Năm nay hắn hai mươi lăm tuổi. Một chàng trai hai mươi lăm tuổi nhìn đời thấy cái gì cũng đẹp. Bởi vì trong đầu hắn có nhiều dự tính lắm, những dự tính đẹp đẽ có thể dẫn hắn đến một tương lai tươi sáng. Sau mười tám tháng học nghề nấu ăn ở Trung tâm dạy nghề Bách Việt hắn ra trường. Nghề nấu ăn cần một bàn tay khéo léo để sử dụng dao thớt, cái lưỡi tinh đời để nếm và cái mũi nhạy cảm để ngửi. Mà những thứ đó thì hắn có thừa. Vì vậy hắn nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật chế biến những món ăn Âu, Á. Nấu những món ngon đã khó, trình bày những món ăn ra bát, ra đĩa sao cho gọn gàng và bắt mắt đòi hỏi sự cẩn thận và khéo tay. Cái gì chứ sự cẩn thận và khéo tay thì hắn cũng có thừa. Mà cái Trung tâm dạy nghề Bách Việt dạy dỗ cẩn thận lắm. Về phương diện lý thuyết người ta dạy hắn nguồn gốc lịch sử của thực phẩm, cơ cấu tổ chức của một nhà hàng, cơ cấu tổ chức của nhà bếp, an toàn sử dụng dao, cách bảo quản thực phẩm sao cho khỏi ôi thiu, cách chế biến nước dùng và nước sốt, tổng quan về thịt, tổng quan về cá, tổng quan về rau, tổng quan về bánh và các loại tráng miệng vân vân và vân vân. Thi các môn lý thuyết đó hắn toàn đạt điểm cao. Vậy thì ta có thể hy vọng hắn sẽ là một đầu bếp trứ danh trong một khách sạn nổi tiếng với mức lương cao ngất ngưỡng.
Lòng tràn trề hy vọng hắn cầm tấm bằng tốt nghiệp loại ưu của Trung tâm dạy nghề tính đi đầu quân cho những khách sạn lớn trong thành phố. Đến đâu người ta cũng nhìn hắn từ đầu đến chân rồi im lặng lắc đầu, có nơi hỏi dăm ba câu chiếu lệ. Khổ quá! Giá như người ta phỏng vấn hắn kỹ hơn hoặc cho hắn dịp để trổ tài nấu thử những món ăn ngon thì đời sẽ đẹp biết bao nhiêu. Hắn thất vọng lắm. Nhưng mà nghĩ cho cùng, trong cơn suy thoái kinh tế này, doanh nghiệp đổ vỡ hàng loạt, các khách sạn cũng ế ẩm và vắng khách thì người ta tuyển người làm gì. Hết nhắm đến những khách sạn hạng sang, hắn tìm đến những hiệu kinh doanh ăn uống có quy mô nhỏ hơn. Hà Phương chẳng hạn. Hà Phương có hai cửa hàng chuyên phở, một chuyên phở gà ở dãy số chẵn, một chuyên phở bò ở dãy số lẻ ở phố Xã Đàn, một con phố dài và rộng của Hà Nội. Gì chứ chế biến các món tái, chín, nạm, gầu thì hắn thông thuộc như lòng bàn tay. Hắn tìm đến Hà Phương và nhận một cái lắc đầu.
Cũng may mà hắn còn có một bà chị. Một bà chị và ông anh rể tuyệt vời. Chị hắn có một cửa hàng buôn sắt vụn và đồng nát ở Đê La Thành. Buôn đồng nát nhưng mà lãi quan viên, vốn liếng có đến tiền tỷ. Thương thằng em lận đận, chị hắn tăm được một chỗ đang kinh doanh ăn uống muốn sang nhượng lại. Thì cũng chẳng to tát gì, đó là tầng một của ngôi nhà tập thể rộng độ bốn mươi mét vuông trông ra một khoảng sân rộng. Nhà cho thuê làm chỗ kinh doanh, từ sân ra đến mặt phố Xã Đàn chỉ có hai mươi mét. Người ta lại còn ưu ái bàn giao cho mối đưa cơm hộp buổi trưa, qui mô cỡ đôi ba chục suất. Hắn mừng như bắt được vàng. Trước hết thay tấm biển hiệu. Hắn đặt tên là Tít Tít. Sao lại là Tít Tít? Nghe vui tai thì đặt thế thôi, vả lại tính hắn vẫn còn trẻ con. Hắn tiếp thu cửa hàng, trang trí bày đặt lại rồi bắt tay vào kinh doanh. Trước hết hẳn cứ tiếp quản mối hàng mấy chục suất cơm hộp buổi trưa. Số hắn lận đận, suất cơm hộp buổi trưa đến các văn phòng và ngân hàng gần đấy cứ giảm dần. Mười lăm suất. Rồi mười suất. Cho đến khi còn bảy suất hắn vẫn cố duy trì. Chị hắn đến thăm mà mặt hắn nhăn như bị. “Sao mày không bán phở buổi sáng? Ở đây gần đường lớn, chung quanh lại có hai khu tập thể, các cơ quan đơn vị cũng nhiều, khối gì người có nhu cầu ăn sáng”. Nghe chị nói, hắn vỗ đùi đánh đét: “Ừ nhỉ! Thế mà em không nghĩ ra”. Vậy là hắn bắt đầu bán phở sáng.
Hắn trương mấy tấm biển phông vàng chữ đỏ và một tấm băng rôn hoành tráng để tuyên bố với thiên hạ rằng hắn bán phở. “Phở bò Tít Tít 22k”. Hai mươi hai ngàn một bát thôi đấy! Nhưng mà ngon và chất lượng. Hắn thuê đóng một chiếc xe đẩy có mặt bàn rộng độ hai mét vuông đặt hẳn ra sân trước mặt cửa hàng cho nó rộng. Dao thớt bát đĩa, hành lá, rau thơm và một cái rổ nhựa đựng bánh phở bày lên mặt bàn. Đi chợ chiều mua xương, dậy từ bốn giờ sáng để nhóm lò ninh nồi nước dùng. Chăm chỉ và chịu khó lắm. Thế nhưng trời đâu có chiều lòng người. Ngày mở hàng hắn bán được đúng bốn bát. Và hôm nay là ngày thứ hai, tám giờ sáng rồi mà ông đi qua bà đi lại chẳng ai để mắt đến cái bàn bán phở của hắn. Ông ăn phở đi! Bà xơi phở nhé! Chẳng ai buồn trả lời. Buồn quá! Buồn nên hắn ngồi trên chiếc ghế nhựa gục mặt vào hai bàn tay và thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc mơ hắn thấy mình mặc chiếc áo blu trắng, đội chiếc mũ chụp cũng màu trắng của đầu bếp một khách sạn lớn. Khách ăn ra vào tấp nập. Nhạc mở vang lừng. Hắn đang thoăn thoắt chế biến món bíp tết bò kiểu Pháp. Trên mặt bàn ngoài miếng thịt bò độ ba trăm gam đã được ướp tẩm hạt nêm Knorr và hành tỏi còn có lọ hạt tiêu xay, lọ muối, chai dầu chiên, chai rượu Brandy, lọ mù tạt, lọ đường và khoai tây thái lát. Lóng ngóng thế nào khi rót rượu ra cốc để tẩm vào thịt hắn tuột tay để chiếc cốc rơi xuống. Tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng làm hắn giật mình thức giấc. Thì ra là một giấc mơ.