Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cụ Nghè Phạm Duy Du và bài thơ "Đập đá Côn Lôn"

Đặng Văn Nam
Chủ nhật ngày 25 tháng 11 năm 2012 8:45 PM
 
        Vào một ngày cuối thu 2012 chúng tôi có dịp trở lại thôn Đồng Kênh thăm nhà thờ cụ Nghè họ Phạm. Bà con họ Phạm báo tin mừng: Ban quản lý Di tích tỉnh Thái Bình đang xét duyệt hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận Nhà thờ cụ Nghè Phạm Duy Du là Di tích Lịch sử Văn hóa... 
        Tiến sĩ Phạm Duy Du là một sĩ phu yêu nước chống Pháp bị địch bắt đày ra Côn Đảo rồi hy sinh, đến nay con cháu vẫn chưa tìm được phần mộ của cụ. Đọc hồ sơ di tích nhà thờ cụ Nghè họ Phạm, tôi chú ý tới những dòng viết về cụ Nghè trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình”. Sách viết rõ rằng trong thời gian bị tù ở Côn Đảo, cụ Nghè Phạm Duy Du có viết bài thơ thể hiện ý chí của mình có tựa đề là “Đập đá Côn Lôn”. Nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh cũng có bài thơ cùng tên được in trong sách giáo khoa và phổ biến rộng rãi nhiều năm nay. Còn bài của cụ Phạm Duy Du thì chưa mấy người biết tới. Bài thơ của cụ Nghè họ Phạm ra đời trước bài của cụ Phan Chu Trinh 10 năm. Nội dung hai bài thơ của hai cụ thể hiện cảnh lao tù khổ cực của tù nhân Côn Đảo, toát lên tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất trước kẻ thù dân tộc  và niềm lạc quan tin vào thắng lợi ngày mai.
        Tiến sĩ Phạm Duy Du sinh ngày 24 tháng 5 năm Kỷ Mùi (1859), quê ở xã Cần Phán, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình (nay là xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Cụ đỗ Cử nhân khoa Tân Mão niên hiệu Thành Thái thứ 3 (1891), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi (1895) niên hiệu Thành Thái 7, làm quan Tri phủ Kiến Thụy (Hải Phòng). Tên tuổi cụ Nghè Phạm Duy Du được khắc trên bia đá đặt trong Đại nội Huế.
        Làm quan đầu phủ nhưng cụ Phạm Duy Du sống thanh bạch, liêm khiết, giàu lòng thương dân, yêu nước. Năm 1897 cụ ngầm liên hệ với Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm và làm nội ứng cho quân nổi dậy của Mạc Đình Phúc chiếm đánh phủ Kiến Thụy dễ dàng. Sau cuộc nổi dậy thất bại, Mạc Đình Phúc bị xử chém. Cụ Phạm Duy Du bị triều đình quy tội có biểu hiện thiếu trách nhiệm, bỏ ngỏ công đường, không sử dụng các phương tiện hiện có để chống lại cuộc phản loạn. Cụ bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo cùng một số tù nhân Bắc Kỳ.
        Côn Đảo bao gồm 14 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích 72,18 km2. Tại nhà tù Côn Đảo, rất nhiều chiến sĩ yêu nước bị thực dân giam cầm, tra tấn dã man, bắt lao động khổ sai đến chết. Trong thời gian bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo, Tiến sĩ Phạm Duy Du đã viết bài “Đập đá Côn Lôn” thể hiện khí phách quật cường chống Pháp, tinh thần yêu nước của chí sĩ vùng đất Quỳnh Côi, Phụ Dực:
      
        Ở trọ nhà tù cảm nhục ôi
        Dành cho tiểu ẩn đấy mà thôi
        Dốc tài phục cổ đâu có khéo
        Nghệ mọn xưa nay rõ thời tồi
        Đông Quách nổi danh xưa mím sáo
        Nam Kha thiên mộng cạnh sườn đồi
        Suốt đời ta mộ Ngu Công chí
        Nguyện đục núi này sát biển chơi.
        Mười năm sau, năm 1908, nhà chí sĩ cách mạng Phan Chu Trinh bị cầm tù ở Côn Đảo cũng làm bài thơ “Đập đá Côn Lôn”:
        Làm trai đứng ở giữa Côn Lôn
        Lừng lẫy làm cho lở núi non
        Sách búa đánh tan năm, bảy đống
        Ra tay đập bể mấy trăm hòn
        Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
        Mưa nắng càng bền dạ sắt son
        Những kẻ vá trời khi lỡ bước
        Gian nan chi kể việc con con.
        Thực dân đế quốc dùng nhà tù Côn Đảo để dẹp tan tinh thần yêu nước của nhân dân ta, nhưng các tù nhân chính trị đã biến nhà tù thành nơi tôi luyện ý chí kiên cường, bất khuất, không sợ hy sinh gian khổ, vượt qua mọi chông gai trên con đường tranh đấu, giữ vững khí tiết chiến sĩ cách mạng. Lê Văn Huân – một người cộng sản bị lưu đày ở Côn Lôn đã viết:
        Biển Đông có một đảo
        Nối tiếp rừng anh hùng
        Ai lưu đày đến đó
        Nhân phẩm cao ngàn vàng.
        Trong những năm tháng lao động khổ sai, bị tra tấn dã man ở địa ngục trần gian nhà tù Côn Đảo, Tiến sĩ Phạm Duy Du đã giữ vững khí tiết người chí sĩ yêu nước đến khi sức tàn lực kiệt và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 27 tháng 6 năm Mậu Tuất (1898).
        Tuy cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất và “nhân phẩm cao ngàn vàng” của cụ Phạm Duy Du còn sáng mãi trong lòng nhân dân và con cháu họ Phạm. Tự hào và nối tiếp truyền thống cha ông, con cháu họ Phạm hậu duệ của Tiến sĩ Phạm Duy Du đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam...
                                                             ĐVN
  
Đặng Văn Nam
54C - Tổ 8 – phường Cửa Bắc – Tp. Nam Định – tỉnh Nam Định.