Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

‘Tản mạn về từ Hán Việt thời - thì (phần 6.2)

Nguyễn Cung Thông
Thứ năm ngày 12 tháng 9 năm 2013 8:54 PM

 

Trong tiến trình hội nhập với đà tiến hóa của văn minh hiện đại, chúng ta cần phải nhìn lại một cách khác quan vài đặc tính của tư duy người Việt Nam qua các tập tục từ ngàn xưa và phản ánh qua ngôn ngữ cận đại, trọng tâm của loạt bài này. Có hiểu quá trình cấu tạo các khái niệm về thời gian như chữ thời thì mới hy vọng phần nào hiểu được tại sao người Việt Nam thường đi đến các buổi họp mặt (như làm việc, giỗ, tiệc trà, đám cưới ...) không theo đúng thời hạn và sau đó là tìm ra các phương pháp cải cách lề lối suy nghĩ không hợp thời như vậy. Các tính tốt hay tích cực như tinh thần cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau (Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn) thì ráng giữ lấy, còn một số tư duy không phù hợp với thời đại nữa thì cần phải xem lại như ‘chứng bệnh’ giờ cao-su (giờ dây thun). Bài này chú trọng đến phạm trù nghĩa của chữ thì (thời) và các nền văn hóa đơn-thì (monochronic) và đa-thì (polychronic) qua góc lăng kính ngôn ngữ và các kết quả giao thoa văn hóa ... Những người yêu mến hồn thơ VN chắc không bao giờ quên được bài Chùa Hương của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938), trong đó quan niệm truyền thống về thời gian (dục tốc bất đạt, nhanh nhẩu đoản) của tiền nhân đã ‘hóa thạch’ qua một đoạn trong bài thơ bất hủ

 

'Em đi, chàng theo sau.

Em không dám đi mau,

Ngại chàng chê hấp tấp,

Số gian nan không giàu...'

 

Kinh nghiệm cá nhân ở Úc và các nước Tây phương khác lại cho thấy các cô các bà đi bộ rất nhanh để cố tranh thủ thời gian, cũng như phong cách của các nhà lãnh đạo công ty, chánh phủ ... đều có ‘số lớn’ (giàu có hơn người, địa vị hơn người) vì biết trân trọng và quản lý thời gian rất hữu hiệu. Nếu cách dùng thời gian phần nào biểu thị cho số mạng (con người) như cô gái quê trong bài thơ trên, thì cũng chính thời gian đã lấy đi một nhà thơ tài ba (đoản mệnh) của văn học VN vào đầu thế kỷ XX! Bây giờ thì mở mắt ra là thấy đồng hồ chỉ thời gian: trên bàn, trên tường hay trên người (đồng hồ đeo tay, điện thoại di động) và ngay cả khi bước ra ngoài đường (đồng hồ trong tiệm, cao ốc) hay lên xe. Đâu đâu cũng có thể thấy ‘hình ảnh’ của thời gian chi phối mọi hoạt động con người.

 

1. Nguồn gốc chữ thời hay thì

Các hình khắc Giáp Cốt Văn, Kim Văn cho thấy chữ thì gồm có hình mặt trời (nhật ) ở dưới một hình cây đang mọc - hàm ý chu kỳ phát triển của thảo mộc hay chính là khái niệm về mùa; thì hay thời nghĩa cổ nhất1 là mùa hàm ý tuần hoàn - ý này sẽ lặp lại nhiều lần trong bài. Điểm đáng chú ý ở đây là ngay cả trong tiếng Anh hay tiếng Pháp (không liên hệ gì đến hệ Hán Tạng hay Nam Á), danh từ season/saison (mùa) đã từng có nghĩa cổ nhất là trồng trọt (hoạt động nông nghiệp, so với hình Giáp Cốt Văn ở dưới), sau đó nghĩa này mở rộng để chỉ mùa (thời kỳ) trồng trọt và mùa tổng quát (mùa ca hát, mùa ăn chay, mùa lễ hội ...). Tuy nhiên tiếng Anh time (thời gian, tiếng Pháp temps) có gốc La-tinh tempus so với Hi-Lạp temnein nghĩa là chia/cắt phản ánh tư duy phân tích thành từng phần của văn hóa Tây phương. Nguyên gốc Ấn-Âu *da- (di-) của time (thời gian) đã cho ra dạng tide (con nước, thủy triều) trong tiếng Anh. Danh từ temple (tiếng Anh và Pháp, nghĩa là nhà thờ, chùa miễu) cũng có cùng gốc (chia/cắt) với hàm ý là khu vực/không gian được chia/phân ra để thờ cúng.

 

 

 Giáp cốt văn 甲骨文

 

 

 

      

Kim văn 金文

 

 Triện văn           Khải thể                         Giản thể chữ thì

Trích từ trang http://www.chineseetymology.org/CharacterEtymology.aspx?submitButton1=Etymology&characterInput=%E6%99%82

 

 

Do đó, ta không ngạc nhiên khi thấy Ngũ Thiên Tự2 ghi

 

 thì mùa (vụ HV)

 

Lại theo một số học giả3 thì có chữ chi hài thanh, xem quá trình hình thành chữ chi thì thấy giống với một phần chữ thì

 

甲骨 Giáp cốt văn 金文 Kim văn 小篆 Tiểu triện 楷体 Khải thể

Trích từ trang http://www.zdic.net/zd/zi/ZdicE4ZdicB9Zdic8B.htm

 

Tính chất tuần hoàn của thời gian gắn bó với cách tính thời gian trong các nền văn hóa: như tính theo ngày (thời gian trái đất quay một vòng), tháng (chu kỳ mặt trăng quay quanh trái đất), năm (chu kỳ trái đất quy quanh mặt trời), triều/chiều (thời gian nước bị hút mạnh bởi mặt trăng, con nước)...v.v... Thời gian tuần hoàn (cyclic time) là khái niệm cốt lõi của Ấn Độ giáo qua nhiều cách tính thời gian cũng như Phật giáo, tuy nhiên không nằm trong phạm vi bài viết này. Một điểm đáng nhắc ở đây là cụm danh từ thời gian xuất hiện rất trễ trong tiếng Việt, cũng như trong tiếng Hán. Thời gian nghĩa nguyên thủy1 là bây giờ (hiện thời 現時, hiện tại 現在), rất khác với nghĩa thời gian mà ta đang dùng, như nhà soạn kịch Tần Giản Phu 简夫 thời nhà Nguyên (1271-1368) từng viết rằng

 

雖則時閒受窘, 久後必然髮跡

Tuy tắc thời gian thụ quẫn,cửu hậu tất nhiên phát tích   - trích từ kịch 剪髮待賓 “Tiễn Phát Đãi Tân"

 

Trong loại thơ Từ Bài tựa "Triều Trung Thố" 朝中措 thời Tống (960-1279) cũng dùng cụm danh từ thời gian:

 

何須苦計,時間利祿,身後功名

Hà tu khổ kế, thời gian lợi lộc, thân hậu công danh

 

Tuy nhiên, từ thời Minh Trị (1868-1912), một số lớn thuật ngữ khoa học Tây phương như thời gian 時間, không gian 空間, thị trường 市場 ... được các học giả Nhật dịch ra (dựa vào tiếng Hán) thành jikan, kukan, shijō ... và nhập ngược vào tiếng TQ làm vốn từ Hán trở nên rất phong phú - đây cũng là một cách hội nhập văn hóa Tây phương của TQ qua con đường Nhật Bản mà ít người nhận ra được! Lớp chữ mới này còn được gọi là wasei kango (和製漢語 Hòa chế Hán ngữ) - xem thêm chi tiết trong bài viết4 "Tản mạn về từ Hán-Việt: Các từ Hán-Nhật-Hán-Việt so với Hán-Nhật-Nhật-Việt (phần 1)" (tác giả Nguyễn Cung Thông/Trần Ngọc Giang). Từ đầu thế kỷ XX, cụm danh từ thời gian bắt đầu xuất hiện với nghĩa y như ta đang dùng thay vì các cách dùng thì khắc, thì giờ, ngày giờ trước đó. Nên để ý là cùng đọc âm HV thời gian nhưng viết chữ Hán là 時艱 thì lại có nghĩa là nỗi gian nan của thời cuộc.

Thì là âm đọc Hán Việt tương ứng với phiên thiết (âm Hán Trung cổ, thanh mẫu thường , vận mẫu chi ):

 

市之切 thị chi thiết (Thuyết Văn Giải Tự/TVGT, Ngọc Thiên/NT, Đường Vận/ĐV, Quảng Vận/QV, Tập Vận/TV, Vận Hội/VH, Tứ Thanh Thiên Hải/TTTH)

辰之切 thần chi thiết (Chánh Vận/CV, Trùng Đính Trực Âm Thiên/TĐTAT)

上紙切 thượng chỉ thiết (Vận Bổ/VB)

禪侍切 thiện thị thiết (Tự Vị Bổ/TViB)

土紙切, 音氏 thổ chỉ thiết, âm thị (Tự Vị/TVi)

施持切, 音匙 thi trì thiết, âm thi (Chánh Tự Thông/CTT)

時吏切 thì lại thiết, âm thệ 音逝 (TVi)

...v.v...

 

Phụ âm đầu lưỡi xát /ʂ/ (viết là sh-, đọc theo giọng Nam) của giọng Bắc Kinh/BK bây giờ tương ứng với phụ âm đầu lưỡi tắc /tʰ/ (viết là th- tiếng Việt) như shàng, shǒu, shuǐ, shí (BK) - thượng, thủ, thủy, thì (HV).

2. Các biến âm của thời/thì

2.1 Thì thời

Khuynh hướng mở rộng nguyên âm hẹp i thành iơ hay ơi khá đặc biệt trong tiếng Việt: các giọng Bắc Kinh (shí theo pinyin), Quảng Đông (si4), Thượng Hải, Hẹ (si2), Đại Hàn (si), Nhật (ji) đều duy trì nguyên âm i

 

kỵ       cỡi

ly        rời

vi         bởi

thì        thời

...v.v…

Một khả năng đọc trại từ thì thành thời5 là hiện tượng kị (tị) húy ở Việt Nam. Bằng chứng cho hiện tượng kị húy: tên của vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Thì 阮福蒔 (1829-1883) hay Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (阮福洪任), thành ra Ngô Thì Nhậm 吳時壬 còn đọc là Ngô Thời Nhiệm (1746-1803); và các tài liệu tiếng Việt như hai tài liệu về mô thức rửa tội bằng tiếng Việt của giáo sĩ Bồ Đào Nha Antonio Barbosa (1645/1648) đã có ghi chữ thì, tự điển Việt-Bồ-La/VBL (1651), Phép Giảng Tám Ngày (1651, cha Đắc Lộ), Taberd (1772/1838) đều ghi là thì chứ không thấy ghi dạng thời:

 

Sinh thì, giờ lên: hora de ʃubir   (VBL) - để ý nghĩa của sinh thì là chết (giờ lên trời, chết là lên ‘nước chúa’), bây giờ không ai dùng nghĩa này nữa so với nghĩa gốc là thời/lúc còn sống (sinh/sanh thời) và thời gian sanh/ra đời (cách dùng trong tiếng TQ hiện đại, shēng shí 生時). Tự điển Taberd (1772/1838) ghi sinh thìfato concedere (số phận đã cho/an bài, chết – trang 444) hay còn là mori (chết - trang 492).

 

Chữ thì xuất hiện 6 lần trong truyện Kiều của Nguyễn Du

 


Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi

Nổi danh tài sắc một thì

Xôn xao ngoài cửa kém gì yến anh   (câu 62/63/64 truyện Kiều, bản Liễu Văn Ðường, Nghệ An - 1866) - trích từ trang http://nomfoundation.org/nom-project/tale-of-kieu/tale-of-kieu-version-1866

 

Cách gieo vần nhi/thì và gì trong hai câu trên - so với chi/thì/về (câu 1766/1767/1768) đi/gì/thì (câu 2161/2162/2163, câu 3047/3048) thì/quy/kia (2842/2843/2844) thì/đi/chi (câu 3076/3077/3078) - nhớ rằng vần -ời xuất hiện rất nhiều lần trong truyện Kiều như đời/lời/người (câu 1166/1167/1168), người/rời/trời (câu 594/595/596)…v.v…  Điều này cho thấy âm thời không phổ biến trong bản Kiều (này) và thời gian soạn có thể trước khi vua Tự Đức băng hà (1883) hay trước khi lệnh kỵ húy thứ tư của vua Tự Đức (1861); các dữ kiện kỵ húy khác như chủng, lan ... và nguyên bản sẽ cho ta mốc thời gian chính xác hơn. Học giả Paul Schneider trong cuốn "Dictionnaire Historique Des Ideogrammes Vietnamiens" (NXB Universite de Nice-Sophia Antipolis, 1990 - trang 795) đề nghị rằng chữ thời thay thế cho thì từ năm 1860, có lẽ dựa vào lệnh kỵ huý thứ tư (1861) của vua Tự Đức. Theo J. F. M. Génibrel trong “Dictionnaire annamite francais” (Saigon, 1898) thì thời còn là một dụng cụ bắt cá: chữ Nôm viết bằng bộ trúc hợp với chữ thì, một lần nữa chứng tỏ thời là một biến âm của thì

 

 (Génibrel, 1898)

 

Thời trong tiếng Hán và Việt còn mang một nghĩa tổng hợp, hàm ý cơ hội (thời cơ, thời vận) và hoàn cảnh tốt/dịp may xẩy ra, như cách dùng

 

gặp thời (gặp thì/Taberd)

lỡ thời (lỡ thì/Taberd)

đắc thời (đắc thì/Taberd)

...

 

Điển tích Lã Vọng (Khương Tử Nha) câu cá chờ thời cũng phản ánh khái niệm tổng hợp trên, trong đó thời gian chỉ là một thành phần mà thôi, dù cá nhân có tài đến mấy mà không có cơ hội (thời) để thi thố và được dùng (thời) thì cũng không thành công. Ngoài ra, 64 quẻ trong Kinh Dịch có thể là 64 thời khác nhau mà con người phải tùy cơ mà ứng biến để đạt được kết quả: thời có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của một cá nhân. Một lần nữa, ta thấy thời có một phạm trù nghĩa rất rộng từ các liên hệ đến tình trạng môi trường chung quanh (con người và thiên nhiên) tới cách dùng chỉ khoảng thời gian lớn (thời Hán, thời xưa) đến nhỏ (giây) - xem giản đồ mục 2.4 phần sau.

2.2 Thì cũng là chừ

Một biến âm của thì là chừ mà giọng Huế vẫn còn duy trì (Huình Tịnh Paulus Của/ĐNQATV6) như bây chừ (bây giờ), răng chừ (làm sao bây giờ), biết răng chừ (biết làm sao bây giờ), chừ chừ (đương lúc bây giờ, nội bây giờ); chừ chữ Nôm viết y như chữ giờ 𣇞 và các dạng ĐNQATV ghi nhận đã từng hiện diện trong tự điển Taberd (1772/1838). Cùng một năm (1898) nhưng tự điển Vallot xuất bản ở Hà Nội không thấy ghi dạng thời so với tự điển Génibrel xuất bản ở Sài Gòn. Trương Vĩnh Ký không thấy ghi nhận dạng thời trong tự điển7 năm 1884: temps (thì giờ), temporiseur (kẻ chờ thì). Tiếng Mường8 (Bi): chǔa chỉ thời gian trong quá khứ như chǔa tlước là thời trước; chừ là một cách tính toán trên đốt ngón tay để xem ngày giờ và các sự việc xẩy ra; thì dờ hay thời dờ

Ta không nên ngạc nhiên về liên hệ giữa phụ âm đầu lưỡi /t'/ (viết là th-) thành phụ âm mặt lưỡi /c/ (viết là ch-) vì âm này đã hiện diện trong phiên thiết của chữ thì thời tự điển Khang Hy (1716) 側吏切 trắc lại thiết, cũng như trong một dị thể của chữ thì có thành phần hài thanh là chi (xem thêm mục 2.4 bên dưới với thì   hay 𩶬 - cháy/cá cháy)

 

 

                              

Trích từ trang http://dict.variants.moe.edu.tw/yitia/fra/fra01794.htm

 

 

2.3 Giờ là một dạng biến âm của thì

Thứ tự của cách dùng thời giờ (thì giờ) đáng chú ý: thời là chính đứng trước so với giờ là phụ đứng sau, nói cách khác giờ là một biến âm của thời (thì) và ra đời sau chữ thời (thì); không thấy ai dùng *giờ thời - các cách dùng khác phản ánh khuynh hướng 'chính trước phụ sau' là bè phái, bằng phẳng, buồn phiền ...v.v... cho thấy các dạng biến âm đứng sau dạng chính (nguồn). Ngoài ra, tự điển Taberd còn ghi cách dùng thì cơm, thì trà/thì chè (cho gia đình quý tộc) mà bây giờ ta thường dùng giờ (ăn) cơm, giờ (uống) trà.

 

Trong Tam Thiên Tự9 (TTT) và Ngũ Thiên Tự (NTT), ta còn thấy ghi nhận

 

𣇞 thì giờ (TTT)

時務 thì mùa (NTT)

 

 

Thủ bút của Philiphê Bỉnh trong bài "Làm ngăn trở chẳng cho Thầy cả trẩy thơ" (1794) - để ý cách dùng giờ khắc10 so với thì khắc 時刻 (tiếng Nhật jikoku).

 

Chữ giờ xuất hiện 4 lần trong truyện Kiều

 

'Dón chân đứng núp độ đâu nửa giờ ...' (câu 1996) 

 

Giờ bộ nhật 𣇞 hay bộ nguyệt 月余 là loại chữ Nôm tự tạo gồm bộ nhật hợp với chữ dư hiện diện trong Chinh Phụ Ngâm Khúc, truyện Kiều ... Nhưng trước đó chữ Nôm giờ thường dựa vào chữ trừ11 HV (giả tá)  như 'ngày giờ chẳng lợi, chỉn đã ghê đấy' (Truyền Kỳ Mạn Lục), ‘nước kín giờ Dần’ (Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa) … Âm trừ còn cho thấy liên hệ của giờ và chừ.

2.4 Giây là một biến âm của thì

Chữ Nôm giây (đơn vị thời gian) thường gặp là dùng chữ Hán chi như từng hiện diện trong tự điển VBL (ghi là gêy, một gêy), tự điển Taberd (1772/1838 ghi là một giây: unum momentum) và Aubaret (1867); thí dụ như cách dùng giây phút (một khoảnh khắc, một thời gian nhỏ). Hiện nay giây là đơn vị quốc tế chính thức của thời gian (International unit of time).

 

(Aubaret/1867, Taberd/1772/1838 - chữ Nôm)

 

Tương quan chi (thì) - giây không ngạc nhiên cho lắm khi ta biết nhiệm vụ hài thanh của chi trong quá trình hình thành chữ thì (xem phần trên) - hãy so sánh

 

chỉ       giấy

chí      chấy (con chí)

chi      giây

thì       cháy (cá cháy - thì ngư, thì viết bằng bộ ngư hay 𩶬)

trĩ         trãi

di        dãi (nước dãi)

phi       bay   (nguyên âm nhỏ trước i - nguyên âm lớn sau/đôi ay)

mi        mày

ni        này

si          say

vị         vai

vi         vây

thị        thấy

thi        thây

*si sư  sãi/thầy12 

quy      quay   …v.v…

Chữ giây (trong từ ghép giây phút) xuất hiện 1 lần trong truyện Kiều

 

'Xuất thần giây phút chưa tàn nén hương ...' (câu 1690)

 

Để ý là khi ta nói thời (nhà) Trần thì có thể chỉ một khoảng thời gian dài 175 năm (từ 1226 đến 1400). Phạm trù nghĩa của thì (thời) chỉ thời gian có thể hàm ý thế hệ này (đời này - có thể đến 60 hay 100 năm ...) hay thì (thời) là mùa (bốn mùa = tứ thì, mỗi mùa 3 tháng); hay thì (giờ) theo truyền thống 2 giờ là 1 thần, một ngày có 12 thời/thì) cho đến cách dùng giờ (hiện nay): 1 giờ = 60 phút hay thì còn là giây (1 phút = 60 giây). Nghĩa giờ (hay 2 giờ đồng hồ hiện nay) của thì là phổ thông nhất trong các nước (đã từng) đồng văn như Trung Quốc (TQ), Hàn, Nhật và VN. Giờ tiếng Nhật và Hàn có dạng si/ji (mượn từ dạng shí BK) nhưng tiếng TQ hiện nay dùng tiểu thì 小時 để chỉ giờ (hay 60 phút), so với một chữ giờ của tiếng Việt. Phút (hốt) có thể liên hệ đến bột HV - nên nghĩ rằng bất chợt, đột nhiên, bỗng nhiên ... đều hàm ý một khoảnh khắc rất ngắn, một phút ... Đây là các từ tượng thanh chỉ việc gì xẩy ra rất nhanh như vụt (vùn vụt, vụt vụt), vút (vun vút), phứt (ăn phứt, đánh phứt...): phạm trù nghĩa của phút (phút chốc) đã trở nên chính xác hơn (với sự ra đời của đồng hồ có giây/phút/giờ) để chỉ một phút hay một phần 60 giờ. Thay vì dùng một dạng biến âm của thì là giây, tiếng TQ dùng chữ miểu (miǎo BK) so với tiếng Nhật byou và tiếng Hàn myo. Chữ phút (đứng một mình) xuất hiện 3 lần trong truyện Kiều

 

 

'Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai ...' (câu 1380, Kiều)

 

           

Nghĩa nguyên thủy    

 



 

 

 

 

 

 


Thời xưa….……thời (nhà) Trần………Tứ thời (bốn mùa)…12 giờ=1 ngày…………24 giờ=1 ngày……….3600 giây= 1 giờ

Thời (giờ) càng ngày càng nhỏ và chính xác hơn!

 

Một chữ HV cũng đáng chú ý là triều (trào) nghĩa cổ nhất1 là sáng (sớm) hay giai đoạn đầu của một ngày, mở rộng nghĩa thành một ngày và có thể chỉ cả một triều đại như Hán triều (thời nhà Hán), Minh triều (thời nhà Minh) ... Chiều tiếng Việt từ thời Việt Bồ La (1651), một biến âm của triều, đã đổi nghĩa phần nào và chỉ khoảng thời gian sau giờ trưa (tuy nhiên trời vẫn còn sáng, theo nghĩa nguyên thủy). Chiều tiếng Việt từ thời Việt-Bồ-La (1651) đã đổi nghĩa phần nào và chỉ khoảng thời gian sau giờ trưa (tuy nhiên trời vẫn còn sáng, theo nghĩa nguyên thủy). Triều bộ thủy (con nước, thủy triều) đã từng chỉ nước biển dâng lên vào buổi sáng khác với tịch chỉ thủy triều ban đêm (tịch là đêm ).. Chiều tiếng Việt còn dùng để chỉ phương hướng (không gian) như chiều rộng, chiều dài - nghĩa này chỉ xuất hiện gần đây mà thôi (không thấy VBL, tự điển Taberd, Aubaret ghi nhận). Chiều từ phạm trù thời gian đã mang thêm nghĩa trong không gian cũng như các giới từ trước, sau.

 

 

 

                                                Nghĩa nguyên thủy



 

 

 

 


Triều (đại)...........triều (=ngày).......................triều (buổi sáng).................chiều (buổi chiều)...chiều (không gian)ààà

 

3. Khái niệm thời gian trong một số văn hóa cận đại

3.1 Cách dùng danh từ hồi như hồi nãy (khi nãy, lúc nãy), hồi trước (thời trước) trong tiếng Việt cho thấy khái niệm thời gian có tính chất tuần hoàn. Hồi chữ Hán tượng hình, cho thấy quá trình đi vòng lại

 

金文 Kim văn            小篆 Tiểu triện Khải thể/chữ hồi

                                                                                                                                   

 

Hồi (giọng BK huí, tiếng Nhật kai, Hàn hoy) có một dạng âm cổ phục nguyên là *wui với một dạng môi hóa *wê mà tiếng Việt còn duy trì dạng về: hồi hương là về quê, hồi quốc là về nước ...

Chữ Nôm ngày thường viết bằng thanh phù *ngại (chữ hiếm, Unicode 250F7), chữ Hán này hiện diện ít nhất từ thời Tập Vận (1037/1067) là chữ viết tắt tương đương với chữ ngại thường gặp hơn (ngại giản thể là ). Ngày có một dạng chữ Nôm khác, dễ hiểu hơn, viết bằng bộ nhật hợp với chữ ngại , so với chữ ngời (sáng) viết bằng bộ hỏa  hợp với chữ ngại cho ta khả năng liên hệ giữa hai từ ngày và ngời: mỗi ngày chính là một chu kỳ sáng, đêm rồi trở lại sáng; cách dùng ngày/ngời (sáng) phản ánh tính chất tuần hoàn của thời gian trong tiếng Việt.

 

 

 ngày (chữ Nôm)                                 ngời (chữ Nôm)

‘Đêm ngày hằng khóc’ (“Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh”)

‘Ngày ngày đã có tiên làm bạn’ (Nguyễn Trãi)

 

𠊚      ngài - người (chữ Nôm)

 

Không phải chỉ có TQ, VN coi thời gian như một bánh xe (luân hồi) tuần hoàn như thí dụ trên, các nền văn hóa cổ đại như Hi Lạp, Inca, Maya ... đều có khái niệm này. Vấn đề trở nên thú vị hơn khi một người mất đi (chết) thì ta còn nói là về với ông bà, quy thiên (về trời) ... So với cách dùng tiếng Anh là quá ngày (expire), đi qua (pass away), rời xa (depart)... Đây là một chủ đề đáng đi sâu thêm nhưng không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này. Edward T. Hall13 (1914-2009) là nhà Nhân Chủng Học nổi tiếng của Mỹ đã từng đề nghị các từ mới đơn-thì (monochronic) và đa-thì (polychronic) sau nhiều năm quan sát các xã hội Mỹ, Nhật, TQ ... Văn hóa, xã hội và con người đơn-thì có những tính chất rất khác biệt so với con người đa-thì như bảng so sánh và tóm tắt sau đây

 

 

TÍNH CHẤT ĐƠN-THÌ

TÍNH CHẤT ĐA-THÌ

Thời gian là chuỗi dài liên hệ như đường thẳng, thời giờ là tiền bạc/time is money. Thời gian theo văn hóa đơn-thì coi như là tài sản/vật chất nên ta có thể mất thời giờ (lose time, tiếng Anh so với perdre du temps tiếng Pháp), lợi giờ (gain time), tiết kiệm thời giờ (save time), đầu tư thời giờ (invest time), lấy giờ (take time), cho giờ (give time), thêm giờ (add time), giết thời giờ (kill time) …

Thời gian là chu kỳ như vòng tròn, ảnh hưởng của văn hóa 12 con giáp cũng như Phật giáo coi ‘thường’ vật chất/vô thường và bánh xe luân hồi, tái sinh

Làm một việc cho xong để làm việc tới, chú trọng vào tính chất độc lập trong công việc và tôn trọng (ý kiến) cá nhân

Làm nhiều việc cùng một lúc, tôn trọng các giá trị công đồng - chú trọng vào đóng góp của nhiều người/nhóm trong một việc, dĩ hòa vi quý, một điều nhịn là chín điều lành - không rõ ràng trong công việc nên dễ đi lạc đường

Xem giờ hẹn quan trọng và nhất quyết theo đúng giờ dù có chuyện gì đi nữa!

Uyển chuyển giờ hẹn, xem giờ hẹn như mục tiêu có thể không đạt được hay đạt được thì càng tốt

Có chương trình nghị sự/agenda và thời gian liên hệ rất rõ ràng, chủ động thời gian/nhiều khi có vẻ 'thiếu tình cảm' (lãnh đạm/ vô cảm) vì chỉ chú trọng vào công việc mình làm

Thụ động về thời gian, không có chương trình hành động rõ ràng và nếu có thì thường thay đổi

Chú trọng vào công việc của mình, giờ giấc và cố giữ cho đúng hẹn/punctuality

Chú trọng vào liên hệ/vai vế gia đình và xã hội hơn là công việc, ảnh hưởng của truyền thống tam cương ngũ thường của Khổng giáo, đạo thờ cúng ông bà và chữ hiếu; khi người lớn tuổi đến trễ hẹn, như bố mẹ của mình chẳng hạn, thì ta khó lòng trách móc vì có thể mang tội vô lễ hay bất hiếu ... Trọng nghĩa khinh tài, áo mặt không qua khỏi đầu …v.v… (A)

Quan hệ ngắn hạn trong công việc và nhìn về tương lai

Quan hệ lâu dài hay cả đời, chú trọng đến truyền thống văn hóa lâu đời (hướng về quá khứ), chuộng tình hơn , chín bỏ làm mười, 1 điều nhịn là 9 điều lành (B)

Thời gian làm việc (work time) khác biệt với thời gian riêng tư (personal time)

Thời gian làm việc và thời gian riêng tư thường lẫn lộn với nhau, có khi vì tình cảm mà làm đêm làm ngày cho xong việc

Không muốn làm phiền người khác, tập trung và tăng tiến công việc đã được giao phó

quan tâm đến các người thân/ chung quanh thay vì coi trọng riêng tư/privacy, chuộng tình nghĩa

(A) các giới hạn này cũng như hiện tượng kỵ (tị) húy5 có thể trở thành những hàng rào cản tính mạo hiểm, óc sáng tạo của con người nói chung, các dân tộc Á Đông rất giàu truyền thống văn hóa nói riêng: đây là một chủ đề đáng đi vào chi tiết nhưng không nằm trong phạm vi bài này.

(B) ‘phương châm’ nhẫn nhục, có thể trở thành tiêu cực nếu áp dụng một cách mù quáng (khi dùng cho mọi trường hợp)

 

 

Hiểu được truyền thống văn hóa và tư duy về thời gian của các nhóm dân, công ty hay quốc gia thì ta sẽ có nhiều điều lợi14 trong vấn đề giao tiếp thương mại hay đàm phán/ ngoại giao; và còn có thể tránh những trường hợp lấn cấn hay gây căng thẳng không cần thiết ... Các nước có khuynh hướng đơn-thì trên thế giới hiện nay là Mỹ, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Gia Nã Đại (Canada), Jamaica, Scandinavia (Na Uy, Thụy Điển ...). Các nước có khuynh hướng đa-thì là Saudi Arabia, Ai Cập, Mễ Tây Cơ (Mexico), Ba Tây (Brazil), Phi Luật Tân, Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Kampuchia), nhiều nước ở Phi Châu ...v.v... Không phải lúc nào một quốc gia cũng là đơn-thì như Hàn Quốc và Nhật Bản: hai nước này (đã từng là đồng văn) cùng tính giờ theo 12 con giáp như Việt Nam và TQ hay một ngày chỉ có 12 giờ, nhưng vì tiếp thu văn hóa Tây phương sớm hơn nên đã thay đổi cách suy nghĩ và hoạt động phần nào để từ đa-thì trở thành đơn-thì (nhất là thế hệ trẻ và dân thành phố dễ hội nhập hơn). Chính người viết cũng từng có kinh nghiệm với con em của dân bản xứ ngay bên Úc (Aborignal): khi bộ giáo dục gởi các em đến để học bổ túc thêm Toán/Khoa Học vào thập niên 1990, có em đến trễ 45 phút sau giờ hẹn! Điều này không chỉ xẩy ra một lần và cho thấy quan niệm về thời gian của dân bản xứ Úc rất khác so với Úc - Úc là một nước trong Khối Liên Hiệp Anh (Commonwealth, gồm có Anh, Gia Nã Đại, Nam Phi ....) và có khuynh hướng đơn-thì rất rõ nét.

 

 

Lịch sử - dòng chảy liên tục của thời gian theo khuynh hướng đơn-thì (để ý cách dùng mũi tên - hình vẽ/không gian hai chiều để thể hiện sự liên tục trước và sau - mũi tên thời gian)

 

 


Ngày trước ......Hôm nay: 8 giờ (AM) thức dậy …..9 giờ đi làm ....6 giờ về nhà .....8 giờ (PM) xem TV….

 

 

3.2 Cách đây hơn một thế kỷ, các học giả VN như Nguyễn Văn Vĩnh đã chỉ ra những điều không ổn về thời gian và cách dùng đồng hồ

 

'... Cái lý thú của nước Nam ta nhỏ mọn lắm. Kia cái đồng hồ từ tám mươi đời thì quấn vải tây điều, kết quả găng...' (Nguyễn Văn Vĩnh, Nhời đàn bà, “Đăng cổ tùng báo”, Hà Nội - 1907)

 

Ta hãy nghe Phan Khôi tâm sự (trong "Phụ Nữ Tân Văn" s. 97, Sài Gòn - 27/8/1931)

 

'... Nếu nói trắng, đừng sợ mích lòng nhau, thì xin nói rằng: cái tâm lý cơm vua ngày trời của mấy thế kỷ trước, ngày nay nó vẫn còn vướng víu trong đầu chúng ta. Nếu bề trong, chúng ta còn giữ cái tâm lý ấy, mà bề ngoài, chúng ta dùng đồng hồ, thì quả thật, nó chỉ là một vật trang sức của chúng ta mà thôi vậy...'

 

Gần đây hơn, trên báo Giáo Dục (5/12/2012) vấn đề thời gian cũng được nhắc đến - trích từ trang http://giaoduc.edu.vn/news/toa-soan-657/xai-gio-day-thun-benh-man-tinh-cua-teen-197294.aspx

'... Xài “giờ dây thun” đã và đang trở thành “mốt” của nhiều teen hiện nay. Thậm chí có những bạn còn xem việc mình trễ hẹn là một cách thể hiện sự “sành điệu”?!? ....'

 

Đã đến lúc ta cần đặt lại vấn đề về cách dùng thời gian, điều chỉnh lại tư duy phần nào cho thích hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Nhờ vào phương pháp quản lý thời gian khoa học và chính xác mà con người đã có thể đổ bộ lên mặt trăng, sao Hỏa ... Khắc phục được phần nào nhiều yếu tố thiên nhiên tiêu cực như bão, lụt, sóng thần tuy con đường trước mặt còn nhiều thử thách: nhưng nếu ta không bắt đầu ngay bây giờ thì rất khó mà thay đổi về sau.

 

4. Phụ chú và phê bình thêm

Phần này không hoàn toàn theo cách ghi tài liệu (Bibliography) tham khảo APA hay MLA vì bao gồm các phê bình thêm về đề tài, tài liệu và tác giả để người đọc có thể tra cứu thêm chi tiết và chính xác. Từ góc độ triết học liên hệ đến thời gian và lịch sử, học giả Kim Định đã soạn cuốn "Chữ Thời" (NXB Thanh Bình, 1967), có thể đọc trên mạng trang http://www.vietnamvanhien.net/chuthoi.pdf . Học giả Nguyễn Hiến Lê/NHL đã dịch tác phẩm "How to gain an extra hour everyday" của tác giả Ray Josephs (1955, cập nhật năm 1992) vào năm 1971 với tựa đề "Lợi mỗi ngày được một giờ" (NXB Thanh Tân, Sài Gòn - sau này in lại bởi NXB Tổng Hợp Đồng Tháp, 1994). NHL cũng soạn cuốn "Kinh Dịch - đạo của người quân tử" (1979 - NXB Văn Học/1994) trong đó ông bàn về chữ thời, giống như ý kiến của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần từng ghi lại trong cuốn "Dịch học tinh hoa" (1973, chương 4.1) rằng ‘... Chu Dịch nhất bộ thư, khả nhất ngôn, nhi tế chi viết thời: toàn bộ Chu Dịch có thể tóm một lời là chữ Thời mà thôi ...'. Học giả Lê Quí Đôn cũng nhận xét rằng '... Hoà hay trái đều có thời đã định mà đến với ta: cho nên đạo Dịch không ngoài một chữ Thời ...' trang 66, "Vân Đài Loại Ngữ", Trần Văn Giáp biên dịch và khảo thích - NXB Văn Hoá Thông Tin - Hà Nội, 2006. Cuốn sách đáng tra cứu thêm và có nhiều liên hệ đến chủ đề bài viết này là “Du ‘temps’, Éléments d'une philosophie du vivre” của nhà Hán học Pháp Francois Julien (NXB Bernard Grasset, Paris , 2001) được dịch ra tiếng Việt là "Bàn về chữ Thời - Những yếu tố của một triết lý sống" (người dịch Đinh Chân/Đào Hùng - NXB Đà Nẵng, 2004). GS Trần Quốc Vượng cũng đưa nhận xét về tính tuần hoàn về thời gian trong tâm thức người Việt cổ '...Thời gian thôn dã, thời gian nông nghiệp là thời gian chu kỳ (temps cyclique), được biểu hiện như một vòng tròn. Các băng trang trí trên mặt trống, mặt thạp đều là những vành tròn trong đó có người và động vật đều chuyển động theo – một hướng ngược chiều kim đồng hồ, tức là ứng với chuyển động ảo của mặt trời. Tôi cũng ngờ rằng tượng 4 cóc (hay 4 cặp cóc) trên trống đồng hay tượng 4 cặp trai gái giao phối trên nắp thạp đồng Đào Thịnh là tượng trưng của 4 tiết (Xuân phân, Thu phân, Hạ chí, Đông chí) trong một năm – một chu kỳ thời gian của cư dân Việt cổ trồng trọt ở thời đại Đông Sơn...' - trích từ cuốn "Trong Cõi" (NXB Trăm Hoa, New York, 1993). Bạn đọc có thể xem thêm chi tiết của các trao đổi thú vị giữa GS Trịnh Xuân Thuận và TS Matthieu Ricard khi bàn về "Vấn đề thời gian dưới cái nhìn của Phật giáo và Khoa học" - trang này http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/astronomie/vandethoigianphatgiao.htm .

 

1) "Từ Nguyên" Thương Vụ Ấn Thư Quán, Bắc Kinh (tái bản năm 2004)

2) "Ngũ Thiên Tự" Vũ Văn Kính - Khổng Đức biên soạn, NXB Văn Hóa Thông Tin (tái bản lần thứ 4 năm 2002)

3) Lý Lạc Nghị “Tìm về cội nguồn chữ Hán” Jim Waters biên soạn - NXB Thế Giới (Hà Nội, 1998). Xem thêm chi tiết trong Thuyết Văn Giải Tự, ta thấy ghi nhận về chữ thì như sau

 

四時也。从日寺聲。旹,古文時从之日

Tứ thì dã - tùng nhật tự thanh - thì cổ văn thì tùng chi nhật

Chữ thì cổ (Unicode 65F9) cho thấy rõ thành phần hài thanh chi với dạng cổ là

4) Nguyễn Cung Thông/Trần Ngọc Giang (2011) "Tản mạn về từ Hán-Việt: Các từ Hán-Nhật-Hán-Việt so với Hán-Nhật-Nhật-Việt (phần 1)" xem toàn bài trên các trang mạng như http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2103%3Atn-mn-v-t-han-vit-cac-t-han-nht-han-vit-so-vi-han-nht-nht-vit-phn-1&catid=71%3Angon-ng-hc&Itemid=107&lang=vi hay http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=15385 …v.v…

5) Lê Trung Hoa "Họ và tên người Việt Nam" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội, 2005). Cuốn này in lại nhiều lần (1992, 2002, 2005) ghi nhận các nguyên nhân người VN phải đổi tên đổi họ, điều này lại càng đáng quan tâm khi càng có nhiều người VN ở hải ngoại ... Học giả Đào Duy Anh trong "Từ điển truyện Kiều" (viết xong năm 1965, NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội, 1974) cũng nhận xét rằng 'Thì: thì giờ, lúc, thủa, mùa. Sau vì húy của vua Tự Đức nhà Nguyễn nên nói chệch ra là thời' (trang 394). Huình Tịnh Của (1896) cũng ghi nhận '... Thời: cũng là chữ thì, mắc quốc húy, mà đọc trại ...' (ĐNQATV, Tome II - trang 409). Trong "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" (Trung tâm học liệu, bộ Giáo Dục - Sài Gòn, in lần thứ 10, 1968) học giả Dương Quảng Hàm viết '... cũng vì sự kiêng tên ấy mà có nhiều chữ Nho ta đọc sai ... chữ thì đọc là thời ....'. Trong “Phép Giảng Tám Ngày” (1651), giáo sĩ Alexandre de Rhodes dùng chữ thì rất nhiều lần, như '... thì phải nhớ lời đất Annam này nói liên: “Sống thì gửi, chết thì về” (nói chữ: sinh là kí dã, tử là quy dã)...', ngoài ra, khi đọc các bài thơ của Philiphê Bỉnh trong "Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo" (khoảng 1797), ta thấy tác giả dùng các chữ thì như sau

 

‘Thì âu giữ lái vững chân chằng’ (bài "Buồm cột tầu thơ")

‘Có nước non thì có cảnh thanh’ (bài "Những thành phương Thiên trúc thơ")

‘Thì rằng trước kẻo tiếng bây giờ’ (bài "Bản hội kí Văn Lịch trẩy đến Macao lại trở về thơ")

Thủ bút của Philiphê Bỉnh

 

Một cách đổi âm vì kỵ húy là thay chữ Thì (tên vua Tự Đức) bằng thìn: như theo báo cáo của Vu Hướng Đông/VHĐ trong bài "VĂN BẢN DƯƠNG SỰ THỦY MẠT VÀ QUAN HỆ CỦA NÓ VỚI ĐẠI NAM THỰC LỤC" - Tạp Chí Hán Nôm số 6 (61) năm 2003; VHĐ đưa ra nhận xét là 'Rất có thể Thủy mạt được biên soạn thành sách từ đầu thế kỷ XX đến những năm 60 của cùng thế kỷ ...' (hết trích). Người viết đồng ý với nhận xét trên, dựa vào cách ghi chữ Nôm thìn với nghĩa là thì, qua "Nam Quốc phương ngôn tục ngữ bị lục" (Quan văn Đường tàng bản, 1914) - như trang 5 chẳng hạn, trích từ trang này http://hannom.org.vn/web/tchn/data/0306v.htm

 

 

 Các dữ kiện về chữ thì/thời hỗ trợ cho khả năng kỵ húy như trên, nhưng lại khác với trường hợp chữ nhậm và nhiệm: hai chữ này đã hiện diện từ thời VBL (1651), tự điển Taberd (1772/1838). Giọng Quảng Đông vẫn còn đọc là nhậm (jam4, jam6) so với giọng Hẹ/Triều Châu là nhiệm (jim5, gnim5, rim6, ngim6), cho nên phải cẩn thận khi cho rằng nhậm đọc thành nhiệm vì kỵ húy! Xem thêm phê bình về Phúc và Phước ở trang mạng của họ Tống Phước http://tongphuoc.wordpress.com/about/ . Để ý các cách đọc chữ  với thanh mẫu nhật vận mẫu xâm

 

如林切 như lâm thiết (TVGT, ĐV, QV, TV, VH, LT)

如深切 như thâm thiết (CV, TVi) 音壬 âm nhâm

耳斟切 nhĩ châm thiết (NT)

如禁切 như cấm thiết (TVi)

忍甚切 nhẫn thậm thiết (LT)

如鴆切 như trậm thiết (LT)

汝鴆切 nhữ trậm thiết (NT, TTTH, TĐTAT)

而隴切 nhi lũng thiết (TVi) âm nhũng

如神切 như thần thiết (CTT) 音人 âm nhân - cách đọc theo CTT/năm 1670 cho thấy âm vận gần đây, cũng như dạng rèn/rén giọng BK bây giờ ...v.v...

Thành ra Ngô Thì Nhậm vì kỵ húy có thể đổi thành Ngô Thìn Dụng: âm Dụng đọc gần như nhũng (một cách đọc của Nhậm theo Tự Vị/TVi). Vấn đề kỵ húy với ảnh hưởng văn hóa chính trị và khả năng xác định niên đại văn bản là một chủ đề thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài này; tuy nhiên một điểm đáng chú ý là thay vì thờ cúng ông bà tổ tiên thì một xã hội đơn-thì như Anh/Mỹ lại thường dùng lại tên người trước như George Bush (Senior) có con là George Bush - còn một xã hội đa-thì như VN lại tránh dùng tên của ông bà tổ tiên!

Vấn đề tái lập gia phả một cách chính xác (trong đó thường ghi húy) càng ngày càng có nhiều hoạt động khá tích cực ở VN, so với người TQ như các cháu con của Khổng Tử (họ Khổng ) đã cập nhật gia phả của họ lần thứ năm (2009) gồm khoảng hai triệu người ở trong và ngoài Hoa Lục: đây là bảng liệt kê tên gia đình (gia phả) dài nhất trên thế giới (bao gồm 83 thế hệ) và tuy Khổng Tử được ghi là Hán tộc nhưng các cháu chắt sau này thuộc vào 14 dân tộc khác Hán ...v.v... Xem thêm chi tiết trang   http://www.beijingtoday.com.cn/news/fifth-version-of-confucius-family-tree-unveiled   hay http://news.xinhuanet.com/english2010/culture/2010-08/31/c_13471822.htm

6) Huình Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - NXB Imprimerie Rey, Curiol (Sài Gòn).

7) Trương Vĩnh Ký "Petit Dictionnaire francais annamite" 1884

8) "Từ điển Mường Việt" Nguyễn Văn Khang (Chủ biên) - NXB Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia (Viện Ngôn Ngữ Học), NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội 2002). Phụ âm mặt lưỡi tắc /c/ của các dạng chừ (Huế), chǔa tlước (thời trước, Mường Bi) tương ứng với cách đọc theo phiên thiết của thành phần hài thanh tự chùa của chữ thì

 

Tự - chùa

Đãi - đợi - chờ. Tiếng Mường (Bi) chỡ là chợ (búa) hay còn là hầu hạ, chăm sóc: chỡ pổ khà (hầu hạ cha già); chũ là đãi

Thị  - chầu (chực), chầu vua, chầu trời …

Thì hay 𩶬 - cháy (cá cháy)

Chỉ  - âm thị (chợ - TV)

Trì  - giữ (bảo trì) - chần chừ - chần chờ . Tiếng Mường (Bi) chữ là chữ (viết) hay còn là giữ: chữ lễ cúa (giữ lấy của)

Trĩ  - chờ, trữ, chứa

Trĩ (Unicode 4770, chữ hiếm) 《玉篇》或作 𧶱、庤 <NT> hoặc tác 𧶱、庤 chứa (tài sản, của quý …)

 

9) "Tam Thiên Tự" Đoàn Trung Còn biên soạn - NXB Văn Hóa Thông Tin (tái bản lần thứ 5, Thành Phố HCM, 2004)

10) khắc xưa là 1/6 ngày (đêm 5 canh ngày 6 khắc), sau đó là 1/100 ngày hay 14.4 phút - cho đến thời Nguyễn quy định một khắc bằng 1/96 ngày hay là 15 phút (theo tự điển Taberd, Aubaret hay 'một giây lâu' theo ĐNQATV); xem thêm chi tiết về các nghĩa khác nhau của khắc trong Vân Đài Loại Ngữ, chương II  mục 19 đến 28 (Lê Quí Đôn, sđd)

11) Trừ , thanh mẫu trừng vận mẫu ngư , có các cách đọc theo phiên thiết

 

直魚切 trực ngư thiết (TVGT, ĐV, QV)

雉居反 trĩ cư phản (NTLQ, 玉篇零卷)

直余切 trực dư thiết (NT)

直御切 trực ngự thiết (NT)

陳如切 trần như thiết (TV, LT)

遲倨切 trì cứ thiết (QV, TV)

遲據切 trì cứ thiết (VH, TV)

治據切,音箸 trị cứ thiết, âm trứ/trợ (CV)

長魚切 trường ngư thiết (TVi, CTT, TĐTAT) 音儲 âm trữ (chứa, chờ)

羊諸切,音餘 dương chư thiết, âm dư (TV, LT) - để ý dạng ngạc cứng hóa dờ (giờ) giọng Nam

商居切 thương cư thiết (TV, LT)

魚羈切, 音宜 ngư ki thiết, âm nghi (TVi)

12) sư giọng BK bây giờ là shī, các giọng địa phương khác đều có âm i (疏夷切 sơ di thiết/ĐV, 霜夷切 sương di thiết) - thanh mẫu sinh/sanh vận mẫu chi - cách đọc trung cổ theo phiên thiết

 

疏夷切 sơ di thiết (TVGT, ĐV, QV, TTTH)

霜夷切 sương di thiết (TV, VH, LT)

申之切 thân chi thiết (TVi, CV, CTT) - âm thi 詩 (shī BK)

...

Các dạng biến âm của sư là sãi (chữ Nôm sĩ ) và thầy (chữ Nôm sài ); không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Phúc Nguyên hay chúa Bụt/chúa Phật - người hiền hòa, mộ đạo và trùng tù nhiều chùa Phật - còn được gọi là chúa Sãi/Sãi vương.

 

13) Edward T. Hall “The Silent language” - NXB Doubleday (Garden City, New York - 1959) dịch ra tiếng Nhật bởi các tác giả Masao Kunihiro, Yoshimi Nagai and Mitsuko Saito với tựa đề Chinmoku No Kotoba, NXB Nanundo (Tokyo, 1966). GS Hall đưa ra nhận xét về phương pháp truyền thông của văn hóa Thụy Sĩ, Đức, Scandinavia đều ít-bối-cảnh (low context, đưa thẳng ra các dữ kiện) so với các văn hóa Nhật, TQ, VN có giàu-bối-cảnh (high context, cần nhiều tín hiệu khác từ cách nói, vẻ mặt, điệu bộ ... để hiểu ý chứ không nói thẳng ra một cách đường đột/ngang tàng), đề cập trong cuốn “Beyond Culture” - NXB Anchor Press (Garden City, New York 1976). Ông viết nhiều sách về Văn Hóa Học như “The Hidden Dimension” (1966, NXB Doubleday, Garden City, New York), “An Anthropology of Everyday Life: An Autobiography” (1992, Doubleday, New York), “Understanding Cultural Differences - Germans, French and Americans” (1993, NXB Yarmouth, Maine)...v.v... Có nhiều cách dịch sang tiếng Việt các từ mới như monochronic là thời gian đơn, đơn nhịp, đơn-thì, đơn tuyến (tiếng TQ dān xiàn 單線) so với polychronic là thời gian phức, đa nhịp, đa-thì, đa tuyến (tiếng TQ duō xiàn 多線).

 

14) Có rất nhiều tài liệu và thông tin trên mạng về Tư Duy Chiến Lược và Phương Pháp Quản Trị (Công Ty) sao cho có lợi và dựa vào kiến thức của các nền văn hóa khác nhau (đơn và đa- thì hay các truyền thống khác). Xem các trang http://thearticulateceo.typepad.com/my-blog/2011/08/cultural-differences-monochronic-versus-polychronic.html hay http://www.communicaid.com/cross-cultural-training/blog/cross-cultural-training/chronemics-concept-of-time/ …v.v… Hiện tại có cả một môn học gọi là Chronemics (môn học về Thời Gian) chuyên khảo sát về cách dùng thời gian trong ngôn ngữ cử chỉ (ngôn ngữ thân thể/Body language, ngôn ngữ phi lời nói/Non verbal language). Thí dụ như thời gian có thể là một chỉ số của vai vế (indicator of status) trong xã hội hay nơi làm việc: muốn gặp Tổng Giám Đốc thì phải hẹn giờ và chờ để được gặp so với khi Tổng Giám Đốc ra lệnh ngưng làm việc để họp tất cả nhân viên (không cần hẹn).