Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tin đồn

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ tư ngày 11 tháng 9 năm 2013 2:33 PM

 
 Người ta đồn rằng: Ngày xưa trước cổng nhà cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn  có treo một tấm biển viết bẩy chữ: “Thiên hạ vô tri vấn bảng Đôn”. Nghiã là ai có điều gì không hiểu thì hỏi Bảng Đôn. Và khi bàn đến chuyện văn chương chữ nghĩa cụ còn bảo: “Nếu trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được…”. Thế ra sách cũng như sự hiêu biết, cụ Bảng để ở trong bụng chứ không để ở giá sách và ở trong đầu !
Trong “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, có truyện Trạng Lợn cũng vậy. Từ một kẻ u tối (khi chưa thành Trạng, cái tên lợn đã nói lên điều đó), nhưng được ông Tiên chọc cho một gậy vào bụng, Lợn đã trở thành sáng láng. Và sự thông minh của Lợn người ta đồn đến tai vua Lê Thánh Tông. Vua cho Lợn vào cung làm quan hầu. Rồi ba lần giúp vua đấu trí với sứ Tầu thắng lợi, Lợn được vua phong cho làm Trạng. Lần thứ nhất là vua đánh cờ với sứ. Quan hầu cầm lọng che. Lọng, quan hầu đã dùi thủng một lỗ để nắng xuyên qua. Quan hầu xoay lọng, nắng chiếu vào quân cờ nào thì vua đi quân ấy. Cuối cùng vua thắng. Lần thứ hai là sứ bào một khúc gỗ, hai đầu bằng nhau, rồi đố vua đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn? Vua bí quá, không trả lời đ\ược, hẹn hôm sau. Đêm ấy quan hầu phóng uế vào khúc gỗ. Sáng hôm sau lấy cớ đem khúc gỗ xuống sông rửa. Phía gốc nặng, chìm xuống, phía ngọn nhẹ, nổi lên. Thế là lần thứ hai vua lại thắng cuộc. Lần thứ ba, sứ sơn kín một khúc gỗ, rồi viết vào đó ba chữ: “Hổ bất thực” và đố vua là gỗ gì? Quan hầu rất giỏi nói “lái”, liền dặn vua cách trả lời. Vua giải đố: “Hổ bất thực là cáo chẳng ăn, cáo chẳng ăn nên cáo đói, cáo đói thì cáo gầy, cáo gầy là cây gạo”. Đúng đó là gỗ gạo. Sứ Tầu phục vua ta sát đất! Thế là vua phong cho quan hầu được làm Trạng. Người đời gọi là Trạng Lợn. Và như vậy là trí khôn của Trạng Lợn cũng để ở trong bụng, chứ không để ở trong đầu!
Rồi đến cụ Trạng Quỳnh cũng vậy, khi còn tại thời, về mùa đông gia rét, gặp hôm trời nắng ấm, cụ thường ngả cái nong ra sân nằm sưởi nắng. Có ông hàng xóm đi qua lên tiếng chào, hỏi: “Bẩm quan Trạng, ngài đang làm gì đấy ạ?”. Cụ Quỳnh liền vỗ bịch bịch vào cái bụng căng tròn mấy cái, đáp: “Chào ông, ta đang phơi sách đây!”. Đó là tin đồn, là chuyện ngày xưa. Chẳng biết có phải là chuyện thật không?...
Còn bây giờ, người ta đang đồn ầm lên rằng: Sau khi thành lập xong “Ngân hàng máu” và “Ngân hàng tinh trùng”, Công ty Đại Việt đang chuẩn bị cho ra đời “Ngân hàng chất xám”, để đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí của nước ta. Mà nghĩ cũng lạ, chẳng hiểu vì sao, cái thứ không thành hình khối, không mùi vị, không mầu sắc ấy, người ta lại đặt cho nó cái tên hết sức trừu tượng là “chất xám”? Song, cũng thật may cho loài người, được trời phú cho bộ óc thông minh hơn các loài động vật khác. Cho nên con người đã biết hình tượng hoá, và cụ thể hoá cái thứ vô hình vô ảnh ấy thành ra các con chữ để viết lách, ghi chép, rồi đóng thành sách. Thế là chỉ một người viết mà có thể nói năng với rất nhiều người, ở nhiều thời gian và năm tháng khác nhau, mỗi khi người ta đọc sách. Và do đó, sách cũng có nghĩa là “chất xám”.
Người ta cũng đồn rằng, tổng số vốn liếng của Công ty Đại Việt đem ra đầu tư lần này chỉ có ba bồ chữ (tức chất xám). Thì hai ông nhà thơ lớn (họ tự goị họ là Đỗ và Lý) đã chiếm mất hai bồ, còn một bồ là phần của tất cả bàn dân thiên hạ. Chữ “thiên hạ” ở đây có lẽ là hiểu theo nghĩa hẹp, trong phạm vi nước ta hình chữ S, chứ không phải là cả thế giới. Nếu vậy thì bồ chữ còn lại là trí tuệ của 80 triệu người dân nước Việt (lấy số tròn). Và như vậy cũng có nghĩa là cái vốn chữ nghĩa cũng như trình độ hiểu biết của mỗi người, trong hai ông nhà thơ ấy, cao hơn người khác vừa đúng 80 triệu lần! Kiến thức của mọi người ở dưới âm ty, còn hai ông ấy thì ở trên chín nghìn, chín trăm, chín mưới chín vạn tầng trời! Ôi chao! Thật khủng khiếp!
Ấy chết! Xuýt nữa thì quên. Xin bạn đọc đừng nhầm hai ông Đỗ và Lý đây với Đỗ Phủ và Lý Bạch, hai ngôi sao sáng trên bầu trời thi ca của nước Tầu, thời Nhà Đường…
Về cái sự đặt tên cho mình và cho con cháu, rõ ràng không phải là tuỳ tiện, mà đều có mục đích, có dụng ý hẳn hoi. Ngày xưa khi đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, bệnh tật ốm đau, chết non chết yểu nhiều, nhưng vì u mê nên cứ đổ cho ma tà quỷ quái trừng phạt. Cho nên các cụ thường đặt cho con cháu những cái tên xấu xí, như thằng Cún, thằng Cu, cái Hĩm, cái Đĩ, để ma chê quỷ chán không thèm bắt.
Còn hai ông nhà thơ của chúng ta tự cho mình là Đỗ, là Lý, và bảo rằng ho “đi theo” hai ông ấy. Song, thực ra là họ muốn ghé vào cái bóng của hai ông ấy để kiếm chút ít thơm lây, thơm rơi, thơm rụng. Đồng thời cũng muồn ngụ ý rằng ta đây cũng là Đỗ Phủ, là Lý Bạch, là ngôi sao sáng trên bầu trời thi ca nước Việt.
Hai ông ấy còn vỗ ngực khẳng định trước thiên hạ rằng, người này đã “bay ở dưới đất”, thì người kia nhất định phải “đi ở trên trời”. Ở dưới đất, nhưng không thèm đi như mọi người, mà lại “bay”. Và ở trên trời, nhưng cũng không thèm bay như muông thú hay máy bay, mà lại “đi” thì mới khiếp chứ! Thực ra, về cái động từ “đi” và “bay” hai ông ấy nói đó, không phải là họ nói về sự chuyển dịch từ chỗ này đến chỗ kia đâu. Họ khoe tài đấy! Họ muốn khoẻ với thiên hạ rằng, cái tài làm thơ, cái kỹ xảo làm thơ của họ đã diệu nghệ đến mức phi thường như bay được ở cái chỗ không bao giờ có thể bay, và đi được ở cái chỗ không bao giờ có thể đi. Tức là tài năng của họ đã đến chỗ tuyệt đỉnh rồi!
Trong lịch sử văn học nước ta, có hai nhà thơ lớn, được nhân dân yêu quý và suy tôn là “Thần Siêu” (Trương Hán Siêu), và “Thánh Quát” (Cao Bá Quát). Nhưng cả hai ông “Thần” và “Thánh” ấy, cũng không ai có tài “bay ở dưới đất”, và “đi ở trên trời” như hai nhà thơ Đỗ Phủ và Lý Bạch made in Việt Nam của chúng ta đây. Vậy thì chắc chắn hai nhà thơ của chúng ta đã trở thanh “Đại ca thơ” và “Cao thủ thơ” rồi!               
                                         *    *    *
Chẳng biết những tin đồn đó có thật không? Hay lại như chuyện ngày xưa, có người mua nhầm phải đàn vịt trời. Vịt đang bơi lội ở dưới sông, bỗng ào lên vỗ cánh bay đi mất. Có ai trông thấy đàn vịt ấy ở đâu không?./
THĐ