Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đọc "Thằng cháu đích tôn" của Đinh Quang Tỉnh

Nguyễn Chính Viễn
Thứ ba ngày 30 tháng 10 năm 2012 9:01 PM

Truyện ngắn dự thi : “Thằng cháu đích tôn” của Đinh Quang Tỉnh ( VN số 43 ngày 27-10-2012). Tôi không biết Đinh Quang Tỉnh là “chính danh” hay “bút danh” hay cả hai !. Mô típ truyện không mới, thậm chí hơi cũ, nhưng vì viết theo lối kể chuyện, thân mật gần gũi, lại vào chuyện một cách mộc mạc tự nhiên...nên đã cuốn hút tôi đọc một mạch, không những đọc một lần, mà còn đọc lại lần hai để ghi lại những câu châm ngôn, phương ngôn, ngạn ngữ, ca dao tục ngũ đã được “cài đặt” trong câu chuyện để suy ngẫm thưởng thức  Đọc nó tôi có cảm giác như đang ngồi truyện trò với nhau ở bàn trà của một đêm trời thu mát mẻ. Truyện kể theo một trình tự thời gian, không gian rộng mở ở một gia đình họ Đinh mà người kể chính là người của dòng họ này, vào đời thứ 12 tại làng Đông An cổ, thành làng từ thời vua Lê chúa Trịnh. Đọc lên giúp người đọc hiểu được cuộc sống gia đìnla họ Đinh ở làng Đông An từ xa xưa đến bây giờ như thế nào! “Ruộng đồng mới khai hoang toàn là chân ruộng chua phèn,cỏ lau cỏ lác mọc như rừng, phần lớn đàn ông phải làm thêm nghề đánh rậm đánh cụp để bắt tôm bắt cá. Còn đàn bà con gái thì phải lặn lội mò cua bắt ốc để kiếm miếng ăn qua ngày.” “Nghèo đói quá hoá nghèo hèn”. Mối quan hệ làng xã đã được gói gọn 12 chữ : “Họ Đinh ăn rình họ Pham, họ Phạm đánh cạm họ Đinh” cũng là để nói lên cảnh sống bon chen, hẹp hòi, tư hữu, cục bộ bản vị, đèn nhà ai nhà ấy dạng ở làng quê. Tuy nhiên không phải là tất cả, con sông Ba Vành “sông cho nước ăn nước uống, tưới tắm ruộng vườn làm nên cuộc sống hiền hoà trù phú hôm nay”. Nó thể hiện sự đổi đời ở một vùng quê để nhận ra ở các vùng quê khác cũng thế. Truyện đã mô tả một cách sinh động, sự nhận thức và sự chuyển dịch thời cuộc được mô tả từ thấp lên cao, theo cung bậc của một gia đình có học hành ... “Dẫu biết ngũ cốc là gốc nhà nông” nhưng dòng họ Đinh đã biết hướng cho con em mình chăm chú học hành, chữ nghĩa hơn là làm giầu bằng nghề canh nông”. Truyện không ca ngợi một chiều, không lý tưởng hoá cao siêu mà vẫn đưa ra những sự việc trái chiều trong cuộc sống đời thường cần được “căn chỉnh” trong tương lai : “ vẫn còn nhiều đứa trẻ mảng (mải ?) chơi bỏ cả việc “dùi mài kinh sử”, bị đòn mà vẫn chứng nào tật ấy. Những sự đùa nghịch quá trớn của tụi trẻ mà thời nào cũng thế. Truyện đã thông điệp đến mọi người  về từng con người bằng sương bằng thịt từ già đến trẻ của dòng họ Đinh, cả những cái “riêng có” của dòng họ Đinh là “cái ấy” bao giờ cũng phải "vẹo” : Để đi đến diều khẳng định : “Chỉ có “ cu vẹo” mới là đích thực giai họ Đinh”. “Đến đời cha tôi là “hàng cửu” (đời thứ 9), cha mẹ tôi sinh được 3 trai , một gái”. “Ông nội tôi cố ý làm cháy nhà gây chết người, mà tội “thiêu gia, sát nhân” là tội to lắm. “Cha tôi lấy tên của hai viên quan huyện Phủ Xuân Trường là “Thành” và “Tỉnh” để đặt tên cho hai đứa con trai  cho bõ tức!” . Khi “cậu con trai đầu lòng (của ông Anh) được bà (mẹ) đặt cho cái tên “kêu” như cái khánh bằng vàng : “Đinh Gia Khánh”. Cả gia đình sống trong tình thương yêu đầm ấm. Người đi làm xa thì “thường thường gửi tiền về chu tất cho vợ cho con để tròn trách nhiệm làm chồng làm cha của con nhà tử tế”. “ Mẹ tôi đã ngót trăm tuổi, sức khoẻ kém dần, cụ chỉ đau đắu được ẵm đứa chắt đích tôn trước khi nhắm mắt xuôi tay”. “Thăng cháu đích tôn” đã trở thành cái cái trục xoay cho mọi chi tiết câu chuyện : “ Cụ ơi, thằng Hoàng đem đích tôn về cho cụ đây này”. “Cơ ngơi này là của thằng đít vàng đít bạc...”. Rồi niềm vui cũng như vỡ oà khi : “Ông trưởng tộc dương mục kỉnh ngắm, ngắm nghía rồi khẳng định : giống này (ý nói cái “cu ” của đứa bé) là giai họ Đinh ta rồi các ông ạ!... Đoạn ông cầm cây bút cẩn trọng viết tên Đinh Sĩ Khải- đời thứ 12 vào gia phả họ Đinh”. Bài viết có thể kết thúc ở đây, nhưng xin kéo dài thêm đôi chút để nói lên cái thích thú của nhận thức : Cái hay của Đinh Quang Tỉnh là đã để công gom nhặt những danh ngôn, ngạn ngữ... để  đưa vào truyện. Đó là những câu  “Trâu chậm uống nước đục”, “Người tính không bằng trời tính”, “Người đói quá hoá hèn”, “Họ Đinh ăn rình họ Phạm, họ Phạm đánh cạm họ Đinh”, “Khố ngắn đóng chật, ô chuột nằm co”, “Mưa thuận gió hoà” “An cư lạc nghiệp”, “Trên trời có ông sao Tua, ở làng Trà Lũ có vua Ba Vành”. “ Khuynh gia bại sản “. “Quyền huynh thế phụ”, “Sống thì lâu, chết giỗ đầu nay mai”, “Tiến thoái lưỡng nan”, “Được ăn cả ngã về không” v.v và v.v... Đọc không cần giải thích, người ta vẫn hiểu.Tác giả đã sử dụng “hợp cách” nên đọc cảm thấy có cảm xúc rất thú vị...
Tóm lại, truyện “ THẰNG CHÁU ĐÍCH TÔN” tác giả đã quán xuyến đã lột tả được những suy tư rất đời thường cả lạc hậu lẫn tiến bộ, đan xen nhau để nổi bật tính nhân văn với cái thần cái thế thuộc về nhân tình thế thái về đứa cháu đích tôn của một gia đình họ Đinh...
• Những câu trong ngoặj kép “...” là lời văn trong truyện.
• Bài này đã đăng ở chinhvien.Blogtiengviet.net