Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Danh hư vạ thực của Thi Nại Am

Thái Doãn Hiểu
Chủ nhật ngày 28 tháng 4 năm 2013 4:47 AM


Thi Nại Am  (1296-1370) - nhà viết tiểu thuyết lừng danh Trung Quốc, cuối  Nguyên đầu Minh. Ông quê ở Cô Tô, tỉnh Tô Châu – nơi truyền đến đời thứ 14 một dòng họ thi thư vốn là một trong 72 đồ đệ của Khổng Tử. Mới lọt lòng, Thi Nại Am được đặt tên là Ngạn Đoan với ý tưởng mong muốn cậu bé có tài và đoan chính.  Lên 7 tuổi gặp lúc cảnh nhà sa sút vẫn không làm nhụt chí phần đấu học hỏi, chuyên cần và nhẫn nại tìm mọi cách để kiến văn, đọc hầu hết sách thánh hiền từ Tứ thư, Ngũ kinh, bách gia chư tử, 13 tuổi đã có thể tranh luận rất khúc chiết với người lớn và hạ bút đã có thần. Năm 35 tuổi (1311), ông đỗ tiến sĩ, làm quan Huyện doãn ở hạt Tiền Đường được vài năm. Vì “không hợp với nơi quyền quý”, ông từ quan về Tô Châu mở trường dạy học. Ông trở thành danh sư. Học trò lũ lượt kéo đến xin thụ giáo. Trong đám đệ tử có cậu thiếu niên 14 tuổi con một thương nhân gốc Thái Nguyên (Sơn Tây) đến tầm sư học đạo và sau này trở thành một nhà văn kiệt xuất : La Quán Trung (1). Mặc dù vậy, trong tâm trí Thi Nại Am vẫn thao thức vì cái chí “cứu dân” không thực hiện được, ông bắt tay vào sự nghiệp trước tác với bộ Giang hào hồ khách truyện. Đó là sự kết hợp giữa nội dung truyện thoại bản chép tay Trương Thúc Dạ cầm tặc kể về Tống Giang cùng 108 hảo hán Lương Sơn Bạc với những sáng tạo nghệ thuật kinh người của mình.

Khi người vợ họ Lý qua đời, Thi Nại Am tục huyền với một phu nhân họ Giáp. Nhờ tiền của và sự hâm mộ văn chương của thế gia này mà Thi Nại Am thôi không mở trường dạy học, chỉ giữ lại một môn sinh đắc ý nhất là La Quán Trung để giúp mình hiệu chính tài liệu, dồn sức vào việc trước thuật. Về sau, ông đi du lãm khắp nơi từ Giang Âm, Trúc Đường để học hỏi. Đấy  là lúc bạn đồng khoa tiến sĩ Lưu Bá Ôn đang làm quân sư cho Chu Nguyên Chương. Được tin, Lưu Bá Ôn tìm đến nơi ẩn cư của Thi Nại Am “chiêu thỉnh” ông ra làm quan. Thi Nại Am tìm mọi cách tránh né bằng cách quay trở lại Tô Châu. Lần thư hai, Chu nguyên Chương lại phái Lưu Bá Ôn vời Thi Nại Am ra trọng dụng. Nhưng ông bạn chí thiết này đã phải lặng lẽ bỏ đi khi đứng trước một bàn đầy bản thảo dang dở. Vì muốn tránh những nơi lao xao thế tục giữa thời tao loạn, ông lại bí mật cùng vợ con đệ tử tiến sâu vào Bạch Câu Trường, Hưng Hóa, cách Thi Gia 18 dặm tìm đến một chốn đào nguyên vắng vẻ, bốn bề sông nước mênh mông, giao thông bất tiện, yên ổn để hoàn thành ý nguyện trứ tác của mình.

Tác phẩm nổi tiếng nhất được người đời cho là áng văn chương lớn viết  bằng bạch thoại - bộ sử thi đỉnh cao của văn xuôi tự sự cổ điển Trung Quốc: Thủy hử (Đầm nước).

Bộ trường thiên tiểu thuyết dài 120 hồi kể về một sự kiện lịch sử có thật: cuộc khởi nghĩa lớn của nông dân vào thế kỷ XI đời Tống. Các nhân vật “phản nghịch”, “vô đạo”, “làm giặc” chống lại triều đình đã được tác giả biểu dương qua từng trang sách. Người viết đồng tình với những ân oán, chia sẻ những buồn vui, thành bại của những người “làm loạn”, khắc họa một cách sống động làm bất tử các nhân vật  như  Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm, Lâm sung, Võ Tòng, Tống Giang…

Trong lịch sử văn học Trung Quốc, chưa có tác phẩm nào quan trọng miêu tả cuộc đấu tranh của những người chân đất với một quy mô đồ sộ như Thủy hử. Thi Nại Am đã phản ánh khá tập trung về muôn mặt quá trình phát sinh, phát triển và thất bại của một cuộc cách mạng nông dân dưới thời phong kiến. Thủy hử đã trở thành món ăn tinh thần và vũ khí đấu tranh của quần chúng nhân dân qua nhiều thế kỷ.

Thế nhưng, thật oái oăm, đương thời Thủy hử đã đẩy tác giả vào ngục !

Khi Giang hồ hào khách truyện đã được chỉnh lý chu đáo, La Quán Trung đề nghị thầy đổi tên thành Thủy hử truyện. Thi Nại Am đắc ý bảo:

-  Thủy hử tức là thủy biên, vừa thực vừa điển cố. Kinh Thi có câu “Cổ công đàn phụ, triều lai tẩu  mã, xuất Tây Thủy hử, chí vu kỳ hạ”, gọi Thủy hử là quá hợp lý !

Sau khi hoàn thành, Thủy hử truyện nhanh chóng phổ biến trong dân gian. Năm 1368, một bản sao tác phẩm đến tay Chu Nguyên Chương. Chu đọc, nổi trận lôi đình:

-  Một kẻ có mưu đồ tạo phản viết sách xúi dân làm loạn. Thảo nào, ta cố vời mà hắn cứ làm ngơ. Không trừ tất để họa về sau.

Thế rồi, Chu Nguyên Chương phái võ sĩ bí mật đến bắt Thi Nại Am tống vào lao.

Một thời gian sau, Lưu Bá Ôn mới biết chuyện này, ông đến Hình bộ Thiên lao thăm Thi Nại Am. Với tư cách bạn thân, Thị Nại Am đề nghị giải cứu. Lưu Bá Ôn trầm  ngâm một lúc lâu mới cất tiếng:

- Vì sao anh vào đây, thì cũng bằng cách ấy, anh sẽ ra được khỏi đây.

Trước câu  nói bóng gió đầy ẩn ý của Lưu Bá Ôn, Thi Nại Am chợt hiểu “Ta vì viết sách mà vào tù, vậy cũng phải viết sách để được ra khỏi tù ?”

Thủy hử ca ngợi Tống Giang, biểu dương phường thảo khấu đã bỉ báng đến điều cấm kị của vua chúa, nó là khí giới tiếp tay cho những kẻ tạo phản, gieo vãi tư tưởng phản loạn. Phải biến đảng của Tống Giang giống như Trương Sĩ Thành (2) , nhận chiêu an của triều đình thì sẽ ổn ngay. Thế là Thi Nại Am mượn bối cảnh thực của Trương Sĩ Thành hàng Nguyên để viết tiếp Thủy hử truyện.

Đằng đẵng một  năm trời nằm trong ngục tối, Thi Nại Am viết 50 hồi sau của Thủy hử truyện trình lên bề trên Chu Nguyên Chương để đổi lấy tự do. Chu Nguyên Chương nguôi lòng vì thấy Tống Giang bị triều đình chiêu an, thu phục làm tướng cầm quân đi đánh dẹp Hồ Điển, Phương Lạp, Vương Khánh. Độc lại trị độc ! Bên trong có Lưu Bá Ôn nói hộ. Kết cục, lấy cớ Thi Nại Am có bệnh, triều đình phóng thích tác giả Thủy hử truyện. Đó là nguyên nhân giải thích vì sao 50 hồi sau của Thủy hử truyện không có cái thần của 70 hồi trước.

Ra khỏi tù, da bọc lấy xương, tinh thần thể xác bại hoại. Trước khi  mất, Thi Nại Am thều thào nói với người em trai Ngạn Tài đang ràn rụa nước mắt “Anh vì bộ Thủy hử mà lụy một đời… Anh chết rồi dặn con cháu lấy việc cày cấy mà sinh nhai”…, rồi tắt thở.

Sau khi Thi Nại Am qua đời, La Quán Trung tập trung chỉnh lý lại Thủy hử truyện. Ông đã đưa tác phẩm của thầy đến trung tâm in ấn thời bấy giờ ở Phúc Kiến, nhưng không nhà in nào dám nhận in. Năm 1520, sau 150 năm ở Hưng Hóa, nhờ đề đốc phó sứ Tiến sĩ Tông Thần muốn khích lệ chí khí và giải trí cho dân, con cháu họ Thi mới công bố được Thủy hử truyện bằng bản in  chính thức đầu tiên.


(1) LA QUÁN TRUNG (1330-1400?) : Nhà viết tiểu thuyết cuối Nguyên đầu Minh.
La Quán Trung tức La Bản. Quê quán của ông thuộc vùng Tiền Đường, Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Cuộc đời ông ít lưu truyền. Theo một số truyền thuyết thì La Quán Trung là người có tinh thần tôn quân phò đời giúp nước, nhưng chí nguyện không thành nên đi phiêu bạt nhiều nơi (thành ra còn có hiệu là Hải Hồ Tản Nhân). Có tài liệu nói ông từng làm quân sư cho Trương Sĩ Thành trong cuộc khởi nghĩa chống nhà Nguyên.

Ông là tác giả bộ Tam Quốc diễn nghĩa, Tùy Đường lưỡng triều chí truyện, Tấn Đường ngũ đại diễn nghĩa, Bình yêu truyện, vở tạp kịch Tống Thái tổ long hổ phong vân hội, và có thể đồng tác giả Thủy hử truyện (?)

Tam quốc diễn nghĩa là bộ tiểu thuyết vĩ đại viết theo chương hồi gồm 120 hồi, kể lại giai đoạn lịch sử đầy biến động từ cuối đời Hán (khoảng năm 184). Suốt 100 năm đất nước bị chia cắt, nội chiến dai dẳng quyết liệt giữa các tập đoàn phong kiến cát cứ. Sau một thời gian phân tranh, còn lại ba tập đoàn lớn là nước Thục với Lưu Bị, nước Ngụy với Tào Tháo và nước Ngô với Tôn quyền. Kết cục, một tướng Ngụy là Tư Mã Viêm đã thống nhất Trung nguyên thu giang sơn về một mối, lập ra nhà Tấn vào năm 280. Sau khi kết thúc một giai đoạn lịch sử đẫm máu, nhiều sự kiện, nhiều nhân vật đã được dân gian truyền tụng, hoặc đã được các cây bút đương thời ghi chép lại. La Quán Trung là người đã sưu tầm, chỉnh lý, bổ sung, và sáng tạo thành bộ tiểu thuyết lớn, sống động, toàn bích về ngôn ngữ truyện lịch sử.
Việc viết dã sử trong thời buổi quân Nguyên - Mông thống trị Trung Quốc, và dưới ánh sánh của tư tưởng bảo hoàng, La Quán Trung đã đề cao tư tưởng Hán tộc nên có tô vẽ quá đáng cho các  nhân vật Lưu – Quan – Trương - Chư Cát Lượng, bôi đen các nhân vật ở chiến thuyến bên kia, đặc biệt biến Tào Tháo – con người “đại trí, đại nhân, đại dũng” (Quách Mạt Nhược) thành kẻ gian hùng thời loại đáng ghét, làm méo mó cả lịch sử.

(2)    Trương Sĩ Thành người đời Nguyên, khởi binh chống Nguyên, tự xưng là Thành vương, rồi đổi là Ngô vương. Về sau, Trương Sĩ Thành đầu hàng, bị tướng Minh bắt đưa về Kim Lăng. Ông thắt cổ tự ải,