Có thể gọi “Khúc ru nơi lưng núi” là khúc hoan ca giữa đất trời, vì đó là một khúc nhạc vui được viết bởi một người đàn bà tự tin với một tâm hồn vô cùng khoáng đạt, dám chọn điểm nhìn mãi tận trên cao - nơi trời đất giao hòa để giải phóng toàn bộ nguồn năng lượng tiềm ẩn và dễ dàng trút bỏ mọi ưu phiền, cho tâm hồn trở nên phiêu lãng, cho mạch thơ được khai mở, cho những tứ thơ mới lạ, ào ạt từ vô thức ùa về:
Trời trong vắt kề bên
Nắng sóng sánh rắc vàng mật êm đềm
Ngọn gió hoang khát khao thổi mãi trên xanh trời cao vút
Giấu tận nơi lồng ngực
Nỗi thao thức mê say
Réo rắt khúc hát ru lưng núi
(Khúc ru nơi lưng núi)
Vẫn biết thơ là tiếng nói tình cảm, nhưng nếu trong 3 tập thơ trước tác giả nghiêng về thể hiện tình cảm của mình với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và quê hương, thì ở tập thơ này chị đã dành trọn tình yêu để đi tìm cái đẹp của tự nhiên. Và “Đi tìm cái đẹp trong tự nhiên đó là nghệ thuật” (Hoài Thanh). “Khúc ru nơi lưng núi” gồm 54 bài thì có tới gần một nửa là các bài thuộc đề tài thiên nhiên và dường như tinh lực của chị tập trung cả ở những bài viết đó. Đắm mình trong thiên nhiên qua những chuyến công tác, những cuộc du ngoạn bất tận cùng đất trời, cỏ cây hoa lá, sông suối, biển khơi…tâm hồn lãng mạn của cô bé Phương Thảo năm xưa đã có cơ hội tỏa sáng bởi cùng với tôn giáo và tình yêu, thiên nhiên chính là một trong 3 đề tài đầy bí ẩn, đắm say, là mảnh đất mỡ màu để trí tưởng tượng của người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo.
Thả hồn cùng thiên nhiên, song thiên nhiên trong thơ chị đâu có vô tình, mà ngược lại luôn ẩn chứa bao nỗi niềm tâm sự. Chúng không chỉ giúp Phương Thảo giãi bầy một cách hiệu quả niềm hạnh phúc mà còn thể hiện một cách tinh tế “những nỗi đau thật khó đặt tên”: “Mắt phố chiều mưa”, “Nắng quái chiều hôm”, “Hoa hồng tím”, “Nói cùng sen”, ”Tròn khuyết”, ”Tự hát tuổi 53”… là những bài thơ như thế.
Có những lúc thiên nhiên đã giúp chị thể hiện sự tiếc nuối và bao hoài niệm về những điều đã mất:
“Cây về đâu lá xao xác chiều hè
Toà nhà cao lạnh lùng che vườn nhỏ
Bướm bay đâu, bưởi lăn tròn tìm khế
Đâu vườn xanh để em hái chùm thơ?
(Đâu mảnh vườn xinh)
Thiên nhiên còn là nơi chị gửi gắm bao trăn trở về những buồn vui của mỗi kiếp nhân sinh:
“Một kiếp trăng rằm/Một đời trăng khuyết/Mọng dầy tháng năm/Xác xơ nào biết/Ru đêm mật ngọt/Tròn căng giữa đời/Thương về trăng khuyết/Mỏng cong kiếp người.” (Tròn khuyết)
Và chỉ cần ngắm cành đào mộc ngày Tết, bất chợt trong chị đã có một sự liên tưởng tinh tế về vẻ đẹp của sự dâng hiến hết mình :
Trước mùa đời hối hả
Chẳng kiêu sa vẫn đằm thắm, nồng nàn
Cháy hết mình
Sém thân em
Để hoa về nở biếc ánh ngày xuân
(Đào mộc)
Nhưng nhìn chung, thiên nhiên trong thơ Phương Thảo luôn mang một vẻ đẹp rạng rỡ, hồn nhiên, ngập tràn sức sống, bởi cảnh vật luôn được soi chiếu trong bầu khí quyển của mùa xuân vĩnh cửu. Chỉ thấy trong thơ chị tình xuân lai láng, hương xuân nồng nàn, sắc xuân rực rỡ:
Mắt xuân long lanh
Chồi non lộc biếc
Hương xuân ngọt lành
Đậu trên trang viết
(Chồi xuân)
Như có phép màu, mùa xuân đã mang đến cho người đàn bà làm thơ ấy nguồn cảm hứng vô tận. Đặc biệt, khi đến với những những cánh rừng đại ngàn, như tìm được chính mình, mạch thơ trong chị bao giờ cũng bất chợt bung phá, tuôn trào, bởi Phương Thảo yêu rừng từ thuở còn ấu thơ, khờ dại:
Ta yêu rừng suốt từ khi còn nhỏ
Say đắm rừng từ thưở mới ngu ngơ
(Cánh rừng hoang sơ)
Rừng đã gắn bó với tuổi thơ trong sáng thần tiên của chị. Suốt mấy chục năm qua phải xa rừng, giờ đây mỗi khi trở về chị lại thấy mình như được hồi sinh nên mỗi con chữ mà Phương Thảo rút ruột viết ra đều như được thổi hồn cứ luôn cựa quậy và phập phồng hơi thở. Dù viết về rừng Tam Đảo, Ba Vì, Sa Pa, Lạng Sơn, hay Tây Nguyên, Đà lạt thì trong chị cũng vẫn tinh khôi cảm xúc mê đắm ban đầu. Chúng không ngừng tạo nên những dòng thơ ào ạt, tung tẩy và vô cùng phóng khoáng như nguồn nham thạch không ngớt tuôn trào:
Sự hồi sinh
Sự yên bình
Những lung linh
Những gột rửa
Đang lột xác bay lên…
Những lá cây non
Những nhành hoa lạ
Những lảng bảng mây
Những sương trắng xóa
Những giấc mơ đủ đầy
Đang nhìn xuân ngất ngây
Đang chuyển mình hối hả
Đang dâng hiến từng ngày
Đang đớn đau vật vã
Trong cõi đời tái sinh
(Nơi rừng thiêng mây trắng)
Nhìn đời bằng con mắt trong trẻo, sống bằng nhịp đập của trái tim thiếu nữ, chị có thể dễ dàng nghe được tiếng thì thầm của gió, của trăng, có thể nói chuyện với cỏ cây và nghe thì thầm những lời cỏ hát. Ngòi bút của chị mặc sức tung hoành, phiêu lãng, đam mê, vì thế mà chị đã có được những tứ thơ hay, nhiều câu thơ lạ:
Dập dìu trời thấp núi cao
Ngẩn ngơ lưng trời Tiên Trắng
Hổn hển sương giăng hơi thở
Bồng lai áo lụa Thiên Thanh
(Ru em mây trắng Ba Vì)
Nhưng có lẽ đây là điểm mạnh rất dễ nhận thấy nhưng đôi khi lại là giới hạn của ngòi bút Phương Thảo bởi vì khi quá phiêu người ta thật khó kiểm soát được cảm xúc của mình nên dẫn đến nội dung thơ có thể tản mạn.
Là người yêu cái cái đẹp của tự nhiên, hơn ai hết Phương Thảo đặc biệt yêu thích và quan tâm tới các loài hoa. Qua cảm nhận tinh tế của người thơ lịch lãm, mỗi loài hoa được chưng cất từ nguyên khí của đất trời như đều mang hồn thiêng của một vùng quê yêu dấu.Có loài đài các, kiêu sa như hoa hồng tím, loài hoa chỉ có trong trí tưởng tượng phong phú của chị:
Tôi lặng ngắm bông hoa xanh tím biếc
Trong sắc chiều nhuộm thẫm cả hoàng hôn
Nét kiêu sa loài hoa nào có được
Vẻ cô đơn như vò xé tâm hồn…
(Hoa hồng tím)
Và biết bao hoa thơm cỏ lạ đã lần lượt xuất hiện trong thơ Phương Thảo: Hoa Hồng Dây mềm mại, nụ tròn e ấp, dịu dàng, hoa Phượng đỏ rực trời khi mùa hè đến, hoa Chuông duyên dáng nơi núi rừng Tây Bắc, Mi Mô Da xinh tươi dưới vòm lá bàng bạc giữa trời trong xanh Đà Lạt, Dã Quỳ vàng rực đất Tây Nguyên, hoa Cải xô nghiêng vạt nắng bên bờ cát sông Cầu thơ mộng, mắt biếc Tường Vi trong những mảnh vườn xinh, hoa Xương Rồng kiên cường trong gió cát, hoa đào Nhật Tân ngày tết giữa Hà thành, Loa Kèn thơm ngát tháng tư, Lay ơn, Thược dược phố núi Sa Pa huyền ảo…Cùng bao nhiêu loài hoa dại không tên mọc nơi đồng nội…Muôn loài hoa đẹp đã hội tụ về đây, dệt nên bức thổ cẩm tuyệt mĩ muôn hồng ngàn tía trong thơ của người đàn bà yêu hoa và đắm đuối vì hoa ấy.
Đằng sau vẻ đẹp của mỗi loài hoa đó, ta thấy thấp thoáng bóng hình của những người phụ nữ với vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, cứ suốt đời như mặt trăng tỏa sáng vì người khác.Người ta là hoa đất. Nên không dừng lại ở đó, hoa trong thơ chị hoa còn phản ánh vẻ đẹp của tâm hồn của con người Việt Nam; bản lĩnh, cốt cách của dân tộc Việt Nam:
Dẫu nhỏ nhoi thân phận
Vẫn hiên ngang chốn vùi dập bùn đen
Tinh tuý sắc hương em
Dâng đời xinh xinh những búp sen
Nở bông trắng nhuỵ vàng ...
(Nói cùng sen)
Thơ chị không chỉ rực rỡ sắc hoa mà còn biếc xanh sắc cỏ. Có đến 4 bài thơ chị trân trọng dành cho cỏ: “Cỏ”, “Cỏ hát”, “Miền cỏ dại”, “Đặt tên cho cỏ”. Không hiểu có phải vì chị mang cái tên đẹp của loài cỏ mềm mại dịu dàng hay vì cảm phục sức sống mãnh liệt của loài cỏ dại mà chị yêu cỏ đến thế. Thậm chí khi sang đến xứ Ôt trâylia xa tít mà tác giả vẫn chỉ mãi mê, đắm đuối ngắm “Đồi cỏ xanh mướt với ngát xanh ngàn cây lá”. Xin được dẫn ra đây một đoạn bài “Cỏ” của Phương Thảo:
“Khi mùa về ủ cơn gió lạnh
Run run cõng trên lưng từng giọt sương lóng lánh
Thân nhỏ nhoi mỏng mảnh
Trước bão dông nắng lửa với khô hanh
Vẫn cựa mình tua tủa
Triệu triệu búp non hát dâng đời cả thảo nguyên xanh”
Có một điều thật thú vị: sức trẻ đã giúp cho bức tranh thiên nhiên của chị không tĩnh như trong thơ Bà Huyện Thanh Quan mà giống như trong thơ kỳ nữ Hồ Xuân Hương. Vạn vật trong thơ chị luôn phập phồng hơi thở, Cỏ của chị cứ phải run run, Sương giăng thì hổn hển, Gà con chiếp chiếp chạy trong vườn, Chồi xuân cựa quậy, cá chép trông trăng trong tranh Hàng Trống cũng quẫy đuôi, còn chú trâu mắt ngó nghiêng. Vạn vật như có linh hồn, bởi người đàn bà làm thơ Phương Thảo luôn giữ được trong tim mình hình ảnh một cô bé ngây thơ trong sáng. Nhờ thế, chị đã tạo cho mình được một bút hồn độc đáo, trẻ trung.
Nhưng thơ chị không chỉ tươi trẻ, hồn nhiên mà còn mang triết lý sâu sắc. Chị không làm thơ một cách ngẫu hứng mà luôn có ý thức đổi mới nghệ thuật, luôn muốn bứt phá để làm mới thơ và không lặp lại chính mình.Dĩ nhiên, không phải mọi cách tân đều đồng nghĩa với đổi mới và thường thì không phải thử nghiệm nào cũng dẫn đến thành công.
“Khúc ru nơi lưng núi” là một minh chứng rõ nét về sự nỗ lực đổi mới thơ của chị:
“Những cô gái Hơ Mông
Vẽ vào trong chiều muộn màu váy thêu thổ cẩm
Lấp loáng vòng bạc trắng
Sáng lên ánh chiều tà sắc tím trên những cặp má hồng
Bên chiếc gùi cong cong.”
Dường như, tác giả đã có một sự đổi mới khá quyết liệt trên mọi phương diện: từ đề tài, ngôn ngữ, đến thể loại. Cấu trúc thơ của tác giả rất đa dạng, bởi chị luôn có hẳn một quan niệm rất nghiêm túc về thơ và nghề thơ:
Thực hư, hư thực
Rút ruột nhả tơ
Chữ gieo khó nhọc
Kiếp tằm làm thơ
Nàng thơ xinh tươi
Đổi mới tân thời
Như mơ như thực
Mắt buồn xa xôi…
(Gieo chữ gặt thơ)
Giống như những người cầm bút chuyên nghiệp, chị hiểu rằng: văn học là nghệ thuật ngôn từ, nên Phương Thảo đã nhanh chóng hình thành được một lớp từ mới mẻ, sinh động, đã tạo được những biểu tượng mới lạ và có được một trường liên tưởng hết sức táo bạo bất ngờ làm cho thơ chị rất gần với thơ của cánh nhà thơ trẻ :
“Mây ngàn bóng nõn, Mọng dầy tháng năm, mỏng cong kiếp người, Lúa xuân dậy thì dịu dàng hây hẩy, Xô nghiêng vạt nắng…,
Ý thức đổi mới của chị còn thể hiện ở cách sử dụng những thể loại thơ một cách đầy biến ảo. Như không có tuổi, với một tấm lòng rất trẻ, luôn hướng về cuộc sống sôi động, Phương Thảo thường sử dụng những thể thơ hiện đại, tự do. Có thơ 2 tiếng, thơ 3 tiếng, thơ 4 tiếng, 5 tiếng, 6 tiếng, 7 tiếng, 8 tiếng và 9 tiếng… Trong đó lại có bài xen kẽ giữa câu dài và câu ngắn. Dòng thơ ngắn nhất là 2 tiếng. Dài nhất là tới 14 tiếng. Nhưng lại vẫn có những bài viết theo lối kinh điển thất ngôn tứ tuyệt. Song thật thú vị là ngay ở thể thơ truyền thống 4 câu quen thuộc này, tuy vẫn giữ lối đối chỉn chu, song để tạo điểm nhấn bao giờ tác giả cũng có những cách tân đầy sáng tạo. Chẳng hạn chùm thơ đăng vào số báo tết cổ truyền Nhâm Thìn với lối ngắt dòng hết sức linh hoạt:
Xuân về
reo ca trong ánh mắt
Tết đến
lặng hát khúc nhạc thơ
Niềm vui
bất tận khi gặp mặt
Nỗi buồn
vơi bớt phút mong chờ
(Xuân với bạn thơ)
Lá xanh
vuông vức gói đất trời
Tình gạo
dẻo thơm mãi không thôi
Lạt mềm
thân em ai buộc chặt
Đậm đà
hồn Việt ẩn trong tôi
(Bánh chưng)
Bên cạnh bài 4 câu hàm súc lại có những bài viết ở thể tự do trường thiên có phân thành chương, đoạn. Dài nhất là bài “Khúc ru nơi lưng núi” tới 170 câu, rồi đến “Nơi rừng thiêng mây trắng” 108 câu. Những bài thơ dài ấy thường được tác giả được chia làm nhiều khúc theo trình tự thời gian. Đọc “Khúc ru nơi lưng núi”, ta có cảm giác như một cuốn phim đang mở ra trước mắt với đủ cả không gian, sắc màu và ánh sáng của vũ trụ, hoà quyện trong tình yêu nồng nàn của con người với thiên nhiên trong trong từng đoạn, từng cảnh.
“Bóng trăng rơi
Lấp loáng nơi lưng trời
Ánh vàng lung linh chảy tràn trên bóng lá
Hương đêm say là lạ
Có giấc mơ phiêu lãng
Cho tay ta níu vịn chín tầng mây”.
Rõ ràng với Phương Thảo, hình thức luôn phản ánh nội dung, bởi nội dung luôn quyết định hình thức tươi mới cho mỗi tác phẩm thi ca.
Thơ Phương Thảo không chỉ trẻ trung, mới mẻ mà còn rất giàu nhạc điệu . Không phải vô tình mà một người mới ra nhập làng thơ không lâu như chị đã có tới 4 bài được các nhạc sĩ trẻ phổ nhạc. Đó là: Phiên chợ Bắc Hà, Hàm Rồng Mây trắng, Hát với trái tim, Cây đời xanh tươi. Chắc chắn số lượng sẽ không chỉ dừng tại đấy và khi hóa thân vào những bài hát, thơ chị đã có thêm cơ hội cất cánh và lan tỏa tới đông đảo công chúng.
Và hàng ngày hàng giờ chị vẫn không ngừng mải mê, say đắm với những trang thơ của cuộc đời:
“Những câu thơ tình
Say giọt nắng cuối ngày le lói
Cho hồn tái sinh
Mặc thời gian nhuốm màu sương khói
Đậu trên tóc em
Dẫu mùa đời có nở trắng hoa lau
Vẫn rung rinh từng vạt nắng trước thềm”.
(Thơ tình ai viết)
Vẫn còn rất nhiều câu thơ, đoạn thơ bay bổng mà ta có thể bắt gặp trong “Khúc ru nơi lưng núi”.Nếu muốn có được những phút giây phiêu lãng cùng thơ, xin các bạn hãy đến với “Khúc ru nơi lưng núi” - khúc hoan ca say đắm của Phương Thảo - người đàn bà làm thơ mang trái tim thiếu nữ.