Thưa ông,
Đền Voi phục – Thủ Lệ là một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long, được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1962.
Phía tay trái từ cổng vào có tấm biển giới thiệu di tích lịch sử, chữ viết rất rõ ràng, trình bầy trang trọng.
Mở đầu tấm biển ghi:
Đền Voi phục – Thủ Lệ được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm Chương thánh Gia Khánh (1065) thờ đức thánh Linh Lang đại vương. Ngài nguyên là hoàng tử con vua Lý Thánh Tông cùng với vương phi họ Hạo Nương…
Các đoạn dưới cho biết Linh Lang chính là hoàng tử Hoằng Chân, đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt năm Bính Thìn (1067) và hi sinh anh dũng.
Ở đây có điều vô lý:
1 – Không một ai lại lập đền thờ con mình khi con còn sống. Bởi đền thờ lập năm 1065 mà sự kiện hoàng tử Hoằng Chân, tức Linh Lang hi sinh trên sông Như Nguyệt xảy ra mãi 11 năm sau đó, tức năm 1076.
2 – Lý Thánh Tông sinh con trai rất muộn. Ông đi cầu tự khắp nơi, sau lấy bà Ỷ Lan, mãi năm Bính Ngọ (1066) mới sinh con trai đầu tiên.
Nhân sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Bính Ngọ (1066), mùa xuân, tháng giêng, ngày 25, giờ Hợi, sinh hoàng tử Càn Đức, ngày hôm sau lập làm hoàng thái tử…” (trang 321).
Hai năm sau, tức năm Mậu Thân (1068) sử lại ghi: “Mùa xuân, tháng 2, hoàng tử là Minh Nhân vương sinh tức là em cùng mẹ với Nhân Tôn (trang 322).
Vậy Linh Lang hoặc hoàng tử Hoằng Chân, chắc chắn không phải là con của Lý Thánh Tông.
3 – Chiến tranh chống xâm lược Tống xảy ra năm 1076, khi ấy là triều đại Lý Nhân Tôn, nhà vua mới có 10 tuổi, bà Ỷ Lan nhiếp chính (bởi Lý Thánh Tông đã mất từ năm Nhâm Tý (1072), còn người em vua mới có 8 tuổi. Do đó hai người con của Lý Thánh Tông không một ai có khả năng tham chiến.
Tôi có hỏi thăm hai cụ thủ từ, cụ trẻ, hơn 60 tuổi; cụ già, hơn 80 tuổi và giải thích điều tôi vừa lý giải trên. Các cụ lắc đầu quầy quậy:
Cảm ơn quý khách, cái này không thuộc công việc của chúng tôi. Vả lại tấm biển đã có từ lâu, từ thời Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Khoa Điềm đã có về thăm, ông còn khen nơi thờ tự khang trang, cảnh quan đẹp. Lại nữa, ông sử học Lê Văn Lan cũng qua đây nhiều lần. Cả ông Vũ Tá Nhí viện Hán – Nôm cũng đã về thăm. Sao tôi không thấy ai góp ý chỉ đạo gì cả.
Các cụ nhìn tôi cười vui và khuyên: “Nếu quý khách thắc mắc cứ gửi đơn về Bộ Văn hóa, ở đấy cái gì người ta cũng biết”.
Sở dĩ có sự nhầm lẫn trên là ai đó đã chỉ đạo viết lời giới thiệu theo “Hoàn Long huyện chí”, sách này ghi chép lộn xộn theo dã sử.
Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia, tôi đề nghị ông Bộ trưởng nên vi hành kiểm tra một chuyến. Và nếu cần sửa, thì Bộ nên chỉ đạo cho lập dự án để sửa ngay.
Về các hoàng tử Hoằng Chân, Chiêu Văn, có thể tra cứu trong “Đại Việt sử lược”, hoặc trong sách “Lý Thường Kiệt” của Hoàng Xuân Hãn, hoặc trong “Những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc” của nhóm Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm, Trần Bá Chí. Hoặc có thể tham khảo thêm sử nhà Tống cũng có nhiều sách nói đến sự kiện này.
Trân trọng kính báo!
Nhà văn Hoàng Quốc Hải
61/G9 Pháo Đài Láng
ĐT: 043. 8359035