Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Có thể sạt nghiệp nếu chậm nộp tiền phạt vi phạm luật giao thông ở Australia

Nga Minh
Thứ ba ngày 10 tháng 9 năm 2013 10:22 AM


 Australia đất rộng người thưa, đường xá rộng rãi, đẹp, thoáng được qui hoạch  hiện đại, văn minh như nhiều nước phát triển khác nên người tham gia giao thông có nhiều thuận lợi để thực hiện.
 Khi tham gia giao thông ở Australia phải nắm luật giao thông, nếu không sẽ bị tổn thất nặng nề cho túi tiền của mình.

Đến Úc, đi đâu cũng phải đi bằng phương tiện cơ giới vì đất nước này rất rộng không thể đi bộ mà thăm thú hoặc đi làm việc, vui chơi, giải trí, mua sắm. Mặc dù người dân thực hiện luật giao thông khá nghiêm túc nhưng Úc vẫn giáo dục luật giao thông thường xuyên cho tất cả các đối tượng tham gia giao thông.  Chương trình truyền hình cho trẻ nhỏ từ 1 tuổi trở lên, cũng được xen vào đó những nội dung cơ bản của luật giao thông, như, ngồi lên ô tô là phải thắt dây an toàn ở bất cứ vị trí nào trên ô tô, chứ không phải chỉ ở hai ghế đầu như Việt Nam, trẻ nhỏ ngồi trên xe ô tô phải có ghế riêng, đi bộ qua đường theo dấu hiệu đèn xanh, dừng lại theo đèn đỏ, những nơi nào có đèn bấm để người đi bộ qua đường thì phải bấm đèn…Tất cả phim hoạt hình cho trẻ đều thực hiện, ví dụ “ bạn lợn”, “bạn gấu”…ngồi lên ô tô cũng phải làm như người thật, có thắt dây an toàn. Từ bé tí, các công dân tương lai đã tiếp cận với luật pháp.
Quan sát các phương tiện tham gia giao thông và tiếp xúc với người thực hiện mới thấy họ rất tự giác và có văn hóa giao thông. Trên các tuyến đường bảng chỉ dẫn cho các phương tiện tham gia giao thông về tốc độ, nơi được đậu xe, nơi không được đậu xe… ghi rất rõ. Trên vỉa hè cho người đi bộ, những nơi qua đường có qui định chung như có đèn bấm, cho vạch kẻ  còn viết trên mặt đường chữ LOOK ( “nhìn”) bằng sơn trắng cho người đi đường ghi nhớ.
 Tốc độ đi trong thành phố cho ô tô là 70 hoặc 80km/giờ. Những người đi bộ bị tai nạn, thậm chí bị chết mà người lái xe vẫn vô can nếu người đi bộ không thực hiện đúng luật giao thông bị xe đâm phải. Tuy nhiên, có những đoạn đường, không có đèn bấm, vạch kẻ  cho người đi bộ qua đường, nhưng khi thấy có người đi bộ chờ qua đường thì lái xe giảm tốc độ và dừng hẳn lại ra hiệu nhường người đi bộ qua đường rất thiện chí, vui vẻ. Trên đường phố, liên tục xe qua lại nhưng hầu như không nghe tiếng còi xe, lái xe không dùng còi khi tránh hoặc xin vượt.

Ở Úc muốn được lái xe lâu dài thì phải thi 3 lần để lấy bằng 3 mức độ khác nhau, mỗi lần thi phải đảm bảo những yêu cầu qui định. Ở đây không có “ bằng rởm” và chẳng ai lấy được “ bằng rởm” vì không có dịch vụ này, vả lại vì lợi ích của chính bản thân, thực sự biết lái xe và xử lý mọi tình huống thì người lái xe không bị thiệt hại, giữ được mạng sống của mình, đỡ gây thảm họa cho người khác,. Có người thi đến 5 lần vẫn chưa lấy được bằng lái, song không thể nản lòng được, đành phải cố tập luyện để có bằng lái, nếu không sẽ rất bất tiện cho sinh hoạt và vui chơi.

Mặc dù được giáo dục thường xuyên như vậy nhưng hiện tượng vi phạm luật giao thông vẫn xảy ra. Theo thông tin của Úc thì, để giảm các tai nạn giao thông, tiền phạt vi phạm luật giao thông đang tăng dần và nặng nề hơn trước đây. Khi ngồi lên ô tô, bị phát hiện 1 người không thắt dây an toàn thì lái xe phải nộp phạt ít nhất 200AUD, hai người là 400AUD…, chở trẻ nhỏ dưới 7 tuổi không có ghế riêng cũng bị phạt, đỗ sai qui đinh, chạy xe sai tốc độ qui định, vượt đèn đỏ, đỗ xe quá giờ qui định, dù chỉ 1 phút cũng bị phat. Không chỉ bị phạt mà họ còn bị trừ điểm vào bằng lái, đến khi hết điểm của bằng lái được dùng thì coi như mất bằng lái, muốn có bằng lái xe lại phải chờ một thời gian để thi lại.
 Nếu ai trả tiền phạt ngay thì không bị tính lãi, nếu lân khân không nộp ngay thì lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nộp sẽ rất “ khủng”.
 Theo báo chí Úc đưa tin, một chủ đại lý bán xe đắt tiền tại Bradmeadows vừa bị các lục sự tòa án ập vào văn phòng làm việc, đòi viết phiếu chi trả 50.000 AUD, tịch thu thêm 6 chiếc xe hơi do vụ đương sự nợ 642 tờ giấy phạt tội lái quá tốc độ, đậu xe trái luật, số tiền phạt 185000 AUD, 10 vụ khác số tiền nợ là 1,7 triêu AUD. Hiện cảnh sát đang truy tìm người có 807 tờ giấy phạt xe, số tiền là 222. 646 AUD, giám đốc  nha lục sự ( SO ) - ông Brianda Facey cho biết : lộ phí xa lộ chỉ 5 AUD nhưng tài xế lần khân không trả, số tiền phạt sẽ tăng tổng cộng 300 AUD. Có người bị ra tòa vì tiền phạt,  ví dụ vụ bà Malvina Mofatt bị đưa ra tòa với số nợ là 112000 AUD của 434 giấy phạt và tiền lộ phí, cộng thêm tiền lãi, bà này hứa sẽ trả góp 150 AUD/tuần, bà phải trả trong 15 năm mới hết nợ.
 Nếu người bị phạt không trả sẽ bị trừ lương trong tài khoản hoặc bị tịch thu tài sản. Có bà phải trả ngay 8000AUD cho 63 tờ giấy phạt vì sợ phải gánh thêm những khoản tiền phạt mới, có người nộp 8508 AUD cho 38 tờ giấy phạt gồm đủ tội, vượt xe trái phép, đậu xe trái luật, không trả lộ phí…Số tiền phạt đã nặng nhưng nộp chậm phải trả lãi nên nhiều người có số nợ lớn quá phải xin trả góp dần. Có nữ lái xe xin trả góp 40 AUD/ tuần do nợ phat 161 tờ, với số tiền là 16. 769 AUD. Một người đàn ông khác xin trả góp 50 AUD/tuần để thanh toán 143 tờ giấy phạt, tổng cộng 12 143 AUD, cơ quan chức năng nói, ai xin trả góp có thể được giảm nhẹ số tiền phạt, ai trả chậm phải đóng thêm khoản tiền phạt là 50, 60 AUD, ông này được bớt số nợ là 7230 AUD. Hiện tại mức phạt tăng đều 12, 5% năm 2013.
 Số tiền phạt được qui định khá rõ, ví dụ,  lái xe quá tốc độ từ 10 đến 20km số tiền phạt là 243AUD, từ 20 đến 30km/giờ là 417 AUD , từ 30 đến 45km/ giờ là 799 AUD. Có người bị phạt tới gần 700 lần và bị truy giả tận nhà, càng nộp phạt chậm số nợ bị tính lãi càng cao, có người phải trả góp trong 15 năm mới hết số tiền bị phạt.
  Nha lục  sự  (Sheriff Office - SO) cho biết có 10 vụ bị kiểm tra và tịch thu tài sản do số tiền bị phạt  lên tới 1,7 triệu AUD. Cảnh sát bang Victoria và các lục sự tòa án hiện vẫn truy tìm một người mang nợ đến 807 tờ giấy phạt xe, số tiền phạt tổng cộng là 222.646 AUD. Giám đốc SO giải thích, lộ phí sử dụng sa lộ có 5 AUD nhưng tài xế lần khân không trả, số tiền phạt sẽ tăng lên 300 AUD.
 Khi cảnh sát giao thông tiến hành phạt các xe vi phạm không cần gặp đối tượng bị phạt ở đó, ví dụ xe đậu nơi trái phép, đậu xe quá giờ qui định ở nơi được đậu xe…cảnh sát chỉ việc nhìn số xe là biết đối tượng bị nộp phạt ở đâu, họ chỉ cần dán hóa đơn phạt lên đầu xe cho đối tượng bị phạt, cứ thế đối tượng nộp, cắt tiền từ tài khoản của mình ra nộp, ngồi ở nhà nộp phạt qua Internet, vì vậy không có hối lộ và châm trước. Ngay việc qua cầu phà cũng vậy, cứ nghe tiếng “xuyẹt” một cái là biết, xe qua cầu đã được báo hiệu nộp tiền lộ phí qua tài khoản rồi. Tất cả đều vận hành liên hoàn nên chẳng cẩn phải chống hối lộ và chống tham nhũng trong lĩnh vực giao thông. Ở đây không có cảnh ô tô chạy làng, trốn phạt hoặc lái xe cãi nhau với cảnh sát, hoặc cảnh sát “ làm luật” với lái xe khi lái xe vi phạm luật vì tất cả đã được quản lý rất chặt qua mạng, từ chỗ ở, nhận dạng đến tài khoản cá nhân... Lái xe đều mua bảo hiểm nên khi họ gặp tai nạn hoặc va chạm để xe hỏng hóc đều được cơ quan bảo hiểm xử lý ngay theo đúng chế độ hiện hành.

 Chính việc phạt nặng các vi phạm luật giao thông đã giáo dục công dân tốt hơn trong việc thực hiện nghiêm túc luật giao thông. Thanh niên Úc rất  hiểu điều đó nên muốn đi chơi, uống rượu thả phanh vào những ngày nghỉ cuối tuần, họ thường đi ta xi chứ không đi xe riêng, để có thể say mèm vẫn về được đến nhà. Ở đây bị phát hiện độ cồn quá mức qui định phạt rất nặng, có thể phải cải tạo lao động công ích hoặc ngồi tù.
 Văn hóa giao thông được hình thành ở các nước có luật pháp chặt chẽ từ lâu đời, ai đến sống ở đó cũng phải tuân thủ. Văn hóa giao thông được biểu hiện ở việc thực hiện nghiêm túc luật giao thông, đó cũng chính là thước đo sự văn minh của những con người tham gia giao thông và trình độ văn minh của một nước. Nhờ có văn hóa giao thông mà các tai nạn giao thông được hạn chế đến mức thấp nhất, tránh được những cái chết oan uổng vì tai nạn giao thông,  đỡ đớn đau cho gia đình và xã hội./.