Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tiếng nói của nhân cách

Nguyễn Nam Đông
Thứ năm ngày 6 tháng 12 năm 2012 8:46 PM


 
Đọc tập phóng sự “Sóng gió Cồn Vành” của Nguyễn Trọng Thắng, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn - 2011, tôi bị cuốn hút ngay từ lời giới thiệu của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, nên ngồi “luộc” một ngày để thưởng thức khí phách anh hùng rất hiếm gặp của người cầm bút, như tiếng “đao chữ” sắc bén của Nguyễn Trọng Thắng vung lên chiến đấu với quỷ dữ. 
 

Cuối thập niên tám mươi, tôi ngồi đàm đạo với nhà văn Dương Hướng, công tác ở Hải quan Quảng Ninh, còn nơi anh sinh ra là Thái Bình. Thời đó, Dương Hướng nổi tiếng từ tiểu thuyết “Trần gian cuộc đời” và “Bến không chồng”, tiểu thuyết đã đưa anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thái Bình những năm ấy, cũng nóng lên như “chiến tranh vùng vịnh”. Đó là sự manh nha của sự kiện Thái Bình năm 1997 sau này. Nếu ngày ấy, chính quyền của Thái Bình thương dân, thức tỉnh một chút thì đâu đến nỗi. Bởi Thái Bình là tỉnh thuần nông, đại diện cho người nông dân cả nước “một nắng hai sương”. Vậy mà, thấm thoắt đã ba thập niên, sự luẩn quẩn của Thái Bình cũng là bài “đồng ca muôn thuở” của người nông dân cả nước, vẫn không có lối thoát.

Sự bất công thớ lợ trong cuộc sống lại hiện hữu trong các phóng sự ngời ngời thông tin, bằng chứng của Nguyễn Trọng Thắng, như lộ vỉa hiện ra nhập nhòa trong tâm thức những ai còn liêm sỉ và danh dự để làm người thì khó mà ru trái tim vô cảm ngủ yên được. Nguyễn Trọng Thắng biết trọng lẽ phải. Anh là công dân có trách nhiệm với từng số phận con người quê anh và sự tồn vong của quê hương, đất nước. Mặt khác, anh còn là dòng máu hiếm hoi của một liệt sĩ chống Pháp, cũng từng có thời khoác áo lính, rồi bay sang trời Tàu, vượt qua lũy tre làng để “nhìn người lại nghĩ đến ta”. Nghĩ về nỗi nhục mất nước do giặc ngoại xâm, nghĩ về sau nửa thế kỉ hết giặc ngoại xâm thì nghèo đói, bất công do “giặc nội xâm” gây ra, lại “tưng bừng” ngự trị trong đời sống xã hội bằng các “lời đẹp ý hay”. Thử hỏi bao tai họa do con người, thiên tai gây ra mất mát chồng chất khôn lường đè lên đôi vai gầy guộc của dân tộc này, cứ luẩn quẩn theo kiểu “thầy bói đoán voi” và kì vọng thế này?

Qua mấy thập niên chưa ngẩng đầu cất cánh thực sự lên được thì sẽ còn phải đương đầu với loại giặc, sâu mọt nào nữa đây?!
 
Các tác phẩm văn, thơ của Nguyễn Trọng Thắng đã xuất bản.


Nhiều lúc tôi tự hỏi pha chút nghi ngờ. Nguyễn Trãi xưa nói: Nhân tài tuấn kiệt nước Nam nhiều như lá mùa thu. Người nay lại nói: “Ra ngõ gặp anh hùng”. Một dân tộc tuấn kiệt nhân tài và anh hùng nhiều như vậy, sao để tật nhiều như vậy?

Nên mỗi chính sách bị nhập đồng, thiếu tư duy ý chí chín chắn từ thượng tầng phát ra, có “chất nhờn bôi mép” một tí là hạ tầng đua nhau mở phong trào “voi đú, chuột chù cũng đú” như Nhà máy Đường, Nhà Văn hóa Tây Nguyên, bến cảng, sân bay, đài truyền hình, công trình văn hóa, tượng đài... toàn tiền trăm tỉ nghìn tỉ đồng, họ lại hùa nhau vào đất, cát, sắt thép, cầu cống... nghĩa là chỗ nào gặm được, kiếm chác được chút lộc dù nhỏ nhoi như hạt tấm cũng gặm. Ngay cả phân giả, phân kém chất lượng cũng gặm. Việc đã rõ như ban ngày mà phát hiện thì nhiều xử lí thì ít, tội lớn xử thì nhỏ, tội dân nhỏ thì xử thật lớn. Các lực lượng chuyên chính tha hồ thi thố dân quân, tự vệ, công an, quân đội nai nịt gọn gàng vũ khí, khiên giáo cả trăm người trang bị tới tận chân răng, lao vào lấy thịt đè người, tấn công mấy ông bà nông dân “chân đất mắt toét” một thời sống chết với phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” hết lòng vì cách mạng, cả đời không biết đến mùi rượu ngoại, cơm Tây thì sao mà “thằng dân” chẳng phải cúi đầu nhận tội với ông quan? Thế nên, nghề bà đỡ, bảo kê, cò mồi án thi nhau mọc ra như nấm, ai “va” nhẹ vào pháp luật là khuynh gia bại sản, tù mọt gông như chơi. Họ cứ coi dân như thằng ngô, thằng nghê, cái cò, cái vạc như thế thì làm sao bảo dân phải “tâm phục, khẩu phục”, yêu quan phụ mẫu như yêu cha mẹ mình được?

Một điều xin kể lại nữa là. Thập niên 80 có phong trào “công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp”, ít nhiều cũng là phép cứu cánh cho nông dân lúc đó vì công cụ sản xuất nông nghiệp quá thô sơ. Bởi lúc thành thị, công nhân đói thời bao cấp thì nông dân lo cho thành thị, lo cho công nghiệp từ củ khoai độn, mớ rau, cân gạo, miếng thịt, con cá để sống mà tồn tại vượt qua thời kì phục hồi sau chiến tranh. Nay công nghiệp thịnh vượng đua nhau mọc lên toàn xơi chỗ “bờ xôi ruộng mật” của nông dân, mảnh đất làm ăn thân thương bao đời của tổ tiên truyền lại bỗng chốc bị ‘trảm tấu”, “tùng xẻo”, “trấn lột” đến thê thảm, nông dân phải “xắt lòng xắt ruột” hiến tế cho công nghiệp, được “trả ơn” bằng cách xả thải bừa bãi, tuồn chất độc ô nhiễm, triệt hạ tận gốc đời sống kinh tế. Bao thứ “phân” của công nghiệp chảy dồn về các con mương, dòng sông một thời đi vào thơ ca, nay biến thành con sông chết, vần thơ chết, giếng nước chết. Tệ nạn mại dâm, trộm cướp, lừa đảo, buôn gian, bán lận thi nhau “đua nở”. Không phải 1 năm, 10 năm, 20 năm nông dân kêu cứu trời vẫn không thấu, đất cũng không thương thì làm sao kế giữ nước “bền gốc sâu rễ” thấm vào nhân dân được?

Khi “thượng bất chính thì hạ tất loạn”, tổ tiên ta xưa nay nói cấm sai. Nhưng loạn tới mức phi nhân tính cướp đất của người sống chưa thỏa, lại còn cướp đất của cả người chết thì sử sách mấy nghìn năm lịch sử nước Việt ta rõ là chưa có quan ngự sử nào ghi cả, nên đây phải gọi là loại “cướp quỷ” mà “cướp quỷ” thì phải diệt trừ chúng bằng gươm để làm bia miệng tiếng đời cho hậu thế mai sau mới hả lòng; chứ vài bản án “còm”, dăm bảy năm đưa chúng vào tù “cưỡi ngựa chơi hoa” có bõ bèn gì với cái tâm vô liêm sỉ của chúng, vì tiêu chí sống của chúng là “tiền đi liền với chức”

Đọc “Sóng gió Cồn Vành” của Nguyễn Trọng Thắng, tôi lại thấy tin và yêu quý ông hơn, bởi thế thái nhân tình này hỏi có mấy người “ngán sống” như ông. Bởi văn phong của ông có chất thép, khúc triết, công bằng, sắc nhọn, chứng cứ rõ ràng không hùa theo số đông, số mạnh để hứng chút bả vinh danh. Ông biết lấy lợi ích của dân tộc, quốc gia làm trọng, nên ông không sợ kẻ mạnh xô đổ. Văn ngôn của ông cứ thẳng tưng không sóng sánh ngọt ngào, xưng tụng, bùi tai như những kẻ tiểu nhân quen tiến thân theo kiểu “gió chiều nào che chiều ấy”. Ông là người cầm bút khôn ngoan và hiếm có. Tôi lại mừng cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình đã có một kẻ sĩ, sứ giả của công lí đang chuyển tải những bức xúc chính đáng của nhân dân, giúp Đảng hiểu và xử lí thấu đáo đạt tình hơn trước các đòi hỏi cấp bách của cuộc sống.

Bởi vì, trên đời này không thiếu gì các ông quan là con liệt sĩ, anh hùng, ông to, bà lớn, các ông quan đã từng chinh chiến nơi biên ải nay đánh mất mình, bị quỷ cám dỗ, tranh nhau ngồi “thâm canh” trên lưng đồng bào mình, đang ngày đêm tìm cách mua quan, bán tước cho mình, cho con cháu và chăm chỉ học câu thần chú “Vừng ơi, mau mở cửa ra!” hơn là học đạo làm người, học đức tin của tổ tiên để lại, sự hi sinh cao cả của các liệt sĩ, anh hùng đã ngã xuống cho ngày hôm nay.

Không biết có phải do duyên trời xe không mà tôi được làm bạn với Nguyễn Trọng Thắng từ ở hai đầu nỗi nhớ, lại có ba điểm tương đồng: Đồng niên - đồng đội - đồng cảm để chống giặc nội xâm, quan tham ô. Mãi tới ngày 18-10-2012, mới gặp được nhau tại Lễ vinh danh Anh hùng LLVTND cho các cựu tù Phú Quốc thành phố Hải Dương, tôi mới nhìn thấy anh cười hồn hậu, nụ cười của người vô tư, nhưng không vô tình, vô cảm với đồng bào và số phận của dân tộc. Tôi lại thấy yêu con người đặc sệt giọng quê nửa miền biển, nửa miền rơm rạ, chân chất quá! Tôi càng quý trọng tập phóng sự đời thường “Sóng gió Cồn Vành” của anh, cũng là quê của người nông dân một nắng hai sương chúng ta đang phải gồng mình chịu chung số phận, đang bị các “nhóm lợi ích” nhân danh “cha mẹ” dân “xẻ thịt” chia nhau quyền lợi.

Tôi lại thầm ước ao, mong cho các nhân tài tuấn kiệt, các bậc quân tử còn nặng lòng với dân, với nước ẩn khuất đâu đó, sớm lộ diện ra giúp nước, giúp đời. Để dân ta yên lòng mà tin theo Đảng cùng xây dựng đất nước mạnh giàu, chung tay giữ yên bờ cõi khi mà kẻ thù ngoại xâm tiềm tàng đang lăm le, rình rập, hăm dọa xâm lăng. Đừng để giặc nội xâm làm mất lòng dân, tiếp tay cho giặc ngoại xâm, như lịch sử đã từng xảy ra thì nhục mất đất, mất nước lần này sao còn mặt mũi tạ tội được với tổ tiên ta nữa?

Nhà văn Nguyễn Nam Đông