Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ai hát Quốc ca

Hoàng Thảo Chi
Thứ hai ngày 29 tháng 10 năm 2012 7:26 PM


Chiều nay, khi tan sở về đến nhà, tôi đang lúi húi thay quần áo, thì chợt nghe thấy tiếng mấy bé gái hát Quốc ca vọng lên. Tôi tò mò ra ban công nhìn xuống. Dưới sân, bốn năm cô bé trạc chín mười tuổi ngồi quây thành một vòng tròn đồng thanh hát Quốc ca. Chắc hôm nay ở lớp, cô giáo dạy hát Quốc ca, nên chúng đang tập lại. Tôi tự giải thích cho mình vậy, và tiếp tục lắng nghe chúng hát.
    Mấy câu đầu chúng hát được, đúng nhạc, đúng lời, cao độ, trường độ đều khá chuẩn. Nhưng đến câu tiếp theo thì bắt đầu có vấn đề. Nguyên văn câu ấy như thế này: Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca. Nhưng có đứa hát là: Súng tầm xa…có đứa hát là: Súng hỏa xa…có đứa hát đúng: Súng ngoài xa…Nói chung là cứ loạn cả lên. Tôi thấy buồn cười quá liền vươn cổ ra ngoài ban công gào lên:” Này mấy đứa, hát là: Súng ngoài xa…mới đúng! Làm gì có tầm xa với lại hỏa xa  hả !!!” Mấy cô bé giật nảy mình, im bặt ngửa cổ ngó lên chỗ tôi đứng. Sau khi định thần, hiểu điều tôi muốn nói, chúng quay lại cấu nhau, cố nén để không bật cười thành tiếng. Đứa hát đúng cất giọng:” Thấy chưa, bác ấy bảo là: Súng ngoài xa…mới đúng, bọn mi toàn hát bậy!” Mấy đứa hát sai hình như vẫn chưa tin lắm, chúng thì thào cái gì đó tôi không nghe rõ. Con bé lúc nãy tức quá đứng phắt dậy nói:” Được rồi, để tau chạy về lấy vở, đứa mô lúc nãy hát sai tao búng vỡ mũi…” Chu cha, căng thẳng ra phết. Nhưng có vở ghi bài hát là được rồi. Chắc chúng sẽ không còn cãi nhau như lúc nãy. Tôi yên tâm quay vào trong nhà, không chú ý đến mấy cô bé nữa. Nhưng bỗng nhiên, một kỉ niệm độc nhất vô nhị về lần hát Quốc ca năm nào lại thức dậy trong tôi, sống động tới tận những chi tiết nhỏ nhất. Tôi không thể làm được bất kì chuyện gì khác, ngoài việc cầm bút chép lại câu chuyện ấy, mong kể hầu các quý vị thư dãn trong giây lát.
    …Cách đây khá lâu, vì có việc cần giải quyết tại thành phố Hồ Chí Minh, buổi sớm tôi ra ga xe lửa thành phố mua vé tàu Thống nhất rồi ngồi đợi. Gần đến giờ khởi hành, thì nghe loa thông báo là đoàn tàu của tôi sẽ chậm lại khoảng hơn một tiếng vì sự cố gì đó. Chán nản, tôi đi kiếm một ly cà phê và một tờ báo An ninh thế giới, rồi vô trong phòng chờ ngồi đọc, giết thời gian. Mới lướt qua mấy cái tít của báo thì tôi nghe tiếng mưa rơi rào rào. Ngoài sân ga, cánh đàn ông làm nghề xe ôm, vội vàng khóa xe, chạy tán loạn vào nhà ga đứng tránh mưa. Mấy bà có tuổi buôn thúng bán mẹt cũng chạy nháo nhào như ma đuổi…Đã là cuối hạ, miền Trung bước vào mùa mưa bão. Cái mùa cơ cực, đói khổ nhất trong năm bắt đầu rồi đây. Tôi buồn rầu nghĩ bụng, rồi quay về với tờ báo của mình.
- Tất cả đứng dậy. Chuẩn bị làm lễ chào cờ.
Một giọng đàn ông trầm, vô cùng rắn rỏi và đầy uy lực đột ngột vang lên, át mọi tiếng ồn, át cả tiếng mưa rơi.
Như một phản xạ cố hữu, tôi gập tờ báo rồi đứng lên thật nhanh, tuy chẳng hiểu cái gì. Mọi người quanh tôi cũng hết thảy đứng lên. Cánh xe ôm ngoài hành lang cũng đứng nghiêm quay mặt vào. Tôi nhìn lên phía trước, dưới tấm pa nô thông báo giờ tàu, một người đàn ông đứng tuổi, vóc dáng cao lớn, với gương mặt vuông chữ điền đen trũi, cái miệng rộng mím chặt, ánh mắt bốc lửa dữ dội đang đứng nghiêm. Ông ta mặc một bộ quân phục đã bạc phếch, bên ngoài khoác một cái áo mưa tiện dụng màu sáng, chân đi đất. Vai ông ta đeo một một cái gậy tre dài khoảng hơn một mét, theo cái kiểu những người lính đeo súng trường khi hành quân. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tôi liếc phải, liếc trái định hỏi những người bên cạnh. Nhưng khi nhìn vào nét mặt mọi người, tôi biết là phải đội chữ nhẫn lên đầu trong lúc này…Khi tôi đang vô cùng bối rối thì người đàn ông hô cực to như thét:  
- Nghiêm! Chào cờ … chào! Quốc ca!
Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…
Đầu tiên chỉ có một mình người đàn ông hát. Nhưng sau đó mọi người dần dần hát theo. Tôi cũng hòa cùng mọi người. Không khí thật trang nghiêm, đầy phấn khích. Đây là lần chào cờ kì lạ nhất, xúc động nhất mà tôi tham dự trên cõi đời này. Không quốc kỳ, không có bất kỳ một nghi lễ gì, không vì bất kì lí do chi. Chỉ giản dị là chào cờ, hát quốc ca do một người tôi chưa biết là ai điều khiển. Nhưng tất cả mọi người đều trang nghiêm và hát say sưa với tất cả niềm tự hào thẳm sâu trong tâm hồn mình với bản Quốc ca của dân tộc. Nhưng bắt đầu vào đoạn hai, sau câu: Đoàn quân Việt Nam đi.Sao vàng phấp phới…Thì tôi thấy các giọng hát bỗng tắt đi hơn một nửa. Trong đó có cả tôi. Âý là vì mọi người không thuộc lời. Hình như người đàn ông đã biết chuyện sẽ như thế, nên ông ta đột ngột cất cao tiếng hát, cứ ngỡ như giọng của ông được phóng đại qua cái loa điện vậy. Tiện có tờ báo trong tay, tôi vội rút cây bút trên túi ngực ghi tốc ký lại lời hai của bài Quốc ca: Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than. Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới. Đứng đều lên gông xích ta đập tan.Từ bao lâu ta nuốt căm hờn.Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn… May quá, thế là tôi có được lời của bài Quốc ca, đoạn mà tôi chưa thuộc. Dạo ấy chưa có internet nên cụ Tổ sư bồ đề : Google chưa đến Việt Nam, muốn tra cứu cái gì cũng đành chịu. Nhất là cánh lao động chân tay như bọn tôi.
- Toàn đơn vị nghỉ. Giải tán. Xin cảm ơn.
Giọng người đàn ông cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Lễ chào cờ đặc biệt đã kết thúc. Tôi nhìn lên, người đàn ông điều hành lễ chào cờ vẫn còn đứng đó. Nhưng trong phút chốc ông đã hóa thân thành một người hoàn toàn khác. Gương mặt dữ dội, với những ánh nhìn bốc lửa đã biến đâu mất. Cái miệng rộng mím chặt khi nãy được thay bằng một nụ cười như trẻ thơ, đôi mắt thì vời vợi xa xăm như kẻ mộng du…cả gương mặt ông giãn ra, hiền lành như mặt của chú Tễu. Một cô gái với trang phục ngành đường sắt ( chắc là cô nhân viên bán vé của nhà ga ) mang ra cho ông một ly cà phê đen, một cái bánh mỳ gói trong tờ giấy ăn. Tôi thấy ông nhận và cúi đầu chào rất lịch sự, miệng nói: Cảm ơn, rồi đi ra ngoài sân ga, vừa đi vừa nói: Cảm ơn…cảm ơn…cảm ơn!!!
 Đoán là cô gái này biết rất rõ về người đàn ông kỳ lạ đó, tôi vội vàng chạy đến bên cô với vô số những câu hỏi nhằm thỏa mãn sự tò mò của mình. Cô gái nhìn tôi mỉm cười vẻ thông cảm hỏi:” Bác mới chào cờ ở đây lần đầu à?” Tôi gật đầu bảo:” Phải. Thế ở đây ngày nào cũng chào cờ kiểu này à? Mà ông ấy là ai vậy? Sao mọi người lại chấp hành mệnh lệnh của ông ấy trang nghiêm như thế??? “
- Khiếp, bác phỏng vấn liền tù tì như vậy thì cả ga nhà em cũng không trả lời hết, chứ mình em sao xuể…
Tôi và cô nhân viên nhìn nhau cười một thôi, rồi cô từ từ giải thích:
- Bác ấy tên là Hùng, nhà đối diện với ga, sỹ quan trong quân đội đã giải ngũ, cấp gì em không rõ. Bác ấy bị thương dạo đánh nhau ở cửa ngõ Sài Gòn năm bảy lăm. Trong đầu bác ấy vẫn còn găm một một mảnh đạn, nhưng các bác sỹ bảo không lấy ra được. Cứ trở trời là bác ấy lại như thế. Hôm đầu tiên, bác ấy xuất hiện, tất cả hành khách và nhân viên nhà ga sợ phát khiếp. Bác ấy cầm cái gậy tre vẫn đeo trên người (luôn mồm gọi là súng), dồn mọi người vào phòng chờ để chào cờ. Ai không đứng lên đều bị bác ấy đập.
- Thế ông ấy có đánh nhiều người bị thương không? Tôi sốt ruột hỏi.
- Không! Không ai bị thương cả. Nhưng mấy cái ghế thì toe xơ mướp. Bác ấy cứ nhằm vào ghế mà phang, miệng quát:” Quân kỉ thế à…quân kỉ thế à…” Mấy anh công an bảo vệ nhà ga xông vào can, thì bác ấy hô to:” Nghiêm. Các đồng chí quản bộ đội như thế hả! Chỉ có tổ chức chào cờ mà không xong, thì còn đánh đấm cái gì! Cách chức hết! Cách chức hết…” Thấy ồn ào, ông Giám đốc nhà ga chạy ra xem. Là một cựu quân nhân, ông Giám đốc hiểu ngay vấn đề, liền gọi hết nhân viên ra tập trung, còn cho gọi cả mấy ông xe thồ ở ngoài vào xếp hàng. Khi hàng ngũ đã chỉnh tề, ông Giám đốc bước đến trước mặt bác Hùng giậm chân cái oạch, giơ tay lên báo cáo kiểu nhà binh:” Báo cáo thủ trưởng, toàn đơn vị đã tập trung xong. Xin phép làm lễ chào cờ”. Bác Hùng cũng giơ tay chào,miệng nói : Tốt. Rồi quay ra hàng quân hô:” Nghiêm. Chào cờ…chào. Quốc ca”. Bác Hùng và ông Giám đốc hát đầu tiên. Dần dần mọi người cùng hát theo, nhưng sang đoạn hai thì chẳng ai thuộc lời, chỉ còn một mình bác Hùng hát. Ông giám đốc nhanh trí cho ghi lại lời đoạn hai của bài Quốc ca theo lời của bác Hùng, sau đó lệnh cho tất cả cơ quan ai cũng phải học thuộc. Coi như một tiêu chí thi đua của nhà ga năm ấy. Bây giờ mà có cuộc thi hát Quốc ca, thì ga nhà cháu nhất định chiếm huy chương vàng bác ạ.
    Mặt cô gái rạng rỡ khi nói về thành tích hát Quốc ca của cơ quan cô, nhưng tôi thì chỉ muốn biết buổi chào cờ đầu tiên kết thúc như thế nào? Nên hỏi vội: “Thế khi chào cờ xong, thì ông Hùng còn làm gì nữa không?”
- Không! sau lễ chào cờ, ông Giám đốc mời bác Hùng vào căn tin nhà ga chơi. Cô phụ trách căn tin mang ra một chai rượu nhỏ và một đĩa xào cho ông Giám đốc tiếp khách. Khi nâng cốc ngửi thấy mùi rượu, bác Hùng dằn mạnh cái cốc xuống bàn đánh” cốp”, nhìn xoáy vào ông Giám đốc mắng :” Ai cho phép các đồng chí uống rượu trong giờ làm việc hả. Không còn coi quân kỷ ra cái gì nữa! Dẹp ngay”. Ông Giám đốc nhanh trí lại giậm chân oạch một cái, đứng nghiêm:” Xin lỗi thủ trưởng, tôi hứa sẽ sửa chữa khuyết điểm. Bây giờ thủ trưởng dùng gì ạ?” Bác Hùng nghiêng đầu nói: “Cho tôi cà phê đen không đường và bánh mỳ”.
Khi cô phục vụ mang cà phê và bánh mỳ ra, bác Hùng nhận rồi cúi đầu chào, nở một nụ cười trẻ thơ, vừa đi vừa lẩm bẩm:” Cảm ơn…cảm ơn…cảm ơn!” Còn bây giờ thì bác biết rồi. Lâu lâu không thấy bác Hùng xuất hiện, ai cũng nhắc. Mọi người mong bác Hùng ra để chào cờ và hát Quốc ca…                                                                                                           Cô gái vừa dứt lời thì tiếng loa thông báo vang lên:
- Hành khách chú ý. Đoàn tàu S2 đang vào ga tại đường sắt số 1…
Đó là đoàn tàu của tôi. Tôi cảm ơn cô gái, rồi rẽ vào cửa soát vé lên tàu.

Vài ngày sau, khi trở về thành phố của mình, đi uống cà phê, gặp một ông bạn cũ đang làm ở sở Văn hóa thông tin, tôi hỏi:
- Cơ quan ông có hay chào cờ không?
- Có chứ, nhưng sao ông lại quan tâm chuyện chào cờ vậy?
- Không có gì. Thế lúc chào cờ, mọi người có hát Quốc ca không?
- Trời ơi lạc hậu quá, bây giờ chỉ cần đứng nghiêm thôi. Quốc ca đã có đĩa CD nó hát. Có ai thuộc hết Quốc ca đâu!!!
Nghe bạn nói, lòng tôi dâng lên một nỗi buồn xa thẳm. Tự nhiên trong đầu tôi hiện ra những mâm ngũ quả bằng nhựa bầy trên bàn thờ ông bà ở một số gia đình. Tôi không thích những đĩa nhạc quốc ca trong các lễ chào cờ và những mâm ngũ quả bằng nhựa ấy, chúng cứ gợi cho tôi nghĩ đến những hành vi giả dối của con người! Tôi cứ tự hỏi: Những tiếng cảm ơn…cảm ơn… cảm ơn mà ông Hùng vẫn nói sau khi chào cờ và nhận ly cà phê cùng bánh mỳ…là vì cái gì? Vì mọi người đã cùng ông hát Quốc ca, để ông nhớ và tự hào, về một thuở oanh liệt của đất nước, của đồng bào, đồng chí và của ông? Hay là vì bánh mỳ và cà phê???
 Có lẽ, ông đã cảm ơn vì cả hai điều đó!

Huế 27/10/2012
Hoàng Thảo Chi