Theo lẽ thường, với người nghỉ hưu thì sáng uống trà nhâm nhi quá khứ, chiều thể dục cho huyết khí lưu thông và có điều kiện thì xuất bản miệng những câu chuyện của quá khứ vàng son nhưng nhà báo Dương Đức Quảng thì ngược lại. Ông viết trên giấy trắng mực đen và xuất bản thật. 62 bài tập hợp trong hai tập sách "Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng" và "Trầm luân nào có chừa ai" (NXB Lao Động năm 2012) hầu hết được viết từ năm 2005 đến nay, nghĩa là viết sau khi ông rời chốn quan trường.
Con số đôi khi chỉ cho ta biết sự miệt mài làm việc mà không cho ta biết chất lượng của các bài viết. Và ngạc nhiên là cả 62 bài của ông đều ổn, đặc biệt nhiều bài rất ổn. Phóng viên Thông tấn xã xưa nay vẫn nổi tiếng về làm tin nhanh và chính xác nên việc ông viết vài nghìn từ thuyết phục bạn đọc thì đó cũng là điều ngạc nhiên về ông.
Là phóng viên chiến trường ban đầu là Quảng Bình đất lửa rồi vào đến khu V trong suốt những năm tháng chống Mỹ khiến thời trai trẻ của ông vất vả, sống chết cận kề nhưng nó là tài sản quý cho một người làm nghề viết lách. Ông cũng hơn đồng nghiệp về chuyện "thâm cung bí sử" vì ông có hơn 10 năm phụ trách báo chí ở Văn phòng Chính phủ. "Chiếc nhẫn cưới của ông bộ trưởng và chiếc răng gẫy của ngài tổng thống", "Việt Nam trong lòng một người phụ nữ Mỹ", "Người hàng binh Maroc mang họ Bác Hồ" (trong cuốn Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng)... là thông tin riêng của ông. Những câu chuyện lạ, độc đáo chỉ đảm bảo là không trùng đề tài nhưng viết hay lại phụ thuộc vào tài năng. Và nhà báo Dương Đức Quảng làm được việc đó.
Hầu hết các bài viết về người thân, bạn bè và những con người mà ông kính trọng như ông tự bạch trong lời giới thiệu ở hai cuốn sách. Viết về người thân, bạn bè rất thuận lợi vì người viết biết "từng chân tơ, kẽ tóc" nhưng cũng không dễ nếu không dựng được cái thần, cái hồn của nhân vật thì bài viết cũng chỉ là bản sơ yếu lý lịch được kéo dài ra mà thôi. Viết về chân dung nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến (trong Trầm luân nào có chừa ai) chỉ cần một dòng kể: Vũ Huyến ở tuổi 60 đi xe máy phân khối lớn vào Vinh họp rồi lại chạy ra Hà Nội là ông đã nói được hai điều về bạn mình, một là "Huyến dở hơi" như mọi người hay đùa, hai là đi ôtô tài xế nào dừng xe cho chụp được ảnh.
Đọc Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng, được ông lấy là tên cuốn sách mà trọng nể Thiếu tướng Mai Thuận về công lao trận mạc trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng cũng thật bùi ngùi khi ông lâm bệnh và vợ ông - quân nhân nghỉ hưu hàng ngày tụng kinh niệm Phật mong Trời Phật ban phúc lành cho gia đình. Nếu không có cái kết này thì bài viết cũng chỉ ngợi ca một vị tướng mà không thấy thân phận con người trong cuộc sống hôm nay.
Hai tập sách "Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng" và "Trầm luân nào có chừa ai" của nhà báo Dương Đức Quảng.
Viết chân dung thường là khen, có người khen thừa nhưng Dương Đức Quảng lại khác. Ông không khoe bạn làm được cái gì, giải thưởng nào mà ông chọn tìm những câu chuyện rất đỗi bình thường, thậm chí là cả cái không may trong cuộc đời họ như một điểm nhấn cho bài viết. Trong bài "Giáo sư tiến sỹ toán mê Kiều và truyện tiếu lâm", ông kể chuyện GS. TS Trần Túc nguyên là giảng viên môn toán kinh tế của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đi học ở Liên Xô về xuống ga Hà Nội nghĩ ra trò viết mấy dòng chữ "Có bằng phó tiến sỹ, không nhà cửa nhờ người thương tình giúp cho ở nhờ" lên tấm bìa rồi ôm trước ngực bảo bác xích lô đạp quanh thành phố mà Trần Túc không có bà con thân thích. Nếu không kể chuyện đó thì cũng chỉ là bài báo bình thường, nhưng đưa nó vào để rồi không cần nói thêm các chi tiết khác đã nói lên tất cả: Trần Túc mải học quên lấy vợ, biết tính toán, hài hước, phó tiến sỹ có là cái gì đâu ở xã hội và...
Nhưng bài viết có giá trị nhân văn nhất, chính là bài ông viết về cuộc đời chị gái của mình. Viết về cha, mẹ, anh chị thì nhiều người đã viết kể cả bằng 7 nốt nhạc. Trần Tiến kể về chị mình bằng âm nhạc, Trọng Đài kể chuyện chị người khác cũng bằng nhạc nhưng nó vẫn là cái tôi của người viết với cảm xúc chủ đạo xót thương người thân. Cũng viết về chị mình nhưng Dương Đức Quảng đã vượt qua ngưỡng chuyện riêng tư nâng tầm bài viết có tính xã hội: sao nhiều phụ nữ Việt Nam vất vả và đắng cay, quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối vì chồng con, sao đàn ông Việt Nam vẫn gia trưởng và cửa quyền thế; rồi đề đóm, nghiện ngập do đâu...? Với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Đọc "Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng" và "Trầm luân nào có chừa ai" không chỉ hiển hiện hình hài con người mà còn thấy xã hội Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã hội ngày hôm nay với cảm xúc nghèn nghẹn, bâng khuâng, nuối tiếc và thương cảm thân phận con người cho dù họ là ai. Dương Đức Quảng không làm văn trong các bài viết, ông sử dụng thành thục lợi thế ngôn ngữ báo chí để viết về sự kiện, nhân vật tạo ra sức hấp dẫn, cuốn hút và từ đó gửi thông điệp tới người đọc, điều mà rất nhiều các bài viết hiện nay còn thiếu. Các bài viết dù ngắn hay dài đều có bố cục rõ ràng, không lan man xa sự kiện và ông biết đặt chi tiết ở đâu trong câu chuyện để nó đắt nhất. Điều này đã làm cho các bài viết của ông không nhang nhác ở đâu đó. Thật khó mà gọi ra một cái tên cho lối viết của ông, thôi thì cứ gọi là lối viết Dương Đức Quảng cho đơn giản.
Với ông chắc chưa thể dừng ở hai tập sách này vì chắc chắn ông còn biết rất nhiều chuyện mà các nhà báo khác không dễ biết được. Hy vọng sẽ được đọc tiếp những cuốn sách mới của ông...
Nguyễn Ngọc Tiến