Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đồng cảm với mùa Thu

Vân Long
Thứ ba ngày 26 tháng 11 năm 2013 8:44 AM


Hà nội đêm 24 tháng 11 – 2013

Anh Trần Nhương thân mến,


Sau một ngày chủ nhật bận rộn mọi thứ giao tiếp với bạn bè và gia đình, buổi tối tôi gõ cửa “tòa báo” của anh. Mục đầu tiên với tôi bao giờ cũng là tin tức.
Thành tựu mới của bạn viết hay một bạn đồng lứa mới ra đi. Thú thật với anh, chắc anh sống lạc quan hơn tôi, ở tuổi tôi, tôi luôn cảm thấy như mình đang bị “trơ ra trước mũi súng bắn tỉa của thần chết”. Đó là câu của nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết, khi nghe tin nhà văn đàn anh Nguyên Hồng qua đời, mà tôi vừa xuống Hải Phòng dự lễ kỷ niệm 95 năm sinh của bậc đàn anh.
Nhưng lần này là một “sự kiện” vui của nhóm bạn văn thường gặp nhau chúng ta: Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng (phu nhân nhà tiểu thuyết lịch sử Hoàng Quốc Hải) khen bức tranh Mùa thu của Trần Nhương, và họa sĩ cảm động về lời khen đã mang bức tranh đó đến tặng gia đình đôi bạn văn thơ trên, cũng gần như hai năm trước, họa sĩ cảm phục bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần đã tự lập ra một giải thưởng mang tên tờ báo mạng của mình để trao cho hai nhà văn Hoàng quốc Hải và Hoàng Minh Tường. Điều vui nữa là bài thơ Mùa thu nổi tiếng của Nguyễn Thị Hồng lại được đưa ra phối hợp với “sự kiện” trên, làm đậm thêm mối đồng cảm Mùa thu của hai văn nghệ sĩ!
Sự kiện trên làm tôi chạnh nhớ: Mình cũng có mối đồng cảm với một bài thơ mùa thu của bạn, và đã bình bài thơ đó, lại đúng ở một trại viết có nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà thơ – họa sĩ Trần Nhương tham gia (trại viết 15 ngày của Hội nhà văn Hà Nội mở tại Nhà sáng tác Nha Trang) dịp cuối hạ vừa qua.
    Tôi muốn tác giả vui hơn khi thấy bài thơ mình được bình trên một tờ báo nơi trung tâm văn hóa, tôi về Hà Nội, còn chỉnh trang lại lời bình, rồi một vài việc ứ đọng khi mình dự trại phải làm nốt…mùa thu chưa tới, vội gì! Tôi gửi đến một tờ báo quen, tin ở một lời hẹn người biên tập. Thế rồi mùa thu đến, rồi trôi qua. Tôi vô tâm không nghĩ ngay tới nhiệm vụ của người biên tập một tờ báo in, tờ báo có nhiệm vụ với những vấn đề “nóng” thời sự chính trị và văn nghệ, mà mùa thu vừa qua thiếu gì những thời sự nóng bỏng, in bài khen một bài thơ buồn trong mùa thu ấy có khi lại thành lỗi của người biên tập! Lúc ấy mới càng thấy quý cái tự do ( dù tương đối) của tờ báo mạng…nơi sớm được chia sẻ những tâm tình!
    Bài thơ này cũng có mối liên quan của ba nhân vật: tác giả bài thơ Mùa thu và gió của Nguyễn Thị Ngọc Hà, nhạc sĩ phổ nhạc Đỗ Trí Dũng Hội VHNT Khánh Hòa, và người bình là tôi. Ba người chúng tôi đều có chung tâm sự tuổi mùa thu của cuộc đời, với nhiều kỷ niệm xót sa những mối tình thời trẻ. Sau đêm giao lưu thơ nhạc của
văn nhân hai Hội VHNT Khánh Hòa và Hà Nội, nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng đã chép lại bài thơ của Nguyễn Thị Ngọc Hà, và chiều hôm sau khi chúng tôi đến thăm vườn cây của nhạc sĩ theo lời mời thì chủ nhân đã phổ xong bài thơ, cùng người bạn gái ca sĩ Ân Nam của ông trình bầy bài hát mới. Hai người không biết rằng trong cuốn sổ của tôi cũng có bài bình (chưa hoàn chỉnh) về bài thơ đó.
    Hà Nội theo lịch thì đã sang mùa đông, nhưng mùa đông năm nay rét muộn, những cơn gió mùa cấp 2, cấp 3 chỉ đủ kéo dài không khí cuối thu mát mẻ.
Tôi nhờ chủ nhân trang mạng trannhuong.com cho tôi được chia sẻ với bạn đọc chút đồng cảm với các bạn về tâm sự mùa thu của chúng tôi!...             
                                

Với thơ hay

                                  Mùa thu và gió

                                Mùa thu
                                Qua đã lâu
                                Gió vẫn rơi vàng nỗi nhớ
                                Mưa vẫn từ quá khứ
                                Thấm vào hồn ta đã rợm phong sương

                                     Mỗi lần tựa vào bóng đêm
                                Lại thấy
                                Ước mơ ải trong mưa nắng
                                Thấy bấy nhiêu ngọt bùi cay đắng
                                Theo gió thu xao xác quay về
                                Gió…
                                            Thả vào ta một vùng mắt ướt

                                Biết cất quá khứ vào đâu cho hết
                                Cất gió vào đâu cho thôi gió
                                Để giận hờn
                                               trong suốt trước nhau

                                Mùa thu bây giờ có khác đâu
                                Sao lối cũ mịt mờ bụi …gió 
                                Để người đàn ông ta đắm say một thuở
                                       Rất gần nhưng lại rất xa

                                     Ôm hết thu vào lòng
                                      Áp môi lên những chiếc lá chẳng còn xanh
                                      Trong ta
                                                   Gíó bỗng lồng lộng gió
                                                                                             2009    
                                                                             Nguyễn Thị Ngọc Hà
                                                                                
 Nếu mùa xuân là mùa của xuân sắc đương thì, mở ra những dặm dài      xanh mướt điểm xuyết hoa hương, thì dường như mùa thu chỉ gợi nhớ cho ta những kỷ niệm, khi con người đã tuổi vào thu! Có phải vì vậy mà…
                                         Mùa thu
                                         Qua đã lâu
                                         Gió vẫn rơi vàng nỗi nhớ
                                         Mưa vẫn từ quá khứ
                                         Thấm vào hồn ta đã rợm phong sương

Gió vẫn rơi vàng nỗi nhớ là một câu thơ hay, mang cả hai nghĩa: gió mang sắc vàng quá khứ hay vì gió đã bứt lay những cánh lá thu vàng. Và mưa nữa, mưa như kẻ đồng hành với nỗi nhớ khi hồn ta đã rợm phong sương.
 Ước mơ theo thời gian như vầng đất đã ải trong mưa, sương, nắng… . Con người từng trải ấy đã nhận biết bao mưa, sương, nắng của cuộc đời, cũng là ngần ấy cay đắng lẫn với ngọt bùi khi thấy mình vơi dần tuổi trẻ. Tưởng như chúng đã ngủ yên, nào ngờ…chúng lại theo gió thu xao xác quay về  và Gió…thả vào ta một vùng mắt ướt. Với tâm trạng như trên, thời trước, thuở Tự Lực văn đoàn người ta vẫn gieo mòn hai chữ rớm lệ, con người thời hiện đại phải tìm cho mình chữ dùng phù hợp, không phải cứ nói gọn, nói ngắn, lúc nào cũng là ưu thế, nhiều khi ta phải đi vòng, cách nói mới sẽ đem đến cho ta cảm xúc mới! Gió …thả vào ta một vùng mắt ướt là cách đi vòng để đạt tới một sắc thái mới của nỗi buồn. Ở cách nói này, tôi cảm thấy con người tác giả như kiên định hơn, tự chủ hơn khi biết tự tách mình khỏi con người dĩ vãng, để nhìn thấy…một vùng mắt ướt, một vật thể đã “ngoài ta”, nay gió thu lại thả vào ta! Điều này càng hằn rõ trong tôi, khi bài thơ này được phổ nhạc do lão nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng (nhạc sĩ của Hội VHNT Khánh Hòa, đến dự cuộc giao lưu văn học với chúng tôi, những nhà văn Hà Nội về dự trại viết tại Nhà sáng tác Nha Trang) tự hát lên sự đồng cảm của mình với tác giả bài thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà, bên bờ biển gió Nha Trang, làm tâm trạng tôi cũng vô cùng xao xác...
 Những kỷ niệm một thời ấy nhà thơ không cần nói rõ, nhưng ai mà không có cái thời ấy, khúc ai hoài ấy? Những kỷ niệm ấy tơi bời lắm! Biết      cất chúng vào đâu? Cả gió nữa…chúng tự trời hay tự chính lòng ta tạo gió,     thì còn biết cất vào đâu?              
 Cất quá khứ, cất gió, nhà thơ  đã vật thể hóa những khái niệm không    cầm nắm được, làm mới một cách nói cho sự muốn quên đi. Để làm gì?
                               Để giận hờn
                                               trong suốt trước nhau
 Con người bình thường khi giận hờn, không thể nào trong suốt! Ghép hai trạng thái này cạnh nhau tưởng như phi lý, nhưng chúng bỗng cho ta một tầng nghĩa mới: Khi người yêu ta hờn giận, có lẽ chẳng khi nào ta hiểu nàng (hay chàng) hơn lúc ấy! Ừ, cứ bộc lộ hết đi! Cứ đay nghiến nữa đí! Chẳng qua người chỉ muốn độc chiếm ta cho riêng mình?
 Cụm 3 câu thơ này, tôi đánh dấu là những câu hay nhất trong bài. Chúng có nội tâm không đơn giản, có cách nói mới, có tiết tấu nội tại, mặc dầu tác giả chẳng quan tâm tới vần, nhưng câu thơ vẫn nhịp nhàng tiết điệu!  
 Sau những phút đắm mình trong kỷ niệm xao xác quay về, nhà thơ đã    dần tỉnh lại, trấn tĩnh lòng mình:
                                        Mùa thu bây giờ có khác đâu
                                Sao lối cũ mịt mù bụi…gió
                                Để người đàn ông ta đắm say một thuở
                                Rất gần nhưng lại rất xa
 Tỉnh rồi, ta trở thành độ lượng, có thể chấp nhận tất cả. Đã không thể    vùi lấp chúng, không thể cất chúng vào đâu, thì ta:
                                 Ôm hết thu vào lòng
                                 Áp môi lên những chiếc lá chẳng còn xanh
       tức thì:             Trong ta gió bỗng lồng lộng gió   
Nhà thơ đã hóa giải được mọi điều, làm chủ cả một mùa quá khứ!

Trại sáng tác Nha Trang
Hội Nhà văn Hà Nội
tháng Ba- 2013



   

Ảnh: TN tặng tranh Mùa Thu cho nhà văn Nguyễn Thị Hồng-Hoàng Quốc Hải