Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thơ trào phúng vịnh Kiều

Vũ Quốc Túy
Thứ tư ngày 28 tháng 11 năm 2012 2:59 PM

    Có thể nói trong kho tàng văn học nước nhà, Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm kinh điển mà nhân dân nghiền ngẫm, khai thác nhiều nhất. Nào là tập Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, bói Kiều, câu đối Kiều… Thôi thì vô vàn  các thú chơi văn chương tao nhã được khai thác từ truyện Kiều. Trong bài này, người viết chỉ dám đề cập tới một góc rất nhỏ trong bao la những bài vịnh Kiều, mượn Truyện Kiều để nói về muôn mặt đời sống xã hội. Những bài vịnh Kiều hài hước tiêu biểu phải kể đến nhà thơ Nguyễn Khuyến, hay còn gọi là Tam nguyên Yên Đổ. Vào khoảng năm 1905,  Lê Hoan, Tổng đốc Hà Nội, một võ quan từng bị giới sĩ phu Bắc Hà rất ghét vì tội đã đưa giám binh đi đánh Đề Thám. Ông ta muốn xóa đi điều tiếng xấu ấy để làm dịu lòng dân bằng cách cho tổ chức một cuộc thi vịnh Kiều. Những học sinh tham gia cuộc thi được cho xuống thuyền đi chơi sông Nhuệ. Ở trong thuyền vài ba ngày, mỗi thí sinh phải làm được 20 bài thơ vịnh Kiều bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, kèm theo một bài tựa. Hai nhà thơ là Nguyễn Khuyến và Chu Mạnh Trinh được mời ra chấm thi. Rõ là sự mưu ma chước quỷ. Nguyễn Khuyến rất ghét Lê Hoan, nhưng không thể chối từ nên ông đã tức cảnh mà làm bài thơ “Kiều bán mình”, lấy “thằng bán tơ” để ám chỉ Lê Hoan, ví bản thân mình là cụ Viên ngoại:
Thằng bán tơ kia dở giói ra
Làm cho bận đến cụ Viên già
Muốn êm phải biện ba trăm lạng
Khéo xếp nên liều một chiếc thoa
Nổi tiếng mượn màu son phấn mụ
Đem thân chuộc lấy tội  tình cha
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Đời trước làm quan cũng thế a?
   Suy cho cùng thì bài thơ trên đây không chỉ mỉa mai riêng cá nhân Lê Hoan. Chắc rằng các quan lại thời ấy (và cả bây giờ) đọc bài thơ này, ai có tật ắt phải giật mình đánh thót!
Thơ châm biếm của ông thì sâu cay như thế, nhưng với cái nhìn nhân ái về số phận con người,  Nguyễn Khuyến lại hài hước dường như rất bông phèng qua bài “Tổng vịnh Kiều” (Vịnh chung 20 hồi trong Truyện Kiều): “Kiều nhi giấc mộng khéo như cười/Tỉnh dậy xuân xanh quá nửa rồi/Số kiếp bởi đâu mà lận đận?/Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi!/ Cành hoa vườn thúy hương còn bén/Giọt nước sông Tiền nợ chửa xuôi/ Chẳng trách chàng Kim đeo đẳng mãi/Khăng khăng vớt lấy một phần đuôi”
  Đất Nam Định là nơi không chỉ sinh ra hai nhà thơ trào phúng tiêu biểu-Tú Xương (1870-1907) và Nguyễn Khuyến (1835-1909). Trong dân gian còn lưu truyền một câu chuyện về một bài thơ vịnh Kiều khá hài hước của một nhà nho nguyên là tù phạm ở Nam Định mà cho đến nay chưa ai biết rõ tên tuổi. Chuyện kể rằng có một ông quan Án sát (quan đầu tỉnh, tỉnh trưởng) ở Nam Định thấy một phạm nhân tự xưng là học trò nghèo bèn yêu cầu trong ba ngày phải làm xong một bài thơ vịnh Kiều. Nếu làm được thì sẽ tha bổng. Sau một đêm người này làm xong bài thơ và và đọc cho quan nghe. Bài thơ như sau:
Khép cửa phòng xuân luống đợi chờ
Mà em mất nết tự bao giờ
Chàng Kim mê gái còn đeo đẳng
Viên ngoại chiều con chết ngất ngư
Nợ trước thề bồi con đĩ Đạm
Duyên sau lăn lóc bố cu Từ
Mười lăm năm ấy bao nhiêu sướng
Còn oán trách chi chú bán tơ?
Trong bài thơ, “con đĩ Đạm” là chỉ Đạm Tiên, còn “bố cu Từ” tức là Từ Hải
Cứ xem xét và suy ngẫm về tinh thần chủ đạo của bài thơ có thể ngầm đoán rằng tác giả của nó là một trí thức hay phản biện, nên dễ bị quy chụp, kết tội. Thấy bài thơ tóm tắt đại ý truyện Kiều khá đầy đủ, câu 5 và 6 lại có cả tên họ của quan, quan đành phải xá tội cho người học trò nghèo chẳng may mắc vòng lao lí. Đời sau bảo rằng ông ta đã lấy chữ, lấy thơ để tự cứu mình.