BÀI HÁT ĐỢI NÀNG
Bài hát ấy không có tội tình gì.
Đợi Nàng là tên một ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương dựa trên làn điệu Nàng Ới của hai dân tộc Tày, Nùng, mênh mang buồn, mênh mang nhớ. Bài hát ra đời đã được người dân quê tôi nhiệt liệt đón nhận. Từ gìà đến trẻ ai cũng có thể nghêu ngao vài câu. Nhất là thằng Thía, bạn tôi thuộc làu từ đầu đến cuối mà không sót một từ nào. Lúc nào nó cũng nghêu ngao đợi nàng, nàng có hay. Bao tháng, bao ngày.Mùa xuân này vắng ai để ai héo hon nàng ơi.Thía hay than phiền với tôi rằng bài hát thì hay nhưng tìm mãi không ra giọng nữ để Thía hát song ca.
Sở dĩ tôi biết được như vậy là do những lần rảnh rỗi về thăm quê. Tôi đã rời quê ra sống ở thành phố khá lâu.
Tôi và thằng Thía là bạn chăn trâu, thân nhau từ khi hai thằng còn nhỏ. Học xong cấp ba, Thía xung phong đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Sau đó bị thương rồi ra quân về quê lấy vợ. Khác với chồng lúc nào cũng mộng mơ, hễ nghe ở đâu có đám sli, lượn liền bỏ việc nhà tham gia bằng được, vợ Thía là người đàn bà cục mịch, khô xác tâm hồn. Quanh năm suốt tháng cắm cúi ngoài đồng, chẳng màng gì đến hội hè, lượn hát. Tuy vậy hai người không hề xảy ra xích mích gì đáng kể. Hai vợ chồng chí thú làm ăn, không giầu nhưng cũng có của ăn, của để. Thía đã lên chức ông nội, ông ngoại từ lâu. Tuy tuổi khá cao nhưng Thía vẫn hồn nhiên, vô tư như thời trai trẻ. Đặc biệt lòng đam mê ca hát Thía vẫn không bị mất đi theo năm tháng.
Một lần đến thăm tôi, Thía vui vẻ kể:
- Tần này! Tao đã tìm được người hát song ca bài Đợi Nàng rồi!
- Ai vậy? Người đó là ca sĩ a? Tôi hỏi.
- Không phải ca sĩ nhưng hát hay không kém gì ca sĩ chuyên nghiệp. Nàng người khác xã của ta. Kém tao gần chục tuổi!
- Sao mày quen người ta được? Tôi lại hỏi.
Thía đăm chiêu nhìn lên trần nhà như để nhớ lại. Một lúc sau Thía chậm rãi kể.
Thía là ủy viên chấp hành hội cựu chiến binh xã phụ trách mảng văn hóa, văn nghệ. Một lần Thía đưa đội văn nghệ sang xã bên giao lưu. Hôm ấy Thía đơn ca bài Đợị Nàng. Biếu diễn được nửa bài hát thì có một phụ nữ bước lên sân khấu hát song ca cùng Thía. Thía vừa bất ngờ vừa thú vị hát càng hay. Người phụ nữ này tên là Làn vốn là cựu thanh niên xung phong thời chống Mĩ. Sau nhiều năm phục vụ ngoài mặt trận, Làn quay về địa phương thì đã qua lứa thật khó lập gia đình. Làn đành ở vậy. Năm ba mươi tuổi Làn sinh đứa con gái ngoài giá thú. Bây giờ đứa con gái đang theo học đại học ở Thái Nguyên.
Từ bé Làn đã thích hát hò. Làn có giọng hát khá chuyền cảm. Cũng giống như Thía, Làn rất thích bài hát Đợi Nàng nên nhập tâm khá nhanh, nghe qua đài phát thanh vài lần là thuộc. Bài hát sao mà hay thế ca từ cho đến nhạc, mỗi lần nghe làm cõi lòng Làn thổn thức. Đợi nàng nàng có hay Làn chế thành đợi chàng chàng có hay cho phù hợp. Làn hay hát một mình, lúc cất thành lời, lúc hát nhẩm trong đầu. Càng hát Làn càng thấy buồn và trống trải. Bài hát hình như đánh thức một thời son trẻ của Làn đồng thời nó làm cho Làn khát khao có một tình yêu thơ mộng. Giờ đây được gặp Thía, được song ca với Thía, trong lòng Làn nỗi niềm xúc cảm trào dâng. Miệng hát, mắt Làn đưa duyên.Thía đáp lại bằng cái nhún người, bằng ánh mắt tình tứ. Cả hai đều quên mình đang đứng trên sân khấu. Họ hát bằng cả trái tim. Họ sống cùng bài hát.
Tiếng hát của Thía và Làn vừa dứt, hội trường vang dộị tiếng vỗ tay không dứt yêu cầu hát lại và họ tiếp tục hát. Hát mãi không biết mệt. Đợi nàng nàng có hay...Tiếng hát của họ lan tỏa vào không gian.
- Có lẽ tớ yêu mất rồi Tần ạ! Thía ngừng kể và nói với tôi.
- Cậu thật vớ vẩn! Thành ông nội ông ngoại cả rồi còn yêu với đương cái gì! Tôi nói.
- Biết vậy nhưng không kìm nén được! Nói thật với cậu đây là lần đầu tiên trong đời tớ mới biết thế nào là tình yêu đấy!
- Cậu nói thật khó tin! Tôi bảo.
- Cậu không tin à? Tớ nói cho mà nghe! Thời trai trẻ thì ở chiến trường. Đến khi trở về quê lấy vợ thì bố mẹ hỏi cho làm gì có yêu với đương.
- Cậu chỉ giỏi ngụy biện! Cận thận vợ cậu mà biết thì lôi thôi to đấy! Tôi đe Thía.
- Nói thế nghĩa là cậu ủng hộ tớ rồi phải không? Nhớ là giữ bí mật cho tớ đấy! Đừng hở chuyện này với ai đấy. Cậu hiểu chưa! Thía cười khì khì.
- Cậu hãy tin tớ đi! Những chuyện quan trọng như thế tớ sẽ luôn giữ kín! Tôi hứa.Thực ra tôi muốn xem cuộc tình của họ đi đến đâu và kết cục ra sao.
Lần nào về quê tôi luôn giữ kín mồm miệng không nói cho ai biết Thía có người yêu. Tôi giữ kín nhưng vợ Thía vẫn biết. Đàn bà có cảm quan vô cùng tinh nhạy. Từ ngày đi giao lưu văn nghệ về, Thia ngẩn ngơ như rơi mất hồn vía. Nửa đêm đang ôm vợ, chợt nhớ Làn, Thía nới lỏng vòng tay. Đang ăn cơm nhớ tới Làn, Thía đánh rơi cả đũa. Từ ngày lấy nhau chưa gặp chồng có những hành động kỳ lạ, khác thường như thế bao giờ nên vợ Thía sinh nghi. Một lần bà quyết định hỏi chồng:
- Ông phải lòng con mẹ nào rồi phải không? Trông ông độ này ngơ ngác, nghĩ ngợi vẩn vơ ở tận đâu ấy!
- Bà đừng có mà nghi ngờ lung tung! Đầu bạc răng long rồi còn yêu đương cái gì! Ăn ở với nhau mấy chục năm, bà có thấy tôi có ai khác không? Bà không tin tôi à?Thía chống chế.
- Tôi sao không tin ông? Nhưng mà sông có khúc người có lúc, ông cẩn thận đấy. Tôi mà biết được quyết không tha đâu!
Một lần vợ Thía đi chợ gặp lão Xích. Lão ta là dân nghiện ngập, vợ con bỏ đi, chẳng ai muốn vào gần. Thấy lão xích từ xa vợ Thía muốn tránh nhưng lão ta cứ sấn đến.
- Dìn à! Đừng tránh tôi. Tôi có phải là ma đâu! Lão ta nói.
- Tôi đang vội đi chợ. Không có thì giờ nói chuyện linh tinh với ông đâu! Dìn trả lời toan bước tiếp.
- Dìn hãy từ từ nhấc chân! Tôi có chuyện quan trọng về ông Thía, Dìn muốn nghe không? Lão Xích hỏi.
- Có chuyện gì ông nói nhanh tôi đang vội! Dìn dừng bước
- Vậy là Dìn muốn nghe tôi nói rồi! Nhưng mà dạo này tôi túng quá. Dìn cho tôi xin vài chục tiền lẻ! Lão Xích ngáp dài.
Lão Xích sống một mình trong trong túp lều xiêu vẹo. Ruộng vườn lão đã bán dần để hút trích. Lão sống bằng nghề trộm vặt. Dân quanh vùng ai cũng ghét nhưng chưa bao giờ bắt tận tay lão để trừng trị. Tình cờ vừa rồi lão đến hội trường nhà ăn hóa thôn xem văn nghệ lão nhìn thấy Thía đang hát song ca bài Đợi Nàng với Làn. Lão chợt nghĩ đây là cơ hội để lão moi tiền trong túi của Dìn.
Trong lúc Dìn đang nghi nghờ chồng có bồ bịch đang muốn làm rõ thì tin tức lão Xích cung cấp có thể kết luận sự việc rồi. Thấy lão gãi đầu xin tiền Dìn liền móc vào vaò quần đưa cho lão vài chục bạc lẻ. Lão ta nhận nhanh như chớp làm như nếu chậm đồng tiền sẽ mọc cánh bay mất lên trời.
- Dìn tốt quá! Rộng bụng với kẻ nghèo hèn này quá! Lão xích nói.
- Có gì ông nói mau lên! Dìn sốt ruột.
- Chuyện thế này thôi! Vừa rồi tôi đi xem buổi giao lưu văn nghệ cựu chiến binh của hai xã thấy ông Thía đứng cạnh cô Làn hát tình cảm lắm. Cẩn thận mất chồng như chơi đấy. Cô Làn trẻ đẹp lại không chồng hay mồi chài lôi kéo cánh đàn ông lắm đấy! Lão nói xong rồi bỏ đi để mặc Dìn đứng một mình cùng với nỗi ghen tức đang sôi trong lòng.
Thía lại đến nhà tôi chơi. Chưa kịp uống chén nước Thía liền nói với tôi:
- Độ này bà vợ tớ nghi nghờ tợn lắm. Đi đâu một bước cũng theo dõi. Đến ra thành phố thăm cậu, tớ cũng phải kiếm đủ lý do mới đi được đấy! Có việc thế này tớ không thể một mình lo được. Cậu giúp tớ một lần đi.
- Cậu nói rõ xem nào! Vòng vo nhiều quá đấy! Tôi mỉm cười.
- Chả là Làn muốn cùng tớ đi chơi hồ Thăng Hen! Tớ đã nghĩ ra một kịch bản. Cậu sắm một vai nhé! Thía tha thiết đề nghị.
- Sẵn sàng thôi nếu vai đó không quá sức. Cậu trình bày kịch bản đi! Tôi bảo.
- Thế này thôi! Cậu hẫy đến nhà tớ giả vờ rủ tớ đi chơi hồ Thăng Hen! Có cả cậu, Dìn sẽ không sinh nghi nữa! Cậu đứng đắn Dìn tin cậu mà!
- Đóng vai này quá dễ nhưng làm thế chẳng hóa tớ là người nối dáo cho giặc à? Tôi nói đùa.
- Đã thương thì thương cho chót! Tớ chỉ nhờ cậu một lần này thôi mà! Thía nài nỉ.
Nói vậy tôi vẫn về nhà Thía sắm vai kẻ nói dối trong vở kịch của Thía. Thế là nhờ tôi mà Thía và Làn thong dong đi chơi hồ Thăng Hen không phải lo Dìn theo dõi. Chẳng ngờ Thía đi buổi sáng thì đến trưa Dìn xộc vào nhà tôi.
- Anh Tần không đi cùng anh Thía nhà em à? Dìn nghiến răng cố ghìm nén cơn giận.
- Tôi có việc đột xuất! Thía tự đi rồi! Tôi cố giữ giọng thản nhiên.
- Các anh nói dối giỏi thật đấy nhưng không qua mắt con này đâu! Tôi đã đến nhà con mụ Làn kiểm tra không thấy nó ở nhà. Rõ ràng nó cùng ông Thía đi đú đởn với nhau rồi! Tôi tưởng anh là người tử tế hóa ra đàn ông các anh một giuộc cả thôi! Xả xong vào mặt tôi Dìn quay đi không thèm có lời chào. Tôi biết Dìn giận tôi lắm nhưng không thể trách Dìn vì dẫu sao tôi cũng là người có lỗi.
Vở kich sẽ diễn ra suôn sẻ nếu như không có lão Xích. Sáng hôm ấy Thìa đèo xe máy Làn ra đến đầu bản thì vô tình lão Xích nhìn thấy. Lão vội chạy đến bán tin cho Dìn kiếm tiền. Dìn vất hẳn cho lão trăm ngàn rồi hộc tốc chạy đến nhà Làn rồi vội vàng nhảy ô tô ra thành phố tìm tôi.
Sau lần ấy tôi ngại về quê vì sợ gặp Dìn. Với Dìn tôi là người có tội. Nếu vợ chồng Thía tan vỡ phần nào có tôi tham gia. Đáng lẽ tôi phải tìm cách can ngăn thì tôi lại đồng tình với mối tình vụng trộm của Thía. Như thế hóa ra tôi là kẻ đồng lõa. Tôi thấy ân hận. Bởi vậy tôi hơn năm trời tôi không dám ló mặt về quê và cũng không liên hệ gì với Thía.
Một hôm Thía xuất hiện đột ngột ở nhà tôi mà không hề báo trước. Trông Thía gầy và đen hẳn đi. Trên mặt nhiều nếp nhăn và phảng phất buồn.
- Dạo này nhiều việc quá nên tớ không về quê được nên ít gặp cậu. Thế nào hơn năm qua cậu vẫn sống bình thường chứ? Tôi hỏi.
- Không bình thường chút nào. Nhiều biến động đến không ngờ! Thía nói và chẳng cần tôi phải hỏi, Thía chầm chậm kể cho tôi nghe quãng đời hơn năm quá của cậu ta bằng cái giọng buồn buồn.
Sau cái lần biết đích xác Thía đi chơi hồ Thăng Hen cùng Làn thì Dìn lồng lộn ghen tuông. Mặc cho vợ soi mói, giám sát, Thía vẫn tìm mọi cách đi lại với Làn. Sự ghen tuông của Dìn nghả dần sang thù hận. Không giữ nổi Thía, Dìn tìm mọi cách làm cho Thía tàn tạ, chẳng ma nào thèm nhìn nữa. Thế là Dìn chủ động tìm gặp lão Xích.
- Ông Xích ơi! Ông có cách nào để cho ông Thía nhà tôi trở thành nghiệp ngập như ông không? Dìn bảo.
- Làm người lành lặn mới khó chứ làm kẻ như tôi khó gì? Nhưng sao cô ác độc thế ? Lão Xích bất ngờ trước ý định của Dìn.
- Không thế không xong. Cái đà này có ngày ông Thía ôm quần áo đến ở với con mụ Làn mất thôi. Ông Thía bị con mụ ấy bắt mất hồn vía rồi. Trong mơ còn gọi” Làn em ơi”. Ông bảo có điên không. Ông giúp tôi lần này đi.
- Chuyện đó đơn giản thôi mà. Chỉ cần vài lần hít là xong chuyện. Nhưng hơi tốn tiền đấy. Lão nói sau một lúc nghĩ ngợi.
- Tôi nghĩ kỹ rồi. Mất tiền còn hơn mất chồng. Ông ạ!
- Cô đã quyết thì tôi giúp cho! Lão Xích nói.
Thía ngừng kể mệt mỏi đưa mắt nhìn tôi.
- Thế là cậu trở thành con nghiện? Tôi hỏi và rót nước mời Thía.
- Không thể bắt tớ tiêm vào ven được! Nhờ lão Xích máh nước đêm đêm khi tớ ngủ say, Dìn đốt hê rô in cho tôi ngửi. Dần dà tớ nghiện lúc nào không hay.
- Sao cậu biết được những thủ đoạn của Dìn? Tôi lại hỏi.
- Một lần đi mua thuốc cho tớ, Dìn bị công an tóm . Những điều ấy Dìn khai trước tòa.
- Trời ơi! Từ một bài hát mà sao lắm chuyện thế này! Nếu không có bài hát hẳn cậu không lâm vào cảnh khốn cùng thế này! Tôi kêu lên.
- Dìn bị tòa xử ba năm tù giam! Tớ vào trung tâm phòng chống tệ nạn xã hội cai nghiện! Bây giờ thì bỏ được rồi! Nhưng tiền nong hai vợ chồng tích cóp được không cánh mà bay. Trắng tay cậu ạ! Cậu còn tiền cho tớ vay một ít để đi thăm nuôi Dìn. Nghĩ mà tội nghiệp. Cũng tại tớ cả. Thía thở dài.
- Tiền nong khỏi lo.Tớ sẽ gúp cho! Còn Làn ra sao? Cậu còn đi lại với nàng không? Tôi hỏi.
- Biết tớ thành con nghiện, Làn đã bỏ tớ đi hát song ca bài Đợi Nàng với người khác rồi. Cậu nghĩ có buồn không. Thôi nói mãi không hết chuyện. Tớ về đây.
Mặc cho tôi giữ nhưng Thía vẫn nhất quyết ra về. Tôi mở tủ đưa cho Thía ít tiền rồi tiễn ra cổng. Thía bắt tay cảm ơn tôi rồi nói:
- Cậu đừng đổ tội cho bài hát ấy! Mọi cái do tớ cả! Bài hát ấy không có tội tình gì đâu!
Nói xong Thía bước ra đường nhập vào dòng người đang ngược xuôi trên phố.
Tháng 4- 2012
THỦY ƠI
Truyện ngắn
Kỷ niệm ngày thành lập trường cấp ba Khau Gạm, tôi được mời đến dự với hai tư cách vừa là học sinh cũ vừa là lãnh đạo huyện. Không như những người khác tự do tìm chỗ ngồi mà tôi được ban tổ chức mời vào hàng ghế đại biểu. Đồng thời được giới thiệu một cách trịnh trọng. Không những thế tôi còn được thay mặt những lứa học trò cũ phát biểu. Phát biểu xong, tôi rời ghế đại biểu tìm gặp thầy cô và bạn bè cũ. Tôi nắm tay mấy thằng bạn học nhưng mắt thì xục sạo trong đám đông tìm Thủy. Không biết Thủy có đến dự ngày kỷ niệm này không? Tôi đang băn khoăn bỗng có một phụ nữ đi ra từ đám đông đứng trước mặt. Tôi chưa kịp nói gì thì Thủy đã cất tiếng. Tuy đã luống tuổi nhưng giọng Thủy vẫn trong vắt như xưa:
- Chào anh Hào! Chắc anh không còn nhớ em nữa nhỉ!
- Trời ơi Thủy! Làm sao anh có thể quyên em được chứ! Thế nào cuộc sống bấy lâu ra sao?
- Cũng bình thường anh ạ!
- Bình thường là tốt rồi! Thủy có giận tôi không? Tôi nói và chủ động bắt tay Thủy.
- Trước giận nhưng bây giờ hết rồi! Xong lễ kỷ niệm mời anh đến nhà em chơi! Thủy bảo.
Tôi gật đầu.Trong đầu tôi những kỷ niệm về Thủy cứ dồn dập hiện về. Ngày ấy tôi và Thủy cùng lớp. Tôi không những đẹp trai mà còn là học sinh giỏi của trường. Thủy yêu tôi lắm. Với tôi Thủy là mối tình đầu. Học xong phổ thông tôi xung phong đi bộ đội. Trước khi hành quân vào miền Nam chiến đấu, tôi chủ động cắt đứt tình yêu với Thủy và khuyên Thủy đừng chờ đợi tôi nữa. Mặc dù trong lòng tôi nồng nàn yêu Thủy nhưng chiến trường ác liệt hy sinh là chuyện thường. Vì không muốn Thủy phải mòn mỏi đợi chờ nên tôi phải hành động như vậy. Mấy năm ở chiến trường tôi cũng không lên lạc gì với Thủy. Thế rồi tôi bị thương trong một trận chiến đấu phải ra Bâc điều trị. Lành vết thương cấp trên cho tôi đi ôn thi vào Đại học. Học xong tôi được điều về huyện nhà công tác. Tuy vẫn nhớ nhưng tôi cố ghìm nén tình cảm mình lại không có ý định đi tìm Thủy. Tôi nghĩ chắc Thủy đã yên bề gia thất giờ gặp lại chẳng giải quyết được gì mà có khi còn sinh ra những điều dị nghị. Thời gian cứ trôi đi, tuổi tác mỗi ngày một lớn nhưng tình yêu của tôi với Thủy vẫn tươi rói, trẻ trung như xưa. Có lẽ mói tình đầu ấy theo suốt cuộc đời tôi. Giờ đây đứng giữa sân trường biết bao kỷ niệm thuở học trò bỗng ùa về như sóng vỗ bờ. Nắm bàn tay dầy chai sạn của Thủy, tôi đoán cuộc sống Thủy chẳng dễ dàng gì. Thủy nói là bình thường chắc để tôi vui mà thôi. Tôi muốn đến tận nhà để kiểm chứng. Cho nên Thủy mời tôi đến nhà tôi đồng ý ngay mà chẳng cần đắn đo suy tính. Đắn đo làm gì cho mệt óc. Bởi vì ngoài vai trò là bạn học cũ với Thủy, tôi còn là vị chủ tịch huyện cơ mà. Chủ tịch huyện đến thắm nhà dân là chuyện bình thường. Có gì mà ngại.
Kết thúc lễ kỷ niệm, tôi mời Thủy lên xe rồi bảo cậu lái xe đi luôn về nhà Thủy chứ không về cơ quan nữa.
- Ô tô đến được tận nơi chứ? Tôi hỏi.
- Đến tận ngõ anh ạ! Thủy trả lời
- Sáng nay Thủy đi bằng phương tiện gì?
- Thằng con em đưa bằng xe máy!
- Chồng em đâu?
- Dạ! anh ấy...! Thủy lúng túng.
- Bấy lâu em biết anh công tác ở huyện không? Tôi hỏi
- Biết nhưng em ngại không muốn đến gặp.
- Nếu không có lễ kỷ niệm này thì mãi mãi chúng ta không gặp lại nhau nữa nhỉ? Tôi nói.
- Em cũng không biết nữa! GiọngThủy nhỏ nhẹ như gió thoảng.
Tôi muốn nhắc lại những kỷ niệm thuở học trò với Thủy nhưng trong xe còn cậu lái xe nên không tiện nói. Tôi nhớ mãi bức thư của Thủy bí mật đút vào túi sách của tôi. Mấy chục năm đi qua, tôi vẫn nhớ nội dung. Thủy nói rằng Thủy yêu tôi. Hồi ấy tuy đã học cấp ba nhưng tôi lộc ngộc vô tư chẳng biết gì. Đọc xong thư, tôi không nói gì và cũng không viết thư trả lời Thủy. Mãi sau này khi đã yêu Thủy tôi mới nhắc lại thì Thủy lườm nguýt, véo đỏ má tôi.
Xe chạy khoảng nửa tiếng trên đường trải nhựa thì rẽ xuống đoạn đường đồi. Con đường thoai thoải xuống sông Bằng. Nhà Thủy ở ven sông. Ngôi nhà sàn ba gian ngói đã mọc rêu. Tường trát đất lở từng mảng. Bước vào nhà đập vào mắt tôi là bức ảnh một người đàn ông trạc tuổi tôi phóng to đặt trên bàn thờ. Tôi chưa kịp hỏi thì Thủy nói:
- Chồng em đấy! Anh ấy bị tai nạn trong một lần đi làm quan lang!
Tôi đoán chắc phải là hoạt khẩu và giỏi thơ ca lắm. Vì không phải người đàn ông nào cũng làm được quan lang. Vai trò quan lang trong đám cưới rất quan trọng nên tự ngày xưa người ta đặt ra những tiêu chuẩn khá ngặt nghèo trong việc trọn người quan lang. Chẳng hạn như người đó đã có gia đình. Vợ chồng sống hòa thuận, êm ấm, sinh con đủ nếp tẻ. Ngoài ra phải có khả năng ứng khẩu, làm thơ. Bởi vì nhà gái bày ra khá nhiều vật cản để thử tài quan lang như kéo gai ngang đường, muốn qua được ông quan lang phải có thơ. Nhà gái đóng chặt cửa, muốn cửa mở cũng phải có thơ. Vào trong nhà rồi chiếu trên giường trải mặt trái lên trên, muốn lật lại quan lang phải có thơ. Đến bữa ăn nhà gái dọn toàn rượu khê, cơm cháy, muốn có rượu ngon, cơm dẻo thì đoàn nhà trai đành phải trông chờ vào tài xuất khẩu thành chương của ông quan lang. Tôi có thể nói trước đám đông hàng tiếng không cần văn bản nhưng bảo tôi đi làm làm quan lang thì đành chịu. Bởi vậy tôi rất phục tài các vị quan lang.
- Anh ấy mất trong hoàn cảnh nào vậy? Tôi hỏi.
- Em nhớ dạo ấy đang mùa xuân. Mưa phùn kéo dài hàng tháng không ngớt. Đường trơn như đổ mỡ. Trong làng có đám cưới, nhà trai đến mời anh Tản đi làm quan lang. Nhà gái cách xa nên phải thuê xe ô tô. Xe qua kéo Thin thì bị trượt dốc lăn mấy vòng xuống đường. Lái xe, anh Tản và con rể chết tại chỗ. Còn đám phù rể bị thương nặng phải nằm viện khá lâu mới bình phục. Thật là thảm khốc! Thủy rơm rớm nước mắt. Một lúc lâu Thủy nghẹn ngào nói tíêp – Anh không biết thôi. Anh Tàn tốt lắm. Dạo nhận được thư anh khuyên em đi lấy chồng, em vô cùng tuyệt vọng, vừa hận anh vừa thương cho số phận mình chẳng ra gì. Trong lúc quẫn em đã nhảy xuống sông định kết thúc cuộc đời. May mà anh Tàn đi câu nhìn thấy em quẫy đạp giữa dòng nước trước khi tắt thở. Anh nhảy xuống vớt em lên bờ. Em được cứu sống nhưng cứ ngẩn ngơ như kẻ tâm thần. Tình trạng này kéo dài khá lâu không sao thoát ra được. Suốt thời gian em khủng hoảng tinh thần, anh Tàn luôn ở bên em. Chăm sóc động viên em. Dần dà em cuộc sống em thăng bằng trở lại. Em yêu anh ấy và trở thành vợ của anh. Những tưởng được sống trọn đời bên chồng tai nạn bất kỳ cướp anh ấy đi để lại em một mình bơ vơ giữa trần gian. Số em thật khổ phải không anh? Thủy ngừng kể và lau nước mắt.
Tôi im lặng nghe Thủy nói mà không có ý định động viên câu nào. Bởi tôi nghĩ trước những mất mát của Thủy mọi lời động viên đều trở nên thừa và sáo. Hồi ấy tôi chủ động cắt đứt tình yêu với Thủy chỉ đơn giản nghĩ rằng để Thủy khỏi phải chờ đợi tôi trong đau khổ mỏi mòn. Chẳng ngờ tôi lại đẩy Thủy vào một nỗi khổ khác. Tôi tưởng mình cao thượng hóa ra là kẻ thấp hèn. Tôi không xứng đáng với tình yêu của Thủy.
- Vụ tai nạn xảy ra ở kéo Thin đã lâu chưa? Tôi hỏi.
- Mười năm nay rồi anh ạ! Thủy đáp.
Kéo Thin thì tôi biết, đường đi khó vô cùng. Hồi ấy tôi là trưởng phòng giao thông của huyện. Đại hội Đảng bộ huyện hồi ấy chỉ cần thêm một phiếu nữa là tôi trở thành huyện ủy viên và như vậy con đường thăng tiến của tôi sẽ rộng rãi vô cùng. Người không bỏ phiếu cho tôi chính là tay Phán bí thư Đảng ủy xã Kéo Thin. Tay ấy là bạn tôi. Là bạn bè nên trước khi Đại hội tiến hành bỏ phiếu, tôi nói nửa đàu, nửa thật với Phán:
- Phán này! Mình xin cậu một phiếu nhé.
- Chỗ bạn bè tớ nói thật! Cậu chưa xứng đáng là huyện ủy viên đâu! Cần phải phấn đấu nữa!
- Cậu nói thế là sao? Tôi ngạc nhiên.
- Là sao ư? Tớ nói cho mà nghe! Là trưởng phòng giao thông mà bao nhiêu năm nay cậu không nâng cấp nổi con đường Kéo Thin tuy rằng xã đã năm lần, bảy lượt đề nghị!
- Nói để cậu thông cảm! Đường xã cậu cần số vốn lớn vượt khả năng kinh phí của huyện!
- Nói thế nghe được được à! Là trưởng phòng cậu phải tham mưu cho huyện để khai thác nguồn vốn khác chứ.
- Cậu nghĩ oan cho tớ rồi! Một mình tớ lo làm sao được!
- Không oan đâu các xã khác nâng cấp đường liên tục trong khi xa tớ không có đồng kinh phí nào!
Tôi muốn nói toạc ra rằng tại cậu ngu nên cả xã phải khổ. Trong khi lãnh đạo các xã khác gặp tôi là lôi ra quán nhậu nhẹt, phong bì, phong bao cẩn thận còn cậu cậy thế bạn bè đến điếu thuốc cũng chẳng có mời nhau. Đối xử với nhau như thế lấy đâu ra kinh phí để sửa đường.
Bị trượt huyện ủy viên, tôi giận Phán lắm. Sau này tôi giữ chức chủ tịch huyện nhưng vẫn chưa hết giận. Vì một con người mà tôi quên luôn việc nâng cấp con đường về xã Kéo Thin. Cho đến bây giờ con đường ấy không được sửa chữa mỗi ngày càng thêm xấu. Biết thế nhưng tôi vẫn lờ đi.
Hôm nay nghe Thủy kể về cái chết thương tâm của chồng, tôi như thấy mình có lỗi. Cái chết của Tàn, tôi cũng có phần trách nhiệm. Nếu hồi ấy tôi tìm nguồn vốn để sửa chữa con đường Kéo Thin thì có thể tai nạn không xảy ra. Tôi tự thấy ân hận vô cùng. Tôi đang tuổi xế chiều, trước khi về hưu tôi sẽ tìm mọi cách để nâng cấp con đường về xã Kéo Thin. Dẫu có muộn nhưng còn hơn không làm. Thủy ơi hãy tha thứ cho tôi và hãy tin ở tôi. Nghĩ được như vậy tôi thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng. Trước khi ra về, tôi xin phép Thủy được thắp lên bàn thờ chồng Thủy nén hương. Thủy gật đầu, mắt ngấn lệ.
Tháng 6- 2012
VẾT NỨT
Truyện ngắn
Một tốp chừng bốn, năm tay thợ đang hì hục người đào kẻ xúc, mồ hôi ướt đẫm lưng thì từ căn nhà bên cạnh có người đàn ông mặt hằm hằm tay cầm chiếc gậy gỗ nghiến lao đến bên hố móng quát tháo ầm ĩ :
- Chúng mày muốn sống hãy dừng ngay lại! Nhà ông mà đổ chúng mày tù mọt gông!
Tốp thợ ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Một người nói:
- Thưa ông Khẳn! Chúng tôi chỉ là người làm thuê không biết gì đâu ạ! Có gì ông cớ nói chuyện với bác chủ nhà!
- Cái thằng Ngoạn đâu rồi? Ông Khẳn hống hách.
- Dạ! Bác ấy ra thị trấn liên hệ vật liệu từ sáng sớm rồi! Chắc trưa nay về!
- Quân khốn nạn! Ông sẽ cho mày hầu tòa!
Nói xong Khẳn quay vào nhà đóng sầm cửa.
* *
*
Nhà Khẳn và nhà Ngoạn từ thời ông nội của họ đã dựng cạnh nhau. Gà hai nhà mổ chung thóc ngoài sân, chó sang nhà nhau nằm ngủ là chuyện bình thường. Khẳn và Ngoạn cùng tuổi, thân nhau từ thời còn cởi chuồng chạy lon ton. Và cả hai đều chung nhau cái nghèo, cái khổ. Bố mẹ họ chết đi chẳng để lại gì đáng giá ngoài ít ruộng nương cùng căn nhà gỗ tạp lợp cỏ tranh. Tuy hai người chơi thân với nhau nhưng tính tình hoàn toàn trái ngược. Trong khi Khẳn nhỏ nhen hiếu thắng thì Ngoạn rộng rãi, điềm đạm. Ngoạn biết tính tình của bạn nên tránh mọi va trạm với Khẳn. Ngày nhỏ hai người chơi bi, đánh chuyền, biết Khẳn hay ăn gian để giành phần thắng, Ngoạn cũng không nói gì.Nhiều lần không chịu được, Ngoạn phản ứng thì lập tức Khẳn nằm ra đất giãy dụa, mồm kêu toáng lên Ngoạn đánh người. Cứ mỗi lần như vậy Ngoạn lại bị bố cho một trận đoàn oan. Nhìn những vết lằn trên mông Ngoạn, Khẳn tỏ ra thích thú. Lớn lên cả hai đều có gia đình. Quanh năm họ rơi không biết bao nhiêu là giọt mồ hôi trên mặt ruộng nương nhưng đói nghèo vẫn không chịu buông tha. Một lần sau bữa cơm tối, Ngoạn sang nhà Khẳn uống nước, nói chuyện cho vợi bớt mệt nhọc trong ngày. Chuyện xa, chuyện gần mỏi mồm họ lại quay ra nói với nhau cái chuyện đói nghèo.
- Khẳn này! Bọn mình không phải hạng lười biếng nhưng sao vẫn cứ đói dài thế nhỉ? Ngoạn hỏi.
- Tao cũng đang định hỏi mày như thế đấy. Từ lâu tao nát óc mà chưa tìm được câu trả lời! Khẳn nói.
- Vừa rồi tao nghe ông trưởng thôn nói là ngân hàng cho những hộ nghèo vay tiền không lãi xuất trong hai năm để đầu tư cho chăn nuôi. Hay là tao cùng mày đi vay về mua trâu, bò để nuôi đi. Trâu bò đang được giá đấy. Mày không thấy hội buôn ngày mấy bận vào bản tìm trâu, bò là gì! Ngoạn bàn.
- Hay đấy nhỉ! Chúng mình làm đơn thử xem. Khẳn nhiệt tình, hào hứng.
Thế là hôm sau họ cùng nhau làm đơn và cả hai đơn đều được ngân hàng chấp thuận. Vay được tiền họ tìm mua mỗi người một con bò cái về nuôi. Quê của họ nhiều đồi nên nhiều cỏ. Lúc nào cũng no cỏ, hai con bò thay đổi từng ngày. Đà này chẳng mấy chốc sẽ có bê con. Vài năm nữa sinh sôi nảy nở thành đàn. Tiền ở đấy chứ đâu. Biết mình đi đúng hướng, Ngoạn vui lắm, ngoài việc đồng áng anh dành hết thời gian cho con bò.
Khẳn cũng hăm hở lắm, nhưng chỉ được vài tháng đầu. Một con bò đã chiếm hết thời gian chơi bời rồi, ít nữa nhiều lên có lẽ cả giấc ngủ cũng phải dành cho bò mất. Khẳn chán nản thở dài. Một hôm Khẳn nói với Ngoạn:
- Tao thấy nuôi bò kiểu này vừa tốn công lại chẳng thấy đồng tiền. Hay bọn mình bán quách đi cho nhẹ người! Rồi ta tìm cơ hội làm giầu khác.
- Mày nói cái gì lạ tai thế! Vừa nuôi được vài tháng đòi có tiền ngay! Mày không ngủ mê đâu chứ! Ngoạn hết sức ngạc nhiên.
- Làm gì có chuyện mê sảng ở đây! Tao nói thật đấy! Mày không bán thì tao khác bán! Khẳn bảo
- Tao thấy con bò có thể giúp cho ta thoát được cảnh đói nghèo! Tao quyết trí nuôi đến cùng! Tao không bán đâu! Ngoạn nói.
- Mày thích nuôi tao để lại cho!
- Mày định bán bao nhiêu? Ngoạn hỏi.
- Đủ vốn trả ngân hàng và có lãi chút ít là được! Khẳn đáp.
- Tao sẽ mua! Ngoạn nói.
Thực ra Ngoạn chẳng có nhiều tiền nhưng vì đây là giống bò lai, khung to, sinh sản khỏe nên anh cố mua bằng được. Tậu thêm con bò vợ chồng Ngoạn thêm vất vả nhưng khi thấy chúng mỗi ngày một lớn vợ chồng anh nhìn nhau miệng nở nụ cười.
Từ ngày bán con bò cho Ngoạn, Khẳn cảm thấy nhẹ nhàng như con trâu được tháo ách khỏi vai. Tiền nợ ngân hàng không thèm trả Khẳn cứ để trong túi, tiêu mỗi ngày một ít hết lúc nào không hay. Khẳn ngơ ngác như bị mất cắp. Thỉnh thoảng Ngoạn sang chơi bàn cách làm ăn cùng Khẳn thì anh ta nói rằng đang chờ thời cơ. Khẳn bảo thời cơ quan trọng lắm nếu ta nắm bắt được thì trong chớp mắt bằng cả đời người tích cóp.
- Mày nói phải nhưng thời cơ phải do chính ta tạo ra chứ. Mày cứ há mồm chờ
thì đến bao giờ miếng thịt mới rơi vào! Ngoạn nói.
- Cái đó tao không biết. Có thể nay mai! Có thể đến khi xuống lỗ cũng không
gặp được thời cơ nhưng tao cứ chờ! Khẳn cười ngất.
Biết Khẳn không cùng đường làm ăn, Ngoạn bèn đướng dậy ra về.
* *
*
- Anh Khoảy ơi! Cơm rau em nấu xong rồi bát đũa các anh cứ xếp để, sáng
mai em đến rửa! Chiều nay cho em nghỉ sớm nhé! Trời sắp mưa rồi! Nhự vừa nói vừa nhìn trời.
Nhự là vợ của Khẳn. Tháng trước đoàn khảo sát thiết kế đường có đến trọ nhà và nhờ Nhự nấu nướng cho đoàn. Khi chuyển chỗ khác họ cũng nhờ luôn Nhự đi theo làm cấp dưỡng. Anh Khoảy trưởng đoàn bảo Nhự nấu ăn ngon hợp khẩu vị mọi người nên đoàn không muốn tìm người khác. Đang túng thiếu Khẳn đồng ý liền. Tiền công của Nhự chỉ hơn triệu đồng, chẳng nhiều nhặn gì nhưng cũng đủ mua muối mỡ trong tháng.
Nhự còn trẻ. Mỗi lần từ hiện trường về nhìn đôi má đỏ hây hây của Nhự mà Khoảy thấy lòng mình rạo rực, bao nhiêu mệt mỏi căng thẳng trong ngày dường như dịu nhẹ hẳn. Nhiều khi Khoáy muốn thả lời tán tỉnh nhưng ngại chồng Nhự nên cố buộc chặt nó trong lòng. Giờ thì tình thế khác rồi, Nhự đã đi theo đoàn cách nhà mấy bản đã đến lúc ta mở mồm được rồi. Khoáy nghĩ.
- Anh mời em ăn cơm với đoàn cho vui! Đằng nào trời cũng sắp mưa rồi! Chờ qua cơn mưa sẽ về. Khoảy nói.
- Cảm ơn anh! Để khi khác em sẽ ăn cơm cùng các anh nhưng giờ sắp tối rồi! Đi đêm một mình sợ lắm! Nhự từ chối.
- Sợ gì! Anh sẽ đưa em về! Mồm nói tay Khoáy cầm vào cổ tay Nhự. Cổ tay Nhự trắng ngần làm mắt Khoáy nhìn không muốn chớp.
- Anh buông tay để em về kẻo muộn! Nhự nói.
- Với điều kiện là em phải ở lại ăn cơm! Khoáy càng nắm chặt hơn.
- Em sẽ ở lại nhưng anh phải đưa em về đấy! Nhự đành bằng lòng ở lại. Nhự bỏ một bữa cơm nhà cũng chả sao nhưng chỉ sợ anh Khẳn một mình khác ăn cơm nuốt không xuống thôi. Tí nữa anh Khẳn có hỏi sao về muộn thì mình đổ hết cho cơn mưa là êm chuyện. Nhự vừa ăn vừa nghĩ ngợi.
Nhự và đoàn khảo sát thiết kế đường ăn cơm trong tiếng mưa đập rào rào trên mái lán. Chừng nửa tiếng thì cơn mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn. Bóng tối ùa đến bưng lấy mắt mọi người. Cây đèn bão được thắp lên tỏa thứ ánh sáng vàng nhạt trong lán.
- Hết mưa rồi! Xin phép các anh em về thôi! Nhự nói.
- Để anh đưa em về! Vừa nói Khoày vừa tìm chiếc đèn pin trong ba lô.
Sau cơn mưa, bầu trời được tắm rửa không còn mây đen che phủ, nền trời sao nhấp nháy sáng. Khoảy và Nhự rời lán được doạn đường thì ngọn núi phía đông ló ra vầng trăng tỏa ánh sáng ảo huyền, dìu dịu xuống mặt đất.
- Trời thương em đấy anh Khoảy ạ! Nhự ngước nhìn bầu trời và nói.
- Chỉ có trời mới thương em thôi sao? Em không biết có một người cũng đang thương em đến cháy ruột, cháy gan ư?
- Em không biết! Nhự đáp nhỏ nhẹ.
- Người đó đang bước cùng em đấy! Em ngạc nhiên lắm phải không?
- Em chỉ giỏi nói dối thôi! Em là con gái xó rừng quanh năm chỉ biết đến cây ngô, cây lúa chưa bao giờ biết son phấn! Anh là cán bộ ăn trắng mặc trơn đời nào để mắt đến em!
- Anh nói thật lòng đấy! Miệng anh chỉ biết nói lời thẳng như cây chuối thôi! Tuy thoát ly nhưng anh cũng là trai miền núi mà! Anh thương em từ buổi đầu mới gặp nhưng vì có mặt chồng em nên anh cố nén giờ mới có dịp cới tấm lòng cho em hay!
- Ôi! Anh nói hay quá! Lần đầu tiên em hay như chim họa mi hót! Tiếng là có chồng nhưng em đâu được ngày nào yêu nhau đâu! Mọi chuyện đều do người già sắp đặt cả!
- Thế thì thiệt thòi quá! Anh sẽ bù đắp cho em nhé! Em đồng ý không?
- Em không biết!
Khoáy dừng bước. Quay lại ôm lấy Nhự. Đặt lên má Nhự một nụ hôn.
- Đừng anh! Kẻo người khác nhìn thấy xấu hổ chết. Nhự nói trong hơi thở gấp
- Ngoài ông trời ra không ai nhìn thấy đâu! Mà trời thì thương em sẽ đùm bọc cho em thôi!
- Anh khéo nói lắm! Chịu thôi!
Hai người ôm chặt lấy nhau. Trao cho nhau những cái hôn nồng cháy. Lúc này dù trời có sập trên đầu cũng khó tách hai người ra được.
* *
*
Nghe tin Ngoạn sắp được một cục tiền đền bù do có con đường đi qua đám rẫy, lòng Khẳn dẩy lên niềm ghen tức. Có thể từ món tiền này Ngoạn trở nên giàu có nhất bản. Ngoạn sẽ xây nhà, tậu xe máy. Trong khi đó Khẳn vẫn ở ngôi nhà lợp tranh, xe đạp còn chưa có mà đi thì không thể chịu được. Đẻ đè cái ghen tức trong người, Khẳn vớ chai rượu tu một hơi rồi lên giường nằm ngủ. Thức giấc trời đã sâm sẩm tối, mây đen phủ kín bầu trời, Khẳn ngó nghiêng vẫn chưa thấy Nhự về. Sao hôm nay về muộn thế nhỉ. Mà trời lại sắp mưa nữa chứ. Có lẽ phải đi đón thôi. Nghĩ vậy Khẳn cầm đèn pin đồng thời giắt thêm con dao chọc tiết lợn đề phòng thú dữ.
Hai cở thể đang quấn vào nhau ngay hốc đá ven đường thì một luồng ánh sáng chiếu thẳng vào mặt họ.
- Đồ gian phu dâm phụ! Tao bắt được được chúng mày rồi! Khẳn run lên vì giận.
Nghe tiếng quát hai thân thể vội vàng rời nhau. Nhự kéo áo che bộ ngực tròn lẳn của mình.
- Để nguyên hiện trường không ai động đậy! Nếu đứa nào cưỡng lại con dao này sẽ lập tức chui vào bụng. Khẳn gằn giọng giơ con dao nhọn trước ánh đèn pin. Khẳn kéo đoạn sắn dây dại trói chặt tay hai người rồi ra lệnh:
- Cả hai người theo ta về nhà lập biên bản! Ở đây không có giấy mực.
Mặc cho Khoáy và Nhự van nài nhất quyết Khẳn không tha. Lôi hai người về đến nhà, cho cẩn thận anh ta buộc chặt cả hai vào cột nhà rồi lục tìm giấy bút lập biên bản. Viết xong Khẳn đọc cho Khoảy cùng Nhự nghe. Khẳn bảo:
- Chúng mày còn có gì nói nữa không? Nếu thấy đúng thì ký vào đây!
Trước sự khống chế của Khẳn, không còn cách nào hơn buộc đôi tình nhân phải ký vào biên bản. Chờ cho họ ký xong, đút tờ biên bản vào túi, Khẳn chỉ vào mặt Khoảy:
- Thằng chó kia nghe đây! Tao sẽ tha chết cho mày với một điều kiện!
- Điều kiện anh cứ nói!Khoảy run run.
- Với một kiều kiện thật đơn giản tao nghĩ mày sẽ làm được! Điều kiện thế này mày hãy thay đỏi thiết kế nắn con đường qua đám rẫy của tao thay vì hiện nay nó đi qua rẫy của thằng Ngoạn! Mày trả lời tao ngay!
- Hiện nay thiết kế chưa trình cấp trên. Có thể thay đổi được. Mong anh tha thứ cho tôi! Và tôi cũng xin anh đừng hành hạ Nhự. Nguyên nhân sự việc đều từ tôi cả. Khoảy nói.
- Ái chà ! Cao thượng gớm nhỉ! Tao hứa sẽ không làm gì cô Nhự cả! Khẳn cười khẩy.
Đúng như lời hứa của Khoảy, con đường được nắn qua đám rẫy của Khẳn. Và như thế Khẳn đút túi khoản tiền đền bù khá lớn. Ngoài ra anh ta còn chia đám rẫy ra nhiều lô bán dần. Có tiền Khẳn cất căn nhà mái bằng khang trang. Khẳn phổng mũi vì cả bản chỉ mình có ngôi nhà xây mà thôi. Với Nhự, nhiều khi Khẳn cũng muốn quên đi chuyện cũ nhưng hàng đêm cứ sờ vào người Nhự, lập tức cái cảnh Nhự và thằng cha đội trưởng khảo sát thiết kế đường đang quấn lấy nhau cứ hiển hiện trước mặt. Thay vì ân ái, Khẳn quay ra đánh đập Nhự. Bị nhiều trận đòn đau nhưng Nhự không mở mồm van xin. Thế rồi một đêm Nhự bỏ nhà ra đi cùng với hai má sung to như ong đốt vì chồng đánh. Người ta phỏng đoán rằng Nhự đi tự tử, nhưng cũng có người nói gặp Nhự ở ngoài tỉnh cùng với người tình là anh chàng đội trưởng Khoảy năm xưa. Mọi lời đồn đại đều lọt vào tai Khẳn, nhưng anh ta chẳng thèm đi tìm. Tìm làm gì kẻ ăn ở hai lòng ấy. Có lẽ mất niềm tin vào phụ nữ nên chuyện xảy ra khá lâu rồi Khẳn vẫn ở một mình chẳng chịu cưới cô vợ khác.
Khẳn có thói quen dậy muộn nhưng hai hôm nay không tài nào ngủ được vì tiếng đào đất ngay sát tường nhà. Không ngủ được, Khẳn mở mắt nhìn khắp gian phòng trống trải. Bỗng anh ta phát hiện ra vết nứt ở góc tường. Đây là hậu quả của việc thằng Ngoạn đào móng nhà đây. Mày định xây hai tầng cao hơn nhà tao à. Không xong đâu. Tao sẽ có cách bắt mày phải dừng lại. Thậm chí còn phải đền bù thiệt hại cho tao nữa Ngoạn ơi. Khẳn vùng dậy tìm giấy bút hì hục thảo đơn.
* *
*
Tôi đi họp trên xã về đã thấy Khẳn ngồi trong nhà với vẻ mặt căng thẳng.
- Chào trưởng thôn Nàm! Em ngồi chờ trưởng thôn đến cả tiếng đồng hồ rồi! Sáng nay trưởng thôn đi họp à? Khẳn đứng dậy bắt tay tôi.
- Xã triệu tập các trưởng thôn triển khai việc tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm! Nhà chú Khẳn không có con trâu, con bò nào đâu nhỉ? Hỏi để có chuyện. Thực ra tôi nắm rất rõ tình hình chăn nuôi trong bản.
- Em chả cần nuôi vẫn có nhà xây như ai! Nuôi vài con trâu hay con bò bao giờ mới làm nên sự nghiệp! Khẳn cười gằn.
- Chú nói thế! Từ hai bàn tay trắng nhờ chăn nuôi mà chú Ngoạn xây nhà hai tầng đấy! Tôi nói.
- Hôm nay em đến gặp anh cũng vì cái móng nhà hai tầng của nó đây!
- Sao! Chú Ngoạn ăn sang đất của chú à?
- Còn tệ hại hơn thế nữa anh ạ! Nó đào sâu quá làm nhà em sụt móng gây nứt tường! Đây em trình bày rõ trong đơn rồi! Mời anh xem! Khẳn đưa lá đơn cho tôi.
Xem xong tôi thấy sự việc khá nghiêm trọng. Nếu để Ngoạn tiếp tục đào có thể làm đổ nhà Khẳn như chơi. Vả lại tôi biết tính Khẳn hay ăn vạ nên phải hết sức thận trong chứ không thể hàm hồ kết luận. Nghĩ thế, tôi bèn theo Khẳn đến tận nơi xem xét. Khẳn đưa tôi vào trong buồng và chỉ cho tôi góc tường bị nứt. Căn phòng hơi tối, tôi dùng đèn pin soi thì phát hiện vết nứt đã giăng đầy mạng nhện. Và chỗ nứt cũng đã cũ. Đây là hậu quả của việc xử lý móng của Khẳn chứ không phải do móng nhà Ngoạn gây ra.
- Chú Khẳn lại đây nhìn kỹ hộ tôi!
- Có việc gì vậy anh? Khẳn vẫn thản nhiên.
- Chú nhìn thấy mạng nhện giăng kín miệng vết nứt không?
- Có! Thế thì sao anh? Khẳn vẫn chưa hiểu ra.
- Điều này chứng tỏ vết nứt đã có trước khi chú Ngoạn đào móng! Nếu kiện cáo nhau chú sẽ thua lý và trở nên kẻ vu khống đấy. Chú hiểu chưa! Chú nên rút đơn thì tốt hơn. Tôi nói.
- Vâng em hiểu! Do em không nhìn kỹ cứ tưởng thằng Ngoạn gây nên! Cho em xin lại lá đơn.
Tôi trả lại Khẳn lá đơn. Không nói không rằng, Khẳn lẳng lặng vò nát rồi vất vào góc tường. Quan sát nét mặt lạnh lùng cùng cái nhìn lấc láo như rắn ráo của Khẳn tôi không dám chắc anh ta ân hận về sự hồ đồ của mình. Và hình như nét mặt ấy, cái nhìn ấy đang ẩn chứa những toan tính khác thâm hiểm hơn để ngăn cản việc làm nhà của Ngoạn. Điều này có thể xảy ra lắm. Là trưởng thôn, tôi phải làm gì đây để ngăn chặn không cho Khẳn hành động xấu. Cái việc tưởng như nhỏ nhặt này lại làm cho tôi mất ngủ khá nhiều đêm.
Tháng 8 - 2012
TIẾNG LƯỢN TRONG ĐÊM
Truyện ngắn
Săn bắt thú rừng từ lâu đã trở thành niềm đam mê của Sủi. Ngày mai cưới vợ rồi vậy mà hôm nay Sủi vẫn muốn lên rừng kiếm con cầy, con cáo. Thịt lợn, thịt gà không thiếu nhưng cỗ cưới có thêm món thịt thú rừng khách khứa sẽ uống rượu thêm ngon. Nghĩ vậy lòng Sủi rộn ràng như trống đánh.
Mấy hôm nay trời luôn rơi mưa. Mưa không thành cơn. Hạt mưa bé như hạt sương cứ rả rích ngày đêm. Mưa thối đường, thối đất. Ngoài trời sũng nước đã đành, nhưng trong nhà chỗ nào cũng ẩm ướt. Ngay bộ quần áo Sủi đang mặc hơi ẩm như thấm vào từng sợi vải. Muốn thay bộ khác cho ấm áp nhưng lại nghĩ đằng nào lên rừng cũng bị ướt chẳng cần phải thay làm gì cho mất thì giờ. Sủi nhấc khẩu súng hỏa mai treo trên vách nhà để nhồi thuốc, tra đạn. Khi giở đến ống nứa đựng thuốc thì hơi nước đã chui cả vào trong. Đi săn không có gì tai hại bằng thuốc bị ẩm. Lúc bóp cò bùi nhùi gặp thuốc cháy xì xì bên ngoài khói bốc nghi ngút chứ không chịu kéo lửa vào trong nòng. Chỉ cần chậm nổ bằng một cái nháy mắt thì con thú đã co cẳng chạy khỏi tầm đạn bắn. Đã có lần Sủi trượt con nai chỉ vì thuốc ẩm. Rút kinh nghiệm, lần này Sủi phải tìm cách làm cho thuốc thật khô mới nhồi vào nòng. Sủi đổ thuốc vào cái chảo gang rồi đặt lên bếp lửa đã rút hết củi chỉ còn lại than hồng. Sủi dùng que đảo như kiểu rang ngô. Do sơ ý Sủi đã làm cho mấy hạt diêm sinh theo đầu que bay ra khỏi chảo rơi ngay vào mấy đầu củi đang rực than cạnh bếp. Diêm sinh gặp than hồng liền phát ra ngọn lửa trong tích tắc cả chảo thuốc súng bắt lửa cháy bùng lên. Ngọn lửa diêm sinh trùm kín mặt. Sủi ôm mặt rú lên đau đớn.
* *
*
Đúng hẹn Ngạn có mặt ở nhà Sủi từ lúc sương sớm vừa tan. Bố Sủi đưa cho Ngạn bộ quần áo mới còn ngai ngái mùi chàm. Ngạn mặc vừa người. Thêm cái mũ nồi chụp lên đầu, Ngạn nổi lên giữa mấy thằng trai bản đi phù rể. Ngạn soi gương thấy mình đẹp trai hơn ngày thường. Ngạn vui rộn trong lòng đã có lúc quên mình chỉ là chàng rể thế.
Đến giờ xuất hành, đoàn nhà trai dẫn đầu là ông quan lang lục tục kéo sang nhà gái. Tuy là rể thế nhưng Ngạn cũng phải lạy trước bàn thờ nhà gái, cũng cùng cô dâu đi mời rượu họ hàng. Cô dâu tha thướt trong chiếc áo dài nhuộm chàm thơm nức. Cô dâu đẹp quá. Ngạn liếc nhìn cô dâu mà lòng xa sót. Giá hôm nay mình là chàng rể thực thụ thì hạnh phúc biết bao. Số thằng Sủi thật sướng, nhà giầu lại cưới được cô vợ đẹp. Trong lòng Ngạn tự nhiên bùng lên ngọn lửa tình không làm sao dập tắt được. Hôm đó đón xong cô dâu về nhà chồng tự nhiên Ngạn thấy trống trải. Nỗi buồn ùa về giăng kín trong lòng. Đã hết vai trò chú rể, chẳng biết làm gì, Ngạn quay ra uống rượu và hát lượn cùng đám trai gái xa gần về dự cưới. Ngạn có giọng hát lượn khá hay. Đêm ấy Ngạn lượn say sưa. Lượn để xua nỗi buồn đang xâm chiếm cõi lòng, nhưng lạ thay càng lượn cái buồn càng bám chặt:
Giờ nàng đã có nơi có chốn
Thân anh như cây mạ muộn mằn
Mạ muộn còn còn mãi xanh cùng nắng
Thân em như lúa tám ngắn ngày
Lúa gặt đầu mùa này rồi đó
Anh chờ mãi nào có được gì
Người ước tiên biết khi nào gặp.
Tiếng lượn cuả Ngạn ở ngoài sàn vô tình đã lọt vào tai Nê. Ngồi trong buồng Nê cảm thấy trong tiếng lượn cao vút, ấm áp của Ngạn ẩn chứa nỗi niềm tâm sự sâu kín. Nỗi niềm tâm sự ấy hình như chỉ dành cho riêng Nê mà thôi.
Sau đám cưới ít lâu Ngạn tình cờ gặp Nê trên đường đi chợ huyện.
- Chào anh Ngạn! Hôm nay anh cũng vui chân đi chợ à? Nê cười tươi. Nụ cười
mơn mởn như nụ hoa đào lại thỏi cháy ngọn lửa tình trong lòng Ngạn.
- Em vẫn nhớ thằng rể thế này à?
- Làm sao quên anh được. Hôm ấy em cứ tưởng anh là rể thật cơ đấy!
- Thằng Sủi đi cấp cứu ở bệnh viện. Nhà trai nhờ anh đấy mà. Họ không cho
em biết gì à?
- Không anh ạ! Việc em lấy chồng đều do bố mẹ sắp đặt cả! Mãi vừa rồi đi
bệnh viện thăm Sủi thì em mới biết mặt chồng! Hai mắt băng trắng. Mặt đầy sẹo chưa lên da non vẫn rỉ nước vàng. Em không dám nhìn lâu! Em khóc suốt.
- Ôi! Thằng Sủi thật hạnh phúc, lấy được người vợ thương chồng hết mực! Ngạn cười chua chát.
- Anh không biết thôi! Nước mắt em rơi không phải thương chồng mà thương cho số phận hẩm hiu của em thôi!
Nhớ lại ngày cưới, đứng bên Ngạn mời rượu khách khứa, bạn bè lòng Nê dậy lên niềm kiêu hãnh. Lấy nhau chẳng được yêu nhau, thành vợ, thành chồng rồi chúng mình yêu cũng chưa muộn, anh nhỉ. Nê thầm thì trong lòng. Đến lúc về nhà chồng biết được sự thật Nê buồn bã thất vọng. Những lúc như vậy hình ảnh của Ngạn lại hiển hiện trước mặt. Anh Ngạn đẹp trai, ăn nói thật có duyên.
Về phía Ngạn từ hôm làm rể thay cho thằng Sủi, chẳng hiểu sao trong lòng lúc nào cũng nhớ Nê. Ngạn cố xua nhưng nỗi nhớ chẳng những không chịu đi mà càng ngày nó càng bám chặt trái tim anh. Cái mùi chàm ngai ngái thoảng thơm tỏa ra từ chiếc áo dài Nê mặc trong ngày cưới cứ quấn chặt lấy Ngạn lúc lên nương cũng như trong giấc ngủ. Anh thấy thương cho Nê phải làm vợ thằng Sủi sứt sẹo. Nhà nó giầu đấy nhưng đồng tiền khó mua được khuôn mặt cha mẹ nặn ra. Mình là chồng Nê mới thật công bằng. Được như vậy mình sẽ tạo cho cô ấy cuộc sống đủ đầy trong hạnh phúc. Nê ơi, em biết anh đang nghĩ gì về em không, đang mơ ước gì không. Có lẽ mọi khát vọng của anh không bao giờ có thật bởi em đã có chồng, đã là vợ của kẻ khác. Trái tim chàng trai tuổi hai mươi thổn thức trong đêm.
Giờ đây đứng trước mặt Nê nghe sau vài lời qua lại, Ngạn biết Nê không hề yêu chồng mà hình ảnh của mình đang ẩn nấp trong lòng Nê.
- Nê ơi! Anh yêu em! Ngạn không thể giữ nổi tiếng nói.
- Anh ơi! Lòng em đang rũ như cánh hoa dưới mưa. Anh nói thế em khác nào kẻ đi đêm được anh trao cho ngọn đuốc. Nê cúi đầu, tay bứt lá non vò nát mà không hay. Một lúc sau Nê thỏ thẻ nói tiếp:
- Anh Ngạn ơi! Em đã yêu anh từ hôm anh đi làm rể thế rồi. Nhưng giờ em như con trâu bị sỏ sẹo, bị người ta buộc vào cọc rồi biết đường nào thoát ra được.
- Nếu em thật lòng thì anh tìm cách gỡ cho! Ngạn nói.
- Anh mà gỡ được, em sẽ suốt đời theo anh. Nê nói.
- Em nói thật chứ! Ngạn hỏi.
- Thật như em đang đứng trước mặt anh vậy! Nê ngẩng đầu nhìn Ngạn.
Nghe người yêu nói thế, Ngạn phác nhanh trong đầu kế hoạch chung sống với Nê. Muốn lấy Nê không thể nào ở bản được. Ta phải đưa Nê đến nơi nào đó thật xa.Từ hôm ấy Ngạn tránh con mắt mọi người lên đầu nguồn chặt vầu đóng một chiếc mảng chiều rộng gần bằng sải tay người lớn. Xong đâu đấy Ngạn rủ Nê lên mảng trốn khỏi bản trong đêm. Lúc đầu Nê cảm thấy sợ hãi nhưng phần yêu Ngạn phần muốn thoát khỏi cảnh làm vợ thằng Sủi sứt sẹo nên đành liều chân nhấc bước ra đi.
- Anh ơi! Sau này chúng mình lấy gì mà sinh sống. Nê lo lắng hỏi Ngạn.
- Vướng đâu làm ruộng. Mắc đâu làm rẫy. Lo gì. Một khi chúng mình đã có nhau dù trồng cỏ tranh cũng thành lúa, em ạ! Ngạn bình thản trả lời Nê trong sóng nước vỗ ì oạp. Chiếc mảng chòng chành giữa dòng nước siết. Ngạn đưa mắt nhìn dòng sông chảy giưã đại ngàn hun hút trong đêm rồi mạnh tay đẩy sào. Có đà chiếc mảng rẽ nước xuôi dòng mỗi lúc một nhanh.
* *
*
Sủi thật không ngờ cuộc đời đưa đẩy mình thành công nhân khai thác cát trên sông. Sau lần bị thuốc súng đốt cháy mặt, Sủi không dám soi gương vì sợ phải nhìn bộ mặt đầy sẹo và một mắt bị mù của mình. Sủi chẳng lạ gì mùi đàn bà con gái. Ngoài thú săn bắn, Sủi còn đam mê hát lượn. Bằng tiếng lượn biết bao cô gái đã nằm trong vòng tay của Sủi. Bởi thế Sủi thờ ơ với việc lấy vợ. Đến khi bố mẹ ép nhiều quá anh ta nói bố mẹ xem trong bản ngoài mường có cô nào bố mẹ nhìn lọt mắt thì con cũng gật đầu. Do vậy khi ra viện, biết bàn chân của Nê bám theo bàn chân của Ngạn bỏ trốn theo nhau, trong lòng Sủi không hề nổi lửa ghen, lửa giận. Thực ra với Sủi, Nê là người lạ lời, lạ mặt. Ngày cưới đến rồi mà Sủi vẫn mải mê săn bắn không chịu đi xem mặt người vợ tương lai. Giờ thành người tàn tật Sủi lại càng không nghĩ tới Nê. Chán đời, Sủi giắt tiền vào cạp quàn mò ra thị xã lao vào những cuộc nhậu nhẹt gái mú tùm lum. Sau vài phiên chợ, tiêu hết tiền Sủi lại quay về vòi bố mẹ. Thương đứa con tàn tật bố mẹ ra sức chiều chuộng, có đồng nào đều đặt vào túi thằng Sủi. Cạn tiền trong rương, trong hòm họ bàn nhau bán trâu bò cho thằng Sủi ăn tiêu. Sủi tiêu tiền như nước lũ phá bờ chắng mấy chốc mà rỗng túi. Hết tiền Sủi đành ôm gối ngồi nhà thở dài, thở ngắn.
Ở trong bản có người ra thị xã làm ăn nay đang là ông chủ máy khai thác cát trên sông. Một lần về thăm quê, biết được hoàn cảnh của Sủi bèn rủ đi theo. Chẳng cần hỏi dò làm công nhân khai thác cát sướng khổ ra sao mới nghe gợi ý, Sủi gật đầu liền. Sủi rời nhà cốt để đỡ chán đời mà thôi. Sướng hay khổ không quan trọng.
Từ lâu, Sủi coi cái xuồng cát như căn nhà. Sủi không ngủ lán như nhiều người khác mà chỉ thích nằm trên xuồng. Sủi đóng sẵn một tấm phản. Buổi tối máy nghỉ, xuồng rỗng cát, Sủi đặt tấm phản xuống bụng xuồng thay giường. Nếu trời mưa gác cây qua thành xuồng, trải lên đó tấm bạt là mọi việc ổn thỏa. Mấy năm nay Sủi cùng chiếc xuồng từ thị xã ngược dòng để khai thác cát. Càng lên phía thượng nguồn, lòng sông càng hẹp lại. Nước chảy xiết hơn. Mọi khi lòng sông rộng nước chảy lững lờ, chỉ cần buộc dây vào gốc cây ven bờ là giữ được xuồng, nhưng hôm nay nước chảy mạnh Sủi phải thả neo mới dám đi ngủ. Chưa kịp đặt đầu, Sủi nhìn thấy bên bờ sông sáng lên ánh đuốc. Khuôn mặt người con gái hiện ra trong ánh đuốc làm Sủi ngẩn người. Bất chợt Sủi nhớ đến đàn bà. Lâu rồi từ ngày làm đi làm cát chưa được cầm tay đứa con gái nào. Hồi ở nhà sẵn tiền bố mẹ cho, đêm nào Sủi chả nằm ngủ với mấy đứa tiếp viên ở các quán cà phê đèn xanh, đèn đỏ. Đúng là có tiền mua tiên cũng được. Lúc đầu Sủi mới xuất hiện đứa nào cũng ôm mặt ré lên hốt hoảng nhưng khi Sủi giở bọc tiền ra khoe lập tức cả lũ bâu lấy thi nhau vuốt má, có đứa còn mân mê các vết sẹo trên mặt và hôn chùn chụt lên đó. Hồi ấy ăn uống tùy thích nhưng lại rạc người vì chơi bời, trác táng. Từ ngay theo xuồng cát quanh năm, suốt tháng chỉ toàn sông nước chẳng nhìn thấy bóng dáng đàn bà. Giờ đây nhìn thấy khuôn mặt người con gái thấp thoáng hiện lên trong ánh đuốc, Sủi như con ngựa đực bị hãm tàu lâu ngày chỉ muốn lồng lên, tung vó hí vang. Anh ta trèo lên thành xuồng lia ánh mắt về hướng người con gái. Đã định nhảy xuống nước mò đến đó nhưng vội vàng dừng lại vì Sủi nghĩ rằng mình không nên xuất hiện trước mặt cô ta với bộ mặt xấu xí như thế được. Ngộ nhỡ cô ta giật mình hét toáng lên thì chẳng hóa sôi hỏng, bỏng không ư? Phải có cái gì để nhử cô ta mới xong. Đi câu muốn vớ được cá to phải kiên nhẫn nhử mồi. Hay là ta thử đem tiếng lượn làm mồi thử xem. Ngày trước nhờ tiếng lượn mà Sủi đã bẫy được nhiều cô gái trẻ đẹp. Lúc này chỉ có tiếng lượn mới bắc cầu đến với cô ta được. Ngẫm nghĩ một hồi Sủi bèn cất tiếng lượn. Tiếng lượn của Sủi đã lan tỏa trong đêm vắng bay trên mặt sông quẩn quanh bên tai người con gái:
Lượn hát để kết bạn nên quen
Đã đốt đuốc đốt đèn tới gặp
Như ong đi tìm mật rừng sâu
Hoa nở thì ong bâu hút nhụy
Để hoa tàn hoang phí ngày xuân
Gửi tới bạn ân cần tha thiết
Mong bạn xa cất tiếng cùng nhau.
Cô gái dụi ngọn đuốc xuống đất cho tắt, tay cầm giỏ lội bì bõm ra giữa dòng. Người con gái này chính là Nê. Mấy năm trước Nê cùng Ngạn xuôi mảng đến khúc sông này thì dừng lại. Hai người lên rừng hì hục chặt cây dựng căn nhà nhỏ trên sườn đồi cách bờ sông khoảng nửa cây số. Ở đây thưa người, đất đai vô chủ. Nê và Ngạn vác dao, sắn quần phát rẫy làm nương. Nhưng khốn thay hàng năm sắp đến vụ thu hoạnh, bông lúa cong đuôi gà thì từng đàn chim bay đến tàn phá. Làm chẳng được ăn họ đành bỏ nương cho cỏ mọc. Gió vào nhà đuổi nhau cả ngày không vướng. Nhà vợ chồng Nê nghèo nhưng dân quanh vùng rất hay đến chơi. Ngoài sự mến khách, Nê còn biết chữa bệnh nữa. Những bệnh như cảm mạo, phát ban hay píu sè Nê chỉ cần chích máu hay đánh gió là khỏi.
Đã hơn năm nay Ngạn theo mấy thanh niên trong bản đi phụ xây. Công việc vất vả nhưng thu nhập tương đối ổn định. Thỉnh thoảng gặp ngày mưa không trèo giàn dáo được Ngạn mới tạt về nhà thăm vợ.
Tối nay vắng chồng, ăn cơm xong chẳng biết làm gì mà trời thì oi bức quá, Nê đeo giỏ thắp đuốc ra bờ sông mò ốc không phải đem ra chợ mà để cải thiện bữa ăn. Trời đang tối trăng, ốc không có trứng ăn mới ngon. Ốc nấu canh cả vỏ hoặc luộc cho chín rồi khều từng con sào với mẻ đều ngon.
Nê sắp nhặt được đầy giỏ ốc thì từ trên xuồng cát neo giữa dòng bỗng cất lên tiếng lượn khàn đục. Nê lắng tai nghe. Tiếng lượn khơi vào nỗi cô đơn của người con gái. Tiếng lượn xoáy vào nỗi khát khao được yêu thương của người đang nghe. Nê thấy mủi lòng đã muốn cất tiếng lượn đáp lại. Nhưng Nê bỗng giật mình nhận ra tiếng lượn trên xuồng cát không ấm áp mà lạnh lẽo. Không tha thiết mà chỉ thấy khát thèm. Nó như con thú vờn mồi không như tiếng chim gù gọi bạn tình trong nắng sớm. Nê hình dung trong tiếng lượn có con hổ đói mồi. Có con trăn đang rỗng bụng. Tự nhiên Nê thấy rùng mình hoảng sợ. Cô vội vàng rời bến sông cắm đầu, cắm cổ bước đi không dám ngoảnh lại phía sau.
Lượn đến khàn cả tiếng không có lời đáp lại, sốt ruột Sủi trèo lên thành xuồng tụt xuống nước lội bừa về phía Nê. Khi Sủi đến nơi cả bến sông vắng lặng. Quanh tai Sủi chỉ có tiếng nước reo.
Mấy hôm sau vào một buổi chiều mặt trời đang tụt dần xuống ngọn núi phía tây trong lúc Nỉ đang lúi húi trong bếp bỗng có người gọi cửa. Có hai người lạ mặt cáng một người ốm trên vai. Họ đặt anh ta xuống thềm nhà rồi nói với Nê:
- Chúng tôi là công nhân làm cát trên sông! Anh này ốm nặng quá! Trên xuồng cát không có điều kiện chăm sóc! Bà con nơi đây bảo rằng chị biết chữa bệnh. Chúng tôi đành cậy nhờ nơi chị. Mọi chi phí và công cán chúng tôi lo!
Nhìn cái mặt dầy sẹo của người ốm Nỉ giật mình nghĩ đến Sủi. Nhưng Nê vội gạt đi vì nghĩ rằng Sủi là con nhà giàu có lẽ nào lại đi làm cát.
Thế thì không phải là Sủi rồi nhưng trong lòng vẫn áy náy không yên, Nê bèn lựa lời từ chối :
- Tôi không biết chăm sóc người ốm đâu. Vả lại chồng tôi thường xuyên đi vắng. Để anh ta ở đây thật không thuận tí nào. Các anh tìm đến nơi khác xem!
- Chúng tôi lạ đất lạ người chẳng biết cậy nhờ ai! Mong chị rộng lòng giúp đỡ chúng tôi.
Họ đã nói thế từ chối sao đành, Nê miễn cưỡng để họ dìu người ốm vào nhà và để anh ta nằm trên cái giường tre kê bên lối ra vào. Xong việc họ đặt vào tay Nê một xấp tiền nhưng Nê không nhận. Hai người quay trở về xuồng cát. Giờ trong nhà chỉ mình Nê và người đang ốm. Anh ta nằm trên giường rên hừ hừ, toàn thân run từng chặp. Mắt nhắm nghiền.Thở nặng nhọc. Nê đặt tay lên trán thấy nóng hầm hập. Nê há mồm anh ta xem lưỡi thì bên dưới lưỡi thâm tím như có máu tụ. Người này mắc bệnh píu xè rồi. Bệnh này nếu tiêm kháng sinh có thể tử vong. Nê vội đi đào củ ráy cạo sạch vỏ rồi bỏ rồi nướng trên than hồng cho nóng. Củ ráy rất ngứa. Ai không mắc bệnh nếu cọ vào da sẽ ngứa không chịu nổi, nhưng với người bệnh thì thấy mát trên da. Nê đánh củ ráy nóng từ trán xuống đến bụng rồi từ gáy đến thắt lưng của người ốm. Vài phút sau anh ta cảm thấy dễ chịu và nhắm mắt ngủ thiếp đi. Ngày mai anh ta có thể đi lại được rồi. Nê thầm nghĩ và vào bếp lụi cụi nấu cơm. Hôm sau còn tối đất Nê đã đeo dao lên rừng tìm măng đem ra chợ bán. Mấy hôm nay bìm bịp kêu nhiều báo hiệu mùa măng mọc.
Sủi ngủ một giấc dài khi mở mắt trời đã sáng. Anh ta ngơ ngác vì đây không phải là cái xuồng cát mà là một căn nhà hẳn hoi. Cả nhà vắng tanh vắng ngắt. Có lẽ nhà vô chủ. Mình ốm nằm trên xuồng cát sao bỗng dưng lại ở đây được nhỉ. Và ai đã chữa cho mình khỏi bệnh. Sủi thắc mắc. Mọi việc xảy ra cứ như một giấc mơ. Bất chợt Sủi nhìn thấy bức ảnh chụp đôi treo trên vách. Không cần nhìn lâu Sủi nhận ngay ra Ngạn. Người con gái mặc áo chàm ắt hẳn là Nê. Thì ra hai người bỏ quê về đây sinh cơ lập nghiệp. Đây là lần đầu tiên Sủi nhìn thấy Nê. Nê đẹp thế thảo nào Ngạn bị hút hồn. Chắc chắn mình được vợ chồng Nê cứu sống. Mà hai người đi đâu sớm thế nhỉ. Có lẽ họ không muốn đối mặt với ta nên đã tránh đi chăng. Tránh ta làm gì nhỉ. Ta không thù hận các người đâu. Để cho hai bên khỏi mắc vào cảnh khó xử ta không nên ở đây lâu đằng nào ta cũng khỏi bệnh rồi. Sủi phẩy tay và bước ra cửa đi về phía bờ sông nơi có cái xuồng cát đang bồng bềnh trên mặt nước.
Tháng 9- 2012
CÀNH LỘC XUÂN
Truyện ngắn
Hàng năm cứ đúng mùng tám tháng giêng là đền Bó Ki mở hội. Mới tờ mờ sáng ban tổ chức đã mở loa phóng thanh vang động khắp vùng. Nhà ông Vược cách đền Bó Ki con sông nhỏ. Gần ngày khai hội thanh niên hai làng ven sông đã chặt tre bắc cầu ngang sông để thu tiền du khách. Như thế thanh niên vừa có tiền uống rượu mà người đi hội khỏi phải cởi giầy sắn quần lội sông.
Xuân này ông Vược không muốn đi hội. Măm nay ông già rồi. Hội hè là của thanh niên. Ông chỉ muốn ngồi nhà bên chậu than hồng cùng với ấm nước chè bóc khói thơm lừng thôi. Trong khi ông Vược đang sửa soạn ấm chén để pha trà thì đứa cháu gái sáu tuổi của ông nũng nịu đòi ông đưa đi hội ăn trứng xanh đỏ. Những quả trứng gà luộc bôi phẩm bày bán trong ngày hội có gì ngon đâu mà hấp dẫn trẻ con đến lạ. Nhìn đứa cháu bé bỏng ông bỗng nhớ tới tuổi thơ của mình đã từng vòi mẹ y như nó bây giờ. Tuy rằng không muốn nhưng với đứa cháu ông không thể từ chối sự đòi hỏi của nó. Vừa bước ra cửa mùa xuân đã ngập tràn trong mắt ông. Xuân đậu vào ánh mắt trẻ thơ. Xuân phơi phới trên đôi má ửng hồng của các cô gái. Xuân lặn vào tà áo chàm tha thướt của các bà các cô đi trảy hội. Hai ông cháu hòa vào bước chân của họ. Ông thong thả rảo bước. Cháu lon ton đi bên. Cái miệng bé xíu của nó luôn đặt cho ông những câu hỏi ngộ nghĩnh bất ngờ. Câu giải đáp được, câu thì không. Sự hồn nhiên, ngây thơ của tâm hồn con trẻ làm ông rất vui. Đến bờ sông ông thả mấy đồng bạc lẻ vào cái rổ đặt cạnh cầu rồi dắt cháu lên cầu. Cầu lắc lư khó bước, đứa cháu sợ hãi đòi ông cõng. Ông Vược ngồi xổm để nó bám vào lưng. Trong khi ông đang đứng dậy bỗng có đôi trai gái khoác vai nhau vượt lên nói cười vui vẻ. Nhìn dáng đi của người con gái ông nhận ra nét thân quen. Ông ngờ ngợ. Đây có phải là nàng không? Đích thực là nàng rồi. Ông định gọi nhưng ái ngại vì nàng đi cùng bạn trai. Vả lại muốn gọi cũng không kịp nữa rồi bởi vì nàng đã đã lẫn vào dòng người trảy hội. Ông bồi hồi nhớ lại.
Cách đây vài ba năm, một hôm ông đi cơ sở thu thập tài liệu để viêt bài. Quay về tòa soạn trời đã nhá nhem nhưng ông vẫn cố ngồi lại để viết cho xong bài báo. Khi ông rời công sở thì đã nửa đêm. Mới rời trung tâm thành phố vài cây số, đường đã vắng bóng người, ông thêm ga tăng số,chiếc xe máy lao vun vút trong đêm. Qua ánh đèn pha ông thấy một người con gái đang gò lưng đẩy xe heo chiều ngược lại. Đi qua một đoạn tự nhiên thấy bứt rứt không yên, ông bèn vòng xe quay lại.
- Cô gì ơi! Xe làm sao? Liệu tôi có thẻ giúp gì được cô không? Ông hỏi
- Xe em thủng xăm! Phải dắt bộ khá xa rồi! Đêm hôm chẳng có chỗ nào vá cả! Cô gái dừng lại quyệt mồ hôi trán.
- Cô đi đâu về muộn vậy? Ông lại hỏi.
- Em đi xuống làng bản sưu tầm dân ca! Cô gái trả lời.
- Sưu tầm dân ca à? Hay nhỉ tôi cũng rất thích dân ca. Nhưng chuyện đó nói sau! Bây giờ tôi phải vá giúp cô cái xăm đã! Ông cười.
- Anh có dụng cụ vá xe à? Thế thì may cho em quá! Cô gái mừng rỡ reo lên.
- Tôi cũng hay đi cơ sở bằng xe máy nên phải chuẩn bị đầy đủ đồ nghề! Ông nói.
- Thé ư? Anh làm công việc gì vậy. Cho em biết được không? Cô gái hỏi.
- Chẳng dấu gì cô! Tôi là dân làm báo!
- Hay quá nhỉ! Vì hỏng xe mà em được làm quen với nhà báo!
- Nhà báo cũng như mọi người khác thôi, phải vậy không? Ông cười và giúp cô gái đẩy xe vào vệ đường. Ông nổ máy xe mình để lấy ánh sáng rồi lấy đồ nghề ra tháo lốp. Không có nước để nhúng xăm vào nên ông phải bơm thật căng lấy tay dò chỗ thủng. May lỗ thủng khá to hơi phì ra mát cả bàn tay. Ông bèn đánh dấu, sau đó dùng giấy nháp đánh sạch quanh lỗ thủng, bôi nhựa đặt miếng vá lên đó. Chờ cho miếng vá khô, ông lắp lại xăm lốp, bơm căng hơi. Ông trao xe cho cô. Hai người nói với nhau vài câu, trao đổi số điện thoại di động rồi chia tay nhau. Từ hôm ấy không hiểu sao hình ảnh cô gái hỏng xe cứ chập chờn len lỏi trong tâm hồn ông. Nhiều lúc ông đã bấm số điện thoại định gọi cho nàng nhưng lại thôi. Mới quen nhau chớp nhoáng ông không hiểu gì về nàng. Thêm nữa về tuổi tác ông đứng vào hàng cha chú của nàng chẳng nhẽ lại đi nói với nàng những lời có cánh như thời còn trẻ ư? Ông phải tìm một lý do hợp lý để gọi nàng nhưng nghĩ mãi không được. Ông đành cất điện thoại và cắm cúi làm việc. Bất chợt ddienj thoại của ổng đổ chuông. Ông cầm máy. Màn hình hiện lên số máy của nàng.
- A lô. Anh nghe đây! Ông cố nén hồi hộp.
- Em vừa đọc bài báo của anh viết về hội diễn văn nghệ quần chúng của tỉnh. Nhớ anh quá.
- Anh viết tồi lắm phải không?
- Ngược lại! Rất hay. Nhiều ý kiến đề xuất của anh rất hợp lý. Anh có bận lám không? Nàng hỏi.
- Anh đang cố viết xong bài báo. Ông thật thà trả lời.
- Thé thì trưa nay ta gặp nhau nhé. Ta đi ăn cơm với nhau.
Ông Vược chưa kịp trả lời thì nàng đã chủ động hẹn địa điểm và cúp máy. Cuộc hẹn quá đột ngột làm cho ông Vược ngẩn ngơ cả người. Từ lúc đó đến giờ nghỉ trưa dù cố gắng nhưng ông không viết thêm được dòng nào. Buổi trưa ông đi xe ra quán cơm thì đã thấy nàng ngồi trong quán. Nàng mặc chiếc quần bò và cái áo phông bó sát người. Cả thân thể nàng toát ra sức trẻ rừng rực. Nàng tươi cười chào ông và chủ động gọi món. Toàn những món bình dân nhưng hợp khẩu vị, ăn rất ngon miệng.
- Em vừa đi sưu tầm được một số làn điệu dân ca, hay lắm. Khi nào có điều kiện em sẽ hát cho anh nghe. Nàng bảo.
- Em hát nhé! Anh thích nghe dân ca lắm. Ông hào hứng đáp lại.
Xong bữa nàng rủ ông rủ ông đi uống nước ở cái quán ven sông. Đường đi khá vòng vèo. Ông bám theo nàng một cách vô thức cứ như bị thôi miên. Từ lần ấy trừ khi phải đi công tác còn thì hai người đều đi ăn trưa cùng nhau. Ăn xong họ lại ra uống trà ở cái quán ven sông. Những lúc quán vắng khách nàng lại khẽ khẽ hát dân ca cho ông nghe. Ông thích nghe nàng hát. Thích những bài dân ca nàng sưu tầm được. Dần dà ông yêu nàng. Ông thực sự ngạc nhiên và nghi ngờ chính bản thân mình. Chẳng nhẽ ở cái tuổi sắp sửa nghỉ hưu mà còn yêu đương ư? Ông băn khoăn tự hỏi. Ông cố lắng nghe lòng mình thì quả thật ông đã yêu nàng. Nàng đi dâu vắng vài ngày ông thấy buồn và nhớ nàng vô hạn. Ông thấy ngày dài ra, đêm dài ra, cõi lòng trống trải, ăn cũng nhớ, ngủ cũng nhớ nàng. Hồi còn trẻ ông đã từng yêu và cái cảm giác này sao mà giống ngày xưa đến thế. Ông yêu nàng mất rồi.
Thế rồi ông nghỉ hưu. Lúc chia tay nàng bảo:
- Em sẽ chủ động gọi điện cho anh! Anh mà gọi có khi em bận không nói chuyện với anh được! Anh nhớ nhé.
- Anh nhớ rồi! Ông đáp.
Thời gian đầu, đêm nào nàng cũng gọi cho ông. Nàng bảo nhớ ông lắm. Và nàng kể rằng từ ngày ông nghỉ hưu, nàng không ra ăn trưa ở quán cơm đó nữa. Ra đấy một mình nhớ nhau không nuốt nổi cơm. Ông vui vì nàng không quên ông. Nhưng rồi các cuộc gọi cứ thưa dần. Lắm khi nhớ nàng ông bấm máy nhưng màn hình luôn hiện dòng chữ số máy bận. Ông buồn bã đặt máy xuống bàn đầu thì nghĩ ngợi đủ điều. Ông nghĩ nàng đã không còn nhớ ông nữa rồi. Nàng đã có người khác. Nếu mọi điều xảy ra đúng như ông nghĩ thì ông cũng chẳng có lý do gì để níu giữ nàng. Nàng là người tự do. Dẫu vậy ông vẫn thấy buồn vô hạn. Ông hy vọng mọi điều không như ông nghĩ. Chắc dạo này nàng bận viết công trình hay tham gia hội thảo gì đó thôi. Rồi nàng sẽ gọi cho ông. Ông thấp thỏm chờ mong. Mỗi lần chuông điện thoại reo, ông vội đeo kính nhìn số máy. Không phải số máy của nàng. Ông thở dài đánh thượt. Ngày qua đi, tháng qua đi, nàng vẫn im lặng. Thỉnh thoảng không nghìm được nỗi nhớ ông lại bấm số máy của nàng thì nhận được thông tin từ nhà mạng hiện số máy không liên lạc được. Bạn vui lòng gọi lại sau.
Sáng xuân nay, thấy nàng cùng chàng thanh niên đi hội ông mới hiểu ra nguyên nhân. Hẳn đấy là người tình của nàng. Ông buồn rầu khẳng định. Lòng ông gợn chút hờn ghen, nhưng ông vội vàng xua đuổi ý nghĩ đó ra khỏi đầu. Thực ra ông chẳng có cớ gì ghen tuông với nàng cả. Ông già rồi mà nàng thì còn trẻ. Ông không giữ nổi nàng.
- Ông ơi! Mua cho con trứng xanh đỏ. Đứa cháu vòi ông. Ông giật mình trở về với thực tại.
- Vào đền thắp hương đã cháu ạ! Ông xoa đầu đứa cháu.
- Dạ ! Nó ngoan ngoãn đáp lại và lon ton đi bên ông. Hai ông cháu rảo bước lên thềm. Ông mua bó hương định vào trong đền thắp nhưng chợt thấy nàng đứng bên chàng trai cúi đầu thành tâm khấn vái trước mấy pho tượng, ông ngại gặp nàng nên cắm cả bó hương vào cái lư kê ngoài tiền sảnh rồi dắt đứa cháu bước xuống thềm.
- Ông ơi! Sao không vào trong đèn thắp hương? Đứa cháu thắc mắc.
- Trong ấy nhiều khói hương cay mắt lắm cháu ạ. Đi mua trứng xanh đỏ thôi. Ông trả lời. Ông đưa cháu xuống sân đền, đến hàng trứng luộc mua cho nó hai quả. Ăn xong trứng đã định đưa cháu về nhà thì nó lại nói :
- Đi xem văn nghệ ông ơi! Mồm nói tay nó kéo ông di về phía sân khấu. Lòng không muốn nhưng chiều cháu, ông đành cất bước theo nó. Đến nơi ông thấy nàng tay cầm Mi cơ rô đang bước từ cánh gà ra sân khấu. Từ phía dưới chàng thanh niên giơ máy ảnh bấm liên hồi. Nàng cúi đầu chào khán giả rồi cất giọng hát. Nàng hát những bài dân ca mà nàng đã sưu tầm được. Những bài hát này tại quán trà ven sông khi vắng khách nàng vẫn thường hát cho ông nghe. Khi hát nàng thường tựa đầu vào vai ông rồi khe khẽ cất tiếng vừa dủ nghe. Nàng hát:
Tối thì tối
Ta chẻ gỗ làm đuốc
Không cháy cũng rực hồng
Đưa nhau về đến nhà là được.
Nàng bảo đây là trích đoạn lượn chàng trai muốn giữ người yêu ở lại chơi lâu hơn. Em cứ yên tâm trời tối dã có anh đưa về. Không có vầu thì anh chẻ cây gỗ làm đốc soi đường đưa em về.
- Anh thấy lời chàng trai có hay không? Mời mọc, níu giữ như thế có cô gái nào mà không yên tâm ở lại vì bên cạnh có người yêu mạnh mẽ và cháy đỏ như bó đuốc trong đêm. Người xưa yêu nhau thật hay anh nhỉ. Nàng nhìn ông. Đôi mắt nàng lóng lánh.
Khi ông báo tin cho nàng hay mình sắp nghỉ hưu, cũng tại quán trà ven sông, nàng hát cho ông nghe những câu lượn thật buồn:
Đàn tính buồn ba dây ba góc
Con ong buồn thấy hoa nở quay đi
Con gà buồn thấy đống rơm lười bới
Con người buồn nhìn thấy bạn buồn thêm.
Ngày ấy ông chỉ thấy hay chứ không thấy buồn. Giờ nghe nàng hát nỗi buồn trong câu lượn mới thật sự thẩm thấu vào lòng. Ông thấy cay xè nơi khóe mắt. Ông không thể đứng xem nàng hát thêm nữa vội vàng dắt đứa cháu quay ra.
- Cháu muốn ăn trứng gà xanh đỏ nữa không? Ông hỏi.
- No rồi ông ạ! Cháu chỉ thích bóng bay thôi! Nó bảo.
Hai ông cháu đến hàng bóng bay. Ông mua cho nó vài quả rồi dắt nó ra bến sông. Nàng đã ngừng hát tự khi nào không rõ nhưng khi ông bước chân lên cầu thì thấy nàng cùng chàng trai đang qua cầu. Nàng cầm trên tay cành lộc xanh tươi. Ông chăm chú nhìn và bất chợt cành lộc xuân trên tay nàng bỗng biến thành một cành hoa rực rỡ.
Cầu lắc lư. Ông ngồi xổm để đứa cháu bám vào lưng. Khi ông đứng lên không thấy nàng nữa và cả cành hoa cũng đã biến mất theo nàng.
Tháng 11- 2012