Báo Thanh Niên số 334 ra ngày 29/11/2012 có đăng bài “Nơi B52 ra mắt và bị bắn hạ” của tác giả Trinh Nguyên. Để rộng đường dư luận, xin gửi đến Trần Nhương.com bài viết này, giúp bạn đọc hiểu đúng sự thật. Xin được nói ngay, chiếc MiG-21 số hiệu 5121 mang 8 ngôi sao chiến công đăng trên bản báo chỉ là “phiên bản”. Chiếc MiG-21 do Nhà văn Đại tá Nguyễn Minh Ngọc phát hiện năm 2002 ở Nha Trang và tiến cử cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới chính là hiện vật gốc.
Đó là chiếc máy bay MiG.21 mang số hiệu 5121 do Liên Xô (cũ) chế tạo, trên phần thân phía trước còn lưu giữ 5 ngôi sao đỏ chói. Nghĩa là chiếc MiG.21 này đã lập được chiến công rất đáng tự hào, bắn rơi 5 máy bay của giặc Mỹ. Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được thì vào tháng 12-1972, trong số phi công trực chiến từng bay trên chiếc MiG.21 này có: Vũ Đình Rạng, Đinh Tôn và Phạm Tuân. Đó là những phi công bay đêm thuộc Trung đoàn 921 (Đoàn Sao Đỏ) đi tiên phong trong việc tìm ra cách đánh B-52 có hiệu quả nhất.
Đinh Tôn tên thật là Nguyễn Đình Tôn, quê ở xã Hoài Thanh, Hoài Nhơn, Bình Định. Anh thuộc lớp giáo viên bay đầu tiên của Trường Hàng không Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Không quân). Đinh Tôn là một trong những phi công “siêu hạng”, bay được 6 loại máy bay, là mũi nhọn của không quân tiêm kích. Anh từng bắn rơi 4 máy bay Mỹ, được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tháng 12-1973.
Từ năm 1968, không quân ta được giao nhiệm vụ chặn đánh B.52 ở vùng trời phía nam khu Bốn. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 20-10-1970, Đinh Tôn được lệnh xuất kích đi đánh B.52 nhưng không tiếp cận được vì bị địch phát hiện trước.
Sau khi bí mật cơ động vào sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), 19 giờ ngày 4-10-1971, Đinh Tôn được lệnh xuất kích. Bấy giờ, sân bay này vừa bị địch đánh phá, cạnh đường băng còn 3 quả bom chưa nổ, nhưng với quyết tâm không để lỡ thời cơ diệt địch, anh đã khéo léo điều khiển chiếc MiG.21cất cánh an toàn. Tuy nhiên, do địch gây nhiễu nặng, việc dẫn đường của Sở chỉ huy gặp khó khăn nên khi bay vào khu vực chiến đấu, Đinh Tôn mới phát hiện được 2 chiếc B.52. Ở tư thế đối đầu, không thể công kích, anh đành quay về hạ cánh ở Thọ Xuân (Thanh Hóa).
Đêm 20-11-1971, Vũ Đình Rạng cất cánh từ sân bay Anh Sơn (Nghệ An). Cách tốp B.52 khoảng 100km, anh được lệnh thả thùng dầu phụ và kéo máy bay lên độ cao 10.000m. Khi chỉ còn cách mục tiêu 15km, Rạng mới bật ra-đa. Phát hiện thấy B.52 ở phía trước, anh tăng tốc đến cự ly 8km thì phóng tên lửa. Lúc vòng trở lại, thấy một chiếc B.52 khác, anh bắn tiếp quả tên lửa thứ hai rồi nhanh chóng thoát ly trở về hạ cánh. Theo thú nhận của địch, trong trận này 1 chiếc B.52 bị hỏng 1 động cơ do dính mảnh tên lửa, phải lết về hạ cánh ở Thái Lan. Nếu Vũ Đình Rạng bắn liền 2 quả tên lửa thì chắc chắn sẽ “ngon ăn” hơn. Mặc dù trận đánh chưa được như ý, song đã có đủ cơ sở để khẳng định rằng MiG.21 của ta hoàn toàn có khả năng trừng trị “siêu pháo đài bay” B.52 của Mỹ.
Trở lại với chiếc MiG.21 mang số hiệu 5121. Đây là máy bay chiến đấu kiểu F.96, lắp động cơ tuốc-bin phản lực P13-300, buồng lái một chỗ ngồi. Trong quyển lý lịch bằng tiếng Nga dày cộp còn ghi rõ số xuất xưởng của chiếc máy bay này là 6005. Từng ngày bay đều được đăng ký, ghi chép rõ ràng:
- Ngày 3-12-1972, Vũ Đình Rạng - Đinh Tôn (2 chuyến)
- Ngày 4-12, Phạm Tuân - Tôn (2 chuyến)
- Ngày 7-12, Vũ Đình Rạng
Cả ba ngày trên đều bay huấn luyện.
- Ngày 8-12, Đinh Tôn bay chuyển trường (chuyển sân bay)
- Ngày 15-12, bay 4 chuyến
- Đêm 27-12-1972, xuất kích (hai chuyến).
Để bảo đảm bí mật bất ngờ, chiều 27-12-1972, Phạm Tuân được lệnh cơ động từ Nội Bài lên sân bay Yên Bái. 20 giờ 22 phút cùng ngày, anh xuất kích. Được sở chỉ huy dẫn đường, anh phát hiện được 2 chiếc B.52 cùng một tốp F-4 hộ tống. Khi còn cách mục tiêu khoảng 3-2km, anh bình tĩnh kiểm tra công tắc, chỉnh lại đường ngắm và bắn liền 2 quả tên lửa K-13. Một quầng lửa đỏ rực trùm lên chiếc B.52. Phạm Tuân tắt tăng lực lật ngửa máy bay vòng trái xuống độ cao 2.000m, xuyên mây về Yên Bái hạ cánh an toàn. Ngay trong đêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện khen ngợi bộ đội Không quân lập công xuất sắc. Phạm Tuân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Như vậy, cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiếc MiG.21 mang số hiệu 5121 đã có thêm một ngôi sao lẫy lừng. Bốn ngôi sao còn lại, chúng tôi chưa có điều kiện để lần ra tên tuổi của những người đã lập công. Điều thú vị ít ai biết là chiếc máy bay oai hùng này về sau được đưa vào Nha Trang, nhiều năm liền, nó được dùng làm học cụ thực hành ở Trường Sĩ quan Không quân. Nghĩa là tuy không còn tung hoành trên bầu trời nhưng nó không chịu “nghỉ hưu” mà vẫn còn giúp ích cho các thế hệ học viên kỹ thuật học tập. Thầy trò ở đây đều rất tự hào vì được dạy và học trên chiếc MiG.21 thần kỳ từng quật ngã “siêu pháo đài bay” B.52 của giặc Mỹ.
Năm 2002, trong dịp đi tìm tư liệu nhân kỷ niệm 30 năm “Điện Biên Phủ trên không”, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đã phát hiện được chiếc MiG.21 này. Ông chụp ảnh và viết bài giới thiệu cùng lúc trên 3 tờ báo: Tiền Phong chủ nhật, số 51 (22-12-2002); Tuổi Trẻ chủ nhật, số 50 (22-12-2002); Khánh Hòa chủ nhật). Với quan niệm đây là hiện vật gốc, là báu vật của quốc gia cần phải được lưu giữ cẩn thận, nhà văn đã “tiến cử” chiếc MiG.21 này cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đầu năm 2007, tại cơ quan Tổng cục Chính trị phía Nam (số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP. Hổ Chí Minh), nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đã giới thiệu hiện vật gốc này với ông L.M.L - Giám đốc Bảo tàng LSQSVN, đồng thời tư vấn cách liên hệ để đưa chiếc MiG-21 về Hà Nội. Cuối năm 2007, Trường Sĩ quan không quân cử 7 cán bộ kỹ thuật do kỹ sư Phan Đình Phương dẫn đầu thuê 2 chuyến ô tô chở chiếc MiG-21 ra Hà Nội. Các cán bộ kỹ thuật đã không quản ngày đêm lắp ráp nguyên vẹn chiếc máy bay. Bây giờ, chiếc MiG-21 mang số hiệu 5121 đã được đặt trang trọng trong khu trưng bày của Bảo tàng LSQS tại Cột Cờ, Hà Nội.
Được biết, Bảo tàng có một khoản kinh phí không nhỏ phục vụ cho việc sưu tầm hiện vật gốc. Nhưng đến nay, 5 năm đã trôi qua, người có công phát hiện và tiến cử “báu vật quốc gia” này vẫn chưa hề nhận được một lời cảm ơn. Nhà văn Đại tá Nguyễn Minh Ngọc cho biết, ông không hề quan tâm đến chuyện tiền nong, công sá, nhưng ông thực sự kinh hoàng trước lối ứng xử của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Bài và ảnh: ANH NGUYỄN
Chú thích ảnh:
- Chiếc MiG.21 khi còn ở Trung tâm Huấn luyện thực hành thuộc Trường Sĩ quan Không quân (Nha Trang - Khánh Hòa)