Nói đến Nguyễn Ngọc Phú người ta thường nói đến một người làm thơ với thế mạnh là giàu cảm xúc, nhuần nhuyễn trong chuyển tải cảm giác, khả năng liên tưởng tài tình. Bởi vậy, thơ anh rất giàu hình ảnh, các hình ảnh có khả năng “lôi kéo” (hình ảnh khác) tương đối cao tạo nên độ thăng hoa của cảm xúc với tính chất đa cung bậc: có đằm sâu lắng dịu, có cuồng nhiệt, dữ dằn, có “mạch liên tưởng khó nắm bắt” (Phạm Thị Hoài) tưởng đâu xa xăm như tâm linh, như hoài niệm. Cũng từ những mối ràng buộc chặt chẽ đó, thơ Nguyễn Ngọc Phú thường không bị “bó khuôn” vào hình thức thể loại, cụ thể là số chữ trong câu thơ và số câu thơ. Tưởng chừng mọi sự đã ổn định, rằng đã có một Nguyễn Ngọc Phú như vậy, thì đến tháng 5/2013, Nguyễn Ngọc Phú trình bạn đọc tập thơ Mùa chim* - tập thơ thiếu nhi, lúc này người đọc mới thấy rằng, ngoài Nguyễn Ngọc Phú đa cung bậc và rất “người lớn” ở trên còn có một Nguyễn Ngọc Phú khác, một Nguyễn Ngọc Phú hồn nhiên, trẻ thơ. Dĩ nhiên, giữa Nguyễn Ngọc Phú trước đó và Nguyễn Ngọc Phú trong tập Mùa chim về bản chất vẫn thống nhất. Điều này, chúng tôi sẽ lí giải ở phần cuối bài viết.
Hẳn chúng ta đều biết quy trình trở thành người lớn của mỗi chúng ta đều bắt đầu từ trẻ nhỏ, theo các nấc thang, thời gian và lứa tuổi. Ấy vậy mà, không hẳn ai cũng hiểu rằng, khi chúng ta lớn dần lên cùng với trí tuệ và khả năng tri nhận, chúng ta đã xác lập cái "ngã" của riêng ta. Con đường đến với ngã, với sự khẳng định của lý trí và tính chân xác đã vô tình giết chết vẻ nguyên sơ, diễm lệ thuở ban đầu. Điều này có nghĩa, quá trình lớn lên của mỗi chúng ta, ở một góc độ nào đó là quá trình rời xa những phẩm chất tốt đẹp. Từ đây, ta có thể giải thích tại sao, tất cả các nhà thơ, nhà văn đều ao ước mình được trở thành trẻ nhỏ. Trong bài thơ Bản hợp đồng cuối cùng, đại thi hào R.Tagore - người Châu Á đầu tiên nhận giải thưởng Nobel năm 1913 đã diễn tả sự lựa chọn của một người rao bán “tôi”: bỏ qua quyền lực của ông vua, vàng bạc của gã giàu có, kể cả nụ cười của cô gái trong vườn đầy hoa khi chiều muộn để đến với cậu bé bên bờ biển chơi với dăm vỏ ốc. Tagore đã kết thúc bài thơ: “Và từ khi bản hợp đồng được ký chơi với cậu bé/ Tôi thành người tự do”(1). Nhưng, tất cả là hoài vọng. Có nghĩa, mỗi bước chân của chúng ta trên con đường sinh tồn và khẳng định tự ngã đã đưa ta vào một con đường tít tắp, không có chỗ lùi. Và, ta mãi mãi nhìn tuổi thơ như một sự đoái vọng, thèm khát, không tài nào có thể quay về cho được. Với đặc điểm, có thể là sự nghịch lí ấy, mà trong bài viết này, chúng tôi cho rằng, Nguyễn Ngọc Phú đã thực hiện một cuộc trở về. Vui thay cho anh, sự trở về ở đây hết sức chân xác.
Tập thơ Mùa chim với 45 bài thơ, tất cả đều không đề cao chức năng giáo dục. Đây là điều tôi rất thích thú. Khoan hãy nói đến tính tư tưởng, rằng, trẻ thơ cần phải được người lớn giáo dục để trưởng thành. Điều căn bản ở đây là trẻ thơ trong mắt trẻ (dầu đứa trẻ này trên thực tế là một người đã có thể… "tri thiên mệnh"). Cố nhiên trong mắt trẻ thì làm gì có sự dạy dỗ, có sự sáng khôn. Đây mới là chân thực. Nếu ở đây, giả sử như Nguyễn Ngọc Phú viết với giọng khôn ngoan, dạy dỗ thì ắt tác giả đã đứng ngoài tuổi thơ để viết về tuổi thơ, dẫu tính tư tưởng có cao siêu và thuyết phục đi chăng nữa thì rõ ràng đó vẫn là sự thất bại, rằng, anh đã "cưa sừng làm nghé", anh biến trẻ nhỏ thành đối tượng để thổ lộ, rao giảng về lí lẽ ở đời. Trẻ nhỏ không cần như thế (ngay cả chuyện đi học của trẻ đều bắt đầu từ ý muốn của người lớn). Và thơ ấy, theo sàng lọc tự nhiên, chỉ giành cho người lớn. Tất nhiên, ở đây cần loại trừ một số trường hợp người làm thơ viết thơ cho trẻ thơ theo cái nhìn ngoài cuộc, nhưng ở đấy họ có dụng ý riêng, có khi mượn trẻ thơ để nói hộ nỗi niềm của mình khi mà “... nhiều khi/ Người đã lạc bên người” (Hòn Chồng - vợ thơ Nguyễn Văn Hùng).
Không đề cao chức năng giáo dục, hẳn đó không phải là dụng ý của Nguyễn Ngọc Phú mà là sự tự nhiên trong diễn đạt. Thì đấy, “tư cách” biểu kiến trong Mùa chim là hoàn toàn của trẻ thơ (đây cũng là nhân vật trữ tình). Điều này không chỉ thể hiện qua việc xuất hiện 15 lần từ “em” và 5 lần từ “bé” mà quan trọng thể hiện qua thế giới được mô tả. Ở đây, thế giới được mô tả là thế giới ngoại vật trong con mắt trẻ thơ. Dường như đang có một trẻ thơ đứng đâu đó quan sát thế giới và mô tả. Trẻ thơ ấy có khi xuất hiện (từ "em", "bé") có khi không xuất hiện nhưng đã để lại dấu ấn rõ nét qua thế giới ngoại vật với tính chất sinh động, tươi mới, biết đi đứng, nói cười. Đáng chú ý của thế giới ngoại vật ở đây là tính chất đơn nguyên của nó. Nó là nó, không ngầm ẩn sâu xa (ngoại trừ bài thơ Mùa chim, sẽ phân tích sau). Từ chị Cào Cào, anh Châu Chấu, chị Cua Càng, ông Dã Tràng, bà Còng, đến thế giới những hạt, quả, lá, gió, trăng... đều chỉ góp thêm cho thế giới nhộn nhịp trong con mắt quan sát của trẻ. Mặt khác, thế giới ngoại vật ở đây được gắn cho những từ xưng hô như: "ông", "bà", "anh", "chị", "chàng"... Không phải là trẻ thơ chắc chắn không bao giờ có cách gọi tên khác thường như vậy!
Trong vai trò trở về một đứa trẻ, tập thơ Mùa chim đã cho thấy rõ nét tư duy và cái nhìn trẻ thơ. Ở đây thuộc tính nổi trội của trẻ thơ đã được bộc lộ. Đó là thuộc tính ngây thơ. Theo bác sĩ - nhà tâm lí học Nguyễn Khắc Viện: “Ngây là dại dột, chưa khôn, trí lực phát triển chưa đầy đủ (...). Thơ là hồn nhiên, dễ cảm xúc, nhạy cảm, tràn trề sức sống”(2). Vì “ngây” (cũng là ngây thơ - 2 thành tố, 2 nội dung không tách khỏi nhau) nên trẻ em chưa có sự phân biệt chủ thể - khách thể, giữa bản thân và ngoại vật. Trong tư duy trẻ thơ, thế giới bên ngoài (đồ vật, con vật, hiện tượng) dường như cũng có thuộc tính của thế giới con người. Nói đúng hơn, với trẻ thơ, thế giới con người và thế giới ngoại vật tương đồng nhau. Bởi vậy mới có chuyện, khi trẻ bị vấp ngã, người mẹ thường đánh vào đất hoặc bậu cửa, bậc thềm để dỗ. Trong Mùa chim, Nguyễn Ngọc Phú đã tái hiện sinh động đặc điểm này. Ở tập thơ có “Mặt trăng mất ngủ/ Thâm quầng âu lo” (Mắt bão), có tính cách xấu hổ của thuyền “Tính thuyền thường hay xấu hổ/ Gặp ai cũng gật đầu chào” (Hỏi thuyền), có con sóng chạy thi với bé: “Em chạy thi với sóng/ Sóng luôn luôn dẫn đầu” (Chạy thi với sóng), thậm chí có cả “lời hô hoán” của xe lửa: “- Tớ sắp qua cầu”(Đi xe lửa), có cả người – rơm: “Đầu đội chiếc nồi đất/ Xương sống: cọc – tre - vườn” (Cây rơm)... Ngoài đặc điểm này, vì ngây thơ (“thơ”) nên trẻ thơ bộc lộ cái nhìn tươi mới trước sự vật, làm cho sự vật trong thơ hiện lên rất có sức sống, sinh động. Thì đấy, trong tập thơ, chị cào cào - may áo (Cào cào may áo), chị cua càng - thổi xôi (Cua càng thổi xôi), chú chuồn kim - xâu chỉ (Hoa nắng)… Tất cả tươi vui, nhộn nhịp như ngày hội. Không có chút buồn lo, không có những bộn bề, phức tạp.
Từ thuộc tính ngây thơ như phân tích trên, chúng ta hiểu vì sao trong tập Mùa chim, Nguyễn Ngọc Phú đã để cho sự vật, hiện tượng biết suy nghĩ, đi lại, nói năng như con người. Theo tư duy logic, cụ thể là thao tác ngôn ngữ, đây là phép nhân hoá. Thế nhưng, trong tư duy trẻ thơ đó là hợp lý. Có nghĩa, với trẻ thơ không tồn tại phép nhân hoá trong những ngữ cảnh này. Từ đây lí giải tại sao, khi nói về sự vật, trẻ nhỏ thường gắn với đại từ xưng hô: chị (cào cào), chú (Tôm), bà (Còng), ông (Dã Tràng), anh (Châu chấu), tớ (xe lửa, đèn). Dĩ nhiên, việc xuất hiện từ xưng hô như ở đây còn biểu lộ sự ngỡ ngàng của trẻ trước thế giới bao la với vô vàn sự vật, con vật, hiện tượng.
Ngoài đặc điểm khởi nguyên của trẻ thơ là ngây thơ như đã phân tích trên, trẻ thơ cũng dần dần làm quen với ngôn ngữ và khái niệm. Tập thơ Mùa chim của Nguyễn Ngọc Phú đã tái hiện chân thực điều này. Tập thơ nổi lên đặc điểm tương đối phổ biến là sự định danh khái niệm và thắc mắc về khái niệm của riêng bé. Ở đây, tất nhiên sự định danh khái niệm của trẻ thơ luôn khác với người lớn. Thứ nhất, trẻ thơ định nghĩa khái niệm về sự vật theo cách của mình (nằm trong thuộc tính ngây thơ). Thứ hai, điều này rất căn bản, trẻ thơ định nghĩa khái niệm về sự vật là tương đối rạch ròi, đôi lúc như là sự cơ học, khác với người lớn. Xin được lí giải điều này bắt đầu từ câu chuyện sau. Sau khi ăn hết 1 chiếc bánh, đứa bé đòi mẹ cho ăn chiếc bánh thứ 2. Mẹ sợ bé không ăn cơm nên nói: "Để chiều về mẹ cho". Đứa bé tần ngần một lúc rồi hỏi: "Đi đâu mà chiều về hả mẹ?". Câu chuyện cho thấy, đứa bé đã rạch ròi phân biệt chữ "chiều" và "về" thành 2 thành tố gắn với cách định nghĩa của nó. Với bé, chữ "về" được hiểu là đi đâu đó quay về, chứ không phải mang chức năng phó từ để diễn đạt dễ nghe như người lớn. Điều này phản ánh một thức tế, rằng người lớn làm chủ ngôn ngữ nhưng trong diễn đạt, ở một góc độ nào đó, còn chưa logic. Ngoài yếu tố thừa trong diễn đạt, người lớn vẫn thường sử dụng khái niệm để định nghĩa khái niệm (kiểu như: cá - ngựa, cá - chó (tên các loài khác nhau kết hợp với nhau để gọi tên). Chẳng phải vậy mà đứa bé trong Mùa chim đã đưa ra hàng loạt câu hỏi, thắc mắc về tính thiếu chặt chẽ này. Các bài thơ Cá, Hỏi, Cỏ được tổ chức theo cấu tứ trải dài các thắc mắc của bé. Xin lấy ví dụ bài Cá: Cá chuồn có cánh đâu… Cá ngựa chẳng có bờm/ ăn phù du thay cỏ/ Không biết hỏi: đâu đâu/ Vẫn gọi là cá chó. Có khi là sự vô lý: cá Ve thường im lặng, Chọn bạn chơi thân thiết/ sao lại gọi cá Lầm. Xét về logic sự thắc mắc của bé là hoàn toàn có lí, bởi vì, với bé, chuồn chuồn là loài có cánh, ngựa phải có bờm và ăn cỏ, chó phải sủa “đâu đâu” (gâu gâu), ve phải kêu, lầm là không sai lạc. Tương tự bài Cá, bài Hỏi, bé cũng thắc mắc: cau điếc sao lại có tai, bí đao sao không nhọn sắc, mèo không phải quả sao lại gọi mướp, dưa sao gọi là dưa - chuột.
Bên cạnh sự thắc mắc về cách định danh sự vật của người lớn, trẻ nhỏ còn đưa ra các khái niệm về sự vật theo cách của mình. Nói cách khác, trong thế giới vô vàn sự vật, hiện tượng mà bé bắt đầu làm quen, bé có cách suy nghĩ riêng để nhận biết và phân biệt. Đó là các khái niệm khởi nguyên: hạt bầu thì béo, hạt na thì đầy, hạt nhãn tròn xoe, hạt thóc hình thuyền (Hạt); quả mít xù xì, quả na mắt nhắm, chuối tiêu sum vầy, quả dưa lăn lóc (Quả).
Ngoài đặc điểm nổi bật về thuộc tính tư duy, tâm lí và cái nhìn, tính chất trẻ thơ trong tập Mùa chim còn được tác giả thể hiện qua hình thức thể loại. Ở đây, phần nhiều thể thơ được tác giả vận dụng là thơ 4, 5 chữ. Khảo sát tập thơ, tôi thấy, thể thơ 4, 5 chữ chiếm 35/45 bài, trong đó thơ 5 chữ chiếm 23/45 bài, thơ 4 chữ chiếm 12/45 bài. Hẳn đây là dụng ý của tác giả, rằng trẻ thơ còn non nớt về tư duy, mới làm quen về ngôn ngữ nên thường diễn đạt ngắn gọn và có vần vè (dễ diễn đạt và dễ nhớ). Ít nhất điều này được thể hiện rõ ràng trong thực tế qua thể đồng dao với những Kéo cưa lừa xẻ, Rồng rắn lên mây mà từ Bắc tới Nam trẻ con đều thuộc.
Đọc tập thơ tôi có cảm giác Nguyễn Ngọc Phú đã định liệu, tiên lượng được vấn đề anh viết trong thơ. Ở đây là chủ đề về sự ngây thơ. Còn một chủ đề ngầm khác, chủ đề liên quan đến thông điệp của riêng tác giả. Điều này được lí giải qua bài thơ Mùa chim – tên bài thơ, tên tập thơ. Hiện tượng tên một bài thơ trở thành tên một tập thơ là chuyện không mới. Đôi khi đó như là sự bí bức về thông điệp của tác giả, hoặc là một sự lười biếng trong sáng tạo. Với Nguyễn Ngọc Phú, đọc bài thơ, tôi thấy tên bài thơ để đặt cho tập thơ là một dụng ý với tâm tình riêng của tác giả. So với 44 bài trong tập, bài thơ Mùa chim có một cách bố trí khác. Ở đây tất cả các loài chim đều rộn rịp với mùa, nhảy nhót, hát ca. Nhưng, tất cả các loài chim chỉ làm một việc: “Nhặt những gì bỏ sót/ Sau no ấm mùa màng”. Phải chăng mùa màng ở đây là mùa màng của thơ thiếu nhi, mùa màng của cách tiếp cận về thiếu nhi từ góc độ thiếu nhi mà những Võ Quảng, Phạm Hổ, … đã ghi danh một thuở? Nếu vậy thì quả là Nguyễn Ngọc Phú đã biết mình biết ta. Đó vừa là khiêm tốn, vừa không khiêm tốn. Bởi vì, ít nhất, thông qua hành động làm thơ, tác giả cho thấy, những sinh thể chữ được tác giả sinh thành xứng đáng là “những gì bỏ sót”. Đấy là một cách để đánh giá tập thơ. Với riêng tôi, với những gì đã làm được, Mùa chim đã có những đóng góp nhất định chứ không phải là nói lại những gì đã nói trong kho tàng thi ca. Điều đó được thể hiện rõ ở những bài thơ hay như Cá, Cào cào may áo, Cua càng thổi xôi, Chuồn chuồn, Ngọn đèn đom đóm…
Như vậy, tập thơ Mùa chim cho thấy nét nổi bật là thuộc tính ngây thơ của trẻ nhỏ, cũng chính là sự ngây thơ trong tâm hồn người làm thơ. Nói vậy liệu có phải Nguyễn Ngọc Phú trong Mùa chim khác với Nguyễn Ngọc Phú ở những tập thơ đã xuất bản? Theo tôi, đấy vẫn chỉ là một - một Nguyễn Ngọc Phú thống nhất. Có chăng chỉ khác ở nội dung phản ánh, phương cách phản ánh mà thôi (ở đây là vấn đề của trẻ thơ, khác với các tập khác). Thì đấy, ngoài chuyện trở về như đã nói ở trên theo góc nhìn tâm lí học, hình ảnh vẫn xuất hiện nhiều (cố nhiên phải như thế), hình ảnh lại cho thấy khả năng liên tưởng cao (vỏ thóc hình thuyền, cái đụn rơm đội nón). Thế mạnh trong thơ ở đây vẫn là cảm xúc, chỉ khác ở chỗ đây là cảm xúc trẻ thơ, hồn nhiên trong trẻo và không có dấu vết của suy tưởng, không khắc khoải những nỗi niềm, khác với các tập thơ mà tác giả đã xuất bản: Đám mây màu vẩy cá (1995), Giấc mơ lưới (1998), Hoàng hôn độc bình (2002), kể cả trường ca Ngã ba Đồng Lộc, Biển và tôi (2007). Nói thế để thấy, ở đây, cái khác là về biểu hiện còn thực chất, bản chất vẫn là một. Có nghĩa, tính chất trẻ thơ trong tập thơ đã làm phong phú thêm về Nguyễn Ngọc Phú. Ngoài ra, còn một lí do khác để tôi khẳng định, rằng ở Mùa chim vẫn là một Nguyễn Ngọc Phú, đó là: trong tập thơ, sự trở về của nhà thơ đôi lúc vẫn chưa trọn vẹn. Điều đó được/bị thể hiện ở một số câu thơ mang đậm tư duy và logic người lớn như: Suối mềm uốn tấm lưng cong (Tóc suối), Ca dao bắc cầu dãi yếm (Từ hạ vào thu), Lá chanh thơm mượt tóc em (Lá) thường liên tưởng tới những so sánh kinh điển của thơ ca dân gian với hình tượng người con gái đẹp mà chủ thể là gã si tình. Hay như câu: “Thuyền ơi! Lòng thuyền rỗng thế/ Chứa bao tâm sự vơi đầy” (Hỏi thuyền) có vẻ đứa trẻ này đã nặng lòng với nhân thế cần lao, khác với tính chất hồn nhiên là toát yếu của toàn tập.
-------------------------------------------------------------------------
* Nguyễn Ngọc Phú, Mùa chim (thơ thiếu nhi), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2013.
1. Đào Xuân Quý (chọn dịch và giới thiệu), Thơ Tagor, Nxb Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.147
2. Nguyễn Khắc Viện (1995), mục từ “Ngây thơ” trong Từ điển tâm lí học, Nhà xuất bản thế giới - Trung tâm nghiên cứu trẻ em, Hà nội, tr.232.
Ths.Nguyễn Mạnh Hà