Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Về hình tượng nhân vật Lão Cu trong tác phẩm của Nguyễn Hiếu

Đường Văn
Thứ bẩy ngày 16 tháng 2 năm 2013 10:23 PM


 
 Mỗi  nhà văn đều có những nhân vật ruột của mình. Nhưng cũng có nhà văn. ngoài nhân vật ruột lại có những nhân vật dường như tác giả muốn gửi gắm một điều gì đấy. Không rõ qui luật sáng tạo ấy có trùng lặp không, nhưng loại nhân vật này như một thứ triết nhân rất gần với thiên nhiên, với dân gian, từ hình dáng bên ngoài đến ngôn ngữ, cách sống... Ở các tác giả khác, nhân vật chỉ thường được khai thác một lần trong một tác phẩm. Với Nguyễn Hiếu, hình tượng nhân vật lão Cu là dạng nhân vật khá đặc biệt: xâu suốt trong nhiều tác phẩm; nhất là mỗi khi tác giả muốn phát biểu thiện tâm (hay bày tỏ thiện tâm, lý lẽ của trời đất về lòng thánh thiện, thì lão Cu lại xuất hiện. Nhưng lão Cu có phải là sản phẩm 100% tưởng tượng của Nguyễn Hiếu không?
1. Từ 1 nguyên mẫu ở làng Chèm
  Lần đầu đọc mấy tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, trong bộ Nguyễn Hiếu tuyển tập (NXB Hà Nội, 2010), thấy lão Cu cứ trở đi trở lại, tôi vẫn chưa nhận ra nguyên mẫu của nhân vật này là ai!? Cho nên khá bất ngờ, khi tác giả bật mí với tôi: - Đó là lão Cục râu quai nón xóm Ô tô làng mình đấy. Nhớ chưa? Tôi ngạc nhiên, vỡ lẽ: - À! ra thế! Nhớ, nhớ rồi! Thế là bỗng hình ảnh một ông già nghèo túng vào hạng dưới đáy của xã hội làng Trèm cuối những năm 60, đầu 70 thế kỷ trước lừ lừ hiện lại trong tâm trí tôi. Vóc cao, xương to, lưng hơi khòng, đầu kệu kếu, tóc lởm chởm, xờ xạc hoa râm bông gạo, đôi mắt nhỏ, dài hung hung tia máu,  him him ngó mông trên trời, dưới đất. Quần áo rách tổ đỉa, xơ mướp, xám xỉn, tà, vạt lòng thòng. Bị cói tàu tàu khoác hững hờ, lủng phủng trên vai, tay vung vẩy chai rượu uống dở gần cạn đáy, lão vừa đi vừa lẩm nhẩm nhưng vẫn nghe rõ giọng nói êm, khá trong, rất dễ nghe: - Lạy Trời, lạy Phật! lạy Đức Thành hoàng! lạy ông bà cha mẹ! cho con, cho con…! Tiếng khẩn cầu nhỏ dần, nhỏ dần, lí nhí nghe càng không rõ lão muốn xin điều gì…. Lũ trẻ con chúng tôi à à chạy theo như đàn ong vừa ngó ông già lẩm cẩm một cách tò mò vừa cất lời trêu chọc. Lão Cục cứ chậm rãi bước lững thững trên đường đê từ dốc Ô tô đến Gảnh Đình, hầu như không để ý đến lũ trẻ nghịch ngợm tinh quái. Thỉnh thoảng lại vung tay ra phía sau, áng chừng như muốn xua đi bọn nhãi ranh láu lỉnh. Lão bước lên thềm đá, chui tọt vào phía trong Tàu tượng, đóng sập cửa lớn và mất hút, im lặng trong đó. Nhiều lần diễn ra cảnh ấy, như thế…Không rõ lão qua đời bao giờ, ở đâu và như thế nào!?...
  Có ai ngờ con người khốn khổ, đáng thương ấy lại ám ảnh sâu sắc cả một thời niên thiếu bạn tôi, để rồi sau này trở thành hình tượng nhân vật văn học khá độc đáo, hấp dẫn trong nhiều tác phẩm ngắn dài của anh: từ các tiểu thuyết: Vệt xoáy trước ngực làng (1987), Dòng sông màu máu vẫn chảy (1995), đến truyện vừa Trăng mùa đông (2004), truyện ngắn Hình như ngoài Văn chỉ có ma (…?) và kịch nói Hàng rào mồng tơi gãy giập (Vụ án xảy ra lúc chập tối (2006) được viết trong một quá trình khá dài, khoảng gần 30 năm (1987 – 2010).
  Cố nhiên, với năng lực hư cấu, tưởng tượng dồi dào, phong phú và phóng khoáng của cây bút văn xuôi chuyên nghiệp, từ lão Cục có thật ở làng Chèm đến lão Cu hình tượng trong làng Chiện là cả một quá trình biến hóa, lột xác, hoán cốt đổi hồn không đơn giản. Và lão Cục trong hiện thực một thời chưa xa đã qua chỉ còn như là một cái cớ, cái đà, nguyên mẫu, chất liệu đắc địa để nhà văn gửi vào hình tượng nhân vật do mình tạo ra những tư tưởng nghệ thuật, thông điệp nghệ thuật, dụng ý nghệ thuật của riêng mình tới bạn đọc. Lão Cu, hiển nhiên không phải là lão Cục! Nhưng rõ ràng, không có lão Cục đáng sợ mà đáng thương ấy thì không thể có Lão Cu, một con người nhỏ bé, dở rồ, dở điên mà kỳ quái, kỳ lạ nhất làng Chiện suốt mấy chục năm ròng.
  Vậy, giữa lão Cu này và lão Cục nọ có những điểm gì khác biệt? Giữa lão Cu với một số hình tượng nhân vật văn học Việt Nam và thế giới gần gũi có những điểm nào tương đồng, khác biệt? Đóng góp và hạn chế của Nguyễn Hiếu khi sáng tạo hình tượng nhân vật văn học lạ lùng này như thế nào? Thông điệp nghệ thuật mà nhà văn muốn chia sẻ với người đọc là gì?...
 Bài viết nhỏ của chúng tôi sẽ thử bước đầu tìm hiểu để trả lời một vài câu hỏi thú vị ấy.
2. Đến lão Cu trong làng Chiện
  Hình tượng nhân vật lão Cu xuất hiện lần đầu và nhiều nhất (từ đầu đến cuối truyện) là trong tiểu thuyết Vệt xoáy trước ngực làng: 19 chương, 6/7 phần. Lão là người đã từng  chứng kiến vào hầu hết các sự kiện chủ yếu của làng Chiện trong 3 thập kỷ, từ trước cách mạng tháng 8, đầu những năm 40 tới đầu những năm 60 thế kỷ trước.  Kết Vệt xoáy là cái chết và đám ma lão Cu. Truyện vừa Trăng mùa đông thực chất cốt truyện được lấy lại từ một phần của Vệt xoáy rồi viết kĩ, sâu hơn. Ở đây, nhân vật lão Cu cũng đóng vai trò khá quan trọng, có mặt trong 6/25 chương. Hầu như chứng kiến toàn bộ từ đầu đến cuối sự kiện bi hùng ở đoạn Gảnh đình sông Cái, làng Chiện cuối năm 1945 lịch sử. Trong truyện ngắn Hình như ngoài Văn chỉ có ma, lão Cu chỉ thấp thoáng 1 đoạn trong mục 3. Những điều viết trong cuốn sổ tay của ông Ba Vinh, 1 cán bộ xã hồi CCRĐ.  Tại đây, lão Cu đã biến thành thần, ngồi chung chiếu với linh hồn các liệt sỹ 1945 làng Chiện, với Tuệ, nhân vật chính từ Vệt xoáy và Dòng sông màu máu, đặc biệt là với cả Đức Thánh làng. Lão Cu nói độc 1 câu chỉ ra thủ phạm chính của sự biến đổi long trời lở đất: - Là người, phải là người. Hòa với lời Thánh: Phá hết! Phá Hết! Trong Dòng sông màu máu vẫn chảy, nhân vật lão Cu lại xuất hiện trong 2 chương cuối, trong tai nạn tự gây khủng khiếp, dẫn đến cái chết thê thảm của nhân vật chính Tuệ, trong những hồi ức hoảng loạn  của 1 đầu óc tâm thần phân liệt nặng, trong những phút hấp hối, Tuệ được lão Cu bế lên trời gặp Đức Thánh làng. Cuối cùng, trong kịch nói Vụ án  mạng xảy ra lúc chập tối (2006). nhân vật lão Cu cũng xuất hiện 4/5 cảnh kịch, từ lúc thắt nút đến khi kết kịch với lời tiên tri vừa dự báo vừa mịt mùng vừa động viên nhân ái nhân vật nữ (Chén) đáng thương nhất của vở: - Đưa tay đây lão dắt. Cố mà vượt qua sự đời này, cháu ạ!
 Như thế, rõ ràng tuy với mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng hình tượng nhân vật lão Cu là một trong những hình tượng nhân vật khá độc đáo trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Hiếu. Nó là kiểu nhân vật liên hoàn, xâu chuỗi, có mặt trong nhiều tác phẩm thuộc các thể loại văn học khác nhau: truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài (tiểu thuyết)  và kịch nói.
Điều này hẳn là 1 dụng ý nghệ thuật của tác giả.
      Vậy, dụng ý đó là gì? Và hiệu quả nghệ thuật của nó đến đâu? Tính mới mẻ, độc đáo của nó đến đâu? Muốn trả lời câu hỏi này, thiết tưởng không thể không động chạm đến 2 vấn đề cốt lõi nhất. Đó là:
3. Sự gần gũi, tương đồng giữa lão Cu và một số hình tượng nhân vật trong văn học Việt Nam và thế giới.
  Giữa hình tượng nhân vật lão Cu trong tác phẩm của Nguyễn Hiếu và một số hình tượng nhân vật trong các tác phẩm văn xuôi, sân khấu khác của Việt Nam và nước ngoài (theo sự khảo sát hạn hẹp bước đầu của tôi), thấy có nhiều nét rất gần gũi, thậm chí tương đồng ngẫu nhiên và thú vị. Tôi có lục vấn tác giả về nhận xét này và hỏi 1 cách nghiêm túc  rằng, khi sáng tạo lão Cu, anh có chịu ảnh hưởng của sách này, sách nọ, nhà văn nọ, nhà văn kia… không? - Nếu có thì đến mức độ nào? Nhà văn làng Chiện cũng nghiêm mặt trả lời tôi rất nghiêm túc: - Không hề! Tôi hoàn toàn tự nghĩ, tự hư cấu từ A - Z, hoàn toàn là cha đẻ của lão Cu (LC). LC hoàn toàn không phải là con lai hay con xin, con nhặt…Vả lại, 1 số tác phẩm anh kể ra đó, tôi còn chưa đọc!!!
  Tôi tin lời anh và nghĩ rằng, phải chăng sự gần gũi ấy là ngẫu nhiên gần gũi và song trùng về chất liệu, về tư duy của người sáng tác nói chung nhưng cũng có những ảnh hưởng sâu xa, từ thời học trò phổ thông, với những kiệt tác như Chí Phèo, hay AQ chính truyện chẳng hạn… Người đọc không khó khăn lắm để nhận ra có sự gần gụi, thậm chí một số điểm tương đồng giữa lão Cu và các nhân vật cùng loại hình, môtip trong văn học và sân khấu Việt Nam xưa nay. Chẳng hạn: các nhân vật lão hề, lão say trong chèo dân gian. Chí Phèo, Lang Rận (Nam Cao), lão bõ Sức và lão Ba Bơ trong Bão biển (tiểu thuyết 2 tập (1969) của Chu Văn, lão Khúng  trong 2 truyện ngắn Khách ở quê ra và Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu… Rộng ra văn học thế giới, cũng thấy chú AQ nổi tiếng trong truyện vừa AQ chính truyện của Lỗ Tấn (Trung Quốc), lão Ackhip trong truyện ngắn của M. Gorki, lão Cá măng (Suca), trong tiểu thuyết 2 tập Đất vỡ hoang của M. Sôlôkhốp (Nga); chúng gần nhau từ cái tên kỳ dị đến hình dạng kỳ quái, lai lịch, số phận, tính cách, lời ăn tiếng nói…
  Chẳng hạn: Nhân vật lão Cu (không biết họ tên thật là gì!? (cũng như lão Cục (vì lão nói hay năng cục cằn, thô lỗ mà thành tên). Cách gọi tên vừa hài hước vừa đáng thương! Gọi lão chứng tỏ đã già: 50 – 60 tuổi, nhưng đã tỏ ý coi thường của người làng, người đời (như kiểu lão Hạc, lão bá Kiến). Phổ biến ở nông thôn Việt Nam, cái tên Cu vốn là tên gọi chung cho tất cả những trẻ con trai, (kiểu như Cò, Bòi). Đến khi trưởng thành, lớn tuổi, không bao giờ gọi nữa mà thay bằng tên chính thức. Nhưng với riêng lão Cu, thì cái tên tục thời trẻ con  cứ gắn với lão đến già, đến chết. Không biết cha mẹ, ông bà là ai! Chẳng có họ hàng, rây mơ rễ má gì trong xóm, ngoài làng. Cũng chẳng có gia đình riêng, suốt đời không vợ, con, chẳng đất đai, nhà cửa, nghề nghiệp. Một khối cô đơn cho đến chết! Chí Phèo chẳng như vậy ư? Bõ Sức, Ba Bơ, lão Khúng hay lão Suca, chú AQ… cũng chẳng gần như vậy sao?
   Đó là hình tượng khái quát  những con người chân đất, những con người dưới đáy xã hội. Nghèo đói triền miên, tứ cố vô thân, những căn bã của làng quê hay thành thị, vô sản và vô học, sống bừa bãi gần như bản năng. Và đều là những đệ tử chân truyền tự nguyện của Lưu Linh! Đời họ là những cơn say triền miên, tràn từ cơn say này sang cơn say khác trong cô đơn cùng cực, bế tắc, hận đời và chán đời… Cuối cùng, kết thúc cuộc đời một cách âm thầm hay bi đát (cũng có khi dữ dội, quyết liệt), bị người đời ghê tởm hay lãng quên, gạt ra ngoài vòng xã hội, bên lề cuộc đời. Họ sinh nhai bằng những nghề nghiệp nặng nề nhất, bẩn thỉu nhất, hạ tiện nhất hoặc ghê gớm nhất (làm bõ (mõ), đầy tớ, làm thuê, bốc mả, đào huyệt, ăn vạ, rạch mặt, ăn mày ăn xin, ăn trộm, ăn cướp…hoặc vô nghề nghiệp…
  Nhưng họ vẫn là những con người không phải hoàn toàn độc ác, mất hết nhân tính hay hoàn toàn ngu muội, hay gàn dở, điên rồ… Họ là những người đặc biệt do cuộc đời xã hội, hoàn cảnh, do cả cá tính, tính cách biến đổi, nhào nặn, là sản phẩm cụ thể của những giai đoạn lịch sử khác nhau ở mỗi nước, mỗi dân tộc khác nhau, nhưng hình như đã trở thành một hiện tượng xã hội, một vấn đề xã hội dai dẳng, nhức nhối. Trong văn chương nghệ thuật, qua nghệ thuật điển hình hóa, hình tượng hóa của nhà văn, những nguyên mẫu ấy hóa thân thành một kiểu hình tượng, một môtip nhân vật mà không ít nhà văn đã khai thác và xây dựng thành công ở những tầm, mức khác nhau. Có khi khái quát cả quốc dân tính của một dân tộc, tính chất và bản chất của cả một cuộc cách mạng (Lỗ Tấn với AQ), điển hình hóa cả một bộ phận người nông dân bị tha hóa trong xã hội thực dân nửa phong kiến (Nam Cao với Chí Phèo, Nguyễn Minh Châu với lão Khúng, Chu Văn với bõ Sức…) nhưng cũng có khi chỉ là nhân vật hài, người chứng kiến câu chuyện đời, thể hiện cái nhìn và tiếng cười trào lộng, châm biếm, hài hước của nhân dân hoặc  (các lão hề trong chèo, Suca của Sô lô khốp, lão Ba Bơ của Chu Văn…). Cao, sâu  hơn nữa là nhân vật mang ít nhiều màu sắc hài - triết lý – tâm linh một cách tự phát với nguyên mẫu, với hình tượng nhưng tự giác với nhà văn.
  Nhìn chung, ý nghĩa tư tưởng thẩm mỹ của hình tượng lão Cu  trong các tác phẩm của Nguyễn Hiếu cũng không ngoài những điều đó.
  Về mặt nghệ thuật xây dựng 1 hình tượng nhân vật xâu chuỗi, có mặt trong nhiều tác phẩm khác nhau của 1 tác giả cũng không phải là sáng tạo đầu tiên của Nguyễn Hiếu. Bộ Tấn trò đời của Bandắc có không ít nhân vật kiểu này. Còn ở ta, Lão Khúng từng là nhân vật chính đi từ Khách ở quê ra đến Phiên chợ Giát đó thôi!
  Sự gần gũi và giống nhau ít nhiều giữa các hình tượng nhân vật ấy vừa được phác ra ở trên đưa ta đến kết luận gì?
-  Văn học Việt Nam nói riêng và văn học thế giới nói chung đã, đang và sẽ có những kiểu nhân vật, môtip nhân vật rất gần gũi, tương đồng. Môtip lão Cu phải chăng là một trong những kiểu nhân vật văn học nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo, gợi mở khả năng sáng tạo của các văn nghệ sỹ tâm huyết và tài năng của nhiều quốc gia, dân tộc.
-  Tư duy hình tượng, tư duy nghệ thuật có những quy luật mang tính phổ biến toàn cầu trong hư cấu sáng tạo hình tượng nhân vật từ những chất liệu đời sống xã hội, tinh thần cũng gần gũi, tương đồng.
-  Kiểu nhân vật liên hoàn, xâu chuỗi có mặt trong nhiều tác phẩm khác nhau phải chăng là một trong những xu hướng sáng tác mang lại những hiệu quả nghệ thuật riêng mà không ít tác giả vận dụng từ cổ điển đến hiện đại?
  Nhưng nếu chỉ có những điều vừa trình bày trên thì lão Cu của Nguyễn Hiếu không chỉ là người đến quá muộn mà cũng còn rất lâu, rất xa mới có thể sánh ngang cùng các bậc văn tài ông cha về giá trị, đặc biệt là giá trị thẩm mỹ. Giá trị chân chính của nhà văn là đóng góp được cái riêng, cái cá tính nghệ thuật của mình vào kho tàng văn học chung của đất nước và nhân loại.  
  Vậy, lão Cu, với tư cách là một hình tượng nhân vật văn học, dưới ngòi bút văn xuôi – kịch nói Nguyễn Hiếu, đã có những điểm gì riêng khả thủ, từ nội dung, đặc điểm tính cách đến nghệ thuật xây dựng, kết cấu, ngôn ngữ nhân vật?
4. Sự khác biệt hay là những tìm tòi, sáng tạo của Nguyễn Hiếu qua hình tượng nhân vật lão Cu
4.1. Ngay trong đoạn mở đầu, kẻ viết bài này đã có ý khẳng định, rằng một trong những điểm tìm tòi mới mẻ của Nguyễn Hiếu trong việc xây dựng hình tượng nhân vật lão Cu là ở cấu trúc xâu chuỗi dây chuyền của nó. Đến mục 3 lại chứng minh rằng dù ý thức hay tự phát thì vẫn có sự gần gũi với cách tổ chức nhân vật tương tự  như một vài nhà văn trong nước và nước ngoài. Tới mục 4 này, tôi lại muốn luận chứng rằng, trong cái sự gần gụi, tương đồng ngỡ như là bắt chước, học hỏi các bậc thầy văn hóa ấy, vẫn lộ rõ sự thông minh, sáng tạo mạnh bạo của Nguyễn Hiếu. Chẳng hạn, như với Nguyễn Minh Châu, lão Khúng chỉ có mặt và hoạt động trong 2 truyện ngắn; trong bộ Tấn trò đời (Ban dắc), nhân vật Vôtơrăng cũng chỉ chuyển môi trường hoạt động trong vài 3 tiểu thuyết. Còn dưới ngòi bút Nguyễn Hiếu, lão Cu sống và chết và cả sau khi chết trong những thể loại văn xuôi khác nhau: truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết. Đặc biệt hơn, là trong cả loại hình khác, là kịch nói, với ngôn ngữ đối thoại, độc thoại trực tiếp trên sân khấu hiện đại. Chỉ nội một điều dịch chuyển nhân vật qua những hình thức thể loại khác nhau đó đã chẳng chứng tỏ sự phá cách mới mẻ rất đáng ghi nhận của tác giả hay sao?
4.2. Về mặt tính cách và số phận nhân vật, lão Cu có không ít nét gần gũi, thậm chí  song trùng với một số nhân vật như mục 3 đã lược giải. Nhưng ngay ở những nét ấy vẫn có những cạnh khía khác biệt khá rõ, khá xa, tạo cho lão Cu sự hấp dẫn riêng. Chẳng hạn, lão Cu, cũng như hầu hết các nhân vật kiểu này, đều ham, nghiện đến nát rượu, đều lấy rượu làm lẽ sống, gần như niềm vui sống duy nhất. Hình như họ đều suốt ngày đêm, trừ lúc say ngủ, đều kè kè trong tay, bên mình một chai rượu uống dở với bộ mặt phừng phừng hơi men… Nhưng lão Cu không vì rượu mà biến thành con quỷ dữ làng Vũ Đại như Chí Phèo, không vì say mà chết thảm như bõ Sức, thành trò hề cho lũ trẻ ranh tinh quái như lão Ba Bơ hay lão Suca. Lão Cu thọt say rượu nhưng vẫn rất hiền, rất tốt, vẫn làm được những việc tốt cho làng, cho dân (chôn người chết đói năm 1945 (Vệt xoáy…), chứng kiến cảnh những anh hùng làng Chiện hi sinh vì nước trong mùa đông 1945, khóc thương ông Tượng, ông Mã bị đẩy xuống sông hồi CCRĐ, an ủi những nạn nhân bất hạnh vì mâu thuẫn giữa lòng tham và tình làng nghĩa xóm (kịch Hàng rào mồng tơi gãy giập). Trong một số nhân vật gần gũi, hoặc tương đồng về tính cách và số phận với lão Cu kể trên, có người vừa đáng thương vừa đáng sợ, đáng giận; riêng lão Cu thì người đọc chỉ thấy đáng thương, đáng mến, thậm chí đáng nể, phục. Hơn một lần tác giả nhận xét: đó là một con người nghèo kiết nhất làng Chiện, khốn khổ nhất làng Chiện nhưng cũng kỳ lạ, đặc biệt nhất làng Chiện, một con người vô tư, hồn nhiên nhất làng Chiện! Lời đánh giá ẩy tỏ ra không có gì là phóng đại, khiên cưỡng. Suốt đời lão Cu không hề hại ai, không làm điều ác nhỏ cho bất kỳ ai. Ngược lại, lão còn làm được những việc thiện mà những người khác không muốn làm hoặc không dám làm. Mà lão làm một cách hoàn toàn tự nguyện, không băn khoăn tính đếm, không công xá thù lao, cũng không nhằm tích đức cho đời sau, kiếp sau.. . mà như một bản năng gốc, như thiên lương, tính bản thiện của con người. (lão Cu với 7 chiến sỹ cướp thuyền vũ khí của bọn Tàu Tưởng; lão Cu với Tuệ, lão Cu với Chén…). Thật kỳ lạ mà cũng dễ hiểu khi Nguyễn Hiếu, trong Vệt xoáy trước ngực làng tả đám tang lão Cu một cách trang trọng  lạ thường:
 Đúng ngọ thì lão Cu đi. Giờ Tuất đến ¾ làng đi sau quan tài của lão. Ban nhạc của đội văn nghệ ra hết… Đám tang không có mảnh khăn tang mà tiếng sụt sịt lại râm ran. Những tiếng nói khẽ đầy nước mắt. Nước mắt người làng nhỏ ra vì thương lão như thương cái cổng làng, cây đa, cái quán, cái cầu giữa đồng. (tr.  381, 384, sdd).
 Cái chết của những Chí Phèo, AQ, lang Rận, bõ Sức…mỗi người mỗi kiểu, nhưng có ai được trân trọng, cảm thương, sống trong lòng người sống trong làng như lão Cu?!
 Số phận và tính cách của hình tượng nhân vật lão Cu, như vậy, bên cạnh một số điểm gần gũi, tương đồng với một vài nhân vật trong các tác phẩm văn xuôi hiện đại nhưng rõ ràng vẫn nổi rõ ràng và sắc nét những điểm dị biệt, để lão Cu được là chính lão Cu này, là sản phẩm sáng tạo của riêng Nguyễn Hiếu trong loạt tác phẩm của anh.
4.3. Ngôn ngữ nhân vật lão Cu gồm ngôn ngữ đối thoại là chủ yếu xen một số độc thoại nội tâm và nửa độc thoại… không phải là đặc điểm khu biệt rõ nét so với các nhân vật khác mà sự khác biệt trên bình diện này là ở chỗ nội dung lời nói hằng ngày  trong giao tiếp với người, với Thánh và với mình của lão Cu rất ít kè nhè giọng rượu (trừ 1 trường hợp xen những tiếng nấc ợ  (kịch Vụ án xảy ra lúc chập tối), càng không phải là ngôn ngữ của kẻ rồ điên, ngông cuồng, phá phách, liều mạng, bạt mạng, chửi bới bậy bạ, lung tung, móc máy, xiên xỏ như lời nói cuả Chí Phèo hay bõ Sức… Ngôn ngữ lão Cu nhìn chung hiền lành nhưng không ngu ngốc, nhiều khi thấm đượm tiếng nói của chân lý dân gian, lời tiên tri, cảnh báo nghiêm khắc. Tỉ như đoạn lão Cu quát tháo bọn thằng Hoạt dám làm điều nhơ nhuốc, phạm thượng khi mặc quần áo Thánh lên biểu diến trên sân khấu: - Ai cho chúng mày ăn mặc quần áo Thánh, đồ thằng Ngô con đĩ kia?! (Vệt xoáy…, tr. 380). Nhưng đọc những đoạn đối thoại giữa lão Cu và Tuệ khi hai người đi săn chim cuốc thì chỉ thấy lão thật hiền hậu, ái nhân, ái vật, rất đáng thương!
4.4. Một trong những điểm khu biệt giữa lão Cu và các nhân vật khác đó là vai trò người chứng kiến lịch sử làng Chiện, trải qua những kiện quan trọng nhất, bi tráng nhất trong những giai đoạn quan trọng của lịch sử đất nước và dân tộc từ những năm 40 – 60 thế kỷ 20, từ Cách mạng tháng Tám qua kháng chiến chống Pháp đến hòa bình lập lại,  Cải cách ruộng đất, sửa sai, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn miền Bắc… và nếu kể cả  trong kịch Vụ án xảy ra lúc chập tối thì lão còn có mặt tới những năm 90 – 2000 chứng kiến mặt phải, mặt trái của làn gió đổi mới, bung ra, đô thị hoá nông thôn… nữa kia…!
            Với vai trò người chứng kiến và cũng tham gia phần nào, dường như là sự xếp đặt ngẫu nhiên của cuộc sống cộng đồng, các sự kiện long trời lở đất ấy ở làng Chiện được tái hiện có phần khách quan, tự nhiên và chân thật hơn, qua cảm quan chất phác, ngây thơ của một con người nhỏ bé khốn khổ mà thánh thiện, cao quý. Ít có nhân vật cùng loại hay gần gũi nào khác có được sự kết hợp và thống nhất giữa thời gian vật lý - thời gian đời tư – thời gian thế sự - thời gian lịch sử – thời gian nghệ thuật dài rộng, phong phú như nhân vật lão Cu. (kể cả lão Khúng, AQ hay Chí Phèo…) Với đặc điểm này, có lẽ Nguyễn Hiếu muốn đưa thêm một góc nhìn nữa - góc nhìn khá đặc biệt của dân gian trong cách phục dựng và đánh giá một số sự kiện lịch sử cận, hiện đại ở quê anh. Thời gian và nhân dân là 2 vị quan tòa công minh, sáng suốt nhất.
4.5 . Nhưng theo tôi, đặc điểm quan trọng nhất, nổi bật nhất, đặc sắc nhất  trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật lão Cu, khiến lão trở thành một trong số ít nhân vật hư cấu độc đáo của Nguyễn Hiếu (như nhân vật con Ngố  trong tiểu thuyết cùng tên (2005) chẳng hạn): Đó là việc tạo ra mối quan hệ đặc biệt siêu phàm của lão Cu với thần thánh, cụ thể là vị Thành Hoàng làng Chiện, Đức Thượng đẳng thần tối linh Thiên Vương Lý Ông Trọng (mà pho tượng và bài vị, sắc phong của Ngài đã và đang được dân ba làng (Chèm, Hoàng, Mạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội) thờ cúng linh thiêng tại Đình Chèm.
             Để chuẩn bị cho ý đồ nghệ thuật này, nhà văn sắp xếp khá cẩn trọng và công phu các tình tiết, chi tiết một cách hợp lý mà tưởng chừng như ngẫu nhiên, tình cờ. Từ việc lão Cu thích ngủ qua đêm trong Tàu tượng, bên chân tượng ông voi là cái ổ rơm đơn giản, tuềnh toàng của lão (lão Cu không có nhà, cũng chẳng có lều như Chí Phèo hay bõ Sức, lão Khúng…) đến tình tiết lão Cu suốt đời không có vợ con, sống một mình, suốt đời trai tân, không hề biết đến đàn bà, một khối nguyên trinh trong trắng…Tất cả những điều đó dẫn đến cái ân sủng rất trọng mà Thánh Chèm dành riêng cho lão, và chỉ lão là người duy nhất trong làng Chiện được hưởng. Đó là được trực tiếp gặp ngài, được ngài trò chuyện, báo tin, dặn dò, cảnh báo dân làng…
 Thật ra, về thủ pháp nghệ thuật biểu hiện, ở đây Nguyễn Hiếu cũng không có gì mới mẻ so với những đại văn hào, thi hào: Nguyễn Du (Truyện Kiều), Puskin (Epghênhi Ônhêghin), L. Tônxtôi (Chiến tranh và hòa bình, Anna Carênhina). Đó là sử sụng thủ pháp những giấc mơ nghệ thuật.
           Lão Cu nhiều lần được gặp mặt Đức Thánh Chèm đều trong những giấc mộng khi nằm dưới chân voi trong Tàu tượng. Còn trong Dòng sông màu máu hay Hình như ngoài Văn chỉ có ma, khi lão Cu cũng đã hóa thần ở thế giới bên kia thì lại hiện ra cùng với Thánh Chèm trong những giấc mơ của nhân vật Tuệ hay Ba Vinh…
 Tóm lại, về nghệ thuật thể hiện mối quan hệ này, theo tôi, không có gì đặc biệt. Bút pháp giấc mơ nghệ thuật mà Nguyễn Hiếu sử dụng với lão Cu và Thành Hoàng làng Chiện có liên quan và chịu ảnh hưởng ít nhiều ở bút pháp hiện thực huyền ảo - huyền thoại hiện đại của Macket trong Trăm năm cô đơn hay không là vấn đề cần được khảo sát kỹ hơn mới có thể đưa ra kết luận dứt khoát. Vấn đề quan trọng hơn là tìm hiểu dụng ý tư tưởng -  nghệ thuật của nhà văn ở đây là gì và hiệu quả của nó đến đâu?
             Trong Vệt xoáy trước ngực làng, tác phẩm mà nhân vật lão Cu có mặt từ đầu đến cuối với nhiều phiến đoạn, chi tiết sinh động. Ta chú ý tới 3 lần lão Cu mơ gặp Thánh Chèm, đặc biệt là lần thứ 2 (Phần thứ 3: Lão Cu là vậy, tr. 177 -179), trong giấc mơ sau bữa rượu túy lúy đêm trăng; khi nhận ra Ngài, lão Cu vái lậy và kêu xin: - Chúng con là người trần mắt thịt. Nhưng Thánh Chèm đã phán rõ: - Mi là cầu nối giữa ta và dân làng Chiện. Và qua cái cầu nối độc đáo, đầy tin cậy ấy,  Đức Ngài đã cảnh báo, đã he hé lộ chút sự việc động trời sắp xảy ra nơi làng Chiện quê Ngài trong thiên địa mịt mùng, thiên cơ bất khả lậu … Cố nhiên, toàn bộ tình tiết trên và 2 lần lão Cu mơ gặp Lý Đức ông khác cũng hoàn toàn đều là hư cấu, tưởng tượng của nhà văn. Nhưng đó là kiểu hư cấu tưởng tượng mà hiện thực chỉ còn là điểm tựa, là cái cớ rất hờ hững, rất mỏng manh để tác giả tha hồ vũng vẫy, bay bổng trong giấc mơ huyền thoại khoáng đạt của nhân vật. Ở đây, và chỉ ở đây, người trần, người thực mới có thể giao tiếp, giao lưu cùng thần thánh siêu nhân, siêu nhiên, lai vô ảnh khứ vô hình, âm dương hòa nhập, cùng tồn tại.
            Thực ra, về bản chất, đó cũng chỉ là những giấc mơ lãng mạn, những khát vọng vừa cháy bỏng vừa âm ỷ, sôi sục ngàn đời của nhân dân về công lý, công bằng và một trong những cách giải thích sự kiện lịch sử đã xảy ra bằng huyền thoại dân gian mà thôi. Ở đây, trong mối quan hệ đặc biệt với thánh thần làng Chiện, lão Cu không chỉ là cầu nối để tiếp nhận những lời phán truyền, những răn dạy của Ngài  mà còn như là 1 đối tượng soi chiếu, khẳng định sự đúng đắn, sâu sắc, tính tiên tri, dự báo của chân lý nhân dân, chân lý dân gian đánh giá, bình luận về một số sự kiện lịch sử bi hùng hoặc bi hài đã từng xảy ra ở làng Chiện mấy chục năm qua.
            Tôi cho rằng dụng ý tư tưởng – nghệ thuật của Nguyễn Hiếu về nhân vật xuyên xâu thể loại, loại hình lão Cu này là như vậy. Và cũng chính vì vậy mà lão Cu, tuy không phải là nhân vật chính, càng không phải là nhân vật trung tâm, nhân vật ruột trong bất kỳ tác phẩm nào của Nguyễn Hiếu mà lão có mặt.  Nhưng ngay cả ở trong tác phẩm lão có mặt ít nhất, ngắn nhất, ngay cả lão có mặt chỉ như 1 hư ảnh, hay sống một cuộc đời khác (biến thành lão Cu thọt trong kịch Hàng rào giữa hai nhà) thì vị trí, vai trò, ý nghĩa, sức liên tưởng, gợi nghĩ và ám ảnh tự phát ra từ nhân vật đặc biệt này cũng đều khá mạnh. Điều đó khiến người đọc, người xem không thể không ngẫm nghĩ, soi chiếu, liên hệ từ những cử chỉ, hành động tưởng như vớ vẩn, vu vơ, nhất là những câu nói, những đoạn thoại nửa say nửa tỉnh lại hình như tàng chứa những triết lý sự đời, bóng dáng của cuộc sống xã hội hôm nay với bao vấn đề gai góc, nóng bỏng (xem Hàng rào…, tr. 190 – 191,194, 226).
 Tôi nghĩ rằng ở các nhân vật gần gũi, hay cùng loại đã dẫn, đặc điểm này cũng xuất hiện nhiều ít, nhưng không có nhân vật nào đậm đặc, tập trung như lão Cu trong mối quan hệ với cái hư ảo, với thánh thần ở 1 làng quê như làng Chiện bên dòng sông Cái.
 Đó là 1 thành công mới đáng ghi nhận trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Hiếu.
***
 Từ những phân tích, luận giải trên, có thể sơ bộ kết luận như thế này chăng về nghệ thuật sáng tạo hình tượng nhân vật lão Cu của Nguyễn Hiếu:
- Trong số hàng vài trăm nhân vật lớn nhỏ, chính phụ trong vài chục tác phẩm tự sự và kịch của Nguyễn Hiếu, lão Cu là một trong số ít những nhân vật được xây dựng thành công sắc sảo, sống động, hấp dẫn, khá độc đáo, từ ngoại hình đến nội tâm, tính cách, số phận, để lại ấn tượng mạnh trong lòng người đọc, người xem.
- Tuy vẫn có không ít nét gần gũi, tương đồng với một số hình tượng nhân vật khác trong văn học Việt Nam và nước ngoài, nhưng sự khác biệt ở lão Cu với họ lại có phần sâu đậm hơn, đặc biệt là bút pháp hiện thực – hư ảo – dân gian (tạm nêu tên khái niệm) đã được tác giả vận dụng với ý thức cao, nhiệt hứng bền, đã tạo ra hiệu quả nghệ thuật tốt, khiến dụng ý nghệ thuật của tác giả biến lão Cu từ một con người nhỏ bé, khốn khổ dưới đáy xã hội làng Chiện dần trở thành một lão Cu – nhân chứng lịch sử, lão Cu cầu nối giữa thánh thần và người trần, lão Cu – tiếng nói của lương tâm, của triết lý dân gian… một cách  gần như tất yếu, đầy thuyết phục.
                Đó chính là nét mới sáng tạo thành công của Nguyễn Hiếu trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật trong văn xuôi tự sự và kịch nói.
- Tuy nhiên, khách quan mà nói, nếu so với những tác phẩm xuất sắc, những kiệt tác như AQ, Chí Phèo hay Phiên chợ Giát (Giấc mơ của lão Khúng với bò khoang)… thì mức độ khái quát vấn đề nhân sinh xã hội toát lên từ hình tượng văn học lão Cu của Nguyễn Hiếu vẫn có phần hạn hẹp hơn.
  Cuối cùng, người đọc đã có thể ghi danh hình tượng lão Cu, với những đặc sắc tư tưởng – nghệ thuật khá riêng biệt mà Nguyễn Hiếu đã dày công sáng tạo, bên cạnh và nối tiếp những hình tượng nhân vật lừng danh trong văn học nước nhà và nước ngoài. Lão Cu, theo tôi, là một trong vài nhân vật đã làm nên thương hiệu nhà văn làng Chiện với văn đàn và người đọc Việt Nam, không chỉ là thương hiệu nổi danh viết nhiều, viết khỏe như lực sỹ hạng nặng mà còn là thương hiệu xây dựng thành công những nhân vật khá độc đáo như lão Cu, hoặc con Ngố…/.
Trèm, đêm cuối thu, 18 – 10 – 2012.
                                                                                                                  Tạp chí Nhà văn tháng 1/2013