Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đọc truyện ngắn Phan Văn Tạo

Ngọc Châu giới thiệu
Thứ năm ngày 9 tháng 5 năm 2013 10:01 PM


Nhà văn Phan Văn Tạo sinh năm 1920 tại Tranh Xuyên, Hải Dương. Vào Nam năm 1954, sang Pháp năm 1975 và mất năm 1987 tại Paris (Pháp).

Ông viết nhiều hồi kí, thời sự và truỵện ngắn cho tạp chí BÁCH KHOA, là một tạp chí uy tín thời bấy giờ với nhiều bút hiệu, trong đó có tên thật là Vũ Bào.
Tập truyện CÁI BONG BÓNG LỢN có thể được xem là ghi chép của một thời kì lịch sử, qua đó người đọc biết thêm những phong tục xưa cũ mà hiện nay đã bị mai một đi nhiều, cũng như thêm yêu những nét dân gian rất đỗi bình dị, thân thiết và hiền hòa.

(theo giới thiệu in ở trang bìa sách)


DỌN NHÀ

   Truyện ngắn Phan Văn Tạo


Văn đang lúi húi vẽ ngang dọc trên một trang giấy có kẻ ô vuông, bỗng vứt bút ra một bên rồi kêu ầm lên:-         “Cho tôi một tờ giấy khác đi. Vẽ nhầm mất một ô rồi”.Thì ra Văn đang vẽ bình đồ căn nhà mà anh sắp dọn tới. Ba thước tám bề ngang, một thước hàng ba, bốn thước phòng ngoài, năm thước phòng trong, ba thước sân, ba thước bếp. Anh thuộc lầu những kích thước đó rồi thu lại trên giấy theo một tỷ lệ. Khi anh đặt xong vị trí các ô cửa sổ và cửa ra vào, anh bắt đầu kê đến đồ đạc.

Đây là bàn ăn. Anh vừa vẽ chiếc bàn và sáu chiếc ghế vừa lẩm bẩm: “Có lẽ phen này phải mua bộ sa lông mới được”. Đây là giường bà Cụ đẻ ra anh, giường hai đứa con giai, đây là ghế bố của đứa con gái út, giường của vợ chồng anh. Ngọn bút của anh đang đi nhanh thoăn thoắt bỗng dừng lại ngập ngừng “Bây giờ mua cái tủ nữa thì kê đâu đây?”

Còn gần nửa tháng nữa anh mới sang nhà mới thế mà ngày nào cũng vậy, anh cũng huỳnh huỵch vẽ đi vẽ lại, kê vào kê ra, dọn nhà một cách tuy là tinh thần mà thật là vất vả.

Chị Văn thực tế hơn nhiều. Chị thu xếp thủng thẳng mà gọn gàng được việc. Để mặc chồng loay hoay tính toán ở những phạm vi cao siêu, chị thu nhặt những mảnh giấy, mẩu dây, cái đinh, thanh gỗ, vật gì cũng nhìn thấy công dụng của nó. Chị bỏ va-li, hộp giấy ra phơi phong rồi những thức gì chưa dùng đến ngay, chị đóng gói lại, gói ghém và vuông vắn. Phải nhìn thấy chị đóng đồ mới thấy cái tài của người đàn bà  biết khai thác sức chứa của những dung tích chật hẹp.

Chị lặng lẽ làm việc, bận luôn tay mà không lúc nào cần phải om sòm rối rít. Văn đôi khi coi sự im lặng của vợ như một thách thức, hình như vợ chỉ là một người giỏi về thực hành mà dám khinh nhờn một bộ óc đầy những công thức.

Văn còn lạ gì việc dọn nhà nữa? Từ lúc còn là học trò đi trọ học, giang sơn vỏn vẹn một chiếc rương sơn đỏ với một chiếc cặp da, đến khi lấy vợ đẻ con mà đồ đạc ngoài chổi cùn rế rách có cả đến bình sữa vú cao su, kim băng tã lót, anh đã biết bao lần thay đổi chỗ ở.

Có lần tung tăng như chim non mới mọc cánh đi với vợ về ngôi nhà mới, theo sau là chiếc chăn bọc sa tanh với cặp gối hồng thêu đôi chim nhạn.

Có lần kinh hoàng, tay lôi vợ rũ rượi, tay ghì con đỏ hỏn, chạy chữ chi trên những con đường đào giao thông hào, gối đã mỏi mà còn muốn bước nhanh hơn làn đạn réo sau lưng.

Từ Hà-Nội dọn về quê, long tong hết các tỉnh khu ba, khu bốn rồi lại từ quê dọn về Hà-Nội. Rồi cùng với non triệu người nữa dọn đi Saigon, hành lý có hai mươi cân mà nặng trĩu gánh sầu đất nước.

Sang được căn nhà thì Bình Xuyên lại bắn phá, anh lại dọn.

Mỗi lần dời chỗ thế này là một lần vương vãi thất lạc, không phải chỉ những đồ vật hữu dụng có thể mua sắm thức khác thay thế được mà còn cả những kỷ niệm vô giá vì không bao giờ có nữa như bức ảnh độc nhất của bà nội anh hay chiếc hoa hồng ép dẹp giữa quyển tự vị mà chị tặng anh khi chị còn là nữ sinh trường Đồng Khánh.

Nghĩ đến những ngày đã qua Văn sợ dọn nhà lắm rồi. Đừng ai nói đến chuyện đổi chỗ nữa. Văn chỉ mong yên ổn sống tại ngôi nhà đang ở, thèm khát một cái gì bền chặt sau bao nhiêu bồng bềnh.

Ấy thế mà lần này Văn lại dọn nhà, dọn một cách thích thú, say sưa. Chỉ vì căn nhà anh sắp dọn tới là căn nhà anh vừa mới mua, là căn nhà của anh. Anh đã nghe nói nhiều và cũng đã bàn tới nhiều về quyền tư hữu, nhưng anh chỉ mới hiểu quyền đó một cách thấm thía từ khi anh mua căn nhà mới.

Năm năm trời dành dụm, thêm hai bát họ mua non, với một số tiền  vay của hai cô em gái mới đủ trả tiền nhà. Tính mỗi tháng ăn tiêu dè xẻn để ra được một nghìn, thì cũng phải bốn năm mới hết nợ. Nhưng đó là chuyện về lâu về dài. Bây giờ anh hãy dọn nhà đã. Và anh cặm cụi vẽ vẽ, xóa xóa, mãi chưa thấy hài lòng. Mới trông bài toán nào có khó gì cho cam. Xếp một số đồ đạc vào hai căn phòng. Vỏn vẹn có thế thôi. Nhưng xếp đồ vào căn nhà thuê của người khác thì đâu có thành vấn đề. Chỉ có xếp đồ vào căn nhà của mình mới mua thì mới thật là nát óc. Chính là cái mối tương quan mới giữa đồ đạc và căn nhà là điểm tế nhị.

Chị Văn thấy chồng cứ loay hoay mãi, cũng phải nói vào: “Để đến nơi mới trông ra chứ kê trên giấy thì biết đến bao giờ mới xong”. Văn đứng lên nhưng vẫn cố giữ phần phải về mình:

-         “Có tính trước vẫn hơn chứ! Thôi bây giờ tôi còn phải đi ăn cơm tiễn anh Long đi Mỹ. Cho tôi bộ quần áo với caravate đi”.

-         “Em gói kỹ lắm rồi bây giờ không thể lấy ra được”.

Có lẽ lúc khác Văn đã bực mình lắm. Nhưng lần này Văn thản nhiên mặc sơ-mi ngắn tay đi ăn cơm khách mà không thấy chút gì mặc cảm. Chúng bạn ai cũng biết anh sắp dọn sang nhà mới. Ai mà còn khắt khe về y phục với một anh mới mua nhà?

Văn muốn dọn vào một hôm chủ nhật cho tiện. Nhưng chị Văn đã đi xem bói và thầy dậy mồng tám mới được ngày, không những hợp tuổi anh tuổi chị mà còn lợi cả cho tuổi bà cụ nữa. Nhưng mồng tám là ngày thứ sáu, anh phải đi làm. Bà cụ và chị Văn muốn anh xin nghỉ một ngày. Anh hơi ngại vì tháng trước anh đã nghỉ ba ngày rồi. Sau cùng mới đi đến giải pháp dung hòa. Thứ sáu mồng tám sẽ dọn lấy ngày và chủ nhật mồng mười dọn hẳn.

Sáng sớm mồng tám, trước khi đi làm Văn đưa vợ qua chợ mua một cái hỏa lò, một nắm củi thông, một bao diêm. Sau đó hai vợ chồng lại đằng nhà mới. Chị lau quét trong bếp cho thật sạch sẽ, kê hỏa lò ngay ngắn, trịnh trọng đặt nắm củi thông và châm diêm đốt. Củi cháy phừng phựt. Chị gọi chồng đến bên rồi nhìn vào ngọn lửa bằng con mắt chứa chan hi vọng. Chị bảo chồng: “Lửa reo mình ạ, dọn đến đây nhất định phải làm ăn phát tài”. Văn gật gù tán thưởng. Không biết lửa reo thật hay là lòng hai người đang reo.

Sau đó hình như không muốn cho hàng xóm trông thấy. Chị Văn đóng các cánh cửa lại, rồi mắt nhắm lim dim, chị chắp tay vái khắp bốn phương, vừa vái vừa suýt soa khấn khứa. Văn không nghe thấy vợ khấn những gì nhưng cứ trông dáng điệu thì thấy vợ để hết cả thành tâm kính ý van xin Trời Phật phù trì.

Tối thứ bẩy, chị Văn mua một ít giò chả về kho để hôm sau khỏi đi chợ mua thức ăn. Còn Văn thì gọi ba đứa con lại căn dặn chúng cách thức sống ở nhà mới làm sao cho gọn gàng ngăn nắp. Anh nói rất kỹ nhưng chúng nghe bằng một tai rất lơ đãng.

Sáng chủ nhật, một chiếc xe chở hàng lù lù đưa cái lưng có mui cao gồ vào sát bậc cửa nhà anh. Trẻ con reo rối rít: “Xe đến, xe đến”. Anh chạy ra thì vừa gặp cô hàng xóm nhoẻn miệng cười rồi nói với anh: “Ông ở đây đang vui, bây giờ dọn đi xóm này buồn chết”. Lời nói chỉ là xã giao mà sao hôm nay thấy tình tứ lạ. Và thoáng một giây, anh thấy cô hàng xóm đẹp hẳn lên khác xa ngày thường. Anh lựa một câu mà anh cho là duyên dáng nhất để đáp lại:

“Chúng tôi đi cũng nhớ xóm làng lắm”.

Tiếng guốc chị Văn ở đằng sau cắt rất mau cái phút ẫm ờ đó và Văn hối hả giục những người phu chuyển đồ lên xe. Có những thứ mà anh không hiểu còn thu vén mang đi làm gì cho thêm bận. Anh bảo vợ vứt đi nhưng chị Văn trả lời bằng một giọng không ai có thể cãi được:

-         “Cứ để đấy cho tôi. Rồi dùng có việc hết.”

Bà cụ thân sinh ra anh ngồi yên một chỗ, hai tay ôm bức ảnh Phật Bà  Quan Âm, ngoài có bọc một cái màn cho khỏi vỡ. Hai đứa con giai mỗi đứa xách một cái cặp nặng mà còn chạy ra đá một trận banh tiễn biệt với lũ trẻ bạn chúng. Đứa con gái út thì chỉ lo nhặt các nút chai nhét đầy hai túi.

Đồ đạc chẳng có gì nên chỉ một giờ sau đã lên xe hết. Văn khóa cửa chính rồi nghĩ ngợi thế nào, lại mở ra, đi rảo vào hết các buồng một lượt nữa, soát xem có quên gì không. Mấy con nhện lững lờ đu ở trên trần như không có để ý gì đến cảnh đổi thay bên dưới.

Văn trở ra, khóa hẳn cửa lại rồi nói:

“Bà và mẹ nó lên ngồi chỗ bên ông tài, ba đứa con lên đằng sau, còn tôi đi xe đạp”.

Lũ trẻ bạn của các con anh bám tay vào đẩy cái xe chở đồ đang rồ máy. Chúng chạy theo một quãng và chỉ đứng lại khi không theo kịp tốc độ xe nữa.

Văn trước khi lên xe đạp còn ngoái cổ sang nhà bên cạnh nói với cô hàng xóm:

-         “Thôi xin chào cô. Chắc còn nhiều dịp gặp cô”.

Khi Văn về tới nhà mới thì đồ đã rỡ xuống xe. Anh móc ở túi ra cái bình đồ đã vẽ từ trước và bảo mọi người cứ theo đó mà kê. Song chỉ được một lúc là ai nấy đều thấy không thể theo ý kiến kỹ thuật của anh được. Cái mặt bàn cao hơn mép cửa sổ trông rất khó coi, giường lấn ra lối đi, và để được cái kệ sách thì không mở được cửa ra vào.

Lại đến chị Văn giải quyết và chỉ độ hai giờ sau trông đâu đã tạm vào đấy. Riêng anh vẫn có vẻ không chịu sự sắp đặt này và một vài cử chỉ của anh để thoáng lộ một sự phản đối âm thầm. Giữa lúc đó có tiếng trẻ reo lên. Huy, bạn thân của vợ chồng Văn, từ ngoài bước vào tay mang một cái gói bọc kín. Huy đến gần bà cụ sinh ra Văn trao cái gói tận tay cụ, và nói:

“Gọi là mừng Cụ với hai bác”.

Lũ con Văn nhẩy với lên đến tận tay bà để bóc cái gói và khi tờ giấy bọc đã tung ra mọi người kêu ầm lên:

“Quả gấc! Quả gấc!”

Bà cụ cảm động lắm đứng một hồi lâu rồi mới nói: “Được ông đến xông nhà, cậu mợ cháu làm ăn nhất định là may mắn. Tên ông có nghĩa là sáng đẹp, tính nết ông vui vẻ, quả gấc lại đỏ như thế này, thật là mọi sự tốt lành”.

Mọi người xử sự như việc Huy đến là một việc rất tự nhiên không có xếp đặt gì ở trong tuy rằng ai nấy đều rõ hôm trước chính chị Văn đã đi chợ mua quả gấc đó và đưa đến nhờ Huy tới xông nhà hộ. Lại dặn đúng giờ nào phải tới, e có người nào đến trước mà vía không lành chăng.

Khi Huy ra về Văn cũng biến đâu mất. Chị Văn không nói ra nhưng giận lắm không hiểu làm sao giữa lúc nhà bận thế mà Văn còn bụng dạ đi chơi được.

Chị đã nấu xong nồi cơm và đã dọn lên với món giò kho sẵn. Lũ trẻ kêu đói, chị đã cho ăn trước.

Vẫn chưa thấy Văn đâu cả. Muộn lắm mới thấy tiếng xe xích lô đỗ ngoài cửa và tiếng Văn kêu ơi ới:

“Ra đỡ hộ tôi một chút”.

Văn khệ nệ bưng vào một cái bể kính đựng đôi cá vàng vẻ mặt đầy đắc thắng. Rồi lại chạy trở ra ôm hai chậu hồng.

Cả buổi chiều hôm đó anh chỉ loay hoay, kê bể cá, đặt chậu cây, tưới hồng, cho cá ăn. Anh thoáng nghĩ tới mấy người bạn giờ này chắc đang ngồi trong mấy rạp chiếu bóng thường trực và thấy thương hại họ một cách thật thà làm sao họ lại có thể giải trí một cách nghèo nàn như vậy được.

Buổi tối, sau một ngày nhọc mệt cả nhà đi ngủ sớm Văn vẫn để đèn, hình như còn muốn ngắm kỹ thêm căn phòng mới. Hai vợ chồng cùng ngửa mặt nhìn lên trần, không ai nói với ai. Có một cảm giác gì êm đềm quá và họ muốn im lặng thật lâu để kéo dài cái giây phút đó. Bỗng Văn nói thật nhẹ:

“Này mình. Công nợ trả xong thằng lớn lấy vợ ta cơi lên một tầng lầu”.

                                                                                           PVT


XEM ĐÁ BANH

                       Truyện ngắn Phan Văn Tạo


Từ hàng ngàn lồng ngực phát ra một tiếng hét vang trời: “DÔ”.

Văn cùng gào lên với mọi người, nhưng tiếng anh hình như át trùm hết cả tiếng người khác – Lúc thường anh đã nói “Vào”, trong khi các bạn miền Nam của anh kêu “Vô” nhưng ở trận banh quốc tế này khi mà danh dự của cả dân tộc rực sáng hay lu mờ tùy theo trái banh da đi vào trong hay ra ngoài một cái khung gỗ trắng thì tất cả mọi người quên hết những dị biệt về ngôn ngữ và đều thống nhất ý chí trong một tiếng hò: “DÔ”.

Cái lúc hùng tráng như một thảm kịch đó, kêu “Vào” cũng không đúng mà kêu “Vô” lại càng sai. Phải kêu: “DÔ”.

“DÔ” mới là danh từ được công nhận. Dùng tiếng khác anh chỉ tỏ ra anh không phải là người của cầu trường.

Vậy thì tiếng “DÔ” khủng khiếp ấy đã nổi lên như sấm động.

Trái banh ngập ngừng luống cuống rồi như sợ hãi quá trước sức uy hiếp của tiếng hò, nó chui tọt vào thành, nằm nép mình dưới lưới im không động đậy.

Đội banh nhà vừa bị dẫn trước một bàn nay đã gỡ hòa – Từ mọi phía tiếng vỗ tay ran lên, đều đều, đều đều đến nỗi cho ta một cái cảm giác im lặng. Có tiếng kèn mừng nổi lên hấp tấp hình như người thổi kèn cũng hòa mình với sự say sưa của khán giả rồi quên cả nhịp điệu.

Vài chiếc nón, mấy chiếc dép cao su được tung lên trời, vừa rớt xuống lại được ném tiếp lên, cao vút như niềm hân hoan đang dâng lên cuồn cuộn.

Trong khi chờ đợi trái banh được đặt lại giữa sân, mọi người mới chợt nhận ra rằng trời nóng và nắng đang chiếu xiên khoai vào chỗ ngồi. Những lá quạt giấy trước đây im phăng phắc khi ai nấy còn mê man theo đuổi trái banh, bây giờ mới hoạt động trở lại trông dập dìu như những đàn bướm tím.

Văn đấm mạnh sang đùi Tuấn, anh bạn ngồi bên, rồi nói: “Cậu cho tôi khao cậu một chai nước chanh”.

*

*   *

Văn mê xem đá banh đã gần bốn chục năm nay rồi. Ngay từ năm lên sáu anh đã lăn lộn với trái banh. Theo định nghĩa quốc tế thì trái banh phải là một quả bằng da vòng tròn từ 68 đến 71 phân và cân nặng từ 396 đến 453 gam. Nhưng ở nơi Văn cứ mỗi tuổi trái banh lại có một hình thể khác nhau, kích thước khác nhau và không phải lúc nào cũng luôn luôn làm bằng da.

Khi anh còn học ở trường làng, trái banh của anh là một gói dẻ rách, tàm tạm tròn, có buộc dây chung quanh, đá một lúc dây bung ra, trận đấu ngưng lại để cầu thủ buộc dây thêm cho chắc. Vào khoảng tháng năm, tháng sáu khi cây bưởi ở vườn bà ngoại đã có trái non, anh thường hái trộm một trái làm banh. Nhưng nếu đá ngay thì bưởi dễ vỡ. Phải cắm trái bưởi vào một cái đũa dài rồi hơ lên bếp cho bưởi mềm đi, đá mới bền. Đặc biệt mấy ngày Tết nhà mổ lợn, lấy bong bóng đá, nẩy thì có nẩy nhưng không chơi được lâu và đá không thật chân.

Đến khi lên trường học phủ lỵ, Văn đã tiến bộ hơn. Phủ có một cái sân quần, ông Đồn và ông Chánh Đoan vẫn ra đánh vợt. Anh tán tỉnh với người nhặt banh mua lại một trái banh quần rồi đá cho đến khi nó tuột hết lần da trắng trơ cao su đen ra.

Sau đó là đến thời kỳ banh cao su đặc và banh cao su bơm. Phải mãi đến khi thi vào được trường Bưởi anh mới biết thế nào mới thật là một quả banh da.

Y phục của anh khi đá banh cũng qua nhiều đổi thay – Thường thường là cởi trần, quần cụt, nhưng gặp hôm trời rét thì anh và các bạn đóng luôn bộ quốc phục mà giao tranh. Áo the đen lượt thượt, áo dài trắng phất phới chẳng cần gì đồng phục để phân biệt thế mà giao banh vẫn gắn, truyền banh vẫn ngoạn mục. Chân thì đi đất, dần dần tiến lên đi bí tất, rồi đi giầy vải.

Bữa mà ông Giám học ở trường Bưởi gọi anh lên phát cho một cái áo chẽn theo mầu sắc của trường và cấp cho cái giấy đi đóng giầy đinh, anh cảm động như đã leo lên đến tuyệt đỉnh của thang danh vọng. Cũng từ bữa đó anh được hưởng những đặc quyền chỉ dành cho một thiểu số hảo thủ: Không phải xếp hàng khi vào lớp, tới chậm giờ không bị phạt hay xin phép nghỉ dễ dàng.

Văn trọ ở Hàng Than và Tuấn, bạn đồng đội, trọ ở đường Sông Tô Lịch. Tan học hai người cùng về với nhau. Và hôm nào cũng vậy bắt đầu từ đền Quan Thánh cho tới vườn hoa Hàng Đậu là chỗ họ chia tay ai về nhà nấy, Văn và Tuấn mỗi người đi một bên vỉa hè rồi cứ vừa đi vừa truyền cho nhau một viên đá hay một quả bàng. Trái banh ứng chế đó chạy chữ chi trên mặt đường, từ chân Văn sang chân Tuấn rồi lại từ chân Tuấn trở về chân Văn, làm cho họ quên hết cả đường dài.

Không có trận banh quan trọng nào mà Văn bỏ qua không đi xem – Có tiền thì lấy vé. Không tiền thì anh nghĩ đủ cách để qua mặt người soát vé. Có khi anh lợi dụng sự chen lấn để đi thoát. Có khi anh mang banh, xách giầy cho các cầu thủ đi trà trộn giữa lúc họ tới sân. Chẳng lúc nào anh lấy thế làm xấu cả. Khi người ta theo đuổi mục đích chính đáng như xem đá banh làm gì có phương tiện nào gọi là xấu? Trái lại nhiều lúc anh lại tự hào về khối óc phong phú của mình đã nghĩ ra lắm mưu nhiều kế lừa được người gác cổng. Hơn nữa trốn vé lại còn đòi hỏi nhiều gan dạ và dũng cảm. Sân banh Cột Cờ nằm sát ngay một trại lính Lê Dương. Có lần anh đã băng qua mặt một tên lính gác đen ngòm, vượt suốt chiều ngang trại mà vào sân, lính hô anh cũng không đứng, dọa bắn anh cũng không lui. Trước một sự coi rẻ cái chết đến như vậy, người lính gác chỉ còn biết lắc đầu rồi hạ súng xuống, nhe hàm răng trắng ởn ra cười.

Được hun đúc trong cái tinh thần đó nên khi đã luống tuổi không còn chạy theo trái banh được nữa, Văn vẫn còn là một khách trung thành của sân banh – Chị Văn không làm sao giảng nổi được sự mê say của chồng. Đối với chị, trái banh chẳng qua là một trò chơi con nít, một người trên đầu đã hai thứ tóc như anh sao còn để cho nó quyến rũ, mê hoặc? Đã có lần chị bảo anh:

“Chủ nhật nào cũng thấy anh nói chuyện banh vào, banh ra. Vào thì đã làm chi? Mà không vào thì đã làm sao?”

Nói thế có bực không – Mê say là thuộc phạm vi tình cảm, đem lý trí ra phân tách một cách lạnh lùng như vậy là không biết mê say rồi.

Không làm chi với chẳng làm sao! Đá vào bên người ta thì được, để người ta đá vào bên mình thì thua. Không hiểu được cái nghĩa được, thua tức là không hiểu được cả ý nghĩa cuộc sống!

Cho nên vợ nói sao thì nói, Văn vẫn theo đuổi say mê bóng tròn – Đó là một thứ bệnh nghiện nặng, vô phương cứu chữa. Người Pháp hình như cũng cùng một ý nghĩ trên khi họ gọi những người như Văn là bị bóng tròn “cắn”. Đúng vậy quả banh da thật là một con chó dại, khi nó đã “cắn” ai, truyền nọc nó vào cơ thể mình, thì chỉ còn một cách là chờ nọc ngấm và mình trở thành một người điên dại.

Văn thường nói với chúng bạn, muốn thật thưởng thức bóng tròn phải ngồi bên khán đài bình dân. Đừng có trả lời Văn rằng đi xem hạng chót cực lắm. Nào phải xếp hàng nối đuôi nhau từ 7 giờ sáng để lấy vé, nào phải bỏ bữa cơm trưa, ăn qua quít cái bánh mì chờ từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều mới xem trận banh hạng nhì đá mở màn, rồi đến 4 giờ rưỡi chiều xem trận chính thức, nào chỗ ngồi không có mái che, nắng chín người, mưa sũng áo…

Văn sẽ giơ tay ra một cách quyết liệt, ngăn không cho người đối thoại nói tiếp, rồi giải thích, giọng có đôi chút miệt thị rằng xem đá banh mà còn để ý đến chen chúc, đói khát, mưa nắng thì có khác nào yêu mê một người tình mà không chịu hy sinh cho người đó. Mình đã được ngồi trong sân mà xem, còn những người không có vé, bám lủng lẳng vào những cành cây mỏng mảnh, hay đậu chơi trên những nóc nhà dốc tuột, họ có phàn nàn gì đâu?

Vả lại bên khán đài bình dân có một không khí truyền cảm mãnh liệt, kích thích người xem đến cực độ. Chỉ ở đó người ta mới hồi hộp đến nghẹn thở khi banh tới gần thành nhà, tức giận đến uất máu khi mất một cơ hội thắng điểm, sung sướng đến điên cuồng khi banh vào lưới địch, buồn bã đến thẫn thờ khi ôm hận thất bại. Tất cả những tình cảm đó được trút ra qua những tiếng hò, tiếng hét, tiếng vỗ tay, tiếng chửi thề. Có người quên hẳn mình là khán giả, ngồi ngoài xem mà tưởng đứng trong sân, lồng hẳn mình vào một vai cầu thủ, sống vai đó một cách rất thực, đến nỗi thấy trong sân người ta co cẳng đá, ở ngoài này cũng phóng chân ra đá một trái banh tưởng tượng. Chỉ khi người ngồi trước mặt kêu lên mới thấy mình lầm.

Cũng ở bên khán đài bình dân người ta mới được nghe những lời phê bình thật đích xác về lối chơi của từng đội từng cầu thủ. Bóng tròn không còn là một trò chơi giải trí nữa mà được đưa lên hàng một nghệ thuật tinh vi, một khoa học có những phép tắc nghiệt ngã.

Văn cũng có lần được bạn mua biếu vé khán đài trung ương. Ghế có ghi số, không phải đi sớm, ngồi xem ung dung, lại có mái che mưa nắng mà sao Văn cứ thấy như lạc lõng không phải chỗ mình. Ông khách ngồi bên phải suốt buổi chỉ hút xì gà, xong hiệp nhứt rồi mới quay sang hỏi: “Đội nào đá với đội này đây ông?” Bà ngồi bên trái chốc chốc lại bắt Văn giảng thế nào là phạt góc, thế nào là phạt trực tiếp và có mấy thứ việt vị. Văn thấy nhớ Tuấn lạ. Trước mặt anh là một rừng người lố nhố. Tuấn ở trong đó, giờ này chắc cũng thấy thiếu Văn.

Trời bỗng đổ mưa – Rừng người vẫn thản nhiên không nhúc nhích. Văn ngồi nơi khô ráo, nghĩ đến Tuấn đang ướt như chuột lột, mà thấy như mình đã phản bội bạn. Bà ngồi bên cạnh lại còn làm anh bực mình thêm khi bà lẩm bẩm: “Thôi cái xe hơi để ngoài quên không lên kính rồi”.

Một lần khác Văn xin hẳn được cả một cái thiếp mời khán đài danh dự - Anh đang tiến vào cổng bỗng một chú bé chừng 13 tuổi, đầu chải bóng, quần áo sạch sẽ chạy theo hỏi: “Ông có thiếp mời?”

Anh chưa kịp trả lời, chú bé đã nói tiếp, giọng như cầu khẩn:

-        Ông cho cháu vào theo với.

-        Người soát vé không chịu đâu. Văn đáp.

-        Thưa ông, cháu thấy các ông khác có giấy mời cũng mang trẻ em đi theo. Hôm nay cháu đã mượn được của thằng bạn bộ quần áo mới, dép này cháu cũng đi mượn. Cháu ăn mặc đàng hoàng, chải đầu sạch sẽ, họ sẽ cho cháu là con ông không ai ngờ được đâu.

Văn buồn cười về thằng bé tinh khôn nhưng thấy nó cứ lẵng nhẵng theo mình, anh hơi khó chịu và rảo bước đi lên. Khi anh đưa cái thiếp cho người soát vé, có ai đó khẽ giựt áo anh như muốn nhắc anh điều gì, anh làm như không biết cứ đi thẳng. Có tiếng người soát vé xua đuổi đứa nhỏ ở đằng sau anh.

Vào đến chỗ ngồi, anh thấy thằng bé nói đúng. Một số người đã mang trẻ em theo và anh hơi thấy hối hận đã không cho nó cùng vào.

Anh chợt nhớ lại những ngày anh còn nhỏ. Mấy chục năm trước anh giống hệt thằng bé này, không có tiền nhưng nghĩ đủ mọi cách để được xem đá banh. Đáng lẽ anh phải coi nó như một người bạn đồng bệnh. Đáng lẽ anh phải thấu hiểu hơn ai những nỗi đau đớn của người bạn vong niên đó đang bị một cơn ghiền chưa thỏa mãn dằn vặt dày vò. Thế mà anh đã hắt hủi nó. Tội nghiệp cho nó đã mất công đi mượn quần áo, giầy dép, sửa sang mái tóc mà rồi cũng chẳng gặp được sự tương dung ở một người đã từng là nó. Chắc nó đã phải vắt óc ra nhiều ngày mới nghĩ ra được cái mưu này. Bây giờ nó đến phải trở về nhà, cởi bộ y phục mượn ra rồi nằm khóc thút thít.

Tất cả những ý nghĩ đó làm cho anh thấy trận banh nhạt nhẽo lạ. Bên khán đài bình dân vẫn cái không khí sôi nổi quen thuộc của những tháng ngày thịnh hội. Phía bên này anh ngồi một mình một ghế, có lưng dựa, có chỗ để tay, nhưng những tiện nghi đó chỉ làm anh càng thấy lẻ loi. Anh có cảm tưởng như mỗi ngày anh một quên dần những đức tính thuần túy của người mê say bóng tròn.

Những buổi đá banh sau, anh lại lấy vé hạng chót, trở về khán đài bình dân, trở về với Tuấn, trở về với những người hò la, chửi thề, tung nón, đá nhầm người ngồi trước mặt. Anh lại thấy thích thú trở lại, như một người gò bó trong bộ quần áo sang trọng, đi ăn ở một khách sạn đắt tiền, nay trở về cởi trần, ăn bữa cơm thanh đạm với người vợ hiền không phấn son.

                                                                            PVT