Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Trần Thanh Mại phê bình tiểu thuyết "Thanh niên SOS" của Trương Tửu

Lại Nguyên Ân giới thiệu
Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2013 9:28 PM

    Nhân nói về Trần Thanh Mại (3/2/1911 – 2/2/1965), một tên tuổi gắn với thời đầu của Viện Văn học, xin giới thiệu thêm một bài Trần Thanh Mại phê bình Trương-Tửu-nhà-tiểu-thuyết (chứ không phải Trương-Tửu-nhà-lý-luận). Bài này đăng năm 1937 trên tuần báo “Cười” ở Huế.
    Theo mục từ “Trần Thanh Mại” trên Wikipedia.org, tác gia Trần Thanh Mại có bài đăng báo từ 1932.
    Theo phạm vi tìm hiểu còn chưa đầy đủ của tôi (L.N.Â.), những năm 1935-37, Trần Thanh Mại cộng tác với nhật báo “Tràng An” thời Phan Khôi là chủ bút (tháng 3/1935 – tháng 2/1936), sau đó cũng cộng tác với tuần báo “Sông Hương” (tháng 8/1936 – tháng 3/1937) của chủ nhiệm kiêm chủ bút Phan Khôi, công bố ký sự lịch sử “Tuy Lý Vương” trên “Sông Hương”  trước khi in thành sách riêng.

    Thời kỳ nhật báo “Tràng An” do Lê Thanh Cảnh làm chủ bút, Trần Thanh Mại tiếp tục cộng tác với “Tràng An”. Khi Lê Thanh Cảnh lập ra tuần báo “Cười”, ông đã mời Trần Thanh Mại làm chủ bút. Đây có lẽ là lần thứ nhất (và duy nhất?) nhà nghiên cứu này điều hành một tòa soạn; thế nhưng vai trò này thậm chí còn chưa được giới nghiên cứu văn học sử ghi nhận (các bản tiểu sử chính thức trong “Lược truyện các tác gia Việt Nam”, trong danh mục hội viên Hội nhà văn VN, trong “Tuyển tập” dành riêng cho tác gia này đều chưa ghi việc này).

    Hiện tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội còn lưu chừng 5 số “Cười”. Điều thú vị là trên các trang báo “Cười” lại hơi ít bài mục cười cợt, và hơi nhiều hơn những bài nghiêm túc, thậm chí là các bài hiếm hoi và có giá trị tư liệu văn học sử, ví dụ tư liệu khẳng định Nguyễn Thiện Thuật là tác giả của bài ca “Hoán tỉnh quốc dân”, hoặc một số bài của Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, v.v…

    Bài Trần Thanh Mại phê bình tiểu thuyết “Thanh niên S.O.S.” (Minh Phương xb., Hà Nội, 1937) của Trương Tửu là một trong số khá ít bài của tuần báo “Cười” về văn học đương đại. Ở đây người ta thấy tác gia họ Trần quan tâm đến hiện tại không kém gì đến quá khứ. Có lẽ điều này sẽ ít nhiều tiên liệu sự việc, về sau này, vào những năm 1956-58 ở Hà Nội, Trần Thanh Mại lại trở thành cây bút đắc lực hưởng ứng việc “đấu tố” các nhân vật thuộc phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Theo nhà nghiên cứu Lê Hoài Nguyên thì bút danh Hồng Quảng ở các bài phê phán Phan Khôi, Trương Tửu thời kỳ ấy, chính là bút danh của Trần Thanh Mại.
    Nhưng ta hãy trở lại đọc bài báo đăng năm 1937 này để thấy ngay từ năm ấy, Trần Thanh Mại đã nhận ra: ngòi bút viết văn xuôi tự sự của Trương Tửu lại có sự gần gũi với văn xuôi tả chân của Vũ Trọng Phụng! Đây là một nhận xét mà những người đã và sẽ nghiên cứu cả hai nhà văn này cần phải xác nhận hoặc bác bỏ.
    Xin trân trọng giới thiệu.  
24/11/2013
LẠI NGUYÊN ÂN         



CỨU LẤY THANH NIÊN!
Trần Thanh Mại

    Nếu như có một nhà văn, trong một thuở đã làm náo động làng văn vì cách hành văn mới lạ của mình, vì những lời phê bình táo bạo, vì những sự phán đoán quả quyết, người ấy hẳn là ông Trương Tửu.

    Ông Trương đã khêu gợi tánh hiếu kỳ của ta trong khi ông viết, ông đã kêu gọi sự chăm chú của ta khi ông phê bình. Với một sự tự tin chắc nhiều khi có hơi quá đáng ở thiên tài, ở học lực của ông, những lời ông nói ra hầu như có cái mãnh lực chém sắt chặt đinh. Nó có cái dạng cứng cát, xác đáng như không còn lý lẽ nào lay chuyển được nữa.

    Cuộc khảo sát, hay cái luận thuyết của ông về nền “Văn học Việt Nam hiện đại” mà ông đã khởi đầu trong báo “Loa” quá cố và bỗng nhiên ông lại cắt ngang bỏ dở, kể cũng là một việc đáng tiếc, đáng tiếc không phải vì những điều phán đoán của ông đã hoàn toàn hợp với chân lý, mà chính vì nó vẫn có một phần đặc sắc, nó cho ta thấu rõ cái nhân cách cương quyết mạnh mẽ của ông.

    Ngày nay Trương quân cũng dùng lối hành văn mới lạ ấy, cũng lấy cách phán đoán táo bạo ấy mà viết quyển Thanh Niên S.O.S.  (tiểu thuyết, Minh Phương xuất bản, 1937) mà thử giải quyết vấn đề thanh niên ở xã hội Việt Nam.

    Thanh Niên S.O.S.  là chuyện một anh chàng trẻ tuổi thuộc về thời đại sau mấy cuộc biến động chính trị 1929-1931, giữa lúc nạn khủng hoảng về kinh tế đang kềm hãm người ta. Liêu, anh chàng ấy tự tìm cho mình một con đường đi, tự lựa chọn một lý thuyết để làm tôn chỉ cho sự sống.

    Giữa khi đang ngập ngừng bất định ấy, thì Văn và đồng lõa, đều là một bọn thanh niên bị hoàn cảnh xã hội biến thành những con quỷ sứ ranh mãnh, cẩu hạnh, lôi kéo vào cuộc sống ô trọc của chúng qua các nhà thổ, tiệm hút, đăng-xinh… Liêu rơi từ hầm sâu này xuống hầm sâu hơn nữa, đến chán cả tình yêu, vật mà chàng đã rắp ranh đem làm lý tưởng cho đời mình, đến làm cho người yêu của mình vừa thành mẹ thì đá quách người ta đi, rồi sau đến mắc phải bệnh loạn óc, có lẽ đến chết cũng nên.

    Cái luận thuyết của ông Trương Tửu, nên nói ngay ra, chỉ gồm được một vài phần chân lý, hay chỉ có một vài hình dạng chân lý mà thôi! Thật ra sự trụy lạc của thanh niên không phải chỉ kể từ sau cuộc chính biến 1929-1931 và sau cuộc kinh tế khủng hoảng.

    Ông Trương Tửu ngờ thế, tin chắc thế, là bởi vì ông quá chịu ảnh hưởng của phương pháp phê bình phân loại của khoa học Âu Tây. Ồng bị mấy con tỉ số, mấy đoạn lịch sử ám ảnh đó thôi. Xét ra, sau khi người Pháp đã thiết lập cuộc bảo hộ trên đất nước Việt Nam và sau trận Âu chiến 1914-1918, nghĩa là trong khi toàn quốc đã hầu như được hưởng một cuộc thái bình tàm tạm, thì vấn đề trụy lạc thanh niên đã có thể có được rồi.

    Qua đến 1935, nạn kinh tế khủng hoảng đã bớt dần, hầu hết các hạng trí thức trong nước đều được chính phủ bổ dụng, hoặc cũng đã tự kiếm được việc làm trong những công cuộc kinh doanh thương mại kỹ nghệ; cái tương lai về phương diện vật chất hầu đã được chắc chắn lắm rồi; ấy thế mà sự trụy lạc của thanh niên hình như càng ngày càng bành trướng. Hiện bây giờ trở đi, ta có thể nói mà không sợ sai lầm quá đáng rằng, một người Việt Nam lớn lên là xã hội Việt Nam thêm một người hư; một người rời khỏi ghế nhà trường, bước khỏi nhà cha mẹ, là thành một người bỏ. Mấy người ấy họ chỉ từ cái khuôn khổ luân lý đã dung đúc họ tự nhỏ đến giờ, bước qua cái chỗ không luân lý một tý nào ở gác nhảy, tiệm hút, nhà gá bạc, hay xóm gái đĩ, mang một cái dương dương tự đắc không quan tâm, không chủ nghĩa, không biết ngày mai! S.O.S.! Thật không bao giờ thanh niên cần phải kêu mấy tiếng S.O.S. như lúc này.

    Từ mấy năm nay cái nền tảng xã hội do những lý thuyết Nho giáo xây nên, đã bị những tư tưởng tàn phá của văn hóa Âu Tây tràn vào lung lay đạp đổ; mỗi một ông cụ nho chết là một người lính ngã ở trong đạo quân cuối cùng không điền thế. Không kể dở hay, hợp thời với không, Nho giáo ở trong cái phạm vi chật hẹp yếu đuối của nó cũng đã làm một chiếc trói cho đám thanh niên thời đại trước dựa vào. Nếu như nó là tảng đá chặn đường không cho người ta tiến, thì ít ra nó cũng là sợi dây giằng giữ đám thanh niên kia khỏi sa ngã vào hầm trụy lạc.

    Những học thuyết khoa học thực nghiệm du nhập ở xứ ta, trong khi khắp xứ đều bao bọc một màn tin mê u muội, những sự chung đụng, những điều kinh nghiệm trong cuộc đời mới khiến cho ta mất thói dị đoan, đến không còn tin ở cả tôn giáo nữa; mà bây giờ nếu thanh niên còn phải tuân theo một quy tắc của đạo Phật hay đạo Trời, cũng chỉ theo bề ngoài vậy thôi, chớ riêng họ, họ đã phỉ báng tự bao giờ.

    Còn lại cái phương diện chính trị.
    Thì nước Việt Nam đang ở vào một tình thế rất buồn cười, là không phải lo đến chính trị. Chính trị đã có nước Pháp trông nom hộ. Chúng ta mất đứt cái dịp để hiến tấm lòng hâm mộ của ta; ta không có cái đích để noi chí hướng chính trị của ta, cái cớ để ta dùng tất cả năng lực hoạt động của tuổi ta.

    Thì…
    Luân lý rỗng không, tôn giáo rỗng không, chính trị rỗng không, mọi sự cần đến lòng hăng hái nhiệt thành của ta, đều không có cả. Ta thấy trơ trọi một mình, trơ trọi với cái bản năng đã xấu sẵn của con người. Với cái bản năng thú vật, lẽ tất nhiên bao nhiêu lòng hăng hái, bao nhiêu sức hoạt động đương bồng bột sôi, đang mạnh bạo chuyển ấy, ta phải bất lực mà thấy nó trở về phụng sự nhục dục, giúp việc cho Dâm Thần.

    Vì đó: Trụy lạc.
    Một khi người ta đã thấy rõ nguyên nhân trong vấn đề trụy lạc kia rồi, thì tự nhiên thấy ngay cái phương pháp cứu vãn.

    Vì không xét cho đầy đủ nguồn gốc của sự trụy lạc như trên đã nói, quyển Thanh Niên S.O.S. đã bày ra một khuyết điểm lớn. Ông Trương Tửu ra cái vấn đề nhưng ông không giải quyết. Ông đặt câu hỏi mà ông không cho câu trả lời. Người ta nghe ông hùng hồn hô hào đánh đổ xã hội này mà làm lại xã hội khác. Nhưng làm lại bằng cách gì? Phải dụng tâm thế nào? Đó là những câu mà người ta tự hỏi khi đọc Thanh Niên S.O.S.

    Không nỡ trách Trương quân đã khéo trình ra một câu chuyện treo chuông cổ mèo, người đọc sách cũng không khỏi lấy làm bực tức mà nhận thấy cái thiếu lớn ấy trong công trình mà tác giả đã hướng dẫn một cách thông minh, can đảm và nhiệt thành.

    Nay ta hãy bàn đến cách ông Trương Tửu mô tả sự trụy lạc ấy như thế nào.
    Tuy ông Trương Tửu kéo chúng ta qua đủ các lò trụy lạc: tiệm nhảy, buồng hút, nhà săm, nhưng hình như ông chỉ cốt áp dụng cái nghệ thuật tài tình của cây bút ông về việc giải phẫu những cử chỉ dâm dục, những sự rẫy rụa băn khoăn của xác thịt mà thôi.

    Viết quyển Thanh Niên S.O.S. Trương quân đã vận áo một nhà luân lý, một nhà đạo đức. Nhưng ông lại còn là một nhà văn tả chân. Cái nghệ thuật tả chân can đảm đến táo bạo, thiết thực đến sống sượng, tỉ mỉ đến thô tục. Đọc sách ông, người ta ngờ cho ông bị nhiều ảnh hưởng xấu của các nhà văn sĩ Victor Marguerite, Georges Anquetil, [1] hay là gần một bên ta hơn, Vũ Trọng Phụng. Đứng về mặt đạo đức luân lý và để đánh đổ những tội ác nhục dục, tác giả đã làm cho người ta lắm khi có cái cảm tưởng rằng ông tả lấy những việc ấy là vui thích, rằng ông muốn tìm trong sự mô tả căn vặn đầy đủ ấy một mối khoái trá ích kỷ. Có lúc người ta phải tự hỏi không biết sách có ích hay là vô ích, chỉ vô ích suông mà thôi hay là còn di hại cho thanh niên?

    Nhưng ngày nào mà con người lấy riêng phần sinh lý mà nói thả luống cho cái bản năng vật dục của mình, còn ưng dòm qua lỗ thìa khóa để xem một cặp trai gái làm những gì trong buồng tối, thì người ta còn tìm mà đọc những cuốn sách như cuốn Thanh Niên S.O.S. của Trương quân. [2]
     
Nguồn:
Cười, Huế, s. 1 (1er Octobre 1937), tr. 4.
Chú thích
[1]  Victor Margueritte (1866-1942), nhà văn, kịch tác gia Pháp; Georges Anquetil (1888-?) nhà văn Pháp.
[2]  Bài này đăng tuần báo Cười, xuất bản ở Huế, báo do Le Thanh Cảnh sáng lập, Trần Thanh Mại là chủ bút.