Rau răm dễ bứng, khó trồng.
Dẫu thương cho lắm cũng chồng người ta.
Nhà văn, nhà báo PHAN KHÔI nổi tiếng ai cũng biết, nhưng éo le thay buộc với văn nghiệp của ông lại là bài thơ TÌNH GIÀ, có thể 1 lúc bất chợt nào đó, có người hỏi Phan Khôi là ai ? à … phải nghĩ 1 tí đã, nhưng nhắc đến bài thơ TÌNH GIÀ thì trả lời ngay đó là Phan Khôi, phải không quí vị ?
“ Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ.
Hai mái đầu xanh, kề nhau than thở “
Hai mái đầu xanh ấy, cách đây 24 năm, họ được bao nhiêu tuổi ? Xin thưa 21 tuổi ạ ! (Theo “Giải mã bí mật “TÌNH GIÀ” Phan Khôi của Lại Nguyên Ân – TTVH 30/01/2012), như thế lúc hai người gặp nhau khoãng 45 tuổi, Phan Khôi gọi là Tình Già rồi .
Nay tôi xin kể một chuyện tình buồn có thật 100%, các nhân vật hiện còn sống cả, chàng trên 60 còn nàng kém 60 một tí , như thế mới gọi là tình già chứ .
THỊ XÃ LONG XUYÊN – AN GIANG thời ấy .
Vào năm 1984 – 1985, thời bao cấp, thương trường chỉ còn 2 thành phần kinh tế là Thương Nghiệp quốc doanh và Hợp Tác Xã mua bán, các tư nhân không được quyền kinh doanh, còn các hộ có tay nghề giỏi, có mặt bằng muốn làm ăn thì ký Hợp Đồng Hợp Tác Kinh Doanh với các Công Ty hoặc HTX.MB thì được.
Anh HÙNG Giám Đốc Công Ty Dịch Vụ TX Long xuyên, là người có năng lực (tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa Sài Gòn năm 1974) anh được phân công chức vụ Giám Đốc khi chưa phải là Đảng viên.
Công Ty Dich vụ có Nhà hàng Bông Sen là chủ lực, còn có khoãng 40 cửa hàng sinh tố, cà phê, ăn uống trong dạng hợp tác kinh doanh (HTKD), ngoài ra còn có ngành may mặc, uốn tóc, hớt tóc …
Trong các quán nhậu dạng HTKD , đặc biệt có quán THÙY, cô chủ quán xinh đẹp, dáng thon gầy, gương mặt trái xoan, đôi gò má lúc nào cũng ửng đỏ, rất duyên dáng (nếu không duyên dáng, thì quán xá ế ẩm hay sao !) cô Thùy chưa lập gia đình. Trong các quán nhậu HTKD thì quán THÙY có doanh số cao nhất, dân Long xuyên đa số đều biết, đặc biệt là món “Bò lụi tỏi” không nơi nào sánh bằng.
Thỉnh thoãng 5,7 hôm anh Hùng GĐ Công Ty cũng rão bước đến kiểm tra, lúc khách khứa tan dần, anh ngồi lại cùng anh em và cô chủ quán nhâm nhi, lai rai nói chuyện xem : quán còn thiếu cái gì ? còn cần thứ chi ? để được phát triển hơn … Công Ty sẽ hổ trợ.
Trai tài, Gái sắc, tiếc thay anh Hùng đã có vợ.
Một lần kết hợp chuyến đi công tác tại TP.HCM, anh Hùng đến TP để ký các Hợp Đồng mới : mua hoặc trao đổi hàng lấy về vải sợi, bia, rượu, thuốc lá ..Cô Thùy , chủ quán được đi mời đi theo, để được giới thiệu 1 số nơi bán rượu ngoại (thời ấy hàng rất hiếm, rượu mua chợ trời đa số là hàng giả) như cửa hàng Phương Nam đường Nguyễn Huệ, tham quan thêm cách thức kinh doanh thuộc ngành ăn uông mới mở ở : Đầm Sen, Hồ Kỳ Hòa …
Chuyến công tác đi về bình thường, nhưng trong đoàn để ý thấy tình cảm anh Hùng và cô Thùy tiến gần nhau quá . Anh em có khuyên anh Hùng, vì hoàn cảnh thời ấy, nếu bị kết luận là HỦ HÓA thì tàn đời, thì đứt đường công danh. Anh Hùng cười, cười … đâu có gì, cám ơn các bạn, đừng lo cho tôi .
Trong số người biết chuyện, có mấy người bạn rất thân với anh Hùng, một đêm uống rượu tại quán THÙY, chờ vắng hết khách (các bàn bên đã về hết), các bạn mới cô Thùy ra khuyên :
“ Em nên ngưng mối tình nầy với anh Hùng, nên giữ mối quan hệ trong sáng, nếu không sẽ đỗ vỡ, gây đau khổ cho cả hai đàng …”
Cô Thùy nghe, nhưng không trả lời gì cả, nét mặt đượm buồn.
Tuần lễ sau , câu chuyện trở nên ầm ỉ, cô Thùy gởi cho anh Hùng lá thư, kể lể, trách móc anh Hùng tại sao lại để bạn bè nói năng như thế.
Cô viết : “ Họ bảo là em đừng thương anh nữa ! nhưng em có thương anh hồi nào đâu mà họ lại nói như thế ! Tại sao anh không trả lời ngay cho họ biết, hay là anh hèn yếu trước bạn bè của anh ? “ , nhưng rồi cũng trong lá thư nầy cô Thùy lại thú nhận : “ Nụ hôn đầu đời của người con gái em đã dành trọn cho anh “ .
Rũi thay, lá thư nầy anh GĐ Hùng xem xong, quên cất đi (hoặc thủ tiêu) để quên trong túi áo, khi Chị Mi (vợ anh Hùng) giặt đồ bắt được …. Quí vị chắc hẳn biết chuyện gì xãy ra kế tiếp rồi chứ !
(Lá thư nầy đến nay chị Mi vẫn còn giữ làm kỹ niệm)
Kết thúc một chuyện tình buồn.
THÀNH PHỐ LONG XUYÊN ngày nay .
Nhà hàng Bông Sen thì nhà nước địa phương đã bán lại cho tư nhân, các quán xá tự do buôn bán ầm ĩ hơn xưa, quán THÙY thì nghỉ bán vì dân uống rượu , uống thiếu nhiều quá, hết vốn (thật sự thời bao cấp lại dễ làm ăn hơn thời kinh tế thị trường loạn xạ nầy). Cô Thùy mở tiệm hủ tiếu Nam Vang, hiện cũng có tiếng ở Long Xuyên, cô vẫn chưa có chồng, lớn tuổi rồi (gần 60 còn gì !) vóc dáng vẫn thon gầy, vẫn còn đẹp như xưa.
Thỉnh thoãng đôi ba tháng, tôi và anh Hùng cũng đến quán THÙY ăn hủ tiếu Nam Vang, nhắc lại chuyện xưa.
Cô Thùy buồn, buồn nói : 27,28 năm qua đi, còn gì nữa, chuyện qua thì cho qua luôn đi, còn với kỹ niệm nếu nói là vui cũng được, là buồn cũng được.
Tôi hỏi : Buồn như thế nào? Vui như thế nào ?
Cô trả lời : Buồn là tôi thương anh Hùng hết lòng, hết dạ, vẫn biết anh là người có vợ, nhưng vẫn thương, thương mà lại không lấy được. Vui là sau cuộc tình, nhìn lại mình dừng đúng lúc, không phá vỡ hạnh phúc gia đình của anh Hùng là tốt rồi, là vui rồi.
Cô còn thêm : Nhiều khi tôi cũng muốn liều như ông Phan Khôi trong bài thơ TÌNH GIÀ :
“ Buông nhau làm sao cho nỡ !
Thương được chừng nào hay chừng nấy .
Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy.
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng .
Mà tinh việc thủy chung “.
Anh Hùng cười nhẹ, phân bua : Rau răm dễ bứng khó trồng.
Dẫu thương cho lắm, cũng chồng người ta.
Thanh toán tiền hủ tiếu, cà phê xong, từ giã cô Thùy chủ quán, tôi cố ý đứng nhìn xem hai người :
Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi ! hay không ?
Nhưng chả thấy gì cả .
Cuối năm 29/12/2012 TRỊNH KIM THUẤN