Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vũ Bằng-Vũ Hoàng Chương đi hát ả đào

Trịnh Kim Thuấn
Chủ nhật ngày 30 tháng 6 năm 2013 8:50 PM
Chuyện cũ kể lại

 Đúng như dự định , ngày 31 tháng 10 năm 1971 vừa qua là ngày kỹ niệm 10 năm Văn Học xuất bản. Anh em tòa soạn họp mặt Câu Lạc Bộ Văn Bút đông đủ , già có, trẻ có. Khoảng 50 người bên đĩa xôi gấc đỏ, màu đỏ của dân tộc anh hùng luôn luôn chống ngoại xâm. Bên miếng chả trâu có thơm mùi lá thì là , hương thơm của người miền Bắc  đem từ Hà Nội vào Sài Gòn. Và anh em nhà văn, nhà thơ, nhà báo  thân mật kể chuyện tâm tình bên ly nước trà mạn thơm nồng bốc khói. Những chiếc bánh đậu xanh bùi, ngọt đậm tình văn nghệ. Bên những ly rượu mạnh làm hăng say câu chuyện kể cho nhau nghe những giai thoại nhà văn làng báo.

Nhưng tất cả bỗng yên lặng khi nghe tiếng đàn đáy vang lên. Tiếng sên, tiếng phách, tiếng trống chầu mở đầu đêm hát ả đầo sau buổi họp mặt.

Trong chiếc áo the đen, khăn xếp trên đầu. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương ngồi trước bục gỗ , tay cầm dùi trống giơ lên đánh từng tiếng, nghe như tiếng trống năm nào thuở Hà Nội thanh bình có Ngã Tư Sở, Khâm Thiên, Vạn Phú … nơi mà anh em văn nghệ tụ họp hàng đêm để phì phào, phiện phò, ca hát …

Tiếng phách lọc cọc của nữ nghệ sĩ Huệ Đăng đều đều gõ, tiếng cô Minh Ngọc giới thiệu bài : Gác Cuồng Ngâm của thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã sáng tác đăng trong bài Gác Dì Năm in trong Văn Học số 138 chủ đề Văn Nghệ Sĩ và Thú Hát Ả Đào và cũng là số báo Kỹ niệm 10 năm Văn Học góp mặt. Sau lời giới thiệu tiếng cô Huệ Đăng hát :

                    (Mưỡu)            Từ phen sóng nước gieo neo.
                                            Mây hoa tan tác, mây bèo nổi trôi.
                                            Thú xưa còn bấy nhiêu thôi.
                                            Hồn thi nhân với giọng người danh ca .

Rồi tiếng trống của nhà thơ họ Vũ điển nghe thật thấm thía. Làm những người ngồi nghe im lặng. Gật gù, có những bạn say mê nghe vội lật cuốn báo Văn Học số 138 ra để tìm trang có in trọn bài thơ để theo dõi cho trọn vẹn.

Tiếng cô Huệ Đăng hát tiếp :

                   (Muỡu)           Mặt nhìn mặt còn ngỡ trong giấc mộng.
                                           Phải rằng đây vắng bóng một thời xưa.
                                           Gác cuồng ngâm thuở ấy họp bình thơ .
                                           Người trong cuộc bây giờ đâu nhạn , cá ?

Tiếng trống nhà thơ họ Vũ vẫn đều, đều. Tiếng vỗ tay của những anh em ngồi nghe tán thưởng. Có một bạn trẻ : anh Trang Châu lên tiếng : thú thật từ nhỏ tôi chưa được nhìn tận mắt, nghe tận tai hát ả đào, bây giờ được chứng kiến thấy thú quá. Anh Lê Văn Phong cũng góp tiếng : Tôi xa quê hương đã mấy năm, sống bên Nhật chỉ được nghe hát ả đào do những nghệ sĩ Nhật Bản trình diễn, còn nghe hát cô đầu Việt Nam thì đây cũng là lần thứ nhất tôi mới nghe các cụ hát. Rồi tiếng cô Huệ Đăng lại hát tiếp :

                                             Giai nhân hoàn bội quy trường dạ.
                                             Danh sĩ phong trần tẩu mỹ nhiêm.
                                             Trãi tang thương cùng đau đớn nỗi niềm.
                                             Nhịp xênh phách lại càng thêm gợi nhó .

Tiếng cô Huệ Đăng hát đến đoạn nầy vừa dứt, tôi nhớ lại hình bóng cụ Nguyễn Hữu Dung (2), nhớ lại những anh em đang cầm súng nơi tiền đồn như Trần H. Thư, Thế Hoài, N. Thế Vinh, Phạm Thanh Chương … đã có thơ văn đăng trong Văn Học nhưng đêm nay không có hoàn cảnh về tham dự buổi họp mặt hôm nay. Còn những Luân Hoán bây giờ đã là phế binh đi đứng rất khó khăn, những Vương Thanh, Phan Như Thức … đã là những ông Nghị, những nhà giáo đang lăn mình xây dựng  Quảng Ngãi Nghĩa Thục để làm nơi học tập cho những học sinh thiếu may mắn không nơi ăn học. Và còn nhiều những văn hữu khác của Văn Học đang vì hoàn cảnh này nọ, không về họp mặt được .

Tiếng cô Huệ Đăng hát đoạn cuối :

                                    Lệ trên tiệc những hơn người chan chứa.
                                    Xót cho nhau mang lấy chữ Tài chi.
                                    Đâu đây chợt vẳng tiếng TỲ.

Câu Tỳ vừa dứt, tiếng trống họ Vũ gõ mạnh. Kết thúc bài hát. Tiếng vỗ tay vang lên. Phá tan sự im lặng mười lăm phút trôi qua. Rồi tiếng anh em đề nghị : Vũ Bằng đâu ? Ra cầm chầu đi chứ. Viết thì không ai theo kịp, nhưng thực hành đi chứ ?. Anh em đang nhớn nhác đi tìm ông Vũ Bằng, thì một ông già người cao lênh khênh, gầy, mặc bộ đồ tây trắng đã ngã màu vàng. Ông thong thả tiến đến bục gỗ kéo chiếc ghế đẩu ngồi quay xuống phía anh em. Tay ông cầm chiếc dùi đánh trống thứ nhất báo hiệu một chầu hát tiếp theo. Tiếng đàn đáy tưng từng, tửng tưng, tiếng phách lóc cóc, lóc cóc đều đều, tiếng trống bung bung bung. Tất cả anh em lại im lặng nghe. Tiếng cô Minh Ngọc cất lên giới thiệu bài thơ Mừng báo Văn Học kỹ niệm đệ thập chu niên đêm 31-10-1971 tức 13-9 Tân Hợi tại Câu Lạc Bộ Trung Tâm Văn Bút số 107 đường Đoàn Thị Điểm - Sài Gòn. Bài thơ nầy do cụ Linh Điểu sáng tác và do cô Huệ Đăng hát, bạn Văn Năm đàn đáy, nhà văn Dương Thiệu Mục cầm trống chầu. Nguyên văn bài hát như sau :

                        (Mưỡu)    Nguyệt san Văn Học là tên.
                                        Quý thu Tân hợi chu niên thứ mười.
                                        Trung tâm Văn bút là nơi .
                                        Có thơ, có ruợu đón mời tao nhân.

                        (Nói)       Đêm thu tại Trung Tâm Văn Bút.
                                        Rượu nghiêng bầu chén chuốc đón tao nhân.
                                        Khách văn chương dù lắm bước phong trần.
                                        Bao văn hữu vẫn xã thân say văn nghiệp.
                                        Dị thư khả ái như minh nguyệt.
                                        Giai sĩ tương phùng thắng hảo hoa.
                                        Ngọn bút thần tô thắm lại sơn hà .
                                        Xây văn hóa quốc gia thêm vững chắc,
                                        Tình hàn mạc, chân thành sâu sắc.
                                        Nghĩa kim bằng tương đắc hóa tương thân.
                                        Thanh cao là mối duyên văn.
                                                                                             LINH ĐIỂU.

Khi tiếng hát cô Huệ Đăng đang trầm bổng, thì ông Vũ Bằng đến bên tôi ngồi, khề khà tay cầm ly ruợu. Ông Bằng nói : Tay Mục đánh trống giống tay Chương, vẫn tiếng trống buông suôi, chứ không phải tiếng trống bóc như các tay khác.

Tôi hỏi : Tiếng trống buông suôi là nó thế nào ? và tiếng trống bóc nó thế nào ? Ông lại lý thuyết rồi, sau chầu nầy ông lên biểu diễn tiếng trống bốc cho anh em nghe chơi.

Ông Bằng đưa ly rượu lên miệng làm một hơi hết. Ông thong thả nói :

-    Tiếng trống buông suôi là tiếng trống Vũ Hoàng Chương vừa đánh và bây giờ Dương Thiệu Mục đang đánh. Tiếng trống buông suôi nó không kêu to nhưng nó kiểu cách, nhẹ nhàng. Còn tiếng trống bóc là tiếng trống đánh nghe nó to, nghĩa là một tay bịt một nửa , lúc dùi trống giáng xuống mặt trống nghe nó to và dòn. Đa số các cụ ngày xưa thì thích đánh trống buông suôi còn thanh niên như bọn tôi thì thích lối đánh  bóc.

Tiếng trống của nhà văn Dương Thiệu Mục vừa dứt bài hát, anh em lại vỗ tay khen, lúc này ông Vũ Bằng không trốn đi đâu được, anh em hò ông Vũ Bằng lên cầm chầu, vì không thể từ chối được. Ông Vũ Bằng dõng dạc lên cầm máy vi âm nói :

-    Bây giờ tôi xin giới thiệu một tiếng trống mới, khác với tiếng trống buông suôi mà nhà thơ Vũ Hoảng Chương và nhà văn Dương Thiệu Mục vừa đánh. Đây là tiếng trống của văn hữu Trung Kều, bạn Trung Kều sẽ biểu diễn tiếng trống bóc khác hai tiếng trống mà các bạn đã được nghe vừa qua. Sau khi giới thiệu xong ông Vũ Bằng nhường chỗ cho văn hữu Trung Kều, thế là ông Vũ Bằng thoát nợ cầm chầu mà anh em đang yêu cầu.

Văn hữu Trung Kều cầm chầu đánh tiếng trông nghe dòn và to. Cô Minh Ngọc giới thiệu cô Huệ Đăng sẽ hát bài Gặp gỡ cô đầu cũ của tác giả Dương Khuê.

Nguyên văn bài hát như sau :
                                                  Hốt ức lục thất niên tiền sư.
                                                  Nợ phong lưu chưa giả hương nguyền.
                                                  Đến bây giờ lại gặp người quen,
                                                  Nỗi lưu lạc, sự ghét ghen là thế thế.
                                                  Thiếp tự thân khinh lang vị khí,
                                                  Thần tuy tội trọng để do liên.
                                                  Can chi mà tủi phận hờn duyên.
                                                  Để son phấn đàn em sau khúc khích.
                                                  Ý trung nhân chỉ khả tình tương bạch.
                                                  Thôi bút nghiên, sênh phách cũng đều sai.
                                                      Trông nhau nói nói, cười cười .

Bài hát nầy có ý nghĩa đặc biệt là bạn Trung Kều muốn tặng cho một đào nương trước đây mấy chục năm đã thân thiết và cùng nhau sênh tiếng phách ở đất Hà Thành. Rồi 54, đất nước chia đôi, mỗi người mỗi ngã. Bây giờ mới gặp lại nhau tao phùng trong tiếng sênh phách, gợi nhớ những kỹ niệm xa xưa. Tuy rằng bây giờ mỗi người đều hạnh phúc, có gia đình êm ấm, nhưng : cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ khó ai quên .

Tôi cũng xin được nói thêm phải nói rằng đêm tao phùng nầy có chầu hát ả đào là do công văn hữu Trung Kều đứng ra lãnh phần mời các đào nương tới dự. Chứ riêng tôi thì làm sao biết được các danh ca đất Bắc khi xưa. Vì cái thuở đất Hà Thành còn thịnh hành hát cô đầu, tuổi tôi còn thò lò mũi xanh và cho đến bây giờ biết cô đầu cũng là do sách vỡ và nghe chuyện mấy nhà văn lão thành kể lại thôi.

Đêm tao phùng kéo dài tới 23 giờ đêm thì tàn. Người nào ra về cũng gật đầu ra chiều thỏa mãn. Cụ Vũ Hoàng Chương tuy tối nay hơi mệt trong người nhưng vẫn cố khăn đóng áo dài dục hiền nội đi dự buổi hát nầy. Khi ra về cụ Vũ Hoàng Chương nói với tôi :

Đây là buổi hát thú nhất từ năm 54 đến nay. Vì từ ngày xa quê hương mấy chục năm vào đây môn hát cô đầu đã biến mất. Nhiều lúc muốn cũng không được thưởng thức lại, tôi cứ tưởng vào đây đến khi nhắm mắt là không còn được thấy bóng dáng cô đầu nữa.

Tôi vội đỡ lời cụ Chương và nói : Thưa Bác nếu từ nay đến Tết không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ tổ chức buổi hát ả đào nữa và sau chầu hát sẽ là chầu đánh tổ tôm. Chắc hai môn nầy các cụ thú lắm. Vì nó là hai thú chơi tiền chiến đã mai một.

Cụ Chương hỏi dồn : Thế định bao giờ tổ chức ?

Dạ ! Có lẽ khoảng 15 tháng chạp năm nay, nhân buổi Tất niên của báo Văn Học. Bây giờ anh em đang lo tổ chức đấy. Mong các cụ giúp cho một tay cho thêm đông và kết quả.

Tôi tiễn cụ Chương ra đến cổng thì mỗi người mỗi ngả. Màn đêm đã bao trùm lên khu Câu Lạc Bộ Văn Bút. Chúng tôi hẹn nhau anh em ngày khác gặp lại để tao phùng văn nghệ.

                            Sài Gòn  01-11-1971  PHAN-KIM-THỊNH
_______________________________________________

Tựa bài : Vũ Bằng – Vũ Hoàng Chương đi hát ả đào do người sưu tầm đặt .

(1)    Trích  trong bài Tên còn đó, người còn đâu ! của Phan Kim Thịnh đăng trong nguyệt san Văn Học số 139 – năm 1971. Sài Gòn.

(2)    Nguyễn Hữu Dung, cựu Đổng lý văn phòng – Bộ Thông Tin thời Đệ nhất cộng hòa – miền Nam.

        27/6/2013   người sưu tầm TRỊNH KIM THUẤN