Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Góp thêm với anh Trương Thiếu Huyền

Nguyễn Ngọc Kiên
Thứ sáu ngày 28 tháng 6 năm 2013 5:52 PM

Trên Facebook, tác giả Trương Nhân Huyền có viết về trường hợp hai tác giả Hải Phòng xem ai viết trước câu thơ có “gom” và “cõng cánh cò”. Xin lược thuật lại như sau:
Tác giả Phạm Xuân Trường viết: “Xin gom ngọn gió ngoài đồng / Cánh cò cõng cả dòng sông mang về”. Tác giả Phạm Ngọc Châu viết: “  Tôi gom những ngọn gió đông  / Gom cánh cò cõng dòng sông mang về”.
 Đầu tiên thấy Phạm Ngọc Châu ý bảo Phạm Xuân Trường “dùng” lại ý thơ của mình. Ngay sau đó thấy có người chứng minh câu thơ của Phạm Xuân Trường có trước, Phạm Ngọc Châu đã có lời ngỏ, xin lỗi vì đã đưa ra nhận xét vội vàng.
Từ chuyện của trên, Trương Nhân Huyền đã tra trên mạng, thấy những câu thơ có “gom” và  “cánh cò cõng” hơi bị nhiều, tác giả này cho rằng, có vẻ như bản quyền của “gom” của “cánh cò cõng” cũng không thuộc về hai tác giả trên. Trương Nhân Huyền còn dẫn ra một số ví dụ sau:
Cánh cò cõng nắng sang sông
Diều bay lơ lửng mây bồng bềnh trôi
                                    (Thanh Thủy)
Cánh cò cõng nắng qua sông
Chở luôn nước mắt cay nồng của cha
                              (Không rõ tác giả)
 Cánh cò cõng nắng trời xa
Chở luôn nước mắt của cha đi rồi
                                  (Thành Huân)
Câu đồng vọng, nhịp đò đưa
Cánh cò cõng cả cơn mưa cuối trời
                                   (Trần Xuân Trường)
 Cánh cò cõng nắng cõng mưa
Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương
                             (Không rõ tác giải)
 Tôi ngồi gom tiếng ve rơi
                             (Đỗ QuangHuỳnh)
Tôi ngồi gom góp ánh trăng
Tối mùa thu trải ra sân mà buồn
                               (Nguyễn Bảo Giang)
A- còng em lướt vi vu
Tôi ngồi gom cả mùa thu tặng mình
                                       (Phương Thảo)
Tôi ngồi gom lá đốt thành thơ
Để khói bay theo gió hững hờ
                                   (Không rõ tác giả)
Tôi ngồi gom, dệt ý thơ
Đêm ơi đêm rất bơ vơ nỗi niềm
                                        (Không rõ tác giả)
Qua đây, người viết bài này không muốn đi sâu vào “nghi án” đã khép lại mà chỉ muốn góp thêm đôi điều về sự trùng lặp ý tưởng và cách diễn đạt trong thơ. Có một tác giả - nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa -  hồi  lên mười tuổi (1968) đã viết: Đàn cò áo trắng / Khiêng nắng / Qua sông / Cô gió chăn mây trên đồng / Bác Mặt trời đạp xe qua đỉnh núi. (Em kể chuyện này)
Chúng tôi cho rằng “cõng” hay “khiêng” đều là cùng một ý tưởng mà ra! Có khác chăng là do cách sử dụng từ ngữ để biểu đạt mà thôi!
Về hiện tượng trùng lặp ý tưởng hoặc câu chữ, có ba khả năng sau:
1) Có thể tác giả yêu thích, đọc thuộc lòng và nhập tâm câu thơ mà mình yêu thích, xong đến một lúc nào đó xúc cảm, bật ra và nghĩ rằng đó là của mình.
2) Hai tác giả có thể có những câu thơ trùng nhau một cách ngẫu nhiên (những tư tưởng lớn thường gặp nhau!)
3) Tác giả vì yêu thích một câu thơ nào đó, thậm chí cả đoạn thơ, bài thơ của người đi trước và cố tình mượn lại, song phải có chú thích. (Trường hợp Tố Hữu mượn cả bài thơ của Hồ Chủ tịch trong Theo chân Bác)
Trở lại với chuyện nhà thơ Trần Đăng Khoa. Bài Thơ tình của người lính biển của anh được sáng tác tại Hải Phòng (1981), trong đó có 5 khổ thì mỗi khổ đều có câu: Biển một bên và em một bên.  Nhưng thật ra trước đó, nhà thơ Tế Hanh đã có bài tứ tuyệt Sóng in trong tập Theo nhịp tháng ngày (1974), nguyên văn như sau:
Biển một bên em một bên
Ta đi trên bãi cát êm đềm
Thân buông theo gió, hồn theo mộng
Sóng biển vào anh với sóng em
Sau này có người hỏi Trần Đăng Khoa thì anh nói rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy nhiên, những lần xuất bản sau anh đều ghi là mượn ý câu thơ của  Tế Hanh. Đó là cách ứng xử rất có văn hóa của nhà thơ!
Trong văn học dân gian vẫn lưu truyền câu ca dao: Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi! Sinh thời, thủ tướng Phạm Văn Đồng rất thích hai câu này và đã bình về cái hay cái đẹp của nó trong  “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Gần đây, trên trannhuong.com, tác giả Thái Doãn Hiểu cho rằng, hai câu đó là của Bàng Bá Lân (Của César hãy trả lại cho César). Không hiểu khi viết bài Buổi sáng nhà em thần đồng thơ Trần Đăng Khoa có tham khảo hai câu này hay không, nếu có thì chúng tôi cho rằng đó là sự tiếp thu đầy sáng tạo: Bố em vác điếu đi cày / Mẹ em tát nước nắng đầy trong khau.
Tuy nhiên, trong sáng tạo nghệ thuật, những trường hợp sau thì không thể chấp nhận được. Để diễn tả hạn hán, có người viết: Con đỉa chết vắt ngang mô đất. Câu thơ rất hay, lập tức có người đã phỏng theo mô típ này: Con ốc chết trên mô bùn trắng vỏ; hoặc: Con cua chết phơi càng mô đất.
Trong bài thơ Nói chuyện với sông Hiền Lương, nhà thơ Tế Hanh viết: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị / Tận chân trời mây núi có chia đâu; sau đấy cũng có người nhái lại: Đồng vẫn xanh một màu xanh năm tấn.
Trần Đăng Khoa, (lại Trần Đăng Khoa!), có viết một câu thơ xuất thần, khi còn sống nhà thơ Tố Hữu đã phải thốt lên, giời đã đặt một câu thơ vào miệng một cậu bé: Ngoài thềm rơi chiếc lá đa / Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng. Sau  này cũng có người muốn xuất thần … như Trần Đăng Khoa: Giữa lòng tôi hoa đại thơm nghiêng! Có ai biết “thơm nghiêng” với “thơm đứng” là thế nào không nhỉ?
Tuy  nhiên, có những trường hợp nhà thơ nổi tiếng mượn lối diễn đạt từ một bài thơ nổi tiếng bằng chất liệu của mình thì lại được dễ dàng chấp nhận. Trong bài Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa có câu: Rồi con diễn kịch giữa nhà / Một mình con đóng cả ba vai chèo. Nguyễn Duy trong bài Vợ ốm cũng viết: Việc thiên việc địa việc nhà / Một mình anh vãi cả ba linh hồn. Chúng tôi không cho rằng, một nhà thơ tài hoa như Nguyễn Duy mà lại không đủ ngôn từ để diễn đạt ý tưởng; vấn đề là ở chỗ, tác giả chỉ mượn một cách diễn đạt trong một bài thơ vốn đã rất quen thuộc để diễn đạt cảm xúc của mình mà thôi!
Trường hợp nhà thơ Vương Trọng thì lại khác! Trong kho tàng ca dao Việt Nam có bài rất nổi tiếng về hoa sen: Trong đầm gì đẹp bằng sen / Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng / Nhị vàng bông trắng lá xanh / Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Nhà thơ Vương Trọng đã mượn cách nói của ca dao để viết về vợ mình một cách rất tếu táo thế này: Trong nhà gì đẹp bằng em / Mắt xanh, môi đỏ, lại thêm răng vàng / Răng vàng, môi đỏ, mắt xanh / Gần chồng mà chẳng … hôi tanh mùi chồng! Nghe nói, khi bài thơ ra đời, bác Trọng bị “cấm vận” một thời gian khá dài, sau đó phải viết bài Hoa hậu của nhà để làm lành đấy!
Theo thiển nghĩ của người viết bài này, thay vì bàn cãi  ai là người có ý tưởng này trước, chúng ta hãy cứ nghĩ ra một cách diễn đạt thật mới, thật hay, thật độc đáo đi, lập tức sẽ được người đời ghi nhận. Thế là hết chuyện!


(Bài viết này có sử dụng một số tư liệu trên báo Văn Nghệ (1981), tác giả không nhớ số vì đã quá lâu rồi và chỉ ghi lại theo trí nhớ.)