Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nỗi buồn mang tên vô cảm với lịch sử

Thi Văn
Thứ năm ngày 25 tháng 4 năm 2013 8:30 AM

Xung quanh việc làm cầu vượt để giảm thiểu ách tắc giao thông ở khu Ô Chợ Dừa, Hiệp hội Vận tải Hà Nội phát đi một tờ trình, trong đó có nội dung cho rằng: "Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân. Khôi phục, tôn thờ Đàn Xã Tắc quá mức là phản cảm với khu di tích gò Đống Đa cách đó chưa đầy 1 km". Đọc ý kiến trên, tôi chợt mà nhói đau trong lồng ngực và hiểu thêm giao thông Việt Nam không biết đến bao giờ mới bằng các nước trong khu vực và tại sao thế hệ trẻ bây giờ ít hiểu về lịch sử.
Theo Hiệp hội Vận tải: “Đàn Xã Tắc có thể là phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy, nhưng cho rằng đây là khu tâm linh trời và đất của đất nước ta là ngộ nhận. Tâm linh là ở trong tâm thức của con người, khu vực Đàn Xã Tắc không thể coi là văn hóa tâm linh của người Việt. Bởi lẽ khu vực này đã biến mất mà không ai đoái hoài, ghi nhớ".
Sự phát triển của lịch sử loài người nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng có thể ví như những bậc thang ngày một vươn cao, kế thừa và phát huy những tinh hoa của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Vật đổi sao dời, nhiều công trình kiến trúc, nhiều tác phẩm nghệ thuật… bị chìm sâu trong lòng đất như: các di chỉ đồ đồng Đông Sơn, Hoàng thành Thăng Long… mà khi chúng ta khai quật được là thêm một lần hiểu về một thời kỳ phát triển của tổ tiên.
Theo Bách khoa toàn thư mở: đàn Xã Tắc là một trong các loại đàn tế cổ, đàn Xã Tắc là nơi được lập để tế Xã thần (Thần Đất, 社) và Tắc thần (tức Thần Nông, 稷) - hai vị thần của nền văn minh lúa nước. Theo tác giả Đào Duy Anh trong quyển Từ Điển Hán Việt, “Xã tắc” có nghĩa là “Thuở xưa dựng nước (....). Dân cần có đất ở nên lập nền xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”. Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết "Từ xa xưa, không chỉ đối với người dân, mà ngay cả các vương triều, kinh đô VN và Trung Hoa, đàn Xã Tắc có vị trí vô cùng thiêng liêng. Giữ gìn, bảo tồn đàn Xã Tắc cũng chính là giữ gìn Sơn hà Xã Tắc". Vì vậy ngày xưa, bất cứ một triều đại nào, trước khi tạo dựng cơ đồ, việc đầu tiên là lập Đàn Xã Tắc, giống như trong một ngôi nhà phải có bàn thờ tổ tiên, không có là bất trung, bất hiếu.
Nước ta có một nền văn minh lúa nước từ lâu đời. Hàng năm Vua cùng quần thần không chỉ đến tế ở đền Xã Tắc mà còn long trọng làm lễ Tịch điền. Ở nước ta, lễ Tịch điền đầu tiên được tổ chức ở triều vua Lê Đại Hành. Sáng 29-1 (mùng 7 tết năm Nhâm Thìn), tỉnh Hà Nam tổ chức lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn, lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự lễ hội và có lời phát biểu: “Lịch sử Việt Nam qua các giai đoạn đã chứng minh, dù bất cứ hoàn cảnh nào thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là cơ sở vững chắc, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Từ thuở ông cha ta cho đến nay, Lễ xuống đồng đều rất được coi trọng. Đây là lễ hội mở đầu cho một vụ mùa mới, trở thành một sinh hoạt văn hoá quan trọng, một di sản văn hóa tinh thần mà các thế hệ người Việt Nam chúng ta kế thừa và phát huy.
Chúng ta đã biết, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa X “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã và đang đi vào cuộc sống. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi cả nhân loại đang đứng trước những thách thức lớn, vấn đề an ninh lương thực càng phải được chú trọng. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của mặt trận nông nghiệp. Việc tỉnh Hà Nam tổ chức Ngày hội xuống đồng của nông dân tại nơi mà cách đây 1025 năm vua Lê Đại Hành thực hiện Lễ Tịch điền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, là phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp. Lễ hội này mang ý nghĩa hết sức quan trọng, nằm ôn lại và giáo dục cho con cháu chúng ta truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc Việt Nam, của nông nghiệp Việt Nam truyền thống yêu lao động, cần cù làm lụng trên mảnh đất thân yêu của quê hương mình để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Tôi mong muốn Ngày hội xuống đồng Đọi Sơn – Hà Nam tiếp tục là một sự kiện quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa – du lịch hàng năm của tỉnh nhà. Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố phát lệnh xuống đồng trong Lễ hội lao động sản xuất đầu năm mới Nhâm Thìn 2012.” – (Nguồn: TTXVN).
Như vậy Hiệp hội Vận tải Hà Nội không chỉ nên đề nghị: “Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân…” mà còn nên đề nghị với cơ quan có thẩm quyền kỷ luật thích đáng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vì đã góp phần tuyên truyền mê tín dị đoan, tàn dư của chế độ phong kiến và cần phá bỏ nhiều công trình lịch sử mang đậm dấu ấn của “hình ảnh chế độ phong kiến mục nát” nữa (!)
Sau hàng loạt bài không đồng tình với quan điểm của Hiệp hội Vận tải, ông chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phản ứng: “Tôi rất trân trọng ý kiến của các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử, vì họ là những người nghiên cứu chuyên sâu thì có thể nắm được nhiều thông tin về khu vực Đàn Xã Tắc. Tuy nhiên, tôi cho rằng nói tôi ngu là hơi quá lời… Tôi được đào tạo trong Đại học Sư phạm 1 Hà Nội Khoa Văn-Sử những năm 60 chứ không phải không biết tí gì đâu.”. Quá lời hay không, ngu hay không  nhân dân ta rất công bằng nhưng chỉ vì một lợi ích trước mắt mà xâm phạm một khu di tích lịch sử, văn hóa và tâm linh như vậy có khác nào phá đi bàn thờ tổ tiên, bắn đại bác chứ không phải bắn súng lục vào quá khứ.
Một người từng được học sử lại sẵn sàng chà đạp lên những giá trị thiêng liêng của hồn nước, dân tộc một cách vô cảm như vậy, ông chủ tịch Hiệp Hội Vận tải có hiểu. “Không một ai được phép coi đàn tế chỉ là một cái đàn mà nhất thiết phải hiểu là đất thiêng của cả nước đã tụ hội về làm thành nơi khởi nguồn, nền tảng của văn hóa, tình cảm, tâm linh của mọi người dân Việt. Một khi đã là nơi hội tụ của đất- nước, nơi tinh chiết cả mạch nguồn, nền tảng cho cả cơ đồ, thì quyết không thể không coi trọng. Đó là chưa nói về mặt ngôn ngữ học, một khi Xã Tắc đã trở thành tên gọi có thể thay cho cả Tổ quốc, đất nước, giang sơn thì chắc chắn nó là nơi không thể xâm phạm” - (Hà Văn Thịnh,Vietnam.net).
Và quat hái độ thờ ơ, vô cảm của ông chủ tịch Hiệp hội Vận tải với một di tích lịch sử văn hóa tâm linh của dân tộc như vậy và tầm nhìn ngắn ngủn của nhứng nhà qui hoạch đô thị,  thử hỏi có khác nào “mấy đứa trẻ ngồi lên bia tiến sĩ Văn Miếu, mộ liệt sĩ Trường Sơn” - (Hà Văn Thịnh,Vietnam.net).  Bậc cha ông có học còn có cái nhìn hẹp hòi với thái độ thờ ơ, vô cảm với lịch sử nước nhà như vậy, thử hỏi trách sao được lớp trẻ bây giờ không quan tâm nhiều đến lịch sử dân tộc. 

Hà Nội 4.2013

        Văn Thi