụ dự phu, thục vi thân dã, bạng châu tỉnh thủy độc thâm tình!  
    
(Dịch:
Dưới nghìn thuở, phải hay trái sao biết cho chừ, lông ngỗng vút rùa truyền sử cũ;
Trong năm luân, cha với chồng ai thân hơn nhỉ; hạt trai nước giếng một tình thâm).  

    Nhưng gần một bên Nguyễn Tư Giản lại còn có một nhà thi sĩ trăm phần trăm, cảm khái về cuộc tình duyên oái oăm đau đớn đã thốt lên những lời thống thiết bi ai đáng làm một áng văn bất hủ. Nhà thi sĩ ấy chẳng ai khác hơn là vua Dực Tôn. [2] Bài văn ấy nhan đề “An Dương thần nỗ”, gồm trong bộ “Ngự chế Việt sử tổng vịnh”, nó như thế này:

Loa thành tùy trúc tùy phục băng            螺  城 隋 築  隋  復  崩
Giang sứ hà lai khoa kỳ năng            江  使  何  來 誇 其  能
Quỷ công nhân xảo giải cấu tựu                  鬼  工  人 巧  邂  逅  就
Kiên thành linh nỗ trường kham bằng              堅  城  靈  弩 長 堪  憑
Triệu binh quy                    趙  兵  歸
Trọng Thủy nhuế,                    仲  始  贅
Hữu giai nhi                                                  有  佳  兒
Đắc giai tế                        得  佳  壻      
Quân vương ký bất nghi                                 君  王  既  不  疑
Nhi nữ cánh hà tri                    兒  女  更  何  知
Bắc Nam hữu thời thất hòa hảo            北  南  有  辰 失 和  好
Phu phụ sinh tử chung tương tùy                    夫 婦 生  死  終 相 隨
Sàng đệ tình thân thiệt                床  第  情  親  熱
An tri nỗ cơ chiết                    安  知  弩  機   折
Tặc binh dĩ bức thành                賊  兵  已  逼  城
Nhất phát phi sơ liệt!                一  發  非  初  烈
Thông thông thất mã khứ hà chi            匆  匆  匹  馬  去  何  之
Mã thượng nhưng nhiên ủng họa my        馬  上  仍   然  擁  畫  眉
Cẩm nhục tùy thân thiếp nhất khứ        錦  褥   隨  身  妾  一  去
Nga mao dẫn lộ lang lai truy            鵝  毛  引  路  郎  來  追
Nhi da? Tặc da? Hối dĩ hồi                兒  耶  賊  耶  悔  已  迴
Ai tai! Nhất kiếm ân tình đoạn             哀  哉  一  劍 恩 情  斷
Mỵ Nương vi,                                                 媚   娘  違
Mỵ Châu bi                        媚   珠   悲
Thủy chung tầm hấn do nữ nhi.                       始   終 尋  釁  由 女  兒

    Ông Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn, tác giả quyển thi “Tiếng cuốc canh khuya”  [3] rất xinh kia, có dịch bài ấy ra quốc văn, bằng cái giọng văn trong trẻo nhẹ nhàng của ông. Xin lục ra đây để các bạn cùng hưởng chung cái hương vị thanh tao nó là sở trường của một nhà thơ ít ai biết tiếng:

    Thành ốc xây xây lở lở hoài,
    Giang sứ từ đâu đến trổ tài.
    Công người sức quỷ hợp làm một,
    Thành bền cung báu tốt hòa hai.
    Binh Triệu về,
    Trọng Thuỷ tới.
    Cô gái ngoan,
    Chàng rể mới.
    Vua cha đã chẳng nghi,
    Trẻ con có biết gì?
    Bắc Nam dù có lỗi hòa ước,
    Vợ chồng sống chết quyết không ly!
    Chiếu chăn tình nóng nảy,
    Biết đâu máy cung gãy!
    Binh giặc đã sáp thành,
    Ôi thôi! Cò chẳng nẩy!
    Vội vàng lên ngựa biết đi đâu?
    Thương con cha cũng dắt theo hầu,
    Nệm gấm bên mình thiếp đi trước,
    Lông ngỗng chỉ lối chàng rượt sau!
    Con ư? Giặc ư? Hối chậm rồi!
    Thương thay ân ái chặt làm đôi!
    Mỵ Nương thôi!
    Mỵ Châu ôi!
Nên hư vì một gái,
Sau trước chửa báo bồi.   

TRẦN THANH MẠI
Nguồn:
Tuần báo Cười, Huế, s. 2 (thứ sáu, 8 Octobre 1937), tr. 4-5.
Chú thích
[1] Việt kiệu chí : không rõ; hiện người ta biết có tên sách Việt kiệu thư của tác giả Lý Văn Phượng, người thời Minh.
[2]  Vua Dực Tôn: Nguyễn Phúc Thì (1829-1883), hoàng tử Hồng Nhậm, lên ngôi vua đặt niên hiệu Tự Đức (ở ngôi: 1848-1883), sau khi chết được đặt miếu hiệu Nguyễn Dực Tông.
[3] Tập thơ Tiếng cuốc canh khuya của Nguyễn Trọng Cẩn, do Trung Kỳ thư xã ở Huế ấn hành năm 1937.