Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn Trần Nhương: “Vui là chính”

Phan Thị Thanh Nhàn
Thứ năm ngày 20 tháng 6 năm 2013 4:10 PM


ANTĐ - Lần đầu tiên tôi đi công tác cùng nhà thơ Trần Nhương là chuyến lên Cao Bằng tham gia trại viết về chủ đề Biên giới và Hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam tháng 11-2011 vừa qua. Trần Nhương năm nay đã 70, là người nhiều tuổi thứ hai của trại, chỉ sau nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhưng có lẽ anh chính là người làm việc nhiều nhất và hiệu quả nhất trong số 15 người chúng tôi.

Tuyến đường biên giới vốn quanh co, vượt qua cả chặng đường dài khiến ai nấy đều mệt. Ăn uống xong là lăn ra ngủ. Vậy mà sáng hôm sau dậy, đã thấy trên website của anh nào tin, nào ảnh về chuyến thăm đồn biên phòng, lại còn cả một clip rất sinh động.  Anh làm việc chắc chắn là vào đêm qua, khi cả đoàn đã ngủ ngon. Tiếng là “ông già” nhưng  sức làm việc của Trần Nhương xem ra ngang ngửa với đám thanh niên.

Không chỉ là nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ… anh còn làm cho báo Người cao tuổi. Dù đang ở mãi tận biên giới, nhưng chỉ với cái máy tính, USB 3G Trần Nhương vẫn biên tập bài vở như đang ở tòa soạn, vẽ minh họa rồi “bắn” bài về với tôi, anh là một người biết sống, biết làm việc và… biết chơi hết mình.
Trong những ngày đoàn nghỉ ngơi ở thị xã Cao Bằng, chúng tôi, người thì thăm bạn bè, người vãn cảnh, chơi chợ… thì bỗng Trần Nhương biến mất. Hóa ra anh “trốn” ra bờ sông Bằng, ngồi vẽ. Tôi thích cách vẽ phóng khoáng của Trần Nhương. Dạo anh triển lãm tranh cùng nhà văn Nguyễn Khắc Phục, ở Bảo tàng Mỹ thuật, tôi đã nhờ anh vẽ một bức tĩnh vật hoa cỏ. Khi đến nhận tranh, anh hỏi định treo ở đâu, tôi bảo để tặng gia đình cậu em sắp khánh thành nhà mới, thế là anh mang bức tranh, quay lại phòng khách nắn nót lấy bút vẽ ghi lời đề tặng của “chị PTTN” cho gia đình em trai bên cạnh chữ ký của họa sĩ! Tôi kêu trời, vì cần chi phải bày vẽ thế, để lỡ em nó không thích, nó còn cho người khác, Trần Nhương cười:

Quẳng là quẳng thế nào, có khi con cháu nó còn giữ mãi ấy chứ! Bà cứ tự tin đi…

Tôi đã đọc một mạch, tập truyện ngắn “Nhân tình của mẹ” mà anh vừa tặng trong chuyến đi Cao Bằng. Lúc đầu, nhìn cái tên hơi… thị trường, tôi ngại, nhưng rồi chỉ lật vài trang sách, tôi bỗng bị hút vào mạch truyện, đọc liền một mạch không dứt. Cái kiểu bông đùa trong tính cách của Trần Nhương vậy thôi. Nhưng trong văn chương lại là một Trần Nhương khác, thâm trầm và sâu sắc. Hóm hỉnh và chua chát khi anh viết về nỗi bất hạnh của những người phụ nữ trong tình yêu, cùng cả những chi tiết rất “đời”.  Trong mắt tôi, anh thực sự là một nhà văn hiện đại. Đó là tôi chưa nói đến tập tản văn và bút ký “Tản mạn MONGO” gồm 19 bài viết của anh, phần nhiều đã đăng trên các báo, cũng rất sinh động và hấp dẫn. Vừa rồi Trần Nhương bán hai tập sách ấy trên mạng, nghe nói cũng thu được ít tiền.  Nhà văn - Họa sĩ Trần Nhương còn là người rất yêu quý gia đình. Khi tôi đến nhà anh chị ở phố Trường Chinh, anh chị đã dẫn tôi thăm hết các phòng, mà nơi chúng tôi dừng lại lâu nhất là phòng tranh và sau đó còn gọi cháu nội, bé Đu Đủ ra khoe. Cô bé thật lanh lợi, nhanh nhẹn và thông minh, y như ông Trần Nhương của cháu vậy.

Để khép lại bài viết, tôi cóp bài thơ tự họa của Trần Nhương để bạn đọc hiểu thêm “lão già vui là chính” này. Trần Nhương luôn tự nhận mình ham chơi, lấy VCL (vui là chính) làm “khẩu hiệu”. Anh tự họa:

Gió Tháng ba vẫn thổi
Gió bát ngát đồng rừng
Thơ thì toàn là gió
Hội họa toàn là mông
….Hắn bảo “vui là chính”
Có em nào yêu không?

Phan Thị Thanh Nhàn