Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Sốc với niềm tự hào của ông chuyên gia kinh tế

Nguyễn Duy Xuân
Thứ sáu ngày 7 tháng 12 năm 2012 3:06 PM


 
Tại phiên thảo luận “Người trẻ và sự học” diễn ra cuối tuần trước ở TP.HCM do chương trình Hạt giống lãnh đạo IPL tổ chức, “chuyên gia kinh tế Bùi Văn nói rằng thế hệ của ông đã hút dầu, khai thác hết than, đánh bắt hết cá và đã chặt rừng xuất khẩu sang Nhật nhưng tự hào về điều đó vì đã để lại cho thế hệ trẻ con đường duy nhất là sự học mà không còn dựa vào tài nguyên thiên nhiên.” (theo VNN)
 
Tôi thật sự không hiểu ông Bùi Văn nói gì. Có thể đầu óc mình kém cỏi nên không ngộ ra ý tứ sâu xa trong lời vàng ngọc của một vị chuyên gia kinh tế “có hạng”, nhưng bảo rằng tự hào vì đã bán hết tài nguyên khoáng sản trong lòng đất, trên rừng, dưới bể thì quả thực bây giờ mới nghe ông nói. Với kiểu tư duy đó thì những “chuyên gia” kinh tế như ông bán dần cho đến hết tài nguyên đất nước chẳng có gì là khó hiểu. Biết bao công ty, tập đoàn chỉ mỗi việc chặt gỗ từ rừng, bắt cá dưới biển, bốc than từ lòng đất đem đi bán thôi mà vẫn thua lỗ ? Chẳng hiểu ông chuyên gia tự hào vì cái gì ? Vì đã làm cho khánh kiệt tài nguyên đất nước ư ? Hay vì môi trường sống bị hủy hoại ?
 
Nhân chuyện ông nói đến Nhật Bản, sao chúng ta không học theo họ để thay đổi tư duy ? Nước Nhật đâu có giàu tài nguyên, khoáng sản như Việt Nam mình. Họ lại bị kiệt quệ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thế mà chỉ vài ba chục năm sau, người Nhật vươn mình trỗi dậy, trở thành một trong những cường quốc kinh tế, khoa học kĩ thuật hàng đầu thế giới. Chắc chắn ông chuyên gia cũng biết rằng, để đạt tới cái vị thế đó, người Nhật không như ông tự hào vì “đã hút dầu, khai thác hết than, đánh bắt hết cá và đã chặt rừng” xuất khẩu sang nước khác ?
 
Làm kinh tế mà chỉ biết khai thác “vốn tự có” trời cho thì không thể giàu lên được. Lối tư duy kinh tế “bán ăn dần” chỉ có tác dụng nhất thời ở một lúc nào đó nhằm giảm bớt áp lực khó khăn trước mắt chứ không thể dọn đường cho một tương lai sáng sủa như ông đã nghĩ rằng “để lại cho thế hệ trẻ con đường duy nhất là sự học mà không còn dựa vào tài nguyên thiên nhiên.” Vâng thưa ông, có muốn dựa cũng không được nữa, vì tài nguyên thiên nhiên đã cạn kiệt mất rồi.
 
Cho nên cái mà thế hệ trước để lại cho thế hệ sau quan trọng không phải là tiền bạc, của cải. Nếu không có tư duy khoa học cách mạng, không biết cách khơi dậy tiềm năng trí tuệ và nhiệt huyết của tuổi trẻ thì tiền bạc dẫu lắm, của cải dẫu nhiều rồi cũng có ngày xài hết. Miệng ăn núi lở mà ông.
 
Là người ngoại đạo, mạo muội múa rìu qua mắt thợ tí cho vui. Ông chuyên gia đừng để bụng nhé.
 
Kính ông.
 
6-12-2012
Nguyễn Duy Xuân