Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tác giả bài thơ " Xin đừng gọi anh là lệt sĩ vô danh" chưa được tặng thưởng gì

Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc
Chủ nhật ngày 17 tháng 2 năm 2013 8:09 PM

Bài thơ: “ Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh” ra đời từ năm 1993, cho đến nay đã trọn 20 năm. Hai mươi năm trôi đi, đến ngày thương binh- liệt sỹ lại có hàng nghìn người đọc, hàng trăm người ngâm, hát bài thơ phổ nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là niềm vinh dự lớn của người sáng tác Văn học Nghệ Thuật có tác phẩm sống cùng với thời gian. Và vinh dự lớn hơn nữa, bài thơ đã được Bộ LĐTB- XH khắc vào đá làm bia cho nghĩa trang hữu nghị Việt- Lào từ tháng 10 năm 2010 tại huyện Anh sơn- Nghệ An, và dựng bia khắc bài thơ cùng tên tại nghĩa trang liệt sỹ Đô Lương vào tháng 11 năm 2011.
Tôi quen nhà thơ Văn Hiền từ năm 1993, ngày ấy cũng đã biết có bài thơ: “Xin đừng gọi Anh là liệt sỹ vô danh” thường xuyên được đọc trên đài, truyền hình, in trên báo, tạp chí, đặc san…và cũng biết tác giả bài thơ ấy tên là Văn Hiền, nhưng lạ lùng lại không nghĩ nhà báo Văn Hiền cao gầy, khắc khổ- phó Tổng biên tập báo Nghệ An- lại là tác giả của bài thơ nổi tiếng này. Bởi mỗi lần gặp gỡ, ít nghe nhà báo Văn Hiền (mặc dù ông đã là Hội viên lâu năm của Hội VHNT tỉnh từ năm 1967, sinh hoạt ở ban thơ) nói chuyện về thơ. Ông thường hỏi han về nghề nghiệp (nhà báo) cuộc sống, sức khoẻ…Mãi mãi những năm gần đây, làm việc tổng kết, điểm lại số tác phẩm của hội viên thơ, mới biết nhà báo, nhà thơ Văn Hiền đã có tới 13 đầu sách: Ba tập truyện ngắn, truyện ký, năm tập tiểu luận, và hàng trăm bài thơ ra đời được sắp xếp thành năm tập theo thời gian: “Mây ngũ sắc” “Khoảng trời riêng” “Lục bát cho mình” “Lời ru thắp lửa” “Miền hao khuyết”. Trong hàng trăm bài thơ ấy, Văn Hiền đã dành hàng chục bài thơ viết về người lính, gia đình thương binh liệt sỹ, trong đó có bài: “ Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh”. Qủa tình phải đọc hết hàng chục bài thơ viết về chiến tranh mới hiểu được tình cảm nỗi lòng trăn trở, xót xa, đồng cảm của nhà thơ trước sự hy sinh lớn lao của các chàng trai, cô gái hy sinh vì tổ quốc đến độ nào? Tại sao cứ gọi họ là Liệt sĩ vô danh? Họ là người có danh, cái danh lớn nhất hy sinh cả đời mình vì Tổ quốc. Đến một ngày, trong số nhiều ngày đã đến nghĩa trang liệt sĩ, nhìn hàng nghìn ngôi mộ không tên tuổi, không cầm lòng, những dòng thơ từ trái tim của người thi sĩ đã tuôn trào. Bài thơ ra đời trong điều kiện, hoàn cảnh như thế. Và cũng vui mừng, niềm tự hào của thơ ca, tiếng nói của Văn học Nghệ thuật đã làm lay động bao trái tim trước sự hy sinh của người lính, ngay cả lúc nằm dưới cỏ, họ vẫn chịu thiệt thòi, ngôi mộ không tên, không tuổi. Bài thơ ra đời không lâu đã gây hiệu ứng xã hội. Đài truyền hình Việt Nam dựng phim “Không ai là vô danh”. Hội Cựu chiến binh Việt Nam có nghị quyết đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động thương binh và xã hội khắc lại bia cho 70 vạn liệt sỹ chưa tìm thấy tên tuổi, quê quán. Và thế rồi tất cả các ngôi mộ của các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước, chữ: “Liệt sĩ vô danh” được sửa lại: “Liệt sĩ chưa rõ họ tên”.
Có lần, tôi đã hỏi nhà thơ Văn Hiền: “Anh được tặng thưởng bài thơ trên mấy lần rồi?” Tác giả không trả lời, còn hỏi lại: “Chưa lần nào, với lại làm thơ có ai nghĩ để được giải thưởng đâu? Mình có bài thơ được sống cùng thời gian theo lịch sử, lại được khắc vào đá, đó là tặng thưởng quý nhất, còn có gì hơn thế nữa?”.
Nhà thơ Văn Hiền ơi, giờ mới biết nhà báo, nhà thơ này có tâm hồn thi sĩ...cao, không đòi hỏi gì khi chưa có một tấm bằng khen, một chiếc cúp, một chứng nhận...cho một bài thơ được khắc vào đá sống cùng lịch sử, thời gian. Điều đó cũng quý lắm chứ sao. Sức lao động, trăn trở, việc làm cần được tổ chức công nhận. Niềm tự hào của người lao động chân chính cơ mà. Tôi đã từng biết đến có “nhà thơ” “nhà văn” được tặng thưởng cao ở địa phương, ở trung ương, tổ chức liên hoan tưng bừng, quay phim, chụp hình khi được tặng thưởng. Nhưng khi giải tán cuộc vui, thì “tác phẩm” cũng tan vào hư vô, không còn biết tới tác phẩm, tác giả ấy là ai, là cái gì? Có lẽ cũng từ các cuộc vui ấy, độc giả có cách nhìn khác, đánh giá giá trị tác phẩm Văn học nghệ thuật không cao như ngày xưa.
Nhà thơ Văn Hiền ạ, ông không đòi hỏi gì, nhưng tôi lại nghĩ khác: Bất cứ một tổ chức nào, việc làm gì cũng phải có khen, có chê, có thưởng, có phạt…thế mới là công bằng, dân chủ, công khai. Và đó cũng cội nguồn sâu xa đưa tổ chức, cộng đồng đến sự đoàn kết, kích thích sức lao động, sáng tạo nhiệt tình, phải không thi sĩ, nhà báo Văn Hiền?
XIN ĐỪNG GỌI ANH LÀ LIỆT SỸ VÔ DANH
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh anh tròn ngày tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh lớn lên cùng lưỡi cày lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Hạt lúa củ khoai nuôi anh khôn lớn
Tháng tám nước trong, tháng năm nắng trải
Bàn chân săn chắc dáng trai
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vít hàng quân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo Anh

Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên không tuổi
Trắng hàng bia những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không đánh mất tên anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng./.
Tháng 7 năm 1993
 
Tấm bia khắc bài thơ vừa được Bộ LĐTB-XH chấp thuận đặt tại nghĩa trang Việt – Lào, huyện Anh Sơn- Nghệ An tháng 10 năm 2010.

  1/2012