Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ăn cắp cũng khó

BN
Thứ hai ngày 23 tháng 9 năm 2013 5:18 AM
BN

    Cho đến hôm nay, gần 60 năm trôi qua, câu chuyện về chiếc vòng đeo tay của bạn tôi, giống như đồ trang sức của bé gái hay đeo, vẫn là ký ức khó quên của tôi, vì đó là dấu ấn xấu xa nhất mà tôi mắc phải thời thơ ấu.
 Lúc bảy tuổi tôi có ý định ăn cắp chiếc vòng của bạn, và có âm mưu, kế hoạch hẳn hoi. Hai từ “ ăn cắp ” thời ấy xấu xa lắm, ai cũng khinh bỉ, tôi biết điều này mà vẫn làm mới hư chứ. Tôi ăn cắp chiếc vòng,  nhưng sau đã trả lại cho chủ nhân vì biết rằng mình không thể ăn cắp được.

    Hồi ấy nhà tôi nghèo lắm, ba mẹ tôi từ chiến khu khu 4 về quê mẹ tôi định cư khi hòa bình lập lại. Tuy ông bà ngoại rất giàu, nhưng mẹ tôi không tơ hào gì cả. Bà muốn giữ danh dự cho chồng, là một giáo viên cấp 3 lúc đó.
Mẹ tôi lấy ba tôi khi ông còn làm thư ký Tòa sứ ở một tỉnh miền Trung. Khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 9/3/1945, bố mẹ tôi cưới nhau. Về quê chồng được một năm thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Mẹ tôi sống tha phương từ đó, hòa bình lập lại, tức là 10 năm sau, bà quyết đưa bố con  tôi về theo bà, sống ở nơi bà đã sinh ra, một thị xã nhỏ ven đô. Ông ngoại tôi cho bà một ngôi nhà vì bà không thể có tiền để mua nhà ở, từ chiến khu về lấy đâu ra tiền. Bà xin ngôi nhà nhưng không bao giờ xin ông bà ngoại tiền và than vãn về cuộc sống thiếu thốn của mình. Bà làm đủ việc để có tiền nuôi các con ăn học, nên người.
Ngôi nhà tôi ở thủa thơ ấu cùng chung với hàng xóm một cái giếng, nước giếng trong veo. Nhưng mùa khô hạn, giếng rất ít nước. Mỗi lần múc nước, tôi thấy trĩu cả tay vì kéo mãi mới được một gầu nước, lúc đó tôi bé lắm.
Đi học cùng chúng bạn, tôi hay bị trêu chọc vì nói như chim, vừa nói nhanh, vừa nói lắp, lại hay đi chân đất, không giày dép, để chạy nhảy cho dễ.
Nhà tôi rất ít đồ chơi, trong khi các bạn tôi lại có rất nhiều, nhất là các bạn con nhà khá giả. Tôi có người bạn tên là Tâm, bố là y tá nhưng lương lưu dung khi hòa bình mới lập lại (vì ông làm cho Pháp trước đây), nên nhà bạn tôi có đủ thứ, quần áo, giầy dép, đồ chơi … rất nhiều và đẹp. Cứ mỗi lần đến nhà  Tâm chơi là tôi thích lắm, thích sờ vào đồ chơi mà bạn tôi có. Tôi thích nhất là cái vòng đeo tay màu trắng hồng, tôi không nhớ nó được làm bằng đá hay bằng nhựa nhưng mỗi khi tôi thử ướm tay mình vào là tôi thấy mát rượi, mê ly. Không hiểu sao, cứ mỗi lần đến nhà Tâm, tôi chỉ thích xem cái vòng thôi.
Thế là, có một lần, tôi được bạn cho đeo chiếc vòng vào tay, tôi thích thú và ước nó là của mình. Tôi chơi một lúc  rồi về nhà với chiếc vòng của bạn trên tay. Nhà bạn và nhà tôi cùng phố, chỉ cách mấy nhà thôi. Tôi cứ đeo chiếc vòng và nghĩ ra đủ cách để mình có được chiếc vòng. Ngày thứ nhất , rồi ngày thứ hai trôi qua, tôi thấy bạn tôi không đòi chiếc vòng mặc dù biết chắc chắn là tôi đeo nó. Tôi muốn đem trả chiếc vòng nhưng xấu hổ vì giữ nó lâu quá. Đến bây giờ tôi vẫn có nhớ cảm giác băn khoăn ấy. Tôi trăn trở, suy nghĩ, thấy mình xấu xa. Tôi hình dung ra, mình chính là kẻ cắp. Ba mẹ tôi luôn bảo chúng tôi, đi đến nhà ai không được lấy bất cứ cái gì của họ, không được ăn cái gì của họ dù mình có thèm thuồng, phải đi về nhà ngay khi nhà họ dọn bàn ăn cơm…Chúng tôi ghi nhớ lắm. Cái thời ấy thiếu ăn, ai mà chẳng thèm ăn, nhất là trẻ thơ. Ấy thế mà chúng tôi không bao giờ ăn chực và đứng nhìn người khác ăn. Chúng tôi cũng chưa bao giờ lấy bất cứ cái gì của người khác. Cái từ “ ăn cắp ” kinh khủng lắm. Thế mà, lần ấy, tôi thích cái vòng quá nên đeo nó rồi làm như quên mất mang về nhà. Bạn tôi có nhiều đồ chơi, cái vòng chả là gì cả nên nó có đòi tôi đâu. Nhưng với tôi, cái vòng làm tôi mê mẩn, tôi đeo nó khi có một mình, tôi cất dấu đi một nơi rất kín, thỉnh thoảng lại đeo vào tay mình xem có đẹp không. Một tuần trôi qua, tôi bắt đầu lo, khi thức thì lo, nhỡ bạn đòi thì biết nói sao đây. Khi ngủ tôi cũng mơ thấy cái vòng và ấp úng khi bạn hỏi, sao bạn không trả vòng cho tớ. Cái vòng ám ảnh tôi khắp mọi nơi. Và rồi, không chịu đựng nổi sự dày vò, tôi đã cầm cái vòng ném xuống giếng nước, những mong nó mất hắn đi để cho đỡ lo.
Nhưng rồi, một hôm, nhà tôi và nhà hàng xóm chung nhau khơi giếng, vét bùn để có nước trong và sạch hơn. Tôi ngồi nhìn những người khơi giếng làm. Những sô bùn được vét từ giếng và kéo lên bờ. Chợt tôi thấy loang loáng một vật gì đó, giống như cái vòng đeo tay, nó ẩn hiện dưới bùn. Tôi giật mình đến nơi xem rồi lấy một chiếc que khều khều. Thì ra chiếc vòng tôi đã ném xuống giếng. Tôi len lén khều chiếc vòng ra, đem nó đi rửa sạch sẽ. Tôi đem chiếc vòng đến nhà bạn để trả lại. Tôi nói dối là, mình đánh rơi xuống giếng sợ quá, không dám nói với bạn, hôm nay họ vét bùn khơi giếng, thấy chiếc vòng, mới đem trả lại . Tâm, bạn tôi, chỉ cười rồi ném cái vòng vào một xó, trong đống đồ chơi của mình. Tôi thở phào nhẹ nhõm, thế là mình không phải là đứa ăn cắp. Lúc đó tôi mới bảy tuổi, đang học lớp hai.

Sau này, tôi kiểm lại, suốt cả cuộc đời của mình, lần ấy là lần duy nhất tôi có ý định ăn cắp và đã ăn cắp, song không thành công. Vì, dù còn bé, lương tâm tôi đã bị dày vò, không thể ăn cắp được khi bị day dứt bởi  nỗi sợ, nỗi sợ thực sự, khôn nguôi, của riêng mình, tự thấy mình xấu xa, mặc dù có ai biết đâu mà chê trách, thế mà vẫn sợ. Cái vật tôi định lấy quá nhỏ bé và tầm thường với người có nó. Họ đã quên từ khi không thấy nó vì họ có quá nhiều thứ để chơi, nhưng tôi, người định lấy cắp nó thì bị ám ảnh, sợ hãi đến nỗi nghĩ ra đủ mọi cách thoát khỏi nó. Và rồi, khi trả lại vật mình lấy cắp cho chủ nhân tôi thấy nhẹ cả người. Biết lỗi của mình, tôi đã đem trả lại đồ vật mà mình đã lấy nhưng tôi vẫn không dám nói hết sự thật, tôi chưa đủ can đảm thừa nhận mình định ăn cắp đồ chơi của bạn, tôi muốn giữ lại sự tự trọng nhỏ nhoi cho mình.
 
Khi trưởng thành, suy nghĩ về hành động xấu xa của mình thời thơ bé tôi càng thấy, nhân cách của mỗi cá nhân đã được cha mẹ và tiền nhân dạy dỗ đã được hình thành ngay từ khi biết nhận thức. Nhân cách có được sẽ ăn sâu, bén rễ, bền vững trong suốt cuộc đời của mình. Khi ta còn biết sợ, biết xấu hổ khi mắc lỗi lầm thì ta sẽ sửa được lỗi lầm. Cái sung sướng nhất của tôi lúc đó là đã trả lại được vật ăn cắp, Tôi thấy người nhẹ bẫng, thấy mình không xấu nữa. Tôi chưa nói với ai điều này, khi tôi bảy tuổi. Nhưng tôi trăn trở với chính mình để thoát khỏi lòng tham, không lấy chiếc vòng của bạn mà tôi rất yêu thích, mặc dù tôi rất bé thơ.

 Đến bây giờ, tôi càng thấy, thoát được cám dỗ không dễ dàng chút nào, mà cám dỗ thì luôn kế bên, luôn giăng bẫy ta, ta rất dễ mắc phải, bởi lòng tham gần như là bản năng của con người, luôn xúi ta làm bậy. Tránh được cám dỗ đòi hỏi sự dũng cảm không khác gì khi ra trận dám đương đầu với súng đạn và cái chết. Hơn nữa, muốn tránh được cám dỗ còn phải biết liêm sỉ và biết sợ, không có hai phẩm chất này ta chỉ có cách đầu hàng và bị nó cuốn đi .