Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Kẻ sĩ vẫn còn

Phạm Xuân Trường
Thứ bẩy ngày 11 tháng 5 năm 2013 5:53 AM

(Đọc Bạn văn ngoài vòng phủ sóng của Hoàng Minh Tường
- NXB HNV 2011)

Đâu phải chỉ có người làm văn chương, mà hầu hết những người biết viết, biết đọc cả nước đã từng tìm mua bằng được cuốn tiểu thuyết “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường ra đời năm 2008. Nhà sách Tiền Phong lớn nhất Hải Phòng có 3 cuốn bày trên giá, tôi đã mua cả để phân phát cho bạn bè vì sợ hết. Rồi những hàng sách cũ bày bán ở vỉa hè phố Cát Cụt. Sách in lậu ra quyển nào hết quyển ấy. Trong quán cà phê, thịt chó vỉa hè, quán nhậu. Mọi người bô lô ba la bàn tán xôn xao về một thời mông muội, tàn nhẫn và quái thai của quá khứ không xa lắm. Thời của thánh thần “cháy chợ”. Tác phẩm như ông sao sáng rực trên bầu trời văn học đã bị bức tử.
Không chỉ dừng lại ở đấy. Năm 2011 Hoàng Minh Tường lại trình làng tập bút ký “Bạn ngoài vòng phủ sóng”. Với 351 trang sách, Hoàng Minh Tường đã làm cho người đọc bập vào trang đầu là bị cuốn hút, ngốn ngấu như người ốm húp cháo. Cháo hết mà cái bát vẫn nóng giẫy trên tay. Nếu như Thời của thánh thần Hoàng Minh Tường lột tả tâm lý nhân vật một cách sắc sảo, kỹ lưỡng thì bút ký Ngoài vòng phủ sóng với chân dung, tính cách của từng người tưởng như ký hoạ mà lại rất sâu đậm. Dường như thể loại ký đòi hỏi chi tiết, chính xác và khô khan (cứ như cụ Nguyễn Tuân đếm từng tấm ván lát trên cầu Bến Hải). Thì ở Hoàng Minh Tường có những câu văn đẹp như thơ làm người đọc nao lòng “Rượu Thiên Hương được chưng cất bằng nước nguồn Nho Quế / Người đàn bà mời rượu chúng tôi có đôi mắt chết người/ Cứ lúng liếng, thứ ánh huyền quyến rũ” (Nho Quế chảy ngang trời). Nếu như ngoài đời gặp nhau, ngoài cái bắt tay chào hỏi xã giao. Mấy ai hiểu được cặn kẽ những vui buồn, đau khổ và cả những bi hài kịch của từng nhà văn. Những hệ lụy của văn chương chỉ vài dòng trong một trang sách mà người đọc đã hiểu được những đau khổ của người lính đặc công thắng trận trở về. Nhà văn Nguyễn Quang Hà “Anh đã có gia đình với vợ và hai con đề huề... ngày chiến thắng trở về... gia đình anh tan vỡ. Ngay đêm đầu tiên trở về làng... anh khoác ba lô trở lại Huế” và người vợ thứ hai của anh là cô giáo Võ Thị Quỳnh quê Quảng Trị viết: “Sáu tập sách dầy khổ lớn. Mỗi tập bẩy tám trăm trang viết về ngôi trường Nguyễn Hoàng chân dung và kỷ niệm” và cả lá thư đề ngày 24/4/2009 gửi ông Bộ trưởng Giáo dục yêu cầu trả lại cho Quảng Trị tên trường Nguyễn Hoàng đã có năm 1952... và một lớp học phổ thông có tới 4 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Mỹ Dạ, Hải Kỳ, Đỗ Hoàng, Ngô Minh cũng là một chuyện lạ và hiếm. Thi phẩm của họ có người đã được in vào sách giáo khoa. Nhưng số phận của họ chẳng mấy suôn sẻ vì bị kỳ thị bởi lý lịch và phân chia giai cấp ở cái thời “bần cố là bố người giầu”. Từ trong máu và nước mắt họ trở thành sinh viên rồi người lính. Trong phòng khách nơi trang trọng nhất nhà thơ Ngô Minh đã treo tấm bằng 30 tuổi đảng. Viết những chi tiết này hẳn là HMT cũng thấy se lòng, dẫu biết rằng thời cải cách ruộng đất Đảng ta đã xử bắn oan không chỉ bố nhà thơ Ngô Minh... và nỗi khốn khổ của Mỹ Dạ vì có bố di cư vào Nam. Người ở bên kia chiến tuyến. Thật là trần ai của mỗi người...
Dù đã “Hạc giá du tiên” nhưng nói đến nhà văn Lê Bầu là nói đến cái “ống” đựng người ở 105 Phùng Hưng và một cái đầu tầu kéo 12 toa. Gồm mẹ, vợ, con, cháu với giọng cười khơ khớ. Đi đâu, đến đâu miếng ăn, chỗ ngủ không quan trọng bằng chỗ tắm. Chuyện vui thật như bịa đau đớn xót xa. Dù biết bạn phản như hồi bị theo dõi ở đền Ngọc Sơn. Lê Bầu kể chuyện mặt vẫn tươi như trúng xổ số và cười khơ khớ. Bia rượu coi như thuốc đắng, như kẻ thù... Năm 1955 bộ ba Hoàng Cầm, Lê Đạt, Hoàng Yến “chê” Tố Hữu mà khốn khổ lao đao. Bị quy tội nhân văn giai phẩm. Bị đuổi ra khỏi Đảng. Hoàng Cầm đã vào Hoả Lò. Trần Dần, Phùng Quán, Nguyên Hồng, Hữu Loan, Phù Thăng, Nguyễn Hữu Đang sống trong nơm nớp đoạ đày. Những Hoà Vang, Trần Vàng Sao quyết liệt và khảng khái. Một Pờ Xảo Mìn bị bạn văn chơi đểu...
Những bài ký du ngoạn ở xứ người làm người đọc hiểu sâu sắc về tình cảm của người cầm bút. Dù họ là Mông Cổ, Ba Lan, Liên Xô, Pháp và Trung Quốc. Nhưng chi tiết đãi khách kiểu Mông Cổ quả là có một không hai ở thế giới hiện đại này và cả những vất vả éo le đau đáu của người Việt làm văn chương ở xứ người. Một Nguyễn Huy Hoàng ở Nga, một Lâm Quang Mỹ, Vũ Linh ở Ba Lan, một Lê Thị Hiệu và một học giả Trần Thiện Đạo ở Paris... Họ đều có nỗi niềm y hệt những người cầm bút CHÂN CHÍNH ở trong nước.
Gấp cuốn sách lại vẫn bị ám ảnh câu bộc bạch của HMT “viết đã khó, nhưng để in ra được ngàn lần còn khó hơn”. Cũng may là còn vài giám đốc nhà xuất bản còn chảy trong huyết quản của mình dòng máu sĩ phu như Bùi Văn Ngợi, Đà Linh, Phạm Ngà, Trung Trung Đỉnh và một Nguyễn Khắc Trường - Tổng biên tập NXB Hội nhà văn... (trang 239).
Kết thúc bài viết này xin được trích nguyên văn tâm sự của HMT “nhiều người bảo rằng, cứ viết hết mình đi, nếu không được in thì cất đi cho con cháu, dăm chục năm sau người đời sẽ biết đến. Nói thế là chẳng hiểu gì về nghề viết. Phét lác cho sướng mồm mà thôi. Cái anh nhà văn nó khác. Viết xong là phải được công bố với toàn thiên hạ. Chết mà chưa thấy sách của mình ai đọc, thì sống phỏng ích gì”. (Lũ quét ở đỉnh trời trang 238).
Vâng! Đấy là cách nói ngụy biện “của hèn đại nhân” của thứ văn chương “nhạt như nước ốc” (trang 239). Thứ văn được mệnh danh là “ám tả trường thiên” và “thơ hèn như rượu nhạt”. Thứ văn chương phải đạo (Nguyễn Tuân) thứ văn chương nằm ở giữa không bị mất phần chăn. Nhà văn (thơ) thì nhiều nhưng không có tác phẩm để đọc... Hội thì dài không phải ai cũng là kẻ sĩ.
Cầu chúc cho HMT khoẻ để mà viết. Mong rằng Hội Nhà văn Việt Nam hãy sưu tầm, tập hợp làm một tổng tập những bài ký về chân dung các nhà văn (thơ) như “Chân dung đối thoại” của Trần Đăng Khoa. “Người trong tôi” của Nguyễn Bắc Sơn (đọc bài ký về cuộc đời của Hữu Loan mà chứa chan nước mắt) và của nhiều người khác đã viết trên các báo và tạp chí. Tôi tin là mọi người sẽ đón nhận một cách trân trọng. Sẽ chẳng khác gì thiên hạ đổ xô đi mua “Chân dung đối thoại” của Trần Đăng Khoa và “Thời của thánh thần” của HMT ngày nào.
“Bạn ngoài vòng phủ sóng” là những thước phim tư liệu sống của mỗi con người làm nghề viết mà người đời ít ai biết đến, có người đã chết, còn đang sống thì tồn tại ra sao. Họ là những tín đồ tự nguyện vác cây thánh giá đi đến vườn địa đàng Văn Chương ngập tràn ánh sáng.

Hải Phòng, ngày 29 tháng 12 năm 2012
Phạm Xuân Trường