Ngày 24/4/2013, Báo Thanh niên đăng bài: “Rửa” vàng bằng cơ chế?” của tác giả Nguyên Hằng. Bài báo dẫn số liệu từ Hiệp hội vàng thế giới về tổng nhu cầu vàng của Viêt Nam trong hai năm 2011 và 2012, đồng thời phân tích, đưa ra nhận định “có hàng tỷ USD vàng được nhập lậu...có tình trạng trục lợi để “rửa” số lượng vàng khổng lồ đã tràn vào Việt Nam”...Báo phát hành buổi sáng, ngay buổi chiều Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thông cáo báo chí gửi các cơ quan truyền thông bác bỏ nội dung bài viết của Báo Thanh niên. Buổi tối cùng ngày, ông Nguyễn Quang Huy- Vụ trưởng vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) đăng đàn trên VTV cũng với nội dung nói trên. Không chỉ có vậy, buổi chiều cùng ngày, NHNN đã cấp tốc hoàn tất một văn bản gửi Bộ Công an (Tổng cục An ninh II) “ về việc Báo Thanh niên đăng tin sai lệch về chính sách quản lý thị trường vàng”...
Trước nay chưa có một vấn đề nhạy cảm nào mà báo chí trong nước đưa ra lại được cơ quan chức năng phản ứng tức thì, nhanh đến như thế. Có lẽ ý thức được hệ lụy có thể xảy ra mà sau đó Báo Thanh niên điện tử (cũng tức thì) gỡ bỏ bài đã đăng tải. Và nữa, trong điều kiện không thể nhanh hơn, ngay số báo in ra ngày hôm sau (25/4)Thanh niên đã đính chính và cáo lỗi cùng NHNN: “...Do dịch và hiểu chưa đúng thuật ngữ nên phóng viên đã nhầm lẫn, dẫn tới sai sót khi phân tích về giao dịch vàng trong nước. Cụ thể, theo Hiệp hội vàng thế giới thì nhu cầu giao dịch vàng nữ trang của Việt Nam năm 2011-2012 là 25,5 tấn, trị giá 1,3 tỉ USD. Tuy nhiên tác giả bài viết đã hiểu không chính xác nên cho rằng đây là số vàng nhập khẩu, dẫn tới các phân tích và kết luận đã có nhập lậu 25,5 tấn vàng nữ trang.Các phân tích sau đó về việc liệu có tình trạng vàng nhập lậu lợi dụng cơ chế tạm nhập tái xuất để hợp pháp hóa cũng không chính xác...”.
Nội dung bài viết của Báo Thanh niên cũng chẳng có gì gây “sốc” đến vậy. Chủ đề này từng được nhiều nhà nghiên cứu và quản lý kinh tế đề cập trên một số báo. Chẳng hạn, cùng ngày Báo Tuổi trẻ có bài: “Ai mua hơn 12 tấn vàng đấu thầu?”, hay Báo Pháp luật TP. HCM có bài: “ Thị trường vàng: Nguy cấp! Điều hành vàng: Thất bại!”. Bài viết còn dẫn ý kiến của chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Thị Hiền phê phán: “..Tình trạng độc quyền trong nhập khẩu vàng nguyên liệu, chế tác và đấu giá vàng miếng và kiến nghị NHNN trả lại thị trường vàng đều cho các doanh nghiệp”. Còn TS.Lê Đăng Doanh thì cảnh báo: “...Tôi đã góp ý với thanh tra cần làm rõ việc điều hành thị trường vàng của NHNN có nằm trong các chính sách tổng thể về kinh tế hay không, có đảm bảo về tỉ giá hay không? Ai phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến đâu trong chính sách điều hành này?”. Rõ ràng như một số cơ quan báo chí khác, bài viết của Báo Thanh niên cũng chỉ phản ánh một phân những bức xúc của dư luận xã hội liên quan đến tảng băng chìm vì sao giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới từ chỗ 3 triệu đồng nay phi mã lên 6 - 7 triệu đồng/lượng sau khi NHNH tiến hành các phiên đấu thầu vàng miếng? Chỉ số chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cao và kéo dài một thời gian dài như vậy thì có buôn lậu, đầu cơ và trục lợi là không thể không có. Chỉ có điều ai buôn lậu, đầu cơ, số lượng ít hay nhiều mà thôi! Thực ra, Báo Thanh niên cũng chỉ dẫn nguồn thông tin từ Hội đồng vàng thế giới, đồng thời cũng đã khá kín kẽ khi đặt đầu đề bài trong ngoặc kép với dấu chấm hỏi (?) ở cuối - Cách làm phổ biến của báo giới khi một vấn đề đang được cần làm sáng tỏ. Như vậy,có công bằng và xác đáng không khi chỉ Báo Thanh niên bị NHNN “soi”, thậm chí gửi công văn đề nghị Bộ Công an vào cuộc?
Sự phản ứng tức thì, có phần cực đoan, vô tình NHNN làm cho nhiều người suy luận (đương nhiên suy luận thì có thể đúng hoặc sai) theo chiều hướng của câu thành ngữ của người Việt Nam lâu nay “có tật giật mình” hơn là muốn làm rạch ròi đúng, sai về nội dung mà Báo Thanh niên đặt ra. Cách phản ứng đó còn gợi cho nhiều người nghĩ: có vẻ như NHNN vẫn còn đó “ân oán tiền Polymer” với Báo Thanh niên? Năm 2006, Báo Thanh niên từng có bài viết đề cập những uẩn khúc trong việc in ấn và chất lượng tiền Polimer. Sau bài viết này Báo Thanh niên bị phê bình tại cuộc giao ban báo chí định kỳ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông. Không chỉ có vậy, một lãnh đạo báo phải chịu mức kỷ luật khiển trách từ cơ quan quản lý báo chí. Liệu có không NHNN muốn lặp lại chuyện tương tự đối với Báo Thanh niên? Còn nếu không thì nói theo thuật ngữ trong bóng đá, Báo Thanh niên “kỵ dơ” khi đụng đến tiền,vàng (ngân hàng) trong tuyên truyền rồi!
Cần phải nhắc lại là, việc NHNN quy quản lý vàng về một mối duy nhất (SJC), rồi chuyện đấu thầu vàng miếng gần đây với ý tưởng bình ổn thị trường và thu hẹp giá vàng trong nước với thế giới chẳng những chưa thực hiện được mà ngược lại còn làm cho giá vàng “nhảy múa”, nới rộng khoảng cách giá cao chưa từng thấy so với thế giới? Không phải ngẫu nhiên, tại thời điểm này Thanh tra Chính phủ đang triển khai cuộc thanh tra toàn diện các hoạt động kinh doanh, huy động và cho vay vốn bằng vàng với NHNN, thời điểm thanh tra từ tháng 1/2009 đến tháng 3/2013. Như vậy, câu trả lời có sai phạm trong quản lý, điều hành kinh doanh vàng của NHNH hay không còn phải chờ. Lúc này thay vì việc làm như với Báo Thanh niên, nếu như NHNN có công văn đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra xem có nhập lậu, có trục lợi trong quản lý, kinh doanh vàng hay không đặng công bố rộng rãi trước bàn dân thiên hạ thì chắc sẽ thuyết phục công luận hơn rất nhiều.
Chưa biết sau công văn của NHNN, Tổng cục An ninh II- Bộ Công an có vào cuộc “ về việc đăng tin sai lệch...” của Báo Thanh niên hay không và nếu có kết cục sẽ như thế nào? Về phần mình, như đã nói Báo Thanh niên đã làm hết trách nhiệm có thể theo Luật Báo chí là đăng đính chính về một số nhầm lẫn dẫn đến sai sót...
Dẫu sao cũng thấy lo cho Báo Thanh niên quá!