Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"Bài ca tóc rụng" và cuộc đời của một nữ nhà báo thương binh

Dương Đức Quảng
Thứ ba ngày 27 tháng 11 năm 2012 5:47 AM

Tôi quen biết Triệu Thị Thùy gần 40 năm nay nhưng gần đây mới biết chị có làm thơ và có một số bài thơ khá hay. Lần gặp chị gần đây nhất tại Đà Nẵng, chị tặng tôi bài thơ “Bài ca tóc rụng” và nói rằng bài thơ ấy chị viết tặng nữ nhà báo Cao Tân Hòa, vợ tôi, và các bạn gái ở chiến trường miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ.
          Năm 1973, sau khi tốt nghiệp Khoa Lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Triệu Thị Thùy cùng một số sinh viên của trường được Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) chọn về học lớp GP10, đào tạo phóng viên cho chiến trường Miền Nam. Năm 1973, Triệu Thị Thùy trở thành phóng viên ảnh của Thông tấn xã Giải phóng Miền Nam tại các tỉnh Trung Trung bộ (Khu V cũ), cùng ba nữ nhà báo trẻ: Hoàng Tuyết Trinh, Lê Kim Thoa, Cao Tân Hòa và hàng chục nhà báo trẻ khác, đều là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội.
Là phóng viên nữ ở chiến trường Triệu Thị Thùy phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách hơn các phóng viên nam; hơn nữa lại là phóng viên ảnh nên khó khăn, thử thách càng nhiều.Triệu Thị Thùy xông xáo trên các mặt trận, đi cùng các đơn vị Quân Giải phóng trong các chiến dịch, thường xuyên đối mặt với cái chết. Cuối năm 1973, trong một chuyến đi công tác tại tỉnh Quảng Ngãi, chị bị thương ở chân song vẫn  tiếp tục ở lại chiến trường miền Nam cho tới ngày toàn thắng 30-4-1975.
Sau chiến thắng, Triệu Thị Thùy, Hoàng Tuyết Trinh, Lê Kim Thoa và Cao Tân Hòa, bốn nữ phóng viên trên chiến trường Khu V trước đây vẫn tiếp tục công tác ở TTXVN cho đến ngày nghỉ hưu. Triệu Thị Thùy nhiều năm đảm nhiệm cương vị Quyền Giám đốc Cơ quan Đại diện của TTXVN tại Đà Nẵng, một đơn vị nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Một trong những kỷ niệm sâu sắc trong đời làm báo của Triệu Thị Thùy là năm 2000, chị cùng bốn nữ nhà báo cùa TTXVN: Hoàng Tuyết Trinh, Lê Kim Thoa, Cao Tân Hòa và Nguyễn Phương Thảo đã trở thành những nhân vật được xuất hiện trên báo chí Mỹ, trong cuốn sách và cuốn phim tài liệu của bà Christime Martin, Chủ nhiệm Khoa báo chí Trường Đại học Tây Virginia và bà Maryane Reed, Phó Giáo sư cùng Khoa báo chí trường Đại học này, nói về những nữ phóng viên của Việt Nam và của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Còn báo An Ninh Thế giới số cuối tháng 6 năm 2002 đã kể lại câu chuyện này trong bài báo “Những nữ phóng viên mặt trận của Việt Nam trong giáo trình báo chí Mỹ” của Trang Đăng. Bài báo có đoạn: “Mùa xuân năm 2000, nhân dịp 25 năm ngày Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Christine Martin và Maryane Reed đã mời bảy cựu nữ phóng viên Mỹ tham gia một cuộc hội thảo khá qui mô để họ nói về những hoạt động của mình trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Cuộc hội thảo này thu hút 400 người tham dự và trở thành một sự kiện đáng chú ý khi được hãng truyền hình C-SPAN và một hãng truyền hình lớn khác ở Mỹ đưa tin. Nhưng ngay từ khi bắt tay vào việc, một câu hỏi, đúng ra là một nỗi niềm thôi thúc, day dứt luôn đặt ra đối với Christime Martin và Maryane Reed: Tại sao lại chỉ đề cập tới các nhà báo nữ của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam? Các nhà báo nữ của Việt Nam trong chiến tranh thì sao? Tìm câu trả lời, hai người phụ nữ Mỹ bay sang Việt Nam.
Lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam, thông qua các cơ quan có trách nhiệm của nước ta, tại Hà Nội, Christime Martin và Maryane Reed được giới thiệu gặp bốn nhà báo nữ của Thông tấn xã Việt Nam từng là phóng viên Thông tấn xã giải phóng tại chiến trường miền Nam trong những năm 1970: Hoàng Tuyết Trinh, Lê Kim Thoa, Cao Tân Hoà và Nguyễn Phương Thảo. Những cuộc gặp gỡ, phỏng vấn của Christime Martin và Maryane Reed với bốn nữ  phóng viên chiến trường này đã để lại cho hai người những ấn tượng sâu sắc. Christime Martin nói: “Chưa ai được nghe thấy những câu chuyện đó ở ngoài Việt Nam. Công việc của tôi là công trình của cả một đời người. Phải rất may mắn mới được gặp những người phụ nữ này và được nghe họ kể lại những câu chuyện của mình. Những câu chuyện này cần phải được kể cho mọi người biết...”.
Christine Martin và Maryane Reed đã trở lại Việt Nam lần thứ hai vào tháng 8 năm 2001, lần này, ngoài bốn nữ phóng viên trên, hai bà còn gặp thêm chị Triệu Thị Thuỳ, cũng là một nữ phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, thương binh trong chiến tranh, lúc đó đang là Phó Giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại thành phố Đà Nẵng...
Những chuyến sang Việt Nam, gặp  Triệu Thị Thuỳ cùng các nhà báo nữ nói trên đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với bà Christine Martin và bà Maryane Reed. Trong một bức thư gửi cho Triệu Thị Thùy cùng các nữ nhà báo Việt Nam đầu năm 2002, hai bà bày tỏ tình cảm của mình:  “ Rất cảm ơn sự rộng lượng và lòng tốt của các bạn đối với chúng tôi trong thời gian chúng tôi ở Việt Nam. Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi được nghe những câu chuyện xúc động của mình, mời chúng tôi ăn cơm, đến nhà thăm gia đình các bạn...Cảm ơn tất cả tình cảm của các bạn đã dành cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những người bạn và đồng nghiệp của chúng tôi ở Hà Nội.Những câu chuyện của các bạn đã gây xúc động không những đối với chúng tôi mà còn đối với cả nhiều người trên thế giới”.
Các nữ nhà báo của TTXGP Khu V:Hoàng Tuyết Trinh, Cao Tân Hoà, Lê Thị Kim Thoa, Triệu Thị Thùy (trái qua. Ảnh chụp tại Trà My, Quảng Nam, 1974)
Lần gặp lại gần đây nhất của tôi với chị Triệu Thị Thùy lại đúng vào ngày 27-7 năm nay, kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh liệt sĩ. Tôi đến thăm chị tại nhà riêng trên phố Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Đà Nẵng. Sau nhiều năm gặp lại chị và chồng chị, anh Hồ Phước Huề, cũng là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng tại Khu V trong chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi cùng nhau ôn lại biết bao kỷ niệm của một thời cầm bút không thể nào quên.
Chị Triệu Thị Thùy về hưu cách đây 4 năm, bây giờ bao tâm sức của chị đều dành cho chồng, cho con và cho các cháu.Anh chị cưới nhau sau chiến tranh, có hai con, một trai, một gái.Cháu trai ngoan ngoãn, học giỏi, là á hoa đầu ra của trường Đại học Bách hoa Đà Nẵng, niềm tự hào của cả gia đình. Cháu được về công tác tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, được cử đi học tiếp ở Nga, song không ngờ đang học dở dang bên ấy cháu bị mắc bệnh suy thận, phải về nước chữa trị. Vợ chồng chị Triệu Thị Thùy phải chạy đôn chạy đáo để ghép thận cho con và thật sung sướng, sau lần ghép thận ấy cháu vẫn lấy được vợ và sinh cho anh chị hai cháu nội, một trai, một gái rất kháu khỉnh. Gần đây bệnh thận của cháu lại tái phát, quả thận ghép bị hỏng, hàng tuần cháu phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.
Họa vô đơn chí, trong lúc hai vợ chồng tập trung mọi nguồn lực để chữa bệnh cho con thì chồng chị, anh Hồ Phước Huề lại bị bệnh nặng. Gần một năm trước đây anh được các bác sĩ chẩn đoán bị ung thư gan, có dấu hiệu di căn sang túi mật nên phải mổ cắt túi mật. Bao tiền của và sức lực của gia đình lại đổ vào vai chị, lo chữa bệnh cho chồng và con trai. Bây giờ chị Triệu Thị Thùy chỉ còn mong ước và hy vọng điều chẩn đoán của bác sĩ về bệnh tình của chồng và con mình là sai, trời thương cho chị được sống hạnh phúc bên chồng con mãi mãi…
Triệu Thị Thùy bảo, những lúc vui buồn chị dồn cảm xúc của mình cho thơ.Tôi biết chị có làm thơ, có một số bài khá hay nhưng chị không gửi đăng báo. Lần này, khi Cơ quan Đại diện của TTXVN tại Đà Nẵng mà một thời chị làm Quyền Giám đốc, đang chuẩn bị  xuất bản cuốn Kỷ yếu để kỷ niệm 52 năm Ngày thành lập Cơ quan Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ (Khu V cũ) vào 15 tháng 9 năm nay và đón nhận Huân chương lao động Hạng nhất, chị mới gửi một bài thơ của chị để in trong cuốn Kỷ yếu này. Bài thơ của chị có tên là “Bài ca tóc rụng” chị viết năm 1973, khi đang là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng tại miền Trung Trung bộ. Chị bảo với tôi bài thơ này chị viết sau khi thấy Cao Tân Hòa, sau này là vợ tôi,  nữ phóng viên cùng vào chiến trường một đợt với chị, người có mái tóc dài quá đầu gối, sau mấy lần sốt rét, mỗi khi gội đầu lại thấy tóc mình rụng nhiều quá, đến mức sau đó không thể để dài được nữa, phải cắt ngắn đi. Triệu Thị Thùy nói, bài thơ ấy không chỉ viết cho Cao Tân Hòa mà viết cho cả bao cô gái từng có mặt ở chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Lần gặp lại này, Triệu Thị Thùy tặng bài thơ ấy cho tôi, một nhà báo đồng nghiệp, lại là chồng của bạn mình, cùng sống chết trong những năm chiến tranh ở chiến trường miền Nam.Mạn phép chị Triệu  Thị Thùy, tôi xin giới thiệu bài thơ của chị:
Bài ca tóc rụng
(Thân tặng các cô gái ở chiến trường)
Triệu Thị Thùy
Cứ mỗi năm ở chiến trường
Mái tóc em lại rụng thêm một ít
Sông Trà Nô sớm ngày em gội tóc
Vẫn vuốt ve như bà mẹ hiền từ
Ru em về những giấc ngủ ngày xưa
                      *
Lúc còn thơ ngồi nghe bà kể chuyện
Ngày xửa ngày xưa có con chim nhạn
Rút lông dệt áo cho chồng
Chiếc áo thành, chim nhạn rụng hết lông
                       *
Ừ có phải lời nhủ từ thưở trước
Chẳng hạnh phúc nào không có hy sinh
Mái tóc em giờ ngắn ngang lưng
Dù rất nhỏ cũng góp phần hạnh phúc
                        *
Rồi một mai khi tuổi già tóc bạc
Em sẽ ngồi kể chuyện giữa cháu con
Câu chuyện mở đầu rằng ngày ấy ở miền Nam
Bà đã gặp những người tóc rụng
                                     1973
Bài thơ trên chị Triệu Thị Thùy làm cách đây đã 39 năm.Những cô gái Trường Sơn tóc rụng trong bài thơ của chị bây giờ đều đã thành bà nội, bà ngoại, tóc đã bạc trắng đầu. Dù cuộc sống của mỗi người mỗi khác, tôi biết họ vẫn giữ được phẩm chất của nhà báo-chiến sỹ và vẫn đang kể chuyện với cháu con rằng "...ngày ấy ở miền Nam/Bà đã gặp những người tóc rụng" như chính câu thơ của Triệu Thị Thùy ngày nào!
D.Đ.Q
Tháng 8/2012

 chú thích ảnh: Các nữ phóng viên TTXGP Khu V (từ trái sang): Hoàng Tuyết Trinh, Cao Tân Hòa, Lê Kim Thoa, Triệu Thị Thùy (ảnh chụp năm 1974 tại chiến trường Quảng Nam)