Đêm 1-12-2012 tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra một hiện tượng chưa từng có: một buổi trình diễn thơ văn của nhà thơ nữ trẻ Vi Thùy Linh với tên gọi là Bay cùng ViLi. Nói là chưa từng có vì chưa lần nào việc giới thiệu sách mà lại có sự tham gia của hàng chục nghệ sĩ tài danh cùng sự có mặt của hàng trăm những người yêu mến văn thơ. GS Vũ Khiêu 97 tuổi cũng chống gậy đến dự cùng không ít quan chức ở trung ương và thủ đô. Các bạn trẻ đua nhau chụp ảnh cùng thần tượng của mình và hai tập sách do NXB Hội nhà văn mới phát hành (Vili & Paris, Vili tùy bút) không có đủ để bán và tác giả đã mỏi tay để đề tặng. Trước đây người ta thường bình thơ, bình văn chỉ ở quy mô nhỏ với sự phụ họa của sáo hay đàn dân tộc. Còn ở đây là bình thơ văn trên nền nhạc cổ điển của các nghệ sĩ với các nhạc cụ chỉ thấy trong các dàn nhạc giao hưởng, cùng với các nghệ sĩ múa đương đại. Đấy là chưa kể đến phần trang trí quanh các hành lang bằng nghệ thuật sắp đặt của những họa sĩ tên tuổi.
Vi Thùy Linh sinh ngày 4-4-1980 tại Hà Nội. Những tác phẩm trước đây gặp nhiều lời khen chê rất khác nhau là : Khát (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999) , Linh (NXB Thanh niên, Hà Nội, 2000) , Đồng Tử (Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2005) ,ViLi in love (2008) , Phim đôi-Tình tự chậm (2011) , Chu du cùng Ông nội(2011). Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận định: "Nhiều người nói với tôi rằng Vi Thùy Linh là biểu tượng sex trong thơ. Tôi không thấy thế. Vi Thùy Linh là một biểu tượng trong trắng chứ, nhưng thật tội nghiệp, lẫn lộn trong tâm hồn Vi Thùy Linh có rất nhiều mặc cảm: đây là một thiếu nữ từng bị một nền giáo dục sai lầm (của gia đình, của nhà trường, của xã hội) làm hại, xâm hại. Ngay cả việc học tập làm thơ của Vi Thùy Linh có lẽ cũng có phần sai lầm. Tôi hiểu tại sao Vi Thùy Linh chỉ làm thơ tự do mà từ chối các thể thơ có niêm luật. Thực ra, đây là một cách đi tắt đón đầu của các nhà thơ nông nổi. Một nhà thơ phải được giáo dục thế nào? Bằng kinh nghiệm riêng tôi, trên cơ sở quan sát những kinh nghiệm của các nhà thơ cổ điển (khái niệm nhà thơ ở đây nên hiểu như một khái niệm mở rộng) thì việc giáo dục ấy phải được tiến hành y như việc nuôi dưỡng một hài nhi, một cách giáo dục nguyên thủy cổ truyền từng bước một chứ không nên đi tắt đón đầu vội vã. Thi sĩ phải được giáo dục chặt chẽ từ việc học tập tục ngữ, ca dao, học tập các nhà thơ, các nhà tư tưởng nguyên thủy. Lần theo từng bước các nhà thơ, các nhà tư tưởng trong nền văn học sử nước nhà và thế giới, đi lại con đường của họ (cổ, trung, cận và hiện đại), thậm chí phải học tập, nắm vững tất cả những niêm luật thơ chủ yếu nhất (ở nước ta là các thể thơ 4 chữ, 7 chữ, lục bát, song thất lục bát v.v...). Không phải việc từ chối các niêm luật đã là tự do. Việc nắm vững các kỹ năng và niêm luật thơ chính là một cách rèn luyện để có được tư duy tao nhã và hành vi ứng xử với thơ (nói trắng phớ ra là học lễ) cũng chính là hành vi ứng xử với cuộc đời và xã hội. Giữa hình thức và nội dung thơ sẽ có cả một mối liên quan chặt chẽ với nhau, tác động từng tí một, dần dần, không nên đốt cháy giai đoạn (y phục xứng kỳ đức). Thơ tự do ở ta ra đời với các thể chế và tiết chế thơ độc đoán, được sáng tạo bởi các thi sĩ hay sốt ruột, ít học, nóng nảy. Thơ tự do ở ta bắt đầu từ quần chúng, kiểu lũ chúng ta bọn người tứ xứ, rõ ràng tự do thật, rằng hay thì thật là hay nhưng cũng sẽ có những mặt trái của nó khi nó được dịp lên ngôi. Khi hình thức (thơ) bình dân được tư tưởng (thơ) bình dân nhân lên nhiều lần theo cấp số nhân (giống như cơm bình dân, nhà nghỉ bình dân) thì tình trạng cả nước làm thơ, thiếu vắng một đẳng cấp ngoại hạng, thượng lưu thì đấy là một bi kịch, một sự cay đắng vô cùng cho văn học. Thơ, đấy là đạo đức, là văn hóa, là xã hội.Vi Thùy Linh là một hiện tượng thơ Việt Nam. Ở trường hợp này đã bộc lộ rất nhiều những điều nên bàn cãi về thơ, về đạo đức, về văn hóa và về xã hội Việt Nam"
Trong hai tập thơ và tùy bút mới xuất bản năm 2012 Vi Thùy Linh vẫn giữ được nét độc đáo của riêng mình, nhưng rõ ràng là chín hơn nhiều so với các tác phẩm trước. Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo (Paris) đánh giá: "Việt Nam nhỏ bé mà hội tụ , đột khởi nhiều sự lạ. Tất cả các nhà hát Opéra ở châu Âu và thế giới chưa bao giờ có một nhà văn, nhà thơ nào ra mắt tác phẩm mới. làm đêm nghệ thuật giới thiệu đồng thời hai cuốn sách , Vi Thùy Linh là tác giả văn học đầu tiên đánh dấu suwk liện này. Từ ngạc nhiên đến không ngạc nhiên, vì tôi đọc Vi Thùy Linh từ 16 năm trước, vì Vi Thùy Linh là một hiện tượng lạ của thi ca Việt Nam từ lúc vừa đôi tám. Lại nhớ đến Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương. Từ Paris, tin Vili & Paris sẽ giới thiệu ở Nhà hát lớn Hà Nội khiến tôi ngỡ ngàng và hoài niệm..."
Tâm sự về sự kiện này Vi Thùy Linh viết: " Để làm được dự án nghệ thuật này, tôi dốc tất cả tâm lực, chủ yếu sẽ tạo dấu ấn hợp lưu của thời kỳ phong độ nhất, tác phẩm đỉnh cao của quãng đời tự do sau 16 năm lao động liên tục... Chuyến sang Pháp lần thứ ba (tháng 9-12/2011) trong tour trình diễn 4 nước Châu Âu : Pháp, Bỉ, Czech, ba Lan đã tác động mạnh tới tôi. Văn hóa, văn minh, ánh sáng, khung cảnh thiên đường, nghệ thuật bừng rộ. Tất cả lan chảy nhiệt lưu trong tôi, tình yêu đang có là nguyên cớ cho tôi cảm hứng sáng tạo chưa từng có...Giữa thế giới bất an, rộng lớn và mong manh này, cuộc sống của loài người cần thơ và chất thơ."
Đúng là một buổi trình diễn hoành tráng đậm chất thơ. Ngay nghệ sĩ múa Đinh Nguyệt Thu với nghệ thuật điêu luyện cho khán giả xúc cảm hơn nhiều lần những tốp múa đông đảo chỉ tản ra, tụ vào, chồng lên nhau hay xòe nón, xòe ô, phất cờ...Biết bao bài thơ của Vi Thùy Linh đã được nhạc sĩ tài hoa phổ nhạc và một số bài đã được trình diễn bởi các ca sĩ quen biết như Phúc Tiệp, Hà Linh, Hoàng Quyên. Hoàng Quyên mới 20 tuổi bay từ Sài thành ra đễ diễn đạt thơ hay như nhạc của chị Linh "Hãy mở ra nhiều ô cửa sổ": " Hoa ca tượng hình đằm thắm/ Mở hết rèm rèm/ Con đường già lũ lượt diệp lục non/Bên Anh/ Cây thắng tư trổ đầy khung cửa".Riêng giọng hát và động tác nóng bỏng của Thanh Lam với bài Dệt tầm gai phổ nhạc theo thơ của Vi Thùy Linh đã làm cho Linh phải ra sân khấu để bày tỏ sự xúc động về một loài cây tự nghĩ ra của mình: "Những giọt tâm hồn thấm xót mười ngón tay rớm máu/Ngay cả khi anh làm em buồn thảng thốt/ Em vẫn hướng về anh bằng tình yêu trọn vẹn của mình". NSND Hoàng Cúc lâu ngày vắng bóng đã diễn tả xuất sắc tùy bút "Hà Nội dấu hương". Chị ngồi trên sân khấu giữa đám bọt khí như mây trắng và dơ tay lên nghẹn ngào cất tiếng: "Đào phai, đào bích Nhật Tân mất rồi. Ngọc Hà từ lâu đã không còn hoa nữa. Nhật tân là di sản Hà Nội, thuộc về đời sống tinh thần, văn hóa kinh kỳ. Thiếu gì quỹ đất, sao vô cảm thiếu văn hóa mà thản nhiên ký dự án san lấp, hóa vàng cả làng đào danh tiếng 500 năm. Chung cư cao cấp mọc lên kín đất Nhật Tân. Mỗi lần nhìn thấy cổng Ciputra- bản nhái Khải hoàn môn với đàn ngựa tung vó hệt đám bọ ngựa gầy, trong ta dâng lên xiết bao thương tiếc. Ciputra hiện tồn là bằng chứng của thói bạo tàn vô tình hành hạ văn vật thủ đô..." Cả khán trường xúc động và MC Quang Minh phải nói vui:" Hôm nay không biết có ai đại diện cho việc quy hoạch Thủ đô hay không?" . Nghệ sĩ Phạm Cường với giọng trầm ấm đã thôi miên khán giả với các trích đoạn các tùy bút ngọt ngào "Tháng Tư thương tháng Tám" và "Không viết riêng cho 4 tháng 4": "Hoa Thuy Linh độc bản,bông hoa hàm tiếu của Anh đến bên Anh từ Thu trước hay định mệnh của phận kiếp luân hồi". Hai cha con nghệ sĩ Quyền văn Minh sáng tác để tặng riêng cho Vi Thùy Linh hẳn một bản saxophone "Trái tim và Nhà thơ"
Hà Nội có bao nhiêu tên của lịch sử, nhưng lần đầu tiên Vi Thùy Linh đặt thêm cho một tên mới- Ái Thành (La cité de l'amour) với những trang tùy bút ngập tràn yêu thương và cả tiếc nuối:" Hãy khởi động, tập lại những cái nhìn nguyên khôi, trong veo cho hình dung tượng hình tượng thanh ký ức về hiện tại và ngày mai vì khao khát. Đôi mắt Anh và em mở to, ngắm nhau, ngắm Hà Nội, không chỉ thấy bao hoài niệm và đắm nuối. Mở mắt trong. cho cả ước mơ ngày mai được biểu hiện bằng hành động nâng niu những vẻ đẹp quá khứ và kiến tạo chuỗi vẻ đẹp mới trên từng cm tuyệt lãm Ái thành..." Những câu văn hay, những vần thơ đẹp vang lên trên nền nhạc cổ điển do các nghệ sĩ tài danh trình diễn đã làm cho ai nấy cũng thấy đẹp lòng và mong mỏi được đọc hết hai tập sách vừa hay vừa trình bày rất trang nhã này.